Uncategorized

Tường trình Khóa Nazareth Xì-a-tồ của Hai Lúa

Không hiểu sao, hễ nói tới Hai Lúa là ai cũng nghĩ tới một anh văn sỹ miệt vườn, chuyên viết ba cái truyện ba láp, tầm phào mua vui thiên hạ. Nhưng được cái bà con cô bác lại quí mến ở cái chỗ ba láp mà vui ấy. Do vậy, mà hễ nghĩ, hễ nói tới Hai Lúa là mọi người đều nghĩ tới hoặc nói tới những gì hắn ta sẽ viết để mà cười. Như vậy cũng được an ủi chút đỉnh. Tạ ơn Trời Phật.

 

Không hiểu sao, hễ nói tới Hai Lúa là ai cũng nghĩ tới một anh văn sỹ miệt vườn, chuyên viết ba cái truyện ba láp, tầm phào mua vui thiên hạ. Nhưng được cái bà con cô bác lại quí mến ở cái chỗ ba láp mà vui ấy. Do vậy, mà hễ nghĩ, hễ nói tới Hai Lúa là mọi người đều nghĩ tới hoặc nói tới những gì hắn ta sẽ viết để mà cười. Như vậy cũng được an ủi chút đỉnh. Tạ ơn Trời Phật.

 

Trong những vinh dự của nghề phóng viên cho Nazareth, có lẽ đây là lần đầu tiên Hai Lúa cảm thấy mình quan trọng như vậy. Ðược Gia Trưởng chỉ định phải lên tới miền Xì-a-tồ (Seattle) để viết bài tường trình về Khóa Nazareth đầu tiên tại đây. Ðây là Khóa Nazareth đầu tiên tổ chức ngoài Orange County, California. Nói theo văn chương bình dân là “đem chuông đi đánh nước người”.

 

Hai Lúa từ giã vợ con, khăn gói quả mướp lên đường mà trong lòng bùi ngùi khôn tả, thương bà xã quá trời. Hổng biết trong những ngày xa nhà, bả có nhớ Hai Lúa không, chớ tui thì tui nhớ bà ấy thấy mồ tổ luôn. Nhưng thân nam nhi hồ hải, buộc phải quên cái chuyện thê nhi mà “tòng quân viết lách”. Và đó là những gì mà Hai Lúa sẽ kể cho bà con cô bác nghe về Khóa Nazareth đặc biệt này.

 

Trước hết Hai Lúa phải khen Phó Tế Nguyễn Ðức Mậu một cái. Hay quá! Thành công quá! Sang năm làm thêm mấy khóa nữa bà con ơi. Hơn 30 cặp tham dự chớ bộ chơi sao. Ở đâu chớ Xì-a-tồ mà chiêu mời được số người như vậy thì quả là thành công hết cỡ thợ mộc rồi.

 

Nhưng để có được cái hào quang vinh dự ấy, thì được biết Phó Tế Mậu và anh chị em trong Gia Ðình Nazareth Xì-a-tồ cả mấy tháng nay đã điên cái đầu về việc tổ chức Khóa. Nào là làm sao để có người tham dự. Nhưng nếu có người tham dự thì kế tiếp phải làm gì; ăn ở đâu, uống ở đâu, ngủ ở đâu? Ðào đâu ra tiền mà chi trả những thứ tốn kém này. Hai Lúa mới đi một màn phỏng vấn những anh chị em trong Ban Tổ Chức mới thấy thương làm sao! Phó Tế Mậu vì lo nghĩ quá đến độ “hói đầu” luôn, khiến Phó Tế phu nhân luôn miệng phàn nàn: “Dung nhan mùa Hạ của hân-ni (honey) nay còn mấy sợi tóc để làm vốn mà cũng bỏ ra đi, thì còn gì là xuân sắc mà em thương, em nựng, em bồng, em hun đây!”

 

Sau chuyện tổ chức, là chuyện nội dung: Ai nói gì, nói làm sao. Chuyện này cũng là đề tài thảo luận gây cấn lắm thưa bà con. Số là Trưởng Ban Nội Dung Nguyễn Văn Nhuệ cứ phờ người ra mà không biết làm sao tìm được người vừa ý. Gì chứ mang chuông đi “đấm” nước người là chuyện lớn chớ đâu phải chuyện nhỏ. Chuông mà không kêu, hay kêu mà không giống ai thì rầu thúi ruột. Chính vì thế mà sau khi ban bóng đã xong là đến ngày tập rượt còn hơn tập rượt tranh cúp World Cup vậy. Bù lại, kết quả rất khả quan. Mọi người tham dự đều khen ngợi nức nở, khiến Trưởng Ban thiếu điều muốn nổ tung cánh mũi.

 

Cũng trong tinh thần chuẩn bị ấy, Gia Trưởng Vũ Ðình Kỷ cũng ngày đêm lo lắng, bày mưu tính kế giúp Phó Tế Mậu đánh sao cho đẹp, rút sao cho gọn hầu mang lại chiến thắng vinh quang. Chính vì thế, Hai Lúa thấy Gia Trưởng suy tư, lo lắng ra mặt. Ngày đêm ít nói, ít cười, rầu rĩ trông rất thảm! May mắn, việc tổ chức thắng lợi “trăm phần giầu” hơn dự tính. Cả Gia Trưởng Vũ Ðình Kỷ và Phó Tế Nguyễn Ðức Mậu hả hê, sướng rên mé đìu hưu.

 

Gì chứ khóa thành công đương nhiên phải nhờ tổ chức giỏi, số người tham dự đầy đủ. Ngoài ra, đề tài trình bày cũng phải hay, phải hấp dẫn và bổ ích cho đời sống gia đình, cho liên hệ vợ chồng, và cho việc giáo dục con cái. Ðặc biệt là những đề tài này lại được trình bày bởi những “chuyên gia” kinh nghiệm cùng mình như Linh mục Trịnh Ngọc Danh, và các cao thủ võ lâm với võ công thâm hậu như Vũ Ðình Kỷ-Cậy, Nguyễn Văn Nhuệ-Nhi, Bùi Thu Sơn-Mai Phượng, Trần Ðức Hòa-Khánh Thi, Lê Văn và Trần Mỹ Duyệt thì phải nổi là cái chắc.

 

Nhưng nói về Khóa Nazareth mà không ghi lại mấy “chiện bên lề” là hổng dzui. Và sau đây là những gì mà Hai Lúa mắt thấy, tai nghe xẩy ra trong Khóa Nazareth xin ghi lại trình làng với bà con cô bác:

 

Ðiệp vụ nghẹt thở:

 

Số là phái đoàn O-rần (Orange) đã hẹn gặp nhau ở nhà Hai Lúa rồi cùng đi chung một xe lên phi trường Lông-bích (Long Beach) cho đỡ tốn kém. 6 giờ sáng (không phải là 6:30) là giờ khởi hành, thế mà đồng hồ vừa chỉ 5:30 sáng, điện thoại nhà Hai Lúa đã kêu inh ỏi. Và đầu bên kia có tiếng nói khẩn cấp:

 

– Anh Hai ơi! Ðại ca có ở nhà anh không?

 

– Ủa! Sao nghe nói cùng đi với vợ chồng em và gặp nhau ở nhà qua mà?

 

– Thì chương trình là vậy, mà tụi em đang ở trước cửa nhà đại ca nè. Gõ cửa, ấn chuông inh ỏi mà hổng nghe gì ráo trọi. Nguy quá anh Hai ơi. Chuyện gì xẩy ra vậy cà? Tụi em gọi điện thoại nhà, điện thoại cầm tay mà cũng không thấy trả lời!

 

……

 

Lát sau, lại có tiếng điện thoại reo. Lần này bên kia đầu dây có tiếng thở hổn hển, và giọng nói xem như có điều chi rất khẩn cấp. Thấy vậy Hai Lúa hỏi ngay:

 

– Chuyện gì vậy? Có tin gì về đại ca không?

 

– Dạ có! Em vừa nhẩy qua hàng rào, sợ muốn chết luôn! Em lén vô đến phòng ngủ của đại ca, gõ cửa. Thiệt là kinh khủng anh Hai ơi! Em thấy đại tẩu vùng dậy, tung mền chạy thẳng vào buồng tắm.

 

– Vậy chớ em thấy đại tẩu có gì khác thường không?

 

– Ðại tẩu chạy nhanh quá, em không thấy, uổng quá!

 

Trên đường từ nhà Hai Lúa đến phi trường, Tí Phượng đã lý lắt khơi lại câu chuyện này, vì muốn biết tại sao có vấn đề chậm trễ xuýt hụt chuyến bay của cả nhóm như vậy. Lúc đó, đại ca mới bật mí:

 

– Tối qua vì phải rượt bài “phòng the” để giảng dậy cho có bài bản, vì sợ rằng ở Xì-a-tồ không có phòng mà rượt. Rượt đi, rượt lại mãi gần sáng mệt quá mới đi ngủ, nên ngủ quên!

 

Chúa mẹ ơi! Cả đám hú hồn! Nghĩ lại cũng thấy thương cho đại ca, tuổi già sức yếu mà phải thao rượt quá mức như vậy mệt quá là phải. Có điều là “thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu”. Bài nói chuyện của đại ca vì thế thu hút và hấp dẫn nhất. Ai cũng cho đại ca là già dặn kinh nghiệm và dầy dạn gió sương. Chỉ tội nghiệp cho Hòa, chút nữa không khéo là bị ăn đạn của nhà hàng xóm, vì đã đột nhập gia cư người khác bất hợp pháp…

 

Cháo gà tu-gâu:

 

Ở O-rân cao-tỳ (Orange County) thủ đô người tị nạn, Hai Lúa thỉnh thoảng cũng được vợ mua cho vài tô phở tu-gâu (to go). Ngoài ra, còn nghe đâu có nhiều thứ tu-gâu khác nữa, nhưng chưa bao giờ Hai Lúa nghe đến món cháo tu-gâu. Nhưng cháo tu-gâu lại chính là hình ảnh đầu tiên đầy “ấn tượng” mà Hai Lúa lần đầu đặt chân đến Xì-a-tồ đã ghi nhận được.

 

Thật vậy, tối thứ Sáu khi kết thúc ngày đầu của Khóa Nazareth cũng là lúc màn đêm đã từ từ buông xuống, cảnh đẹp bên ngoài rất ư thơ mộng với vừng trằng rằm tươi mát tỏa những tia sáng lung linh đang như treo lơ lửng trên những ngọn thông, thì từng người một được phát cho một bịch cháo gà tu-gâu. Lý do vì mọi người phải rời khỏi trung tâm vào lúc đúng 10 giờ, nên chỉ còn cách duy nhất là tu-gâu để ai nấy về hô-teo (hotel) mà ăn.

 

Nhìn cảnh mỗi người tay xách, nách mang tô cháo gà tu-gâu khiến Hai Lúa nhớ lại thời gian đầu lúc mới vượt biên cũng phải xắp hàng lĩnh thực phẩm ở trại tị nạn. Không những chỉ có cháo gà, mà những ngày sau còn có cả miến gà tu-gâu, bánh mì tu-gâu, và bánh bao tu-gâu nữa. Những ai đã tham dự Khóa Nazareth Xì-a-tồ lần này bảo đảm không bao giờ quên được những gói thực phẩm tu-gầu này.

 

Hai Lúa về nhà kể lại cho vợ nghe rồi đề nghị mở quán tu-gâu nhận thầu cho những buổi hồi tâm, cấm phòng, hay những Khóa Nazareth vì nghĩ rằng có thể làm ăn khấm khá. Nghe vậy, mụ vợ trợn trừng con mắt, la lên chói lói:

 

– Ông có điên không! Phó tế phu nhân là đầu bếp chuyên nghiệp, lại kinh nghiệm nhà hàng lâu năm mới làm được việc đó, còn ông, ông làm được gì… Muốn tu-gâu thì đi mà tu-gâu, chứ chuyện mở quán thì quên đi.

 

– À há! Bà nói tui muốn tu-gâu thì đi mà tu-gầu đó nha. Bà biểu tui là tui làm thiệt đó. Bà đừng có phàn nàn à nghen.

 

– Tui nói tu-gâu là tu-gâu ăn phở, ông đừng có ý tưởng tà vạy mà tu-gâu vớ vẩn là tui “cắt” chứ chẳng chơi đâu.

 

Phó tế vui tính:

 

Cô Cúc. Tên gọi thật dễ thương và dễ mến. Mọi người tham dự Khóa Nazareth đều quí mến và có thiện cảm với cô Cúc. Cô cũng còn là phu nhân của Phó Tế Nguyễn Ðức Mậu nữa.

 

Cô lúc nào cũng tươi cười như hoa, nhẹ nhàng với tất cả mọi người. Cô nhiệt thành và lo lắng cho mọi người từng miếng cơm, giọt nước. Nào là mì quảng, bánh mì đặc biệt, cơm sườn, bánh cuốn, bánh mì, và bánh bao. Món nào cô làm cũng đều ngon và bổ. Ai sau khi tham dự Khóa Nazareth mà không lên cân, Hai Lúa chết liền.

 

Nói đến bánh bao, bỗng dưng Hai Lúa nhớ đến bữa điểm tâm sáng Thứ Bẩy, trong khi mấy anh chị trong ban nhà bếp vừa bưng khay bánh bao đi vòng vòng, vừa chào hàng rất ngọt ngào:

 

– Bánh bao đây. Bánh bao mua một, tặng một, tính tiền hai đây. Bánh bao cô Cúc bảo đảm vừa ngon, vừa bổ, lại vừa “bự” nữa.

 

Trong khi đó, thì phó tế lại quảng cáo thêm: “Mỗi người phải cần “hai” cái cho nó đều…”

 

Không biết đầu óc con người ta nó suy nghĩ làm sao, mà có mấy anh ngồi chung bàn với Hai Lúa nghe vậy phá lên cười. Hai Lúa hơi khớp vì nghĩ họ cười mình quê mùa, nên hỏi lại:

 

– Bộ tui có gì khiến các ông mắc cười lắm hả?

 

Nghe vậy, một anh mới ghé vào tai Hai Lúa:

 

– Chớ ông không thấy những chiếc bánh bao này hả? Ông trông nó có xêm xêm như của người ta không? Nhất là ông có nghe thầy sáu nói là phải có hai nếu không sẽ lệch không…

 

Nói rồi, anh ta lại phá lên cười. Lần này Hai Lúa sợ mình quê, nên cũng cười góp. Mãi sau khi về nhà hỏi mụ vợ mới được soi sáng và nhận ra chân lý…

 

Nghĩ lại thấy phó tế tiếu quá chời. Coi bề ngoài hiền hậu mà bên trong “thâm hậu” thiệt. Ðiều này còn được nghe thấy trong bữa ăn trưa Chúa Nhật. Sau khi đã ca hát cho đời thêm vui, phó tế lại còn kể câu chuyện tiếu lâm, mà cho đến bây giờ Hai Lúa vẫn chưa hiểu hết ý. Câu truyện nó như sau:

 

Trong một buổi tĩnh tâm, để nhắc nhở cho các nữ tu dưới quyền mình biết cách đề phòng khi bất trắc, mẹ bề trên đã hỏi các chị em:

 

– Khi bị một tên khốn nạn chặn đường và định làm chuyện đểu cáng, tồi bại, thì các chị em phải làm gì?

 

Trong khi mọi người còn đang suy nghĩ tìm câu trả lời, bà đã chỉ đích danh một nữ tu trẻ đẹp. Bị mẹ bề trên hỏi, nữ tu này trả lời:

 

– Dạ, con sẽ kéo quần hắn xuống ạ!

 

– Rồi sao nữa?

 

– Dạ, con sẽ vén váy con lên ạ!

 

Nghe vậy, mẹ bề trên như rụng rời tóc gáy, còn các chị em khác thì cũng muốn xỉu luôn. Nhưng mẹ bề trên đã lấy lại bình tĩnh, bà hỏi tiếp:

 

– Thế con phải cho chị em biết lý do tại sao mà mình phải làm như vậy?

 

– Dạ! Nữ tu trẻ tuổi này tỉnh bơ nói: Con kéo quần hắn xuống là để hắn khỏi chạy rượt đuổi con. Còn con vén váy con lên, là để con chạy cho nhanh hơn.

 

Nghe xong câu chuyện, và với cách lý luận như vậy, Hai Lúa thật lấy làm thương cho tên khốn nạn nào đó, nhưng nghĩ thầm trong lòng, nếu mà Hai Lúa thì Hai Lúa càng chạy nhanh hơn, vì có gì cản trở đâu mà không chạy được…

 

Tội lỗi! Tội lỗi! Thật là tội lỗi! Thầy phó tế không ngờ mà vui tính thiệt…

 

Máy hư vì mất điện:

 

Trong bài nói chuyện về tâm lý khác biệt giữa nam và nữ, tiến sĩ Duyệt có đưa ra những khác biệt tổng quát về thể lý, tâm lý, và sinh lý giữa đàn ông và đàn bà. Riêng về tâm sinh lý, để cho dễ nhớ, ông đã dùng hình ảnh chiếc microwave (máy hâm), và oven (máy nướng) để so sánh. Theo ông, người đàn ông như cái microwave hễ bật lên là “nóng” liền, nhưng khi vừa tắt đi là “nguội” liền. Ngược lại, người đàn bà như chiếc oven, bật lên thì “nóng từ từ”, nhưng khi tắt rồi “vẫn còn nóng”.

 

Ông cũng đưa ra một vài chứng bệnh liên quan đến “chuyện ấy”, và ví von là có đến 30 triệu đàn ông, con trai ở nước Mỹ này đeo đồng hồ chỉ sáu giờ rưỡi (6:30), vì nhiều biến chứng. Ðồng thời khuyên mọi người là nếu cái microwave hay cái oven nhà mình nó trục trặc thì phải mang đi chữa ngay.

 

Trước đó ít phút, qua đề tài liên quan đến phòng the, chăn gối, đại ca Nhuệ-Nhi (chuyên trị phòng the, chăn gối), cũng đã nhắn nhủ mọi người là ngay sau khi tan khóa này, về hô-teo là mọi người phải vào nhà bếp xem lại cái microwave và oven của mình, rồi bật lên xem có tốt không, nếu tốt thì cho chạy thử.

 

Một đêm qua mau. Sáng hôm sau vào lúc điểm tâm, Hai Lúa tình cờ đi ngang qua một bàn ăn, bỗng nghe được những mẩu đối thoại của mấy ông như sau:

 

– Máy móc, đồ dùng nhà bếp của nhà ông có tốt không? Mấy cái microwave và oven sử dụng được chứ?

 

– Phiền quá ông ơi! Chiếc oven nhà tui nó cà rịch, cà tàng chậm nóng lắm ông ơi. Ðã vậy lại xui cho tôi là mới bật lên được mấy phút thì bị cúp điện.

 

Một chị ngồi bên nghe vậy liền nói lớn:

 

– Ðeo đồng hồ 6:30 thì mở oven lên làm gì? Mở lên rồi ngồi mà “nuốt nước bọt” à!!!

 

Trở lên chỉ là mấy câu truyện vui xẩy ra bên đường mà Hai Lúa lượm lặt được và ghi lại, hy vọng sẽ giúp bà con cô bác cười chút cho vui, để nhớ lại những kỷ niệm êm đềm, hạnh phúc mà chúng mình có với nhau trong Khóa Nazareth Xì-a-tồ.

 

Bái bai! Hẹn gặp nhau năm tới.

 

Hai Lúa
 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.