Uncategorized

Tôn trọng quan điểm của người khác

Bất đồng ý kiến là điều tất nhiên phải có, vì người ta thường nói: chín người mười ý. Vậy mà trong thực tế, nhiều người không chịu chấp nhận thực tế nầy, bắt buộc người khác phải thương như mình, phải ghét như mình, phải đồng quan điểm với mình trong mọi chuyện.

 

Bất đồng ý kiến là điều tất nhiên phải có, vì người ta thường nói: chín người mười ý. Vậy mà trong thực tế, nhiều người không chịu chấp nhận thực tế nầy, bắt buộc người khác phải thương như mình, phải ghét như mình, phải đồng quan điểm với mình trong mọi chuyện.

 

Nhiều người tự cho rằng ý kiến của mình bao giờ cũng đúng, quan điểm của mình lúc nào cũng tốt nhất; có người còn tuyệt đối hoá quan điểm của mình và không chấp nhận những quan điểm khác, cho dù đó là quan điểm của ai.

 

 

Từ chỗ bất đồng quan điểm, người ta tìm đủ cách phỉ báng, lăng mạ hoặc loại trừ những cá nhân hay tổ chức không cùng quan điểm với mình.

 

 

CÁI NHÌN PHIẾN DIỆN

 

 

Xưa kia ở Ấn-độ có một ông vua đang lúc nhàn rỗi muốn tìm một trò tiêu khiển, nảy ra một sáng kiến hay:

 

 

Vua cho mời năm anh mù từ lúc mới sinh đến sân rồng rồi truyền đem vào một con voi lớn. Năm anh mù nầy chưa hề biết voi là gì. Nhà vua ra lệnh cho họ đến sờ voi một lát rồi mô tả lại hình dáng con vật cho vua và triều thần nghe. Ai mô tả đúng sẽ được trọng thưởng.

 

 

Lát sau, vua quay lại hỏi người thứ nhất:

 

 

– Nhà ngươi hãy mô tả con voi!

 

 

Anh này đắc ý tâu:

 

 

– Tâu hoàng thượng, voi là một con vật giống y như cột đình (vì anh sờ trúng chân voi).

 

 

Anh thứ hai cãi lại:

 

 

– Tâu hoàng thượng, không phải thế, con voi có hình thu ngoằn ngoèo như một khúc rễ cây. Chính hạ thần đã tận tay sờ thấy y chang như vậy (vì anh này sờ trúng cái vòi).

 

 

Anh thứ ba lên tiếng:

 

 

– Đâu phải, voi giống chiếc quạt lớn (anh sờ trúng tai voi).

 

 

Anh thứ tư bác lại:

 

 

– Tâu đức vua, cả ba anh kia đều sai bét. Chính hạ thần mới là người biết được sự thật. Nó y như một tảng đá lớn, tròn tròn (vì anh này sờ nhằm cái bụng).

 

 

Anh thứ năm chen vào:

 

 

– Các anh là những người khoác lác và trả lời theo óc tưởng tượng chứ không dựa vào thực tế. Rồi quay qua đức vua, anh tiếp:

 

 

– Thưa hoàng thượng, xưa nay hạ thần cứ tưởng voi là một con vật khổng lồ. Nào ngờ, hôm nay, nhờ công đức của hoàng thượng, hạ thần mới biết được sự thật: voi là một con vật nhỏ bé, phe qua phẩy lại như chiếc chổi cùn (anh này lại sờ trúng khúc đuôi).

 

 

Thế rồi năm anh đều cho ý kiến mình là tuyệt đối đúng, và người khác là hoàn toàn sai, không ai chấp nhận ý kiến người khác, nên tranh cãi nhau kịch liệt rồi quay ra đấm đá nhau dữ dội, người thì bị gãy răng, kẻ bị dập mũi, lòi mắt… máu me lai láng trông rất thảm hại. Trong khi đó, nhà vua và đám cận thần ôm bụng cười ngặt nghẽo. (Viết theo truyện cổ Ấn- Độ)

 

 

Năm người mù tiếp cận con voi từ năm khía cạnh khác nhau nên có năm ý kiến (năm quan điểm) khác nhau. Con người thường tiếp cận thực tại dưới nhiều góc độ khác nhau nên cũng có những quan điểm khác nhau như vậy.

 

 

Nhưng điều đáng tiếc là có lắm người cũng giống như năm anh mù trên đây, cho rằng quan điểm của mình, ý kiến của mình, lập trường của mình là tuyệt đối đúng và không chấp nhận những quan điểm khác. Chẳng những không chấp nhận ý kiến đối lập mà người ta còn triệt hạ nó. Thế là tấn kịch bi hài “sờ voi” vẫn tiếp diễn không ngừng.

 

 

Nơi một số người, căn bệnh “sờ voi” nầy hầu như trở thành mãn tính và bất trị. Một khi người ta có một ý kiến, một quan điểm nào đó rồi thì không ai có thể giúp họ nhìn theo quan điểm khác được.

 

 

ĐỪNG VỘI TIN VÀO LÝ LUẬN

 

 

Chúng ta hãy nghe Giáp và Ất tranh luận:

 

 

Giáp lý luận : “Ban sáng, mặt trời ở gần trái đất; ban trưa, mặt trời ở xa; vì vào ban sáng ta thấy mặt trời to, ban trưa, ta thấy mặt trời nhỏ."

 

 

Giáp lý luận rất đúng. Thế nhưng Ất lại không tán thành. Anh chứng minh ngược lại.

 

 

Ất nói: “Không đúng. Ban sáng, mặt trời ở xa, vì ta cảm thấy nóng ít; ban trưa mặt trời ở gần, vì ta cảm thấy nóng nhiều. Càng gần lò lửa thì càng nóng, đúng không."

 

 

Hai người đưa ra những luận chứng rất thuyết phục để bảo vệ cho quan điểm của mình, nhưng chẳng có người nào đúng.

 

 

Vậy thì đừng vội tin vào lý luận, vì lý luận không nhất thiết đưa người ta đến gần chân lý.

 

 

ĐỪNG TUYỆT ĐỐI HOÁ QUAN ĐIỂM CỦA MÌNH

 

 

Đừng bao giờ tuyệt đối hoá quan điểm của mình, tức cho rằng quan điểm của mình là duy nhất đúng; quan điểm của người khác đã xưa, đã lỗi thời, không thích hợp, không đúng. Không ai nắm gọn chân lý trong tay. Như năm người mù sờ voi, mỗi người chỉ đúng về một khía cạnh, về một phương diện. Điều đáng trách là người ta cứ cho rằng mình đúng toàn diện, nên không thể chấp nhận người khác quan điểm cũng đúng (về một khía cạnh nào đó) như mình.

 

 

TRƯỚC HẾT, CẦN CHẤP NHẬN QUAN ĐIỂM CỦA NGƯỜI KHÁC

 

 

Trong một tập thể, trong một cuộc thảo luận, thường có những quan điểm khác nhau. Đó là điều tất nhiên không tránh được (nhưng đó lại là điều đáng mừng).

 

 

Điều đáng tiếc là có nhiều người không bao giờ chấp nhận quan điểm của người khác, phản đối người khác kịch liệt khi họ có quan điểm khác mình hay trái ngược với mình.

 

 

Thế là vở tuồng ‘mù sờ voi’ không ngừng tiếp diễn khắp nơi trên thế giới trong nhiều lãnh vực khác nhau suốt chiều dài lịch sử loài người!

 

Hãy nhớ rằng chân lý thì đa diện trong khi tâm trí con người hạn hẹp. Muốn biết rõ một ngôi nhà, cần quan sát nó từ nhiều điểm nhìn khác nhau; muốn luận tội một phạm nhân, quan toà phải nghe lý lẽ từ hai ba phía; muốn biết rõ một sự thật nào đó, chúng ta cũng cần phải xem xét vấn đề dưới nhiều khía cạnh, nhiều quan điểm khác nhau!

 

 

Bởi thế, ta rất cần lắng nghe người khác bày tỏ quan điểm của họ để mở rộng nhận thức của mình.

 

 

YÊU THÍCH VÀ TÔN TRỌNG QUAN ĐIỂM KHÁC BIỆT

 

 

Nếu anh màu đỏ, tôi cũng là màu đỏ như anh, thì sự kết hợp giữa hai người cũng chỉ là màu đỏ, không có gì mới mẻ. Nếu anh màu đỏ nhưng tôi không đồng màu với anh mà là màu trắng, thì sự phối hợp giữa hai người sẽ phát sinh màu hồng, mới mẻ hơn, dịu dàng hơn.

 

 

Nếu anh là nốt nhạc mi, tôi cũng là nốt nhạc mi, người bạn thứ ba cũng là nốt mi, thì sự phối hợp giữa ba người khá buồn tẻ. Nhưng nếu anh là nốt mi, tôi là sol, người bạn thứ ba là đô, thì sự phối hợp giữa ba chúng ta sẽ tạo nên một hợp âm vui tươi, sống động.

 

 

Sự phối hợp nhiều quan điểm khác nhau sẽ làm cho các tổ chức hoạt động hiệu quả hơn; sự phối hợp giữa hai đảng phái đối lập sẽ làm cho đất nước được dân chủ tiến bộ hơn.

 

 

ÁNH SÁNG SẼ LOÉ LÊN TỪ NHỮNG Ý TƯỞNG KHÁC BIỆT

 

 

“Du choc des idées, jaillit la lumière” (ngạn ngữ Pháp).

 

 

“Từ những ý kiến trái nghịch va chạm nhau, ánh sáng sẽ loé lên”. Hai cục đá va chạm mạnh vào nhau, lửa loé lên. Hai ý tưởng trái nghịch va chạm nhau, sẽ làm phát sinh sự thật, phát sinh ánh sáng."

 

 

Tôi đưa ra một ý kiến, anh đưa ra một ý kiến trái nghịch tôi, thế rồi cả hai ý kiến được dung hoà và nảy sinh ý kiến thứ ba tốt hơn cả hai ý kiến trước.

 

 

Một cuộc thảo luận không có những ý kiến trái nghịch là thảo luận một chiều, nghèo nàn, vô bổ và có thể đưa đến những kết luận sai lầm. Một cuộc thảo luận đa chiều, bao gồm nhiều ý kiến trái nghịch sẽ đem lại một kết luận đúng đắn, một giải pháp tốt.

 

 

CẦN CÁI NHÌN TỔNG HỢP

 

 

Khi nhìn một đối tượng nào, chúng ta thường chỉ đứng ở một vị trí, một góc độ nào đó để nhìn, nên chúng ta thường chỉ thấy được một mặt, một khía cạnh nào đó của đối tượng mà thôi. Vì thế, cái nhìn của chúng ta thường có tính cách phiến diện, một mặt, một chiều. Trong khi đó, đối tượng ta nhìn thì đa diện, muôn hình muôn vẻ.

 

 

Nếu chúng ta chỉ nhìn mặt sau của một ngôi nhà rồi lên tiếng bình phẩm về giá trị của ngôi nhà đó, chúng ta sẽ phạm phải sai lầm tai hại. Cần phải nhìn đủ tứ phía, rồi nhìn từ trên xuống, quan sát bên ngoài, xem xét bên trong… chúng ta mới có thể đưa ra một nhận định xác đáng về giá trị của ngôi nhà đó.

 

 

Đứng trước một sự vật, mỗi người có một hướng nhìn khác nhau, nên thấy được những mặt khác nhau. Đứng trước một vấn đề, mỗi người có một quan điểm khác nhau, nên có những nhận định khác nhau.

 

 

Vì thế, đừng vội cho rằng quan điểm của mình thì đúng còn quan điểm của bạn thì sai.

 

 

Phê bình, công kích người khác khi họ có một hướng nhìn, một quan điểm khác với hướng nhìn, quan điểm của mình thì thật là chủ quan, thiếu sáng suốt và thiếu óc khoa học.

 

 

Tốt hơn, sau khi đã quan sát một đối tượng, một vấn đề dưới góc độ này, dưới quan điểm này, chúng ta hãy đứng sang những vị trí khác, những quan điểm khác để nhìn đối tượng theo những chiều hướng khác.

 

 

Biết phối hợp những hướng nhìn khác nhau, nhiều ý kiến trái ngược, nhiều quan điểm đối lập… sẽ giúp chúng ta đến gần sự thật hơn và nhất là khỏi phải xung khắc, bất hoà với nhau vì bất đồng quan điểm.

 

 

Lm. Inhaxiô Trần Ngà

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.