Vụ công ty Vedan rành rành hai năm rõ mười, ấy thế mà kéo rê hơn hai năm trời, vẫn chưa đi đến đâu, không chừng hết thời hiệu khởi kiện (vào tháng chín), rồi huề cả làng; rốt cuộc, người dân nghèo thiệt đầu thiệt đuôi!
Chiến thuật “để lâu cứt trâu hoá bùn”, kèm theo những đồng tiền hối lộ và tinh thần “cha chung chẳng ai khóc”, vô trách nhiệm của các ban ngành nhà nước, khiến vụ việc động trời, gây thiệt hại to lớn cho người dân nghèo, teo tóp lại dần, để đến cuối cùng, có may lắm thì Vedan cũng sẽ bố thí dăm ba đồng làm phúc cho đám dân thấp hơi bé giọng ấy. Kêu ai bậy giờ: Trời cao đất thấp, khó lòng gặp nhau. Người bạn trong Tin Mừng không ngại quấy rầy đêm hôm, để vay cho bằng được mấy cái bánh mà anh cần. Bà goá bất chấp tình khí khó chịu của viên quan toà bất công, cứ tiếp tục dai dẵng khiếu kiện, đến khi viên quan phải đầu hàng mà xử cho Bà. Trước bất công, người có lương tri nào mà chẳng bất bình!
Cơn bão số 1 Conson đã qua. Có lẽ đây là lần đầu tiên có một dân tộc như Việt-Nam, vốn luôn khốn đốn vì bão, lại háo hức chờ bão, khấn vái cho bão vào đất Việt, chứ đừng trệch hướng sang hết Trung Quốc. Chỉ vì hàng triệu người đang chết khát, hàng trăm ngàn hecta ruộng lúa đang chết khát. Bao nhiêu nước cho đủ đầy những giếng nước, ao hồ. bao nhiêu nước cho đủ thấm vào đất đai khô cằn, nứt nẻ mấy tháng nay. Những lúc nầy, tự nhiên nhớ lại cảnh người người ra đồng, nhà nhà ra đồng, ngành ngành ra đồng, biểu ngữ cờ xí rợp trời, nắm đấm chỉ về trời và ngạo mạn hô vang :”Thằng Trời đứng qua một bên; để ông thủy lợi đứng lên làm Trời”. Dân Việt chính tông không ngạo mạn như thế. Những lời cầu khẩn rất chất phác, rất thực tế và không hề ỷ lại: Lạy trời mưa xuống. Không xin cơm no áo ấm, không xin cả những tiện nghi đời sống căn bản nhất. Chỉ xin trời cho mưa thuận gió hoà, trong “quyền năng” và tình thương của Tạo Hoá; còn những thứ khác, sau khi trời đã ban mưa rồi, tất có nước uống, có nước để cày và cấy lúa. Cây lúa tốt tươi do công khó con người, sẽ cho cơm, gạo, mà lòng biết ơn thể hiện qua tiếng gọi “ngọc thực”. Có cái để đun và nếp là thứ để thưởng thức trong những dịp lễ tết, hội hè, đình đám. Bởi vậy, người dân Việt thuần phác luôn đầy tâm tình biết ơn Trời: khi được ai hỏi han điều gì, luôn mở đầu câu trả lời bằng cụm từ “nhờ Giời”, ”cám ơn Trời”. Xem ra mỗi lần đọc kinh Lạy Cha, Kitô hữu phải nhìn lại thái độ thật tham lam, nhưng lại ít tin và rất ít biết ơn của mình.
Thứ nhất, chúng ta đọc kinh Lạy Cha một cách máy móc (đúng ra, như một cái máy), trong Thánh Lễ, trong lần hạt. Người ta không còn biết mình đang lẩm bẩm điều gì. Kinh Lạy Cha là kinh của mọi kinh, nhưng khi nó không còn gợi lên trong tâm hồn chúng ta một chút tâm tình tin cậy mến nào nữa, thì các lời cầu nguyện khác cũng chỉ được làm theo hình thức, không còn mang ý nghĩa gì nữa và cũng không nâng chúng ta hướng về Đấng, mà như Thánh Phaolô dạy chúng ta gọi là “Abba”, – Bố ơi – Cha ơi! Tình Phụ Tử thắm thiết mới chính là điều mà Chúa Giêsu muốn chúng ta có đối với Chúa Cha,nhờ cầu nguyện kinh Lạy Cha. Có người ngụy biện cho việc làm máy móc nầy, bằng cách so sánh nó với việc tỏ tình của những cặp đang yêu nhau : những người nầy, theo họ, đâu cần phân tich căn cơ ý nghĩa câu “anh yêu em”,’em yêu anh” , mà chỉ cần tỏ ra cho và dù phải nhịn ăn nhịn uống để lập đi lập lại cả ngày chỉ một câu ấy thôi, cũng không thấy chán. Đúng vậy! Vấn đề là có giữ mãi được tình yêu thắm thiết hoặc “cơm lành canh ngọt” chăng? Ta hãy nhớ lời Chúa nói với chúng ta :” “Ta trách ngươi điều nầy: ngươi đã để mất tình yêu thuở ban đầu” (Kh 2,4). Nhà thơ Thế-Lữ nói: “Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy, Ngàn năm hồ dễ đã ai quên". Nhưng chúng ta thì quên thật rồi!
Kế đến, kinh Lạy Cha là một kinh “xin”: xin cho mình và xin cho người. Nhưng chúng ta thường chỉ nhớ đến mình, xin cho mình, chuyển ngôi thứ nhất số nhiều (chúng tôi) thành số ít (tôi). Và khi từ tính chất tập thể,vị tha bị biến thành tính cá nhân,vị kỷ, thì những lời cầu xin cũng trở thành tham vọng, ích kỷ, nhiều khi còn đi ngược với Tin Mừng. Kinh Lạy Cha là kinh của An Bình – Hiệp Nhất –Yêu Thương, nhưng chúng ta “miệng nam mô, bụng một bồ dao găm”, cầu xin cho Nước Cha trị đến bằng việc cho những “quân dữ” dám tịch thu, chiếm cứ đất đai nhà thờ, nhà xứ, dòng tu phải bị tru di tam tộc, cửu tộc hoặc tuyệt tự tuyệt tôn. Với chúng ta, Danh Cha cả sáng đồng nghĩa với việc bọn vô thần ác ôn dám triệt phá thánh giá, nhà thờ, phải bị phạt nhãn tiền. Và với những suy nghĩ, tâm tình đầy hận thù, máu lửa ấy, chúng ta muốn ý Cha thể hiện theo ý chúng ta. Và vì đọc mãi, cầu mãi mà chẳng như ý, lòng tin chúng ta theo đó mà nhạt phai. Chúng ta quên hình ảnh Một Người run rẫy, kinh hoàng trong Vườn Cây Dầu, lạy xin cho khỏi uống chén đắng khủng khiếp mà Người Ấy không chỉ dự cảm, mà thấy rõ, nhưng vẫn “ xin đừng theo ý Con, một theo Ý Cha” (Lc 22,42). Ý Chúa Cha ra sao, thì không ai không biết! Chúng ta chỉ trích Chúa Cha là bất lực, là để cho quân Giu-dêu lộng hành, coi thường và chà đạp Đạo Chúa, muốn bắt ai, giết ai, cũng được, có mỗi một Đứa Con mà cũng không bảo vệ được, để đến nỗi Con Một mà cũng phải kêu lên: “Chúa Trời ơi, sao lại bỏ rơi con?” (Mt 27,46;Tv 21,1). Chúng ta đấu tranh cho Sự Thật, cho Công Lý. Chúa Cha cũng “đấu tranh” cho Sự Thật và Công Lý: bằng cái chết của Người Con Vô Tội và là Thiên Chúa. Chúa Giêsu khẳng định Người là Đường ( Công Lý), là Sự Thật và là Sự Sống ( x. Ga 14,6), nhưng Ý Cha cao hơn Sự Thật và Công Lý, là tình yêu vô biên. Oan oan tương báo,di hận miên miên. Cái mà tội Adong-Eva để lại,không chỉ là đau khổ chết chóc, mà là hận thù miên man. “Oan oan tương báo”: Nếu cứ đấu tranh cho Sự Thật và Công Lý theo luật Talion (ăn miếng trả miếng; mắt đền mắt, răng thế răng), thì “di hân miên miên”. Người tát má trái của kẻ chìa má cho tát để hoá giải hận thù,không bao giờ mạnh hơn và thắng được kẻ chìa má ra (x. Lc 6,29). Mahatma Gandhi đã chấm dứt bạo lực bằng bất bạo động (bất bạo lực – non violence) và cái chết bị ám sát càng củng cố siức mạnh chủ trương của ông. Chúa Giêsu đã chịu khổ nạn và chịu chết ô nhục, để chặt đứt mối hận thù, mà Satan gieo rắc, xúi giục và trói buộc con người. Là đứa đã phản bội tình thương, không bao giờ có yêu thương, không bao giờ biết yêu thương, mà không ăn được thì phải đạp đổ, Satan muốn con người chìm trong hận thù bằng mọi cách, dưới mọi hình thức.
Là con cái Chúa, con cái Hội Thánh, chúng ta không thể nào chấp nhận “sống chung hoà bình”, thoả hiệp với Gian Dối và Bất Công và phải đấu tranh cho Sự Thật và Công Lý, nhưng không phải theo kiểu mẫu của Satan, không thể hành động giống như những kẻ làm trái Sự Thật và Công Lý, vì như thế, ta nào khác gì họ (x. Mt 5, 38 – 48). Hãy nghe lời Đức Thánh Cha Biển-Đức XVI dạy :”AI THAM DỰ VÀO SỨ MỆNH CỦA CHÚA KITÔ, ĐỀU KHÔNG TRÁNH KHỎI PHẢI ĐƯỜNG ĐẦU VỚI THỬ THÁCH,NHỮNG BẤT HOÀ VÀ NHỮNG ĐAU KHỔ, BỞI VÌ NGƯỜI ẤY ĐƯƠNG ĐẦU VỚI NHỮNG CHỐNG CỰ VÀ QUYỀN LỰC CỦA THẾ GIAN NẦY. BÁCH HẠI CŨNG LÀ BẰNG CHỨNG CHO SỰ XÁC THỰC CỦA SỨ MỆNH TÔNG ĐỒ CỦA CHÚNG TA” VÀ NHƯ LỜI THÁNH PHAOLÔ,”VŨ KHÍ CỦA CHÚNG TA LÀ LỜI CHÚA KITÔ VÀ THÁNH GIÁ CỦA NGƯỜI” (x. I Cor 1, 22 – 25) (Đức Thánh Cha Biển-Đức XVI,ngày 21.05.2010)
Xin trích dẫn những lời Đức Mẹ Mễ Du nói với chúng ta qua các thị nhân:
– Với Ivanka Ivankovic – Elez : “Người ta có biết được mình có sống theo Thánh Ý Chúa hay không chính là ở sự bình an mà họ có được nhiều hay ít. Nếu họ không được bình an trong tâm hồn, tức là họ đã không làm điều phải. Ai làm theo Thánh Ý Chúa sẽ có được bình an.”
– Với Ivan Dragicevic : “Mọi lời cầu nguyện đều làm cho Thiên Chúa được hài lòng. Chỉ có Satan mới là đứa luôn nói với chúng ta rằng lời cầu nguyện của chúng ta vẫn chưa đủ, chúng ta chưa đủ tốt lành. Lời cầu nguyện vắn tắt nhất lại là cầu nguyện rất nhiều.”
– Với Jakov Colo : “Chúng ta cần học hỏi tạ ơn Thiên Chúa như thế nào, vì Người đã ban ơn cho chúng ta quá nhiều, mà chúng ta lại chưa nhận biết được điều đó. Thế mà chúng ta lại đang đòi hỏi nhiều hơn.”
CVK Nguyễn Thế Bài
HÃY HÁT LỜI TÌNH YÊU – THÁNH VỊNH 59
NGƯỜI ĐÃ XUA ĐUỔI ĐẨY LÙI CHÚNG CON
Thánh vịnh nầy mang dấu ấn mạnh mẽ vì tính chất tập thể của nó và vì nhựng hoàn cảnh cụ thể về địa lý và lịch sử nơi Dân Chúa đã sinh sống. Nhưng lịch sử của dân tộc nầy là lịch sử của chúng ta :”những sự việc nầy xảy ra cho họ để làm bài học,và đã được chép lại để răn dạy chúng ta,là những người đang sống trong thời sau hết nầy” (I Cor 10,11). Lịch sử Dân Chúa tiếp tục,chỉ được soi sáng và từ nay được vĩnh viễn định hướng do nó đã đi qua Chúa Kitô. Giáo Hội, chứ không chỉ riêng các dân tộc, biết đến những lối đi quan chật hẹp nầy, biết đến những thời kỳ tối tăm nầy, những lúc mà Thiên Chúa dường như rút lui, những lúc mà mọi sự trên cao im tiếng,những lúc mà mọi sự dường như đưộc làm ra để bẻ gãy sức mạnh những thiện tâm thiện chí còn sót lại : thế kỷ nầy hoặc thế kỷ nọ của lịch sử Giáo Hội đã diễn ra trong bầu khí bại trận,hoảng loạn,kinh hoàng.
Nhưng trong bí mật,Chúa Kitô chăm lo cho tâm hồn những người tốt nhất: một vị thánh, một vị giáo hoàng vĩ đại, một tổ chức được gìn giữ bảo vệ hoặc dựng nên nhờ ân sủng, cất tiếng kêu hướng về Chúa và được Chúa lắng nghe.
Và tiếng của Đức Chúa vang lên như xưa kia ở Israel. Thiên Chúa thức tỉnh những tâm hồn quảng đại ở bốn phương trời và lám cho sa mạc ‘hưng thịnh lại “ (Is 35,1). Và quả thật, những tâm hồn trấn tĩnh lại. Giáo Hội lấy lại một đà vương tới mới như sau ‘thế kỷ gian nan bất hạnh”, như sau thời Cải Cách… Những thời riêng của chúng ta rất gian nan khắc nghiệt : đọc các thánh vịnh nầy, chính là lấy lại tâm hồn. Chúa Kitô, lần nữa, giống như người kỵ mã trong sách Khải Huyền “ xông lên như người thắng trân để chiến thắng” (Kh. 6,1)
Views: 0