Uncategorized

Bẫy tình

 Trong những năm gần đây, bàn dân thiên hạ thường dùng hai chữ “sập bẫy” để nói lên sự việc bị trúng kế của kẻ gian hay kẻ địch, khiến cho mình phải ngậm đắng nuốt cay, cúi đầu chấp nhận những thiệt hại về phương diện vật chất, cũng như những sứt mẻ về phương diện tinh thần. Và đôi khi đi đoong cả một cuộc đời.

 

 Trong những năm gần đây, bàn dân thiên hạ thường dùng hai chữ “sập bẫy” để nói lên sự việc bị trúng kế của kẻ gian hay kẻ địch, khiến cho mình phải ngậm đắng nuốt cay, cúi đầu chấp nhận những thiệt hại về phương diện vật chất, cũng như những sứt mẻ về phương diện tinh thần. Và đôi khi đi đoong cả một cuộc đời.

 

Theo nghĩa hẹp thì cái bẫy chính là cái cạm, một vật được chế tạo có thể sập xuống hay bật lên để bắt thú vật và những kẻ gian. Theo nghĩa rộng thì đó là những phương tiện cũng như những cách thức để bắt thú vật hay lấy đi tiền bạc của người khác. Còn theo nghĩa bóng thì đó là tất cả những mưu mô tính toán, những ý đồ đen tối được giăng ra để hãm hại người ngay lành.

 

Trong phim ảnh, gã đã từng được nhìn thấy những chiếc bẫy sập thật lớn được làm bằng sắt, hay những chiếc bẫy bật được làm bằng dây thừng, để bắt hươu nai và cả hổ cọp nữa.

 

Người ta cũng có thể đào những chiếc hố vừa sâu lại vừa rộng, bên trên được ngụy trang bằng lá rừng và cây que. Con vật đi tới đó, nếu không tinh ý, sẽ bị rơi xuống hố và người ta chỉ việc đến bắt.

 

Gã nhớ lại vào khoảng năm 1958, vùng Cái Sắn còn là những cánh đồng hoang bạt ngàn với lau sậy và cỏ lác mọc ngập đầu. Nhà nước bắt đầu cho đào những con kênh để thoát phèn và đưa đồng bào tới đinh cư. Mỗi gia đình được cấp phát một nếp nhà lá và một chiếc xuồng. Hai ba gia đình lại được một con trâu. Và tiền trợ cấp mỗi đầu người cho một ngày là…bốn đồng. Cá, chim, chuột và rắn lúc bấy giờ thật ê hề.

 

Bố gã thường chọn những chỗ nước chảy để làm “nhạy”, bằng cách đắp chặn lại và ở giữa chôn một chiếc lu lớn. Cá lóc nhảy lên nhạy, trườn tới trườn lui và rơi tỏm vào trong chiếc lu. Mỗi đêm phải đi thăm nhạy hai ba lần và mỗi lần được tới một hai bao tải toàn cá lóc lớn. Phải chăng cái nhạy cũng là một thứ bẫy để bắt cá lóc.

 

Ngoài việc làm nhạy, chiều chiều bố thường dắt gã ra đồng để bẫy chim. Bẫy này thường được làm bằng tre, mồi là những con cá nhỏ được mắc vào lưỡi câu và thả xuống dòng nước. Cò và cuốc bay tới xơi cá, bẫy sẽ bật lên. Và sáng hôm sau chỉ việc bắt và đem về nhà là sẽ có được một bữa nhậu…hoành tráng.

 

Bây giờ việc bẫy chim có phần cải tiến và văn minh hơn. Khi mùa gặt hoàn tất, chim chóc thường bay tới để ăn những hạt thóc rơi rụng trên ruộng đồng. Và thế là người ta bước vào mùa bẫy chim.

 

Người ta giăng lưới thật cao ngoài đồng ruộng, sau đó đuổi dồn cho chim bay tới, rồi kéo chụp lưới xuống.

 

Riêng đối với chim cu, người ta thường dùng chim mồi để dụ khị những con chim khác. Còn nếu không có chim mồi, người ta thu tiếng chim cu gáy vào băng cát xét. Sau khi giăng lưới thì mở máy để phát ra những tiếng gọi…tình. Nghe được tín hiệu gọi tình ấy, các chim cu khác liền xà xuống để tìm bạn…giao lưu.

 

Nhà gã ở nông thôn nên thường có chuột, nhất là lũ chuột nhắt chuyên môn cắn phá quần áo và đồ dùng. Cạm chuột là một chiếc lồng làm bằng lưới mắt cáo, trong gài mồi. Chuột vào ăn mồi, bẫy sẽ sập và nhốt chuột lại trong bẫy.

 

Riêng gã thì thường dùng bẫy sập hay bẫy kẹp, tức là bẫy có lò xo, để kẹp chặt con chuột. Chỉ cần quan sát đường đi nước bước của con chuột. Nó thường chạy sát vách tường, nên chỉ cần đặt bẫy đúng chỗ, chuột đi đụng phải bẫy và bẫy liền sập, chẳng cần phải dùng đến mồi màng chi cả.

 

Tới đây, gã xin ghi lại một cách bẫy vịt, đã được Toan Ánh ghi lại trong cuốn “Ăn trộm và nghệ thuật bắt trộm” như sau:

 

“Hai tiếng vớt vịt có lẽ làm bạn đọc ngạc nhiên, vì động từ vớt dùng để chỉ việc lấy một vật gì đang trôi hoặc chìm ở dưới nước lên, còn vịt là một giống vật bơi lội rất giỏi, có bao giờ đến nỗi bị chìm hoặc bị trôi ở dưới nước được đâu mà cần phải vớt.

 

Nhưng thưa các bạn, đây chỉ là tiếng lóng trong làng chích cược, để chỉ việc ăn trộm vịt ở ngay trước mặt người chăn vịt. Tuy là tiếng lóng, nhưng vớt vịt vẫn đúng theo nghĩa đen của động từ vớt và của danh từ vịt, như các bạn sẽ thấy ở dưới đây.

 

Một đàn vịt đang được chăn ở giữa cánh đồng bởi một người chăn vịt, ấy thế mà vịt vẫn cứ bị mất. Người chăn vịt không biết mất ở đâu, mất lúc nào và do ai bắt? Lạ nhất là vịt không mất một hai con, mà thường mất năm sáu con mỗi ngày.

 

Xanh không thủng thì cá đi đằng nào? Vịt không có người bắt thì nó biến đi đâu? Tất nhiên vịt phải có người bắt, nhưng người ấy là ai, đó là điều khó biết, và người lấy vịt đã lấy bằng cách nào?

 

Cánh đồng làng nào mà chẳng vậy, thường có một vài chiếc đầm hay chiếc ao. Và đã có đầm có ao, tất nhiên phải có người ngồi câu cá.

 

Những đàn vịt mỗi khi được chăn qua các ao đầm, chúng thường xuống nước để bơi lội vẫy vùng cho thỏa chí.

 

Chính những người chăn vịt cũng muốn xua vịt xuống ao để chúng tắm rửa, ăn bèo tấm, mò tôm bắt cá. Vịt có được vẫy vùng ở nước mới mau lớn và người chăn vịt, khi cho vịt ăn no ở cánh đồng, thường tìm nơi hồ ao cho chúng xuống khuây khỏa. Chính ở những nơi ao hồ hoặc đầm, mà vịt đã bị chìm theo nghĩa đen, để rồi được vớt lên sau. Do đó mới có động từ vớt vịt.

 

…Nguyên ao bèo thường có nhiều cây hoa súng. Lá hoa súng xòe to như lá sen. Anh trộm vịt với vóc dáng người câu cá, đã đặt trên mỗi chiếc lá hoa súng một hòn gạch nhỏ đủ sức làm chìm một con vịt. Anh buộc vào hòn gạch một sợi dây. Ở đầu dây có buộc một con tôm hoặc một con cá nhỏ. Vịt đớp con tôm hoặc cá, đớp rồi, nhưng không sao nuốt trôi vì vướng sợi dây. Vịt phải vẫy vùng làm động đến hòn gạch. Hòn gạch lăn xuống nước kéo theo cả con vịt. Con vịt bị chìm nghỉm không kêu lên được một tiếng, đành chịu lặn ở dưới nước cho tới khi được vớt lên.

 

Hai tiếng vớt vịt tuy là tiếng lóng, mà thật đúng theo nghĩa đến vậy”.

 

Sau khi đã kể lể cà kê dê ngỗng về các thứ bẫy thông thường, gã xin đề cập tới một thứ bẫy rất đặc biệt, mà gã tạm gọi là…bẫy tình.

 

Nếu sánh ví lãnh địa của tình yêu với một khu rừng, thì phe đờn bà, cách riêng những cô gái mới nhớn là những con nai vàng ngơ ngác, còn mấy gã đờn ông con giai là những tên thợ săn lão luyện. Tuy nhiên, để túm được con mồi, những gã thợ săn này đều phải kiên nhẫn giăng bẫy. Vậy đâu là những chiếc bẫy mà họ vốn thường hay giăng ra?

 

Dựa theo một bài báo đã được đang tải từ lâu trên tờ “Hạnh phúc Gia đình”, gã xin “tán dài tán rộng” về một vài loại bẫy.

 

 

Thứ nhất là “bẫy khổ nhục”

 

Trong phạm vi chính trị và quân sự, đôi khi người ta phải sử dụng tới “khổ nhục kế”, tức là cái kế làm khổ thân xác để hoàn thành một mục đích nào đó.

 

Trong thời “Tam Quốc”, Châu Du lập trận Xích Bích hầu đốt binh của Tào Tháo. Để đạt được việc này, cần phải có một người tâm phúc qua đầu quân với Tào Tháo, làm nội ứng. Huỳnh Cái tình nguyện xin đi và thi hành phận sự. Hai người bàn bạc với nhau và nhất trì dùng khổ nhục kế.

 

Vào một buổi chiều, Châu Du họp với bá quan văn võ và trình bày ý định cử binh phạt Tháo. Huỳnh Cái vội chê trách và cho Châu Du là thiển cận. Châu Du làm ra vẻ giận dữ, sai lính hầu đánh đập Huỳnh Cái một cách tàn nhẫn và đuổi đi.

 

Huỳnh Cái buồn chán chạy sang đầu quân cho Tào Tháo và được tin dùng. Huỳnh Cái làm nội ứng và thực hiện ý định. Binh lính của Tào Tháo bị Châu Du đốt tan xác ở trận Xích Bích.

 

Trong lãnh vực tình yêu, khổ nhục bẫy thường được những anh đờn ông đã có vợ sử dụng. Anh ta làm quen với cô gái và không giấu giếm việc mình đã có gia đình. Tuy nhiên, trong khi trò chuyện, anh ta thường “vô tình” hé ra rằng mình không được hạnh phúc. Xen vào những câu chuyện thông thường, anh ta bộc lộ những chi tiết chứng tỏ người vợ đã làm cho anh ta thất vọng…

 

Đến khi đã tạo được một sự tin tưởng và cảm thông, anh ta sẽ vẽ ra một bức tranh đen tối về cuộc sống gia đình, rằng mình đã sai lầm, rằng mình rất cô đơn, rằng mình rất đau khổ, để rồi cuối cùng anh ta thố lộ:

 

– Anh không thể sống thiếu em và từ khi biết em, anh mới hiểu được thế nào là tình yêu thực sự. Và chỉ mình em mới đem lại cho cuộc đời anh một ý nghĩa…

 

Những lời lẽ như vậy thường khơi dậy tình thương và lòng nhân ái, vốn thuộc vào bổn tính của người phụ nữ, khiến họ không nỡ bỏ rơi người đờn ông đang tuyệt vọng, để rồi cuối cùng chính họ bị sập bẫy lúc nào cũng không hay biết.

 

 

Thứ hai là “bẫy cải lương”

 

Đây là cái bẫy mà những anh chàng bẻm mép, hay ba hoa chích chòe thường dùng đến. Vừa mới quen nhau một thời gian ngắn, anh ta đã vội tuôn ra rông rổng những lời lẽ nặng mùi cải lương chi bảo:

 

– Anh đã yêu em ngay từ cái nhìn đầu tiên. Có lẽ đó là định mệnh của hai đứa mình…

 

Anh ta không tiếc lời ca tụng cô gái:

 

– Nơi em có những cái mà người khác không có…

 

Những lời lẽ tâng bốc này thường làm xiêu lòng những cô gái tuổi mười tám đôi mươi. Nhưng nếu có tí kinh nghiệm, người ta sẽ nhận ra đó chỉ là những lời lẽ sáo rỗng, sao chép lại những công thức tỏ tình đã…xưa rồi Diễm ơi!

 

Nếu cô gái vẫn ngoảnh mặt làm ngơ, anh ta không ngần ngại thề thốt:

 

– Anh sẽ chờ đợi em suốt đêm cho đến khi được một cái hẹn…

 

– Anh sẽ ở vậy suốt đời, hay sẽ treo cổ lên…cây cà chua, mà tự tử cho chết.

 

Tới mức này, người con gái khó mà làm chủ được mình nữa và cuối cùng là…sập bẫy.

 

 

Thứ ba là “bẫy phớt tỉnh Ăng lê”

 

Đây là cái bẫy của những tay săn tình có bản lãnh cao cường thuộc vào hàng sư phụ. Kinh nghiệm trận mạc cho anh ta thấy nhiều khi những lời lẽ hoa hòe hoa sói trở thành bôi bác, thái độ lăn xả và săn đón quá mức sẽ làm cho con mồi e ngại, hoảng sợ và lẩn trốn.

 

Vì thế, anh ta bèn tỏ ra phớt tỉnh Ăng lê, cóc cần chị nào hết, như một câu danh ngôn đã bảo:

 

– Tình yêu như chiếc bóng, càng đuổi theo nó, thì nó lại càng trốn chạy ta.

 

Có thể lúc đầu anh ta cũng đã quan tâm tới cô gái bằng những lời nói và những cử chỉ rất dễ thương. Đến khi cô gái bắt đầu chịu đèn và nhớ nhớ, thì anh ta lại tỏ ra như quên lãng, khiến cho cô gái ngày đêm như héo hắt và quay quắt. Tới đây thì chỉ cần anh ta bố thí cho một cú liếc mắt, hay một nụ cười mỉm chi, lập tức cô gái sẽ ào ào chạy tới và bị sập bẫy dễ dàng như trở bàn tay.

 

 

Sau cùng là “bẫy tiền bạc”

 

Đây là cái bẫy của những anh chàng thuộc vào hàng đại gia, hay ít nữa trong túi cũng rủng rỉnh đôi chút tiền bạc.

 

Đầu tiên anh ta sẽ tặng cô gái những kỷ vật nho nhỏ, rồi cùng với thời gian tình thân càng lớn, thì quà tặng càng có giá trị.

 

Cô gái cứ “vô tư” nhận những món quà đắt tiền và cho đó là việc rất tự nhiên. Cô gái làm quen với việc tiêu xài hoang phí theo kiểu con nhà lính tính nhà quan, luôn đi với anh ta vào những nhà hàng sang trọng. Dần dần cô gái sẽ bị áp lực đồng tiền chi phối, rồi sẽ tới một lúc bị cưa đổ và sập bẫy trước những đòi hỏi của anh ta.

 

Dĩ nhiên, còn nhiều thứ bẫy khác nữa, nhưng điều quan trọng là làm thế nào để nhận diện đâu là tình yêu chân thành và đâu chỉ là những cái bẫy? Làm thế nào để biết được người ta yêu thương mình thực sự, hay chỉ bẫy mình để lợi dụng mà thôi?

 

Sở dĩ như vậy vì tình yêu chân thành nhiều lúc cũng xuất phát từ những đau khổ, từ những lời nói ngọt như đường cát và mát như đường phèn và từ những quà tặng trao gửi.

 

Theo tác giả bài báo thì phần lớn những cái bẫy trong tình yêu đều xuất phát từ những sự quen biết tình cờ và ngắn ngủi, không thích xuất hiện công khai một cách đường đường chính chính, mà chỉ thích gặp gỡ riêng tư ở những nơi kín đáo, thậm chí còn ở những nơi thiếu ánh sáng.

 

Và điều quan trọng hơn, đó là những cái bẫy này thường không tôn trọng những giá trị tinh thần và đạo đức, mà chỉ hướng tới nhu cầu hưởng thụ. Vì thế, sau một thời gian chinh phục và giăng bẫy một cách rất ngắn ngủi, những tên thợ săn bèn lộ rõ nguyên hình bằng những đòi hỏi về tình dục.

 

Cho nên, hỡi những cô gái mới nhớn, những con nai vàng ngơ ngác, hãy đề cao cảnh giác !

 

Gã Siêu

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.