Kể từ khi bắt đầu sứ vụ rao giảng Tin mừng. Bất cứ nơi đâu Đức Giêsu xuất hiện; dù ở Giêrusalem hay khắp vùng thập tỉnh; dù ở miền Galilê hay bên kia sông Giodan; lập tức nơi đó từng đoàn dân đông đảo “lũ lượt kéo đến đi theo Ngài”.
Họ đi theo không chỉ để chứng kiến Đức Giêsu làm phép lạ như “chữa hết mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền”; bất kể kẻ đó bị “quỷ ám, kinh phong, bại liệt” (Mt 4,23-24)… Họ đi theo còn để nghe những lời dạy dỗ “những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Ngài” (Lc 4,22). Và nhất là để được nghe về một thứ “Giáo Lý mới, người dạy lại có uy quyền” (Mc 1, 27).
Thế nhưng, không phải là không có kẻ đi theo Đức Giêsu chỉ để dò xét, bắt bẻ, và tranh luận… Đã có biết bao cuộc tranh luận gay gắt giữa Đức Giêsu với nhóm Phariseu lẫn các thầy thông luật. Hầu như những cuộc tranh luận của họ đều có một chủ đích hết sức “đen tối”; đó là mong sao “Ngài lỡ lời mà mắc bẫy” (Mc 12,…13).
Và dẫu cho có không ít kẻ đã phải “tẽn tò” rút lui trước những lời đối đáp đầy quyền uy và đầy tính thuyết phục của Đức Giêsu; nhưng không vì thế mà họ không tìm dịp để tiếp tục “thử lửa” với Ngài…
Hôm nay, lại một người thông luật “giả nai” đưa ra một câu hỏi chất vấn Đức Giêsu : “Tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp ?”. Thật ra thì; khi đặt câu hỏi này; vị thông luật biết mình sẽ phải trả lời ra sao !
Trình thuật Tin Mừng Luca mô tả vị thông luật đã trả lời “ngọt sớt” ngay sau khi Đức Giêsu đặt một câu hỏi ngược lại… Thực sự, mục đích của thầy thông luật là hỏi-để-mà-thử và thử là để giữa ông ta và Đức Giêsu “ai-là-người-có-lý” !!!
Ai ! “Ai là người thân cận của tôi ?” Không trả lời trực tiếp vào câu hỏi. Đức Giêsu – một lần nữa – qua việc kể một dụ ngôn. Ngài đã trả lời câu hỏi trên một cách hết sức ngoạn mục.
Ba nhân vật được đề cập trong dụ ngôn. Một thầy tư tế. Một thầy Lêvi. Và một người Samari. Cả ba; kẻ trước người sau; đều đi trên một lộ trình. Và cả ba đều nhìn thấy cảnh bi đát của một người lữ khách. Anh ta “bị rơi vào tay kẻ cướp…bị lột sạch… bị đánh nhừ tử…” và bị quẳng ra nằm rên rỉ giữa ngã ba đường làng.
Không thể tin được ! dù trông thấy người lữ khách đang nằm “nửa sống nửa chết”(Lc 10, 30). Nhưng cả thầy tư tế lẫn thầy Lêvi đều “tránh qua bên kia mà đi” !!!
Người Samari. Vâng, người Samari “cũng thấy và chạnh lòng thương”. Câu chuyện kết thúc có hậu. Người Samari “lại gần… đặt người ấy lên trên lưng lừa của mình,và đưa về quán trọ mà săn sóc” (Lc 10,…34).
Một chút tâm tình…
“Ai là người thân cận của tôi ?”. Đối với thầy thông luật cũng như toàn thể người Do Thái; họ quan niệm rằng “người thân cận” chính là người-đồng-đạo, đồng hương và đồng chủng tộc.
Với Đức Giêsu; qua dụ ngôn được kể trên; Ngài không chỉ gửi đến thầy thông luật một “đáp án” mà còn để lại nơi ông ta một quan niệm mới về lòng nhân ái.
“Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp ?” Thầy thông luật với một nhãn giới mới về lòng nhân ái; ông ta đã không ngần ngại trả lời rằng “Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy” (Lc 10,37).
Vâng, người thân cận của tôi “Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót” đối với những người cần lòng xót thương.
Một phút suy tư…
Con đường “từ Giêrusalem xuống Giêricô” năm xưa… Phải chăng cũng có đôi nét giống con đường chúng ta đi hôm nay !!!
Hãy nhìn kìa ! Con đường chúng ta đi hôm nay; con-đường-lữ-thứ-trần-gian… Vâng; vẫn còn đó; những con người “nửa sống nửa chết” trong một thế giới đầy bất công và bạo lực !!! Vẫn còn đó; những con người chưa kịp mở mắt chào đời đã “rơi vào tay kẻ cướp”; chúng “lột sạch” sự sống… rồi hả hê bỏ đi… để mặc những con người đó, chỉ còn là một đống thịt nhày nhụa vô hồn !!! Vẫn còn đó; những con người “nửa sống nửa chết”… bị lột-dần-sự-sống bởi những căn bịnh nan y… căn bịnh thế kỷ !!! Vẫn còn đó; những con người “nửa sống nửa chết” bởi đói mặc… đói ăn !!!
Hãy nhìn kìa ! Con đường chúng ta đi hôm nay; con đường về Trời-Mới-Đất-Mới… Vâng; vẫn còn đó; những con người bị “cướp” đi cuộc-sống-tâm-linh; bởi những đam mê và dục vọng, những thú vui trần thế; bởi những viên thuốc lắc… lắc lư “quay cuồng theo tiếng nhạc đưa” !!! Vẫn còn đó; những con người nửa sống-nửa chết-phần-hồn; bởi đói Lời-Chúa !!!
Nếu chúng ta “tình cờ” nhìn thấy những con người đó ! Đừng ngần ngại nhìn nhận những con người đó là người-thân-cận của chúng ta. Và một khi chúng ta coi mình như là người thân cận của họ. Chẳng có điều gì ngăn cản chúng ta “đi và hãy làm” như người Samari “đưa họ về quán trọ của tình yêu thương và tha thứ”.
Vâng, “hãy đi và cũng hãy làm như vậy”; tùy theo “ơn gọi” của mỗi chúng ta. Hãy nhớ rằng : nếu chúng ta không ngần ngại mà “ cứ làm như vậy” thì như lời Đức Giêsu nói “như vậy là sẽ được sống” (Lc 10, 28). MỘT-SỰ-SỐNG-ĐỜI-ĐỜI-LÀM-GIA-NGHIỆP.
Petrus.tran
Views: 0