DIE GESCHICHTE DER KIRCHE IN 100 REPORTAGEN
Tác giả : Josef Holzer
Người dịch : Đinh Phan Cư
Phạm Hồng-Lam
TRÌNH THUẬT 24
CUỘC CHIA TAY ĐÔNG TÂY
Ngày 16.07.1054, "trong lúc các giáo-sĩ chuẩn-bị dâng lễ như thường lệ“, hồng-y Humbert Silva Candida, sau khi đặt tờ vạ tuyệt-thông lên bàn thờ thánh đường Hagia Sophia ở Kon-stan-ti-nôp, miệng vừa càu-nhàu về sự ngang-bướng của Kerullarius chân vội-vàng bước ra khỏi nguyện đường, cúi xuống "phủi buị dính chân“, rồi dõng-dạc nói: "Ước chi Chúa thấy mà phán-xét chúng con!“ Từ ngày đó, Giáo-hội chính-thống, cũng gọi là Giáo-hội Hy-Lạp, chia-tay hẳn với Giáo-hội Rô-Ma. Michael Kerullarius lúc đó là thượng-phụ ở Kon-stan-ti-nôp, còn Humbert là bí-thư và là sứ-thần của giáo-chủ Lê-ô IX.
Xung-khắc đã được chuẩn-bị trước
Lê-ô IX (1049-1054) là vị giáo-chủ người Đức thứ tư. Tên ngài là Bruno Bá-tước đất Egisheim và Dagsburg, một người bà-con với hoàng-đế Heinrich III, ngoan đạo và rất có khả-năng. Bữa nọ, khi đang ở miền nam Ý, nơi dân Norman định-cư từ thế-kỉ thứ 11, Giáo-chủ nhận được một lá thư với giọng trách-móc, thoá-mạ và kết-án của Kerullarius. Thượng-phụ đổ cho Giáo-chủ tội đã cho phép Giáo-hội la-tinh dùng bánh không men trong thánh-lễ một cách vô lí và hát "Alleluia" trong mùa chay. Giọng-điệu chính của lá thư là muốn gây chuyện với Giáo-chủ, nhằm cản-ngăn nỗ-lực của Giáo-chủ và hoàng-đế Kon-stan-ti-nôp trong việc dàn-xếp vấn-đề dân Norman. Thượng-phụ sợ Giáo-chủ ảnh-hưởng lên thẩm-quyền mình. Lê-ô giao cho thư-kí là hồng-y Humbert trả lời thư. Humbert là một tu-sĩ biển-đức và sẽ còn đóng vai-trò trong vụ "tranh-chấp năng-quyền" về sau. Giáo-chủ cử Humbert tới Kon-stan-ti-nôp giao thư và tìm cách hoà-giải với Kerullarius. Nhưng vì tính nóng, tự-phụ và lời-lẽ thô-bạo, ông này đã làm vỡ cuộc đàm-phán. Ông tự coi như kẻ bề-trên và vấp phải lỗi lớn khi bảo rằng chỉ cần sự ưng-thuận của Hoàng-đế chứ chẳng cần gì Thượng-phụ. Nhưng người chủ-động ở phương đông lúc đó là Thượng-phụ chứ không phải Hoàng-đế. Khi Kerullarius không muốn tiếp-tục đàm-phán với Humbert nữa, vì thâm-tâm ông đã nghĩ đến chuyện tách rời Rô-ma, Humbert hết kiên-nhẫn và ra vạ tuyệt-thông Kerullarius, Giáo-chủ Lê-ô cũng đã nghĩ tới chuyện tuyệt-thông trong trường-hợp Kerullarius tỏ ra bất hợp-tác. Nhưng ngài mất ngày 19.04.1054. Người kế nhiệm thì mãi về sau mới được bầu lên. Humbert ra vạ tuyệt-thông khi giáo-chủ đã mất. Vì thế, người ta nghi-ngờ tính hợp pháp của vạ này.
Nội-dung bản vạ chứa "những lời cáo-buộc người đông phương một cách vô-lối rất khó nghe" (Wilhelm ở Vries), nên khi vừa phổ-biến, nó tạo căm-phẫn nơi giáo-dân và giáo-sĩ Kon-stan-ti-nôp. Họ bừng-bừng chống lại Rô-ma. Các sứ-thần Rô-ma phải vội rời Kon-stan-ti-nôp. Trước đó Kerullarius cũng đã tuyệt-thông Humbert. Kerullarius cho đốt bản vạ của Giáo-chủ giữa công-trường để công-khai bày tỏ quyết-định đoạn-tuyệt với Rô-ma. Thật ra, Kerullarius chỉ cho đốt phó bản, chứ bản chính ông cất giữ.
Việc tuyệt-thông Kerullarius không phải là bước đầu của cuộc chia-tay. Nhưng nó cho thấy sự thất-bại trong nỗ-lực đầu tiên của Rô-ma muốn bình-thường-hoá lại quan-hệ với Kon-stan-ti-nôp, mối quan-hệ mà lúc đó trên thực-tế chỉ còn thoi-thóp. Cuộc phân-rẽ thực ra đã có từ thời thượng-phụ Photius. Mặc-dù Photius chỉ cắt liên-lạc trong ba năm (863-867) nhưng sau đó trao-đổi giữa hai bên hầu như chẳng còn tiếp-tục.
Khi cho mình là "chính-thống" (Orthodox), Giáo-hội Kon-stan-ti-nôp muốn nói rằng Giáo-hội Rô-ma đã đi sai đường chính, đã xa-rời giáo-huấn Chúa dạy.
Photius "truất-phế" Giáo-chủ
Photius là một học-giả nhiều cao-vọng, một công-chức cao cấp, chỉ-huy trưởng đội vệ-binh hoàng-cung tại Kon-stan-ti-nôp và là một người trong hoàng-tộc. Năm 858, ông được hoàng-đế chỉ-định làm thượng-phụ. Vì lúc đó còn là một giáo-dân, nên ông đã được phong vội-vàng một lúc hai chức linh-mục và giám-mục. Tuy nhiên, sứ-thần của giáo-chủ Ni-kô-lê-ô I đã buộc ông từ chức vì có nhiều chuyện không hay trong việc đề-cử. Photius vì thế đã truất-phế Giáo-chủ…
Khi Hoàng-đế – người bảo-hộ Photius – bị ám-sát, Photius bị truất chức. Nhưng sau khi vị thượng-phụ tiền-nhiệm của ông (trước đó đã bị đuổi khỏi Kon-stan-ti-nôp một cách bất công) mất, ông được đưa trở lại ghế thượng-phụ, cho tới khi bị giáo-chủ Lê-ô VI truất quyền vĩnh-viễn. Ông mất vì bệnh năm 891 trong một tu-viện. Lí-luận của Photius trong việc truất chức giáo-chủ Rô-ma như sau: Phê-rô đã là giám-mục của Antiochia trước khi ngài trở thành giám-mục Rô-ma. "Hơn nữa, nếu Rô-ma dựa vào vị tử-đạo Phê-rô để đòi vị-trí ưu-quyền, thì vị-trí đó hẳn phải thuộc về Giê-ru-sa-lem. Hơn nữa, nếu các ghế giám-mục tuỳ thuộc vào tư-cách của những người ngồi trên đó, thì phải chăng Giê-ru-sa-lem đã là nơi mang lại bao nhiêu chiến-thắng vinh-quang? Hơn nữa, nếu Rô-ma dựa vào Phê-rô để dành quyền ưu-tiên, thì Byzanz phải được ưu-tiên hơn vì An-rê (anh của Phê-rô) đã làm giám-mục ở đây. Vì An-rê đã làm giám-mục Byzanz nhiều năm trước khi em ông là Phê-rô lên ghế giám-mục Rô-ma." Photius đưa ra lí-luận thân-tộc giữa An-rê và Phê-rô để biện-minh cho ưu-quyền của mình. Thật ra, thượng-phụ Kon-stan-ti-nôp chỉ giữ vai-trò quan-trọng kể từ khi hoàng-đế Konstantin bỏ Rô-ma dời đô sang Kon-stan-ti-nôp.
Quan-hệ giữa Rô-ma và Kon-stan-ti-nôp từ đó đã không được tốt-đẹp. Cho tới 200 năm sau, nó bị Kerullarius cắt đứt hoàn-toàn. Hoàng-đế Phía Đông thì trái lại vì lí-do chính-trị vẫn không muốn Giáo-hội phân-rẽ.
Cuộc chia-tay đông tây được chính-thức-hoá từ ngày Kerullarius cao-vọng và Humbert cao-ngạo tuyệt-thông nhau. Nhưng nó không phải là "sản-phẩm" của hai vị đó, mà đã bắt nguồn từ xa trước.
Phân-rẽ bắt đầu từ hoàng-đế Diokletian
Gốc rễ chính-trị bắt nguồn từ ngày hoàng-đế Diokletian chia Đế-quốc Rô-ma ra thành hai vùng hành-chánh vào năm 286, thành Đế-quốc Rô-ma Phía Tây và Đế-quốc Rô-ma Phía-Đông. Rồi đại-đế Konstantin lại chuyển đô về Kon-stan-ti-nôp, để thành này dần trở nên đối-thủ của Rô-ma. Một bước nữa về hướng phân-rẽ là khi hai vùng hành-chánh trở thành hai quốc-gia riêng, sau cái chết của hoàng-đế Theodosius vào năm 395. Thêm bước nữa là việc đội mũ hoàng-đế Đế-quốc Rô-ma Phía Tây cho vua Karl năm 800. Dưới nhãn-quan của dân đông phương thì nguyên-nhân phân-rẽ đã do giáo-chủ tạo ra trước đó, khi giáo-triều liên-minh với Pippin và được ông này tặng đất lập lên một Quốc-Gia Giáo-hội.
Tâm-tính hai bên cũng khác
Sự khác-biệt tâm-tính giữa đông và tây, giữa người hi-lạp và người la-tinh, cũng là một nguyên-nhân phân-rẽ. Người đông phương nghiêng về suy-tư trầm-lắng, thích dùng biểu-tượng và cái rõ-ràng dễ hiểu. Người tây phương ngã về hành-động, thích trật-tự và kỉ-luật, thích-ứng nhanh với thay-đổi ngoại-cảnh, thích chính-trị, thực-tế và ít đặt nặng truyền-thống.
Hai khác-biệt này đã có trước khi Ki-tô giáo tới. Chỉ tiếc rằng Ki-tô giáo đã không xoá được làn ranh đó. Để cuối cùng khác-biệt đã trở thành thù-địch. Ngoài các hoàn-cảnh chính-trị bất lợi kể trên, khác-biệt ngôn-ngữ cũng là một yếu-tố trong cuộc phân-rẽ: từ thế-kỉ thứ 7, ngôn-ngữ chính-thức la-tinh ở đông phương dần bị ngôn-ngữ hi-lạp thay thế.
Cũng không nên quên mâu-thuẫn văn-hoá giữa những người Hi-lạp học-thức và man-dân German thường mù chữ. Dưới mắt người Hi-lạp, các vua chúa Franken, hoàng-đế Karl và ngay cả giáo-chủ Lê-ô IX – vì cũng là người đức – đều là "man-dân".
Một thời-điểm đặc-biệt
Cuộc chia-tay xẩy ra vào một thời-điểm đặc-biệt, nghĩa là sau khi các dân-tộc sla-vơ vào đạo. Nên khi Kon-stan-ti-nôp tách, họ kéo các nước được họ truyền giáo (Bun-ga-ri, Nga, Sẹc) theo luôn. Nếu chỉ có Kon-stan-ti-nôp không thôi, thì ngày nay đã chẳng còn ai nhắc đến. Nhưng nên nhớ Giáo-hội chính-thống hiện nay có trên 160 triệu tín hữu .
Cũng nên nói thêm là, dù có phân-rẽ, giấc mơ trở thành "Giáo-chủ" trên toàn Giáo-hội đông phương của các thượng-phụ Kon-stan-ti-nôp đã không đạt được. Vì chủ-trương giáo-hội quốc-gia nên họ đã không tạo được nhất-thống. Độc-lập quốc-gia kéo theo độc-lập của giáo-hội khỏi Kon-stan-ti-nôp. Các thượng-phụ Kon-stan-ti-nôp chỉ có vai đàn anh danh-dự trong Giáo-hội đông phương mà thôi.
Chủ-trương giáo-hội quốc-gia của Kon-stan-ti-nôp còn đưa đến hệ-quả quan-trọng là thần-quyền phải phục-tùng thế-quyền. Tại các quốc-gia chính-thống giáo hiện nay không có độc-lập rõ-ràng giữa giáo-hội và nhà-nước.
TRÌNH THUẬT 25
GIÁO-HỘI TRONG THẾ -KỶ " ĐEN" (TK. X)
Lịch-sử Giáo-hội cũng có mặt trái của nó. Giáo-hội trải qua giai-đoạn đen-tối nhất trong thế-kỉ thứ 10, cụ-thể từ năm 882 tới 962. Người ta tưởng Giáo-hội đã không trỗi dậy nổi sau những biến-cố thời đó. Nhưng Giáo-hội đã đứng dậy được. Sự-kiện đó càng làm người ta tin vào nhiệm-tích Giáo-hội. Vì nếu như Giáo-hội được xây-dựng thuần-tuý trên một ý-thức-hệ của con người, thì nó chắc-chắn đã sập rồi.
Chưa có giải-pháp dân-chủ nào khác
Ngày nay ai lên tiếng phê-bình quyền-bính tuyệt-đối của một hoàng-đế thời trung-cổ, kẻ ấy không hiểu gì lịch-sử, bởi thời đó chưa có chế-độ dân-chủ. Vì không có hoàng-đế nên giai-đoạn từ 896 tới 962 đã rơi vào hỗn-loạn. Bên trong, loạn tranh-chấp của các ông hoàng. Bên ngoài, hoạ xâm-lăng của người Hồi giáo, Norman và Hung-nô.
Thời của luật kẻ mạnh. Kẻ nào lo cho kẻ đó. Cướp của, giết người diễn ra hàng ngày. Trên công-trường Rô-ma thỉnh-thoảng lại thấy cảnh người bị treo cổ. Bạo-quyền làm chủ Rô-ma và Quốc-Gia Giáo-hội. Giáo-triều rơi vào tay các lãnh-chúa quí-tộc tranh diệt nhau.
Trong tám năm, 896-904, có tới 10 giáo-chủ, được đưa lên hạ xuống theo nhu-cầu và quyền-lợi các lãnh-chúa. Giáo-chủ Bô-ni-fa-xi-ô VI chỉ được hai tuần. Kế là Stê-pha-nô VI, lên năm 896; vị này cho bới xác vị tiền-nhiệm mất trước đó 9 tháng lên để xử. Cho mặc y-phục giáo-chủ vào xác đã rữa, chặt chân tay, rồi vứt xác xuống sông Tiber. Nhưng chỉ vài tháng sau, Stê-pha-nô VI bị bóp cổ chết trong ngục.
Giáo-chủ đầu tiên bị giết là Gio-an VIII, người đã dám chống lại sự lộng quyền của quí-tộc Rô-ma. Ngài bị bỏ thuốc độc năm 882. Vì thuốc không công-hiệu nên đã bị đánh bể sọ chết. "Không lâu sau đó chính-sử Giáo-hội không còn được phép ghi lại những chuyện đại-loại như thế nữa" (Wucher). Có hai người đàn bà tạo ảnh-hưởng lớn trên ngai giáo-chủ thời đó là mẹ con Theodora và Marozia. Hai người này đã đẩy Giáo-hội tới bờ tiêu-vong.
Theodora và Marozia
Theodora xuất-thân từ một nhà quí-tộc thế-giá ở Rô-ma và là vợ của Theophylakt, bạo chúa cầm quyền Rô-ma. Người ta kể bà là người giỏi, năng-nỗ và hám quyền. Nhờ bà mà Ser-gi-ô III (904-911) và Gio-an X (914-928) được chức giáo-chủ. Cả hai giáo-chủ là người tình của bà và của con gái bà. Gio-an X cũng bị giết như Gio-an VIII và Stê-pha-nô VI trước đó, bởi Morozia, sau khi bị cô này tống vào ngục trong luỹ Thiên-thần (xây không xa điện Vatican) một thời-gian dài. Trước đó, Gio-an X còn được thấy tận mắt Marozia giết anh mình. Gio-an X cực-lực chống lại các lãnh-chúa quyền-quí Rô-ma nên đã bị thanh-toán. Marozia chỉ hài-lòng và đạt đích khi Gio-an XI lên ngai giáo-chủ, vì vị này là con mình. Gio-an XI dù sao vẫn tốt hơn cha mẹ. Ngài là một giáo-chủ tốt, cố-gắng canh-tân Giáo-hội. Một sử-gia Pháp (Flodoard) viết về triều-đại Giáo-chủ này: "không có bạo-lực và hào-quang". Gio-an XI giữ ghế giáo-chủ từ 931 tới 935.
Nữ Giáo-chủ Gio-a-na
Đây cũng là thời có truyền-thuyết về một "nữ giáo-chủ" với hiệu là Gio-a-na An-gê-li-cô.
Chuyện này xuất-hiện lần đầu trong thế-kỉ 13, kể rằng một cô gái ở Mainz (Đức) giả trai cùng đi với người yêu về Rô-ma. Ở đó, cô sớm nổi danh vì thông-minh và hiểu rộng, nên đã được bầu làm giáo-chủ (vì người ta vẫn ngỡ là nam) sau khi Lê-ô IV mất năm 855. Sau hai năm rưỡi ở ghế giáo-chủ, cô đã chết khi chuyển bụng sinh giữa một buổi rước kiệu.
Nhưng trong bản danh-sách giáo-chủ chính-thức không có chỗ cho vị nữ giáo-chủ này, bởi vì sau Lê-ô IV thì cùng trong năm đó Biển-đức III được bầu lên kế-vị.
Ngai giáo-chủ là quả banh của giới qúi-tộc
Khi Marozia kết-hôn với Hugo, vua xứ Langobarden, thì con chồng trước của bà là Alberich II chống kịch-liệt. Hugo vì thế tính chuyện chọc mù mắt Alberich. Đụng-độ xẩy ra trong lễ cưới. Alberich – có lẽ cố-ý – làm đổ chậu nước rửa tay khi anh bưng đến cho kế-phụ tương-lai của mình. Hugo liền đấm vào mặt Alberich. Anh này bỏ tiệc chạy ra kêu-gọi dân Rô-ma giết Hugo. Nhưng Hugo đã lẻn trốn được khỏi thành. Alberich II lên nắm quyền Rô-ma, cho tống mẹ và em cùng mẹ khác cha là giáo-chủ Gio-an XI vào ngục. Marozia có lẽ chết rũ tù.
Hai chục năm dài Alberich trị-vì Rô-ma và Quốc-Gia Giáo-hội với bàn tay sắt. Một tu-sĩ biển-đức đương thời ở tu-viện St. Andrea viết về thời đó: "Ghê quá, Rô-ma và Toà tông-đồ bị ách thật nặng-nề." Các giáo-chủ sau Gio-an XI chỉ còn là những tay-sai, "chẳng dám nhúc-nhích ngón tay khi chưa có lệnh (của Alberich)", như một sử-gia Pháp đã ghi lại nhân chuyến thăm Rô-ma của ông.
Một thời đầy kinh-hãi
Phải nói hầu hết những chuyện sa-đoạ thời đó được ghi lại do một người tên Luitprand, giám-mục giáo-phận Cremona, trong sách của ông mang tựa "Oán-thù". Cái tên ít nhiều cho thấy tầm chủ-quan của nội-dung sách. Một số tài-liệu khác thì nói rằng Alberich là một tín hữu ngoan đạo, hoàn-toàn ủng-hộ chương-trình cải-cách của tu-viện Cluny, lúc đó vừa phát-động. Tài-liệu cũng cho hay Alberich trực-tiếp liên-lạc với viện-phụ Odo của Cluny. Một người đương thời bảo Alberich là "kẻ chăm-sóc tu-viện", vì ông đã cho sửa lại một loạt tu-viện hư-nát và đem các tu-sĩ theo phong-trào Cluny về đó. Đáng sợ nhất là quan-điểm của Luitprand về dân Rô-ma trong thế-kỉ đó: "Chúng tôi, người Lombarden, Sachsen, Franken, khinh-bỉ dân Rô-ma đến nỗi khi tức-giận chẳng còn tìm được từ-ngữ nào để chửi ngoài chữ ‘Mày là bọn Rô-ma!’. Chữ đó tóm gọn tất cả cái xấu của bọn đó: tầm-thường, tiểu-nhân, tham-lam, hoang-điếm và ăn gian nói dối."
Có lẽ Alberich là mẫu người điển-hình thời-đại, vừa đạo-đức vừa dã-man. Nhưng nói chung, tình-cảnh tan-hoang của Giáo-hội thời đó trong gọng kềm lãnh-chúa thì quá rõ.
Cũng may mà Marozia, tuy nhào-nặn giáo-chủ, nhưng đã không thể dẹp cái ngai đó. Để cho những giáo-chủ xứng-đáng sau này còn có cơ-hội thay thế những vị bất xứng. Đấy cũng là một giai-đoạn thử-thách, chứng-tỏ khả-năng tồn-tại của Giáo-hội.
Một khởi đầu mới
Giáo-chủ Gio-an XII (955-964) là con của Alberich và cháu của Marozia, một tay thiếu-niên ăn-chơi 17 tuổi, chuyện gì cũng dám làm. Sống hoang-đàng. Người ta kể khách ăn-nhậu của ngài nâng ly chúc sức khoẻ Luzifer trong những cuộc nhậu lớn. Gio-an XII vừa là giáo-chủ vừa là người lãnh-đạo Rô-ma. Ngài là vị giáo-chủ thứ hai lấy hiệu khác với tên tục của mình. Tên tục ngài là Oktavian.
Trong thời cổ và giai-đoạn đầu của trung-cổ các giáo-chủ lấy tên mình làm tên hiệu giáo-chủ. Thói quen này bắt đầu chấm dứt từ năm 1009. Thời đó, Pietro Bocca di Porco (Phê-rô Mõm Heo) làm giáo-chủ. Ngài thấy không xứng khi lấy tên thánh tông-đồ cả là Phê-rô II làm hiệu cho mình, nên đã đổi thành Ser-gi-ô IV. Người đổi tên hiệu đầu tiên trong lịch-sử Giáo-hội là Mercurius, lên giáo-chủ năm 532. Vì Marcurius là một tên ngoại-giáo, có nghĩa là Chúa của kẻ trộm, nên ngài đã chọn hiệu là Gio-an II. Sil-ve-stô II (999-1003) bỏ tên tục của mình là "Gerbert", vì tên này nghe "man" (đức) quá. Sau khi việc đổi tên hiệu đã thành truyền-thống, chỉ có hai giáo-chủ vẫn giữ nguyên tên gọi, đó là Ha-dri-a-nô VI và Mar-cel-lô II.
Trong thời Gio-an XII, vua Berengar II cai-trị Rô-ma rất sắt-máu. Vì thế, Gio-an XII đã kêu-cứu vua Otto nước Đức. Otto mang quân sang giúp, được Gio-an XII phong lên làm hoàng-đế (Đế-quốc) Rô-ma. Đối lại, Otto hứa sẽ tái lập uy-tín cho Giáo-hội.
Gio-an XII đội mũ đế cho Otto năm 962, nhưng sau đó lại không giữ lời đã hứa với Hoàng-đế bên mộ thánh Phê-rô, nên đã bị truất chức. Ngài bị đày lên Bamberg (Đức) và mất ở đó năm 966.
Otto tái lập trật-tự ở Rô-ma và bắt dân thề rằng từ nay về sau không được đưa giáo-chủ nào lên ngai nếu không có sự chấp-thuận của hoàng-đế. Dĩ nhiên, dân Rô-ma đã không luôn-luôn tuân lệnh. Dù vậy, cùng với đại-đế Otto, Giáo-hội đã bước sang một trang sử mới, tươi-sáng hơn.
(còn tiếp nhiều kỳ)
Views: 0