Quảng cáo : Trên màn ảnh nhỏ ,người ta thấy một chú khỉ đột ngồi trong lớp học, lơ đãng và mơ màng ngủ. Được ném cho một viên kẹo “cao su” Cool Air, chú khỉ đột nhai ngay.Viên kẹo không chỉ giúp chú khỉ tỉnh táo, mà còn biến nó thành…một chàng trai trẻ! Không hề vô tình hay ngẫu nhiên!
Một số phương tiện thông tin đại chúng đã giới thiệu về “người đàn ông 35 năm không ngủ”. Đó là ông Thái Ngọc, năm nay 65 tuổi, ở xã Quế Trung, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam. Thời gian gần đây có nhiều đài truyền hình nước ngoài đến tận làng quê hẻo lánh ở Nông Sơn để làm phim về ông. Ông Ngọc cùng gia đình cho biết, mỗi đoàn đến làm phim từ 3-5 ngày, với gần chục camera đặt khắp trong nhà, ngoài sân và cả trang trại của ông. Họ ghi hình tất cả hoạt động của ông, không bỏ một chi tiết nào. Họ chia phiên để thức cùng và theo dõi công việc của ông Ngọc qua từng đêm không ngủ. Đoàn nào đến làm phim, khi chia tay ông ra về, cũng bơ phờ như “lính thất trận”, vì họ không quen “nghề” thức đêm như ông. Số tiền thù lao đoàn làm phim trả cho ông cũng không nhiều. Một người kỳ lạ : đã 35 năm chưa một lần chợp mắt! Trong phân tâm học, con người cũng có thể được coi là “không ngủ” : con người không chỉ hoạt động theo ý thức, mà còn bị chi phối và điều khiển bởi tiềm thức – (subconscient,- ví dụ tư tưởng trọng nam khinh nữ) và vô thức (inconscient, là những gì xuất phát từ bản năng; ví dụ mặc cảm Oedipe), tích tụ theo thời gian trong cuộc đời con người, mà ta không tự kiểm soát và làm chủ được. Chúng hoạt động suốt ngày đêm,khi con người làm việc, khi con người nghỉ ngơi và cả trong giấc ngủ.
Ngày nay, với tiến bộ khoa học, không phải con người giám sát máy móc,mà là ngược lại, những camera đủ kích cở, đủ tính năng, được gắn công khai hoặc giấu kín ở một nơi bí mật, theo dõi mọi hành động của con người. Gần như chẳng có gì thoát khỏi những “mắt thần” vốn luôn thức tỉnh bất kể ngày đêm nầy. Nhưng rồi không chỉ trong phim ảnh, mà thực tế xảy ra từ những vụ cướp ngân hàng, – những nơi được bố trí camera và đủ loại thiết bị an toàn, chống trộm tối tân nhất – cho thấy những lỗ hổng kỹ thuật chết người. Đơn giản là con người chế tạo chúng,thì cũng có thể khắc phục,chế ngự chúng. Vụ rò rỉ hàng chục ngàn trang tài liệu mật cuối tháng bảy vừa qua,do WeakiLeaks tung ra, khiến Lầu Năm Góc phải điên đầu, là một bằng chứng.
Những ngày qua, các phương tiện truyền thông trong nước dồn dập lên tiếng báo động: bên cạnh vô số sách báo, truyện tranh dành cho thiếu nhi mang nội dung bạo lực và đồi trụy được bày bán vô tội vạ, vì phần lớn do các cơ quan nhà nước cấp phép in ấn, người ta thấy những học sinh,sinh viên “tỉnh thức” đến kiệt sức,bỏ bê công ăn việc làm,bỏ bê học hành, vì nghiện “games online”. Những lỗ hổng giáo dục nầy đã dẫn tới những tệ nạn khiến người ta khó tin vào tai mắt mình: trộm cắp,hãm hiếp,giết người, ca`ch sống buông thả, tự tử và bệnh hoạn. Bất cứ ai còn tâm huyết với đất nước nầy, cũng thấy bất an và bất lực. Giới hữu trách, theo thói quen vô trách nhiệm, đã vội vàng phản ứng bằng việc đưa ra vài ba biện pháp chẳng giống ai,chỉ để khỏi mang tiếng ăn không ngồi rồi.Thật khó mà tin chuyện cặp vợ chồng Hàn Quốc vì mải mê chơi ‘games’, mà bỏ đứa con ba tháng tuổi chết đói, trong khi lại mê say “nuôi” một nhân vật ảo tên là “Anima” trong trò chơi có tên “Prius online”. Và đã không có ít những cái chết do thức đêm suốt nhiều ngày.
Hai câu thơ trong sách giáo khoa lớp 2: “Bố tan ca đêm,mẹ vào ca sáng”, phản ánh sinh hoạt thời đại công nghiệp, cũng làm cho tâm trạng chúng ta bất an và lo sợ: ngày nay, cụm từ ‘thành phố không ngủ” không còn dành riêng cho Paris,New York, Hong Kong hay Las Vegas nữa, mà hàng ngàn thành phố trên thế giới “không ngủ”, trong những “cuộc vui suốt sáng, trận cười thâu đêm” như một dòng thác truy hoan,dâm ô,trác táng và xa hoa nhận chìm con người không ngừng nghỉ. Hai câu thơ dành cho trẻ em nầy còn nhắc cho chúng ta rằng : một nửa nhân loại không ngủ, – vì lệch múi giờ,- cũng có nghĩa là cả thế giới luôn có ít nhất một nửa vẫn thức và vẫn diễn ra mọi hoạt động chính trị,kinh tế,xã hội,tôn giáo, bạo lực, chiến tranh và những gì đen tối, xấu xa, tàn bạo . Nhưng điều đáng lo ngại nhất mà hai câu thơ ngắn dành cho trẻ thơ nhắc nhở chúng ta, ấy là những nguy hiểm mà hôn nhân và gia đình phải đương đầu, nhất là với công nhân,thợ thuyền: do làm ca, kíp, vợ chồng hầu như không mấy khi gặp nhau, để gia đình có được những giờ phút sum họp. Mệt mỏi, cô đơn cùng với sự gần gũi người khác giới trong công việc trong thời gian dài, đã khiến người ta dễ mất cảnh giác và sa vào cám dỗ ngoại tình, phá tan hạnh phúc hôn nhân và gia đình.
“Đêm tối và ánh sáng” (nguyên bản tiếng Anh : One Child, tác giả : nhà văn nữ Torey Hayden) là câu chuyện có thật về một bé gái bị chính mẹ ruột bỏ rơi trên đường cao tốc khi vừa mới bốn tuổi. Sống sót sau những biến động kinh hoàng, cô bé đã không bao giờ nói, cũng chẳng bao giờ cười. Sau khi thiêu sống một đứa bé hàng xóm bất thành, cô bé được đưa vào một lớp học dành cho những trẻ em bị thiểu năng nghiêm trọng. Bằng sự kiên nhẫn, kỹ năng của một nhà giáo và trên hết là một tình thương yêu kiên định, Torey Hayden đã chiến đấu bền bỉ để giúp đứa bé thoát khỏi những nỗi ám ảnh ác nghiệt, bên cạnh bảy đứa bẻ gần đồng trang lứa mang những chứng bệnh khác nhau : Peter bị chứng cho giật và có hành vi bạo lực; Tyler mới tám tuổi nhưng đã hai lần toan tự tử; Max sáu tuổi và Freddie bảy tuổi bị chứng tự kỷ bẩm sinh; Sarah bảy tuổi nhưng bị chính cha ruột lạm dụng thể xác; Susannah bị tâm thần phân liệt từ bé;William sợ đủ thứ,kể cả bụi dưới gầm giường; Guillermo thì khiếm thị và hung hăng. Những đứa trẻ như thế thường chẳng còn chút hy vọng nào để hòa nhập với cuộc sống bình thường. Nhưng điều đó không ngăn cản Torey làm nên điều kỳ diệu. “Đêm tối và ánh sáng” là câu chuyện cảm động về hành trình của hy vọng, lòng can đảm, sự cống hiến vô điều kiện và tình yêu thương bao la. Những nỗ lực và hy sinh không mệt mỏi của cô giáo Torey Hayden đã giúp cho đám trẻ vượt qua “đêm tối” cuộc đời và tìm lại được “ánh sáng” phẩm giá con người.
“Chúng ta đang trong thời chiến” (We are at war). Đó là lời nhắc nhở của Đức giám mục Robert W.Finn đưa ra trong Hội Nghị Phúc Âm Sự Sống (Gospel of Life Convention) ngày 19.04.2009. Cuộc chiến giữa sự lành và sự dữ, giữa thiên đàng và hoả ngục, giữa đêm tối và ánh sáng. Không ai lâm trận đơn thương độc mã. Chúng ta chiến đấu với sức mạnh của Ơn Chúa, với sự trợ lực của các thiên thần và các thánh,nhưng là “hiệp đồng chiến đấu”, với mọi thành phần Dân Chúa. Bổn phận chúng ta không chỉ có tự giải cứ mình, vươn khỏi đêm tối để luôn đi trong ánh sáng, mà còn phải “cầm đèn cháy sáng”, trở thành ánh sáng soi đường cho anh em, phá tan đêm tối. Satan không ngủ và luôn tấn công điên cuồng Giáo Hội và mỗi con cái Giáo Hội bằng mọi cách thế, mọi phương tiện, mưu mô xảo quyệt. Satan luôn biết làm con người mất cảnh giác bằng sự tự cao tự mãn, bằng kiêu căng khinh địch và bất tuân. Chỉ cần một phút lơ là, con cái chúng ta, hôn nhân và gia đình chúng ta, cộng đoàn chúng ta, sẽ trở thành những nạn nhân cuộc chiến không khoan nhượng nầy. Thiên Chúa, Đấng phù trợ và canh giữ chúng ta,cũng không ngủ,như lời Thánh Vịnh 120 :” Đấng canh giữ Israel không khép mắt chợp mi. Chính Chúa là Đấnh canh giữ bạn.Chính Chúa là Đấng vẫn chở che. Người luôn ở gần kề”. Lỗi ở chúng ta, điều làm cho chúng ta để hở cạnh sườn,lộ “gót chân Achille” cho ma qủy tấn công (và không ít lần hạ thủ chúng ta), là sự thiếu tin cậy mến nơi Thiên Chúa, không cố gắng để chiến đấu chống lại ba thù, cho dù có trong tay những vũ khí mạnh mẽ, như Thánh Thể, các Bí Tích, Chuỗi Mân Côi. Aide-toi, le ciel t’aidera : hãy tự giúp mình, rồi trời sẽ giúp bạn. Không ngồi chờ sung rụng. “Ai chiến thắng không hề chiến bại? Ai nên khôn, không khốn một lần?” ( Dậy mà đi, Nguyễn Xuân Tân ). Lời tướng De Gaulle có giá trị với chúng ta mỗi lần qụy ngã :”perdre une bataille, non pas perdre la guerre” ( thua một trận đánh,chứ không phải thua cả cuộc chiến). Quan trọng là biết đứng dậy và tiếp tục chiến đấu,nhưng ý thức hơn sự mỏng dòn yếu đuối của mình, để cậy trông vào ơn Chúa. Xin lập lại :”chúng ta đang ở thời chiến”!
Có hai loại vô dụng trong mọi xã hội hoặc cộng đồng, nhưng không ít Kitô hữu có cuộc sống và hành xử chẳng hề khác với chúng :
1. Tiến sĩ giấy!
Cũng cờ, cũng biển, cũng cân đai.
Cũng gọi ông nghè có kém ai […]
Nghĩ rằng đồ thật hóa đồ chơi! (Nguyễn Khuyến)
2. Thằng bù nhìn!
Lơ láo kìa ai đứng cạnh bờ
Trần ai tri kỷ đã ai chưa? […]
Lâu nay thiên hạ văn minh cả
Bác mấy ngàn năm vẫn thế ư? (Tản Đà)
CVK Nguyễn Thế Bài
HÃY HÁT LỜI TÌNH YÊU – THÁNH VỊNH 61
UY QUYỀN VÀ NHÂN HẬU : CHÍNH LÀ THIÊN CHÚA…
Chỉ có Thiên Chúa mới xứng đáng để người ta đặt hết cậy tin nơi Người.
Người ta có thể cậy tin nơi Người chống lại bất cứ thế lực nào ở thế gian, dưới bất cứ áp bức nào.
Chính nơi Người – và đó là bí quyết đức tin và đó là lời cuối cùng của Thánh Vịnh nầy – nơi Người hợp nhất và trộn lẫn vào nhau bất khả phân ly Sự Toàn Năng và Lòng Nhân Hậu Vô Biên.Chúng ta có thể phó thác nơi Thiên Chúa, ngay cả khi mọi sự lung lay trong chúng ta và có vẻ như chúng ta sắp bất ngờ sụp đổ hoàn toàn, như một bức tường bị xô đẩy mạnh.Bấy giờ phải im lặng để nhắc nhủ lòng sự tin tưởng và bình an. Con người là gì? Sức mạnh của con người là gì? Nó không nặng hơn một hơi gió thoảng trong cái cân của Thiên Chúa. Hãy chú tâm không để chúng ta đi tìm cứu giúp trong sức mạnh con người nầy.
Views: 0