Sáng kiến cứu độ của Thiên Chúa qua việc loan báo Tin Mừng là điều cần thiết giúp con người thoát ách thống trị của Tội Lỗi và số phận phải chết. Vì thế muốn được ơn cứu độ phải mở rộng tâm lòng đón nhận Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô.
CÁC LÝ CHỨNG THÁNH PHAOLÔ DÙNG ĐỂ LÊN ÁN
THÁI ĐỘ SỐNG BẤT TRUNG CỦA NGƯỚI DO THÁI
Trong chương 2,1-3,20 thư gửi giáo đoàn Roma, thánh Phaolô đã mạnh mẽ tố cáo thái độ sống bất trung của người Do thái, khiến cho họ cũng đáng phải phán xử và luận phạt như dân ngoại. Nhưng trước khi nêu ra các lý do, thánh nhân mở đầu cuộc tra hỏi tín hữu Do thái với lời kết luận hùng biện chặn họng: ”Bạn không thể tự bào chữa được”. Đây cũng là điều thánh nhân khẳng định trong vụ án chống lại dân ngoại trước đó (1,20). Nghĩa là đối với thánh Phaolô cả hai nhóm người đều đáng bị Thiên Chúa phán xử và luận phạt. Nhưng cái khó trong vụ án chống lại người Do thái là thánh Phaolô phải đương đầu với một giới chuyên môn xét đoán dân ngoại. Tuy vậy thánh nhân vẫn mạnh mẽ khẳng định rằng khi làm như thế là người Do thái tự kết án mình, bởi vì sự dữ mà họ trách cứ nơi dân ngoại, thì chính họ lại làm. Thánh Phaolô lột mặt nạ thái độ sống không trung thực và vô lý của các người Do thái đồng hương.
Nếu Thiên Chúa là Đấng công thẳng, cứ theo sự thật và lẽ công bằng mà xét xử kẻ làm điều gian ác, thì làm sao người Do thái có thể trốn tránh lời kết tội của Thiên Chúa, khi họ làm điều gian ác? (2,2). Dĩ nhiên, họ tin là sẽ không bị Thiên Chúa đánh phạt, vì họ là dân riêng được Thiên Chúa tuyển chọn. Nhưng xác tín đó chỉ là ảo tưởng, vì nếu qủa thật như thế hóa ra Thiên Chúa không phải là Đấng công thẳng hay sao? (2,3). Sự kiện họ viện dẫn lòng nhân lành, kiên nhẫn và quảng đại của Thiên Chúa cũng không có gía trị, vì ơn cứu độ không phải là cái gì tự động (2,4). Khi ỷ lại như thế là tín hữu Do thái không hiểu lòng nhân lành của Thiên Chúa, là Đấng thôi thúc và đợi chờ con người hoán cải tâm lòng và thay đổi lối sống. Lạm dụng lòng nhân lành của Thiên Chúa để sống trong chai lì tội lỗi là kéo đổ trên chính mình các hình phạt của Thiên Chúa trong ngày thịnh nộ của Ngài (2,5).
Ở đây thánh Phaolô lập lại các kiểu nói thông dụng trong truyền thống Kinh Thánh Cựu Ước liên quan tới ”sự phán xử công minh của Thiên Chúa”. Tiêu chuẩn Thiên Chúa dùng để thưởng phạt mỗi người là chiếu theo công việc họ làm (2,6). Do đó, chỉ có hai kết qủa: cuộc sống đời đời cho cho những ai sống theo sự thiện, chân thành kiếm tìm vinh quang, danh dự và sự trường sinh (2,7), và án phạt đối với những ai chạy theo điều gian ác, nổi loạn chống lại các đòi buộc giúp hiểu biết Thiên Chúa đích thực (2,8). Hậu qủa trái nghịch trên đây được lập lại trong hai câu 9-10 với các kiểu nói khác nhau. Thánh Phaolô khẳng định rằng thực tại này có giá trị đối với tất cả mọi người, không phân biệt ai: ”cho người Do thái trước và cho người Hy lạp sau”. Khác một điều là ở đây chính người Do thái tin mình được cứu rỗi, lại bị Thiên Chúa luận phạt. Thật thế, bởi vì Thiên Chúa là Đấng công minh, không thiên vị đối với tất cả những ai phải ra trước tòa phán xét (2,11). Trong ngày phán xử đó, các đặc quyền đặc lợi cũng như các què quặt tôn giáo sẽ không có ảnh hưởng gì trên sự phán xử. Mỗi người đều phải trả lẽ trước mặt Chúa về những gì mình đã làm.
Đặc biệt trong ngày đó, việc tuân giữ Lề Luật sẽ không giúp ích gì cho tín hữu (2,12-16). Dĩ nhiên việc giữ luật giúp phân biệt tín hữu Do thái với dân ngoại và là điều có lợi cho tín hữu Do thái (x. 3,2), nhưng tự nó không miễn trừ cho họ khỏi bị Thiên Chúa phán xử và luận phạt. Trong ngày sau hết, bất cứ ai cũng bị Thiên Chúa phán xử: ”Những người không biết luật mà phạm tội, thì sẽ bị diệt vong không chiếu theo luật. Những người sống dưới Luật Môshê mà phạm tội, thì sẽ bị xét xử theo Luật đó” (2,12). Việc chiếm hữu Luật Lệ không là yếu tố định đoạt. Thật ra, lời phán xử cuối cùng của vị thẩm phán, người sẽ tha tội hay tuyên bố tín hữu ”được công chính”, không dựa trên việc lắng nghe Luật Lệ và các đòi buộc của Thiên Chúa, nhưng dựa trên việc thực hành các Lề Luật đó trong cuộc sống thường ngày (2,13).
Trong viễn tượng phản đối ảo tưởng của tín hữu Do thái cho mình là chắc chắn sẽ được ơn cứu rỗi, thánh Phaolô đề cập tới các người không được cắt bì, tức các anh chị em ngoại giáo (2,14-16). Văn bản này đã khiến cho giới học giả tranh luận gay cấn và đặt ra khá nhiều vấn nạn. Ở đây thánh Phaolo muốn nói tới ai: các tín hữu kitô không phải gốc Do thái, hay người ngoại giáo? Thánh Phaolô có ý chứng minh rằng cả người ngoại giáo không có Luật Chúa cũng không thua kém gì người Do thái, và do đó tín hữu Do thái không thể khoe khoang là mình hơn người khác? Hay thánh Phaolô muốn nhấn mạnh trên thói quen luân lý tích cực của anh chị em ngoại giáo như yếu tố giúp đạt ơn cứu rỗi? Ngoài ra còn có câu hỏi khác: luật lệ viết trong tim của họ có gợi lại lời hứa của ngôn sứ Giêrêmia (31,31-33) và nằm trong khung cảnh của ơn thánh Chúa không? Hoặc đó chỉ là luật tự nhiên được mọi người biết đến và được lương tâm minh chứng?
Xem ra ở đây thánh Phaolô đề cập tới dân ngoại, chứ không phải là kitô hữu gốc ngoại giáo. Bối cảnh của văn bản minh chứng cho điều đó. Họ được thánh Phaolô nhắc tới ở đây như là dụng cụ, nghĩa là như lý chứng cho thấy việc tín hữu Do thái khoe khoang là có luật lệ không ích lợi gì cho họ. Luật lệ lại càng không cứu được họ, khi họ không tuân giữ và sống nó trong cuộc sống thường ngày. Trên bình diện này thì người Do thái và dân ngoại đều như nhau. Thêm một bước nữa thánh Phaolô chứng minh cho thấy dân ngoại cũng như tín hữu Do thái đều có được luật lệ của Thiên Chúa. Dĩ nhiên, người ngoại giáo không có Luật Lệ được mặc khải tại núi Siani như dân Do thái. Nhưng họ cũng biết các điều luật của Chúa, vì họ sống theo luật lệ tự nhiên, được viết trong chính con tim của họ. Chính tiếng nói lương tâm là vị thẩm phán nội tâm tán đồng hay phản đối các hành động của con người. Nó giả thiết thước đo sự phán đoán, nghĩa là sự hiểu biết thiện ác, tức các huấn lệnh và điều cấm của luật Chúa. Tóm lại, dân ngoại không phải là những người không có luật lệ. Người Do thái phải lượng định trở lại thái độ kiêu căng tự mãn của họ. Họ không phải là một trường hợp miễn trừ đặc biệt.
Có lẽ thánh Phaolô đã tùy thuộc nền triết lý khắc kỷ thời đó. Các ý niệm thánh nhân dùng là một bằng chứng, chẳng hạn như ý niệm tự nhiên (phýsis), tương quan mật thiết giữa tự nhiên và luật lệ luân lý, ý tưởng về lương tâm. Có lẽ triết gia Philong thành Alessandria cũng gợi hứng cho thánh Phaolô. Những gì ông nói liên quan tới tổ phu Abraham cũng giống những gì thánh Phaolô nói liên quan tới dân ngoại. Ngoài ra tư tưởng của ngôn sứ Giêrêmia liên quan tới luật lệ Thiên Chúa ghi khắc trong trái tim con người chắc chắn cũng ảnh hưởng ít nhiều trên tư tưởng của thánh Phaolô, cho dù chỉ trên bình diện từ vựng. Tuy nhiên, văn bản của thánh Phaolô không nhắc tới giao ước mới, do đó không thể cho rằng thánh Phaolô có ý nói tới năng động ơn thánh do Thiên Chúa ban như là ”luật lệ” sống động. Tuy nhiên, ở đây phải nhắc lại điều này: đó là thánh Phaolô không trực tiếp nói tới dân ngoại và việc chu toàn sự thiện cũng như khả năng lãnh nhận được ơn cứu rỗi vĩnh cửu của họ. Dĩ nhiên, họ ”chu toàn những gì luật lệ dậy”. Nhưng sự kiện này được thánh Paholô nhắc tới chỉ với mục đích chứng minh cho thấy tự chúng là luật. Đối với người Do thái cũng thế ngay cả khi họ có Luật Lệ Thiên Chúa ban. Tất cả đều chỉ có mục đích nêu bật sự phê phán của thánh Phaolô đối với thái độ tự mãn kiêu căng của người Do thái.
Câu 16 của chương 2 cũng gây ra nhiều vấn nạn. Xem ra nó không ăn nhập gì với phần đi trước. Học giả Bultmann cho rằng nó là một lời chú thích được thêm vào sau này, chứ không thuộc văn bản chính. Thật thế việc đặt song song lời phán xử của Thiên Chúa vào thời sau hết với Tin Mừng do thánh Phaolô rao giảng là gò bó, và là tư tưởng không hề thấy trong nền thần học của thánh Phaolô. Tuy nhiên, cũng không thể áp đặt điều này như là giải pháp chắc chắn. Trong thư thứ 1 gửi giáo đoàn Côrintô chương 4,4 có một câu tương tự: ”Qủa thật, tôi không thấy lương tâm áy náy điều gì, nhưng đâu phải vì thế mà tôi đã được kể là người công chính. Đấng xét xử tôi chính là Chúa”. Đàng khác, câu 16 chương 2 thư gửi giáo đoàn Roma: ”Người ta sẽ thấy điều đó, trong ngày Thiên Chúa cho Đức Kitô Giêsu đến xét xử những gì bí ẩn nơi con người theo Tin Mừng tôi rao giảng”, không phải là không thể gắn liền với đoạn văn trước đó. Nghĩa là những gì thánh Phaolô nói về dân ngoại hiện tại còn bí ẩn, nhưng sẽ lộ hiện rõ ràng trong ngày thực tại lịch sử được sáng tỏ.
CÁC ĐẶC QUYỀN TÔN GIÁO VÀ LUẬT CẮT BÌ KHÔNG TỰ ĐỘNG
ĐEM LẠI ƠN CỨU ĐỘ CHO NGƯỜI DO THÁI
Trong hai chương 2 và 3 thư gửi giáo đoàn Roma thánh Phaolô trưng dẫn các lý do minh chứng cho thấy Lề Luật cũng như các đặc quyền tôn giáo và đặc biệt là phép cắt bì, như dấu chỉ thuộc dân riêng Chúa chọn, không tự động đem lại ơn cứu độ cho người Do thái.
Trong chương 2,17-24 thánh Phaolô cho thấy sự tin cậy của họ vào các đặc quyền tôn giáo là điều hão huyền. Bốn câu 17-20 là một chuỗi các mệnh đề bị đứt đoạn, không ăn khớp văn phạm với nhau. Chúng cho thấy sự gẫy gập sâu xa nhất trong chính cung cách sống đạo của người Do thái. Danh sách các lý do hãnh diện của người Do thái bất thình lình ngưng ở câu 20. Thật ra tín hữu Do thái có cung cách sống phản chứng. Họ không thực hành điều họ tin, và không sống điều họ dậy người khác. Trong các câu 21-24 thánh Phaolô tố cáo cuộc sống không trung thực này của họ. Cụ thể mà nói kiểu sống phản chứng đó xoay qanh hai giới răn của Lề Luật Môshê và liên quan tới thái độ tôn thờ thần giả. Tin hữu Do thái tuyên xưng bằng lời nói bổn phận luân lý không được trộm cắp và không ngoại tình, nhưng họ lại trộm cắp và ngoại tình. Họ kinh tởm các hình thức tôn thờ ngẫu tượng, nhưng lại không ngại ngùng buôn bán các ngẫu tượng. Nói cách chung, họ khoe khoang là có Lề Luật, nhưng thay vì tuân giữ họ lại vi phạm Lề Luật, khiến cho Danh Chúa bị ô nhục. Vì cung cách sống phản chứng của họ trở thành dịp cho người ngoại giáo, tức những người không Do thái, nguyền rủa Đấng Tối Cao.
Như thế phải phán xử thái độ khoe khoang tự đắc của họ ra sao đây? Hãnh diện mang danh là người Do thái, lấy Lề Luật làm nền tảng vững chắc để biến lòng tin vào Thiên Chúa duy nhất trở thành lý cớ khoe khoang và tự mãn, hiểu biết thánh ý của Thiên Chúa được diễn tả ra trong các giới răn lãnh nhận tại núi Sinai, được dậy dỗ, giảng giải để có thể phân biệt đâu là điều thực sự quan trọng trong cuộc sống và hiểu biết chân lý để có thể trở thành bậc thầy dậy bảo những người ngoại giáo không biết Thiên Chúa và giáo huấn các người muốn theo đạo, thế mà tín hữu Do thái lại sống trái nghịch với những gì họ tin và dậy người khác. Đó không phải là chủ trương sống gỉa hình hay sao? Thánh Phaolô không chế nhạo người Do thái, cũng không phủ nhận các lý do rất chính đáng khiến cho họ có quyền hãnh diện về nguồn gốc và sự hiểu biết của họ. Nhưng thánh nhân phản đối cung cách sống phản chứng của họ. Ngài phản đối yêu sách của họ biến các đặc quyền tôn giáo cao qúy ấy trở thành lý cớ bảo đảm cho sự cứu rỗi tự động, máy móc, mà bỏ bê không nỗ lực sống đức tin một cách trung thực, mà sống phản đạo.
Liên quan tới luật cắt bì cũng thế. Trong các câu 25-29 chương 2 thư gửi giáo đoàn Roma thánh Phaolô tương đối hóa gía trị của luật cắt bì theo cùng một cách thức. Dĩ nhiên, luật cắt bì như dấu chỉ thuộc dân riêng Chúa chọn là điều hữu ích cho tín hữu Do thái, nếu họ thực thi Lề Luật Môshê. Nhưng nếu không tuân giữ Lề Luật của Chúa, thì người Do thái đâu có khác gì dân ngoại không cắt bì? Ngược lại người ngoại giáo mà tuân giữ Lề Luật của Chúa, thì cho dù chưa cắt bì cũng được kể là đã cắt bì, tức thuộc dân riêng Chúa chọn (cc.25-26). Gía trị nội tại đích thực của con người không tùy thuộc sự kiện cắt bì hay không cắt bì, mà tùy thuộc nơi việc thực thi các giới răn của Thiên Chúa hay không trung thành sống các giới răn đó. Nói cách khác, khi chỉ hạn hẹp đức tin vào việc mang nhãn hiệu dân riêng Chúa chọn, tín hữu Do thái không phải là người đã được cắt bì thực sự. Ngược lại, dù là người ngoại giáo, không mang dấu vết cắt bì trên thân xác, nhưng nếu biết thực thi Lề Luật của Chúa trong cuộc sống mỗi ngày, người đó đã được thực sự cắt bì, tức thực sự thuộc dân riêng Chúa chọn. Chúng ta đang đứng trước tiến trình nội tâm hóa lòng tin. Thánh Phaolô đối chọi việc cắt bì tâm lòng như thực tại vô hình nằm sâu thẳm trong đáy tim con người và như là hoa trái hoạt động của Chúa Thánh Thần, với sự cắt bì trên thân xác, là thực tại hữu hình phù hợp với các giáo huấn của Lề Luật Môshê. Nhưng trong cuộc sống đức tin chỉ có biến cố cắt bì tâm lòng là quan trọng và có giá trị định đoạt cho ơn cứu độ của con người (cc.27-29). Vì thế, cần phân biệt giữa tín hữu Do thái đích thực và tín hữu Do thái giả hiệu. Thật ra, cái hữu hình bề ngoài không xác định căn cước đích thực của một người, bởi vì căn cước đích thực của con người tùy thuộc các yếu tố thẳm sâu mà đôi con mắt xác thịt không thể nào nhìn thấu suốt được. Ở đây cần ghi nhận điều này: đó là tư tưởng của thánh Phaolô không theo khuynh hướng duy linh theo kiểu nhị nguyên, đối chọi thân xác với linh hồn trong nghĩa nhị nguyên biện chứng của triết lý hy lạp. Nhưng thánh Phaolô đối chọi thực tại tôn giáo như là một cơ cấu, ở đây là luật cắt bì, với thực tại cuộc sống cụ thể tức là thái độ tuân hành các giới răn của Lề Luật. Do đó không được giải thích sự cắt bì tâm lòng theo chủ thuyết duy linh. Cắt bì tâm lòng ở đây ám chỉ thực tại đổi đời, khắc ghi trong cội nguồn sâu thẳm của con người, trong các lựa chọn và quyết định của con người. Nó là hoa trái hoạt động biến đổi của Thần Khí Chúa.
Thực tại trình bầy trên đây không chỉ áp dụng cho việc tìm hiểu căn cước của tín hữu Do thái đích thực, mà còn ứng dụng cho cặp ý niệm thẩm phán bị kết án nữa. Tín hữu Do thái tự tôn mình lên làm quan tòa phán xử dân ngoại. Nhưng với các lý chứng kể trên thánh Phaolô lật ngược vai trò. Giờ đây chính dân ngoại, không cắt bì trên thân xác nhưng cắt bì trong tâm lòng lại trở thành thẩm phán xét xử người Do thái, có Lề Luật và phép cắt bì, nhưng đã vi phạm Lề Luật. Trước mặt Thiên Chúa là vị Thẩm Phán Tối Cao, những kẻ bị người Do thái lên án cho là hư mất lại được cứu rỗi, còn chính người Do thái tưởng mình nắm chắc phần rỗi vì được người đời ca tụng là đạo đức, lại bị án phạt đời đời.
Chương 3,1-8 là văn bản trong đó thánh Phaolô tấn công thành trì kiên cố cuối cùng nơi tín hữu Do thái ẩn trốn. Đó là các lời hứa không lay chuyển và vô điều kiện của Thiên Chúa. Người Do thái ỷ lại vào các lời hứa ấy và coi chúng là bảo chứng ơn cứu độ Thiên Chúa ban cho họ. Thiên Chúa là Đấng tín trung và lời Ngài bất diệt, vì thế lời Thiên Chúa hứa không bị ảnh hưởng bởi các lựa chọn đổi thay của dân Do thái. Sự bất trung của dân Do thái không những không có sức mạnh hủy bỏ lời Thiên Chúa hứa mà còn chứng minh cho thấy tính chất vững vàng không lay chuyển của các lời hứa đó. Vậy nếu các lời Thiên Chúa hứa ban ơn cứu độ cho dân Do thái là dòng dõi tổ phụ Abraham, tuyệt đối không thể giảm thiểu, thì tại sao thánh Phaolô lại có thể lôi tín hữu Do thái ra trước tòa án của ngày phán xét sau cùng được? Làm như thế hóa ra thánh nhân nghi ngờ cả chính Thiên Chúa và sự tín trung của Ngài hay sao?
Không, thánh Phaolô không nghi ngờ Thiên Chúa và lòng trung tín của Thiên Chúa là các tiền đề của cuộc tranh luận này. Nhưng thánh nhân chối bỏ hiệu qủa tự động của ơn cứu độ, mà người Do thái rút tỉa ra từ các tiền đề nói trên. Dĩ nhiên, chính các lời Thiên Chúa hứa ban ơn cứu độ cho dòng dõi của tổ phụ Abraham là lý do giải thích sự cao vượt của tín hữu Do thái và sự ích lợi của phép cắt bì (cc.1-2). Và sự bất trung của con người cũng không thể hủy bỏ lòng tín trung của Thiên Chúa (c.3). Thật vậy, trái lại chính sự so sánh và cái khác biệt ấy giữa Thiên Chúa là Đấng luôn trung tín và con người đổi thay nay trắng mai đen, chứng minh cho thấy sự chân thật của Thiên Chúa và cái giả dối của con người. Thánh Phaolô trích Thánh Vịnh 50,6 để chứng minh cho thấy Thiên Chúa thắng cuộc tranh tụng, khi con người tố cáo Ngài là đã không giữ lời hứa trong khi hoạt động can thiệp vào lịch sử loài người, bởi vì ”Thiên Chúa là Đấng công minh”.
Trong chương 3 câu 3 thánh Phaolô hạn chế sự bất trung của dân Do thái vào một số nhỏ khi viết: ”Nếu có một số người Do thái không trung tín… ” Thánh nhân nêu lên trước vấn nạn hóc búa liên quan tới thái độ không tin của đa số dân Do thái đối với Đức Giêsu Kitô và Tin Mừng, sẽ được ngài khai triển rộng rãi trong các chương 9-11 của thư gửi giáo đoàn Roma. Chính thái độ khước từ gia nhập Giáo Hội của Chúa Kitô xem ra đặt nghi vấn liên quan tới sự tín trung của Thiên Chúa đối với các lời hứa ban ơn cứu độ cho dân Do thái. Dầu sao vẫn còn có một “số sót” được cứu rỗi. Đàng khác từ ”apistía”, ”bất trung, bất tín” không chỉ được hiểu như là không tuân giữ luật lệ mà cũng đặc biệt ám chỉ thái độ của người Do thái khước từ lòng tin kitô. Sự bất trung của tín hữu Do thái nêu bật lòng trung thành của Thiên Chúa, nhưng không vì thế mà Thiên Chúa không thịnh nộ đánh phạt người Do thái (c.5), bởi vì Thiên Chúa cũng là Thẫm Phán chí công nữa (c.6). Lòng tín trung của Thiên Chúa đối với các lời Ngài đã hứa và việc phán xử kẻ gian ác tội lỗi không phải là hai thực tại không thể dung hòa với nhau.
Nhưng tín hữu Do thái có thể nêu lên khúc mắc cuối cùng: nếu sự bất trung của tôi làm vinh danh lòng tín trung của Thiên Chúa, thì làm sao Thiên Chúa lại có thể đối xử với tôi như kẻ tội lỗi được? (c.7). Nhưng đó không phải là lý do chính đáng biện minh cho thái độ sống tội lỗi của con người. Khi nói như thế là tín hữu Do thái quên rằng Thiên Chúa là Đấng không bao giờ tán thành điều dữ, và Ngài tín trung ngay trong khi phán xử người gian ác. Trong chương 3,9-20 thánh Phaolô kết luận rằng người Do thái không có lý do gì để khoe khoang, vì họ cũng sống dưới ách thống trị của tội lỗi y như người ngoại giáo. Các lời trích Kinh Thánh Cựu Ước (cc.10-18) minh chứng cho thấy tình trạng sống hư hỏng toàn diện của xã hội loài người, bởi vì không có ai là người công chính. Sự dữ đã xâm lấn và thống trị mọi cơ phận trong thân xác con người từ mắt mũi tới miệng lưỡi, chân tay. Hai câu 19-20 đặc biệt nhắm tới tín hữu Do thái là những người hiểu biết Lề Luật và sống dưới Lề Luật, nhưng lại không tuân giữ Lề Luật. Đây là bằng chứng cho thấy luật lệ không thể trao ban ơn cứu độ cho con người, bởi vì nó là dụng cụ ách thống trị của Tội Lỗi, chứ không phải dụng cụ của sự giải thoát.
Câu kết luận này cũng dẫn nhập vào một đề tài mới sẽ được thánh Phaolô khai triển rộng rãi trong chương 7. Nói cách khác, thánh Phaolô không lên án việc tuân giữ Luật Chúa, nhưng lên án thái độ tự mãn coi việc tuân giữ đó tự động bảo đảm ơn cứu độ cho con người. Điều ngài muốn nói là sáng kiến cứu độ của Thiên Chúa qua việc loan báo Tin Mừng là điều cần thiết giúp con người thoát ách thống trị của Tội Lỗi và số phận phải chết. Vì thế muốn được ơn cứu độ phải mở rộng tâm lòng đón nhận Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô.
Linh-Tiến-Khải
Views: 0