DIE GESCHICHTE DER KIRCHE IN 100 REPORTAGEN
Tác giả : Josef Holzer
Người dịch : Đinh Phan Cư
Phạm Hồng-Lam
TRÌNH THUẬT 18
ĐẠI-ĐẾ KARL "GIẢNG ĐẠO" CHO NGƯỜI SACHSEN THEO CÁCH RIÊNG CỦA ÔNG
Phép rửa của Chlodwig (Clovis) quan-trọng cho việc ki-tô-hoá dân Franken (Pháp) và phép rửa của Ethelbert quan-trọng cho dân Angel-sachsen (Anglo-Saxon) thế nào, thì phép rửa của Widukind cũng quan-trọng như thế cho việc truyền đạo nơi người Sachsen (Xắc-xông). Sử ghi việc rửa tội cho Widukind:
"Mấy người tò-mò nhận ra Widukind, khi ông đang luẩn-quẩn gần doanh-trại của quân Franken bên kia bờ sông Elbe. Ông muốn xem người ki-tô thờ kính Chúa họ ra sao. Lễ Giáng-sinh cận kề. Ông giả dạng làm người ăn-xin lẩn vào doanh-trại khi trời vừa tảng-sáng, theo đám lính bước vào nhà thờ. Lễ-vật không phải là ngựa hay bò, nhưng chỉ thấy Karl (đại-đế) và tuỳ-tùng quỳ gối trước bàn thờ để lãnh phép bí-tích. Hương trầm xông nghi-ngút, tiếng hát của các linh-mục rộn-ràng buổi lễ thánh. Widukind khoanh tay, lặng yên xúc-động. Ông tới quỳ rạp trước bàn thờ và nói với những người dự lễ ngỡ-ngàng quây quanh: ‘Tôi là Widukind người Sachsen đây, hãy rửa tội cho tôi để tôi cũng trở thành ki-tô hữu như các bạn !’ vua Karl liền ôm lấy ông "giữa tiếng hoan-hô vang dậy doanh-trại Franken…"
Từ-bỏ tất cả đồng bọn ma quỷ
Widukind nhận phép rửa ngày lễ Giáng-sinh năm 785. Người đỡ đầu là đại-đế Karl. Chậu rửa tội bằng đá quí Phi châu bọc khung đồng mạ vàng. Đại-đế thông-báo cho giáo-chủ Rô-ma hay tin việc vào đạo của đối-thủ một thời đáng sợ của mình và lệnh cho cả nước dâng lễ cảm-tạ Chúa.
Công-thức Widukind đọc khi rửa tội, từ năm 742 đã quen thuộc đối với người Sachsen. Nó có nội-dung như sau:
Linh-mục: "Con có từ bỏ ma quỷ không ?"
Tân-tòng: "Con từ bỏ ma quỷ !"
Linh-mục: "Và đồng bọn chúng ?"
Tân-tòng: "Và con từ bỏ tất cả đồng bọn của ma quỷ !"
Linh-mục: "Và tất cả công-trình của ma quỷ ?"
Tân-tòng: "Và con từ bỏ tất cả công-trình và lời-lẽ của ma quỷ, từ bỏ đồng bọn chúng là Donar, Wodan, Saxnot và tất cả tà thần khác !"
Linh-mục: "Con có tin Chúa là Cha toàn năng không ?"
Tân-tòng: "Con tin vào Chúa là Cha toàn năng !"
Linh-mục: "Con có tin Ki-tô là Con Thiên-chúa không ?"
Tân-tòng: "Con tin Ki-tô là Con Thiên-chúa !"
Linh-mục: "Con có tin Chúa Thánh-Thần không ?"
Tân-tòng: "Con tin vào Chúa Thánh-Thần !"
Với việc vào đạo của Widukind – nhà quý-tộc và là biểu-tượng kháng-chiến của dân Sachsen –, đại-đế Karl đã thắng trận chiến lớn nhất đời ông.
Chiến-tranh ba mươi năm
Cũng như dân Friesen, dân Sachsen là một bộ-tộc đức thuần chủng, định-cư ở miền bắc nước Đức. Một phần tộc này sang chiếm nước Anh và kết-hợp với với dân Angel gọi chung là "Angelsachsen" (Ănglô-Xắcxông). Sachsen là bộ tộc đức cuối cùng được đại-đế Karl (lúc đó còn là vua) sát-nhập vào Vương-quốc Franken, sau một cuộc chiến kéo dài 32 năm. Karl phải đánh Sachsen, vì dân này thỉnh-thoảng vẫn tấn công Vương-quốc Franken và cũng vì ông biết rằng bao lâu chưa bình-định được dân đó thì Vương-quốc không thể yên được.
Đạo đời là một, nên chiếm đất cũng có nghĩa là mở rộng truyền giáo. Cho tới lúc đó, mọi cuộc truyền giáo ở Sachsen đều thất-bại, vì dân Sachsen coi các nhà truyền giáo là tay-sai của vua Franken. Cả Bô-ni-fa-xi-ô trước đó cũng đã không thành-công.
Cuộc "tắm máu ở Verden"
Karl bắt đầu mở những trận đánh trả thù vào năm 772. Ông cho tiến quân mãi tới sông Weser và chỉ dừng lại khi quân Sachsen xin đình chiến. Sau đó, Sachsen lại khởi-nghĩa và bị dẹp hoàn-toàn. Dân chúng theo nhau vào đạo, đặc-biệt ở thành-phần quý-tộc. Nhưng, lợi-dụng khi Karl sang Rô-ma giúp giáo-chủ Ha-dri-a-nô I chống lại quân Langobarden, dân Sachsen lại nổi dậy, lần này do Widukind thủ-lĩnh. Widukind cho phá tan-hoang miền Rheinland, đập phá nhà thờ, giết linh-mục. Nhờ sự cộng-tác của giới quý-tộc Sachsen, quân Franken đã kịp thời dẹp yên, trước khi Karl ra tay. Chính dân Sachsen bắt đám thủ-lĩnh nổi dậy giao nộp cho Karl. Ông này cho giết sạch. Cuộc trả thù này của Karl đi vào lịch-sử như là một cuộc "tắm máu ở Verden" (bên sông Aller gần Bremen ngày nay), nơi 4500 người Sachsen bị hành-hình chỉ trong một ngày. Biến-cố này – đặc-biệt dưới thời Quốc-xã Đức – được người ta gắn liền với lịch-sử Giáo-hội, vì họ cho rằng cuộc chém giết cũng có cả lí-do tôn-giáo.
Thực ra, đã không ai bị giết vì không chịu vào đạo. Nhiều sử-gia cũng coi số nạn-nhân 4500 là quá đáng. Một phần là vì tầng-lớp quý-tộc lúc đó đã theo đạo và không tham-gia kháng-chiến. Thứ nữa, chỉ có một số dân chúng ở mạn dưới sông Weser và Elbe nổi dậy mà thôi. Và nữa, chuyện "tắm máu" không thấy truyền-thuyết nào ghi lại cả. Nếu thực điều đó có xẩy ra, thì hẳn Karl đã bước quá xa mức chiến-tranh "thông-thường" thời đó. Sử ghi rõ, chỉ những tay thủ-lĩnh bị nộp cho Vua để trị tội mà thôi – và do chính người Sachsen nộp !
Karl không phải là "Giáo-hội"
Các cuộc chiến bình-định sở-dĩ có "tính-chất tôn-giáo" là vì hậu-ý chính-trị của Karl. Ông muốn thống-nhất các dân-tộc trong đế-quốc bằng một niềm tin tôn-giáo chung hầu nền thống-nhất quốc-gia được bền vững. Nếu chỉ thống-nhất các dân-tộc về mặt chính-trị thôi thì không bền. Vì thế, đại-đế Karl đã "truyền đạo" không nhân danh Chúa Ki-tô, không nhân danh Giáo-hội, không nhân danh ngay cả giáo-chủ. Giáo-chủ Ha-dri-a-nô và các giám-mục Franken có thái-độ rõ-ràng phản-đối mọi truyền giáo bằng bạo-lực hoặc nhân danh chính-trị.
Karl hẳn sợ Sachsen liên-kết với dân Đan-mạch và Angel-Sachsen để lập một đế-quốc German thứ hai tại Âu châu. Giáo-hội cũng vậy, sợ dân Sachsen sau khi vào đạo sẽ lập một giáo-hội quốc-gia độc-lập với Rô-ma, bởi vì xứ Sachsen chưa bao giờ thuộc Đế-quốc Rô-ma và vì thế hoàn-toàn không có liên-lạc với Rô-ma. Cái sợ đó có căn-cứ, nhưng dù vậy, Giáo-hội đã không bao giờ chấp-nhận áp-lực chính-trị nào trên việc truyền giáo.
Dĩ nhiên, người ta cũng không đồng ý với các "biệt-luật" của Karl. Để giữ nền "thống-nhất Âu châu", Karl đã ra án tử cho một số tội như không chịu rửa tội, không giữ chay, thiêu xác người và ăn-cắp đồ nhà thờ. Các sử-gia Giáo-hội cho biết, không phải những cấm-cản này đã là nguyên-nhân tạo nổi dậy nơi người Sachsen, mà nguyên-nhân chính là vì việc bắt họ đóng một phần mười thu-nhập cho Giáo-hội. Điều này cũng có thể hiểu rằng Ki-tô giáo lúc đó có lẽ đã bám rễ rộng-rãi ở Sachsen rồi, và các biệt-luật của Karl chỉ là biện-pháp để giữ vững đức tin mà thôi (Maass).
Sau cuộc "tắm máu Verden", Widukind lãnh-đạo toàn dân Sachsen nổi dậy một lần nữa. Ông này thoát cuộc tàn-sát ở Verden nhờ trốn được khỏi tù. Karl phải đánh thêm hai trận trước khi quân Sachsen hoàn-toàn bị tiêu-diệt ở trận gần Paderborn năm 783. Khi thấy hết hi-vọng thắng, Widukind bỏ đi theo người Wiking. Karl cho người tới dụ ông về. Chỉ khi Widukind biết chắc không bị lừa, ông mới quay về doanh-trại Karl (785) và xin rửa tội, vì ông nhận ra Ki-tô "mạnh" hơn các thần của mình. Hai vị chủ-tướng trở thành bạn. Truyền-tụng cho hay hai người chít của Karl và Widukind đã lấy nhau và sinh ra đại-đế Otto sau này.
Vào đạo sau khi không còn áp-lực chính-trị
Năm 804 chấm dứt mọi đề-kháng của người Sachsen và những biệt-luật của Karl cũng được bãi-bỏ. Tính-chất chính-trị của cuộc truyền giáo do đó cũng không còn. Người Sachsen lúc này thanh-thản vào đạo, với một đức tin sâu-xa hơn mọi bộ-tộc đức nào khác. Chính họ về sau ca-ngợi đại-đế Karl, vì nhờ ông mà họ bỏ được tà-thần. Đại-đế Karl lập trên phần đất mới này các giáo-phận Muenster, Osnabrueck, Paderborn, Minden, Bremen và Verden.
Phép rửa Widukind là một biến-cố mang tầm hoàn-vũ, bởi vì dân Sachsen "đón nhận một cách sáng-tạo và họ là kẻ nắm giữ tương-lai chính-trị Giáo-hội, qua việc sản-xuất một triều-đại-đế-vương Đức mới 100 năm sau" (Maass).
TRÌNH THUẬT 19
ĐẠI- ĐẾ KARL TRỞ NÊN HOÀNG-ĐẾ RÔ-MA
"Anh em thân mến", giáo-chủ Lê-ô III ngày 23.12.800 bắt đầu lời thề vô tội của mình bằng câu đó rồi nói tiếp trong xúc-động: "Anh em nghe đây đó có những người xấu tố-giác tôi phạm trọng tội và họ tìm cách tiêu-diệt tôi. Để tìm hiểu những chuyện này, lãnh-tụ và vua Karl trọng kính và đáng ca-ngợi đã đến cùng với các linh-mục và các bậc vị-vọng của ngài. Tôi, Lê-ô, giám-mục Giáo-hội thánh Rô-ma, không để cho ai xét xử hoặc áp-lực, nhưng hoàn-toàn tự-nguyện ra trước anh em và thề với Chúa, đấng biết lương-tâm tôi, rằng tôi đã không tự mình hoặc ra lệnh cho ai phạm những điều tố-cáo kia. Chúa là người chứng-giám cho tôi, chúng ta sẽ phải ra trước toà phán-xét của Ngài và sẽ phải đứng trước mặt Ngài…"
Giáo-chủ Lê-ô III gặp nạn
Sau khi giáo-chủ Ha-dri-a-nô I mất, Lê-ô III được bầu lên năm 795. Phe thân Byzanz không bằng lòng việc bầu này. Họ tung tin ngài bỏ vợ và thề gian. Không thành-công qua việc tố-giác, họ quay ra bạo-động. Einhard, một học-giả trong cung vua Karl, kể: "Khi giáo-chủ Lê-ô ngồi trên lưng ngựa tới nhà thờ thánh Lau-ren-ti-ô, ngài bị dân Rô-ma phục-kích ở nhà thờ. Ngài muốn tới đó dâng lễ (25 tháng 4), nhưng bị kẻ thù lôi xuống ngựa", đánh cho nửa sống nửa chết rồi vứt nằm đó.
Khoẻ lại, ngài đi ngựa tới Paderborn miền Sachsen gặp vua Karl. Phe chống cũng theo tới đó yêu-cầu Karl cách chức giáo-chủ. Karl bị đặt trong một tình-thế khó xử, vì là vua Franken mà lại phải quyết-định về sự có tội hay vô tội của một giáo-chủ. Theo lời cố-vấn của Alkuin, một tu-sĩ người anglô-xắcxông, Karl không chịu xử, cho người đưa Lê-ô về lại Rô-ma tiếp-tục sứ-vụ, bởi "không ai có quyền luận án một giáo-chủ."
Vua Karl ở Rô-ma
Giáo-chủ Lê-ô về lại như một kẻ chiến-thắng. Trong đám dân hoan-hô đón tiếp có cả những người gốc Franken, Angelsachsen, Friesen và Langobarden với cờ và hiệu của họ. Vua Karl tới Rô-ma sau đó ít lâu. Einhard kể: "Giáo-chủ vội-vã đi đón và gặp Vua ở Mentana, một ngày trước khi Vua tới Rô-ma. Giáo-chủ tiếp đón ngài rất trọng-thể. Sau khi cả hai ăn xong, Vua ở lại Mentana, còn Giáo-chủ về Rô-ma trước. Ngày hôm sau, Giáo-chủ cùng với các giám-mục và cả giáo-triều đứng chờ Vua ở tam cấp đền thánh Phê-rô."
Karl tới Rô-ma để dàn-xếp sự-vụ. Ông lập một uỷ-ban điều-tra, nhóm họp trong điện Lateran. Chỉ điều-tra chứ không ai được phán-xử. Vì thế, Lê-ô III đã lên toà giảng nhà thờ thánh Phê-rô "thề" vào ngày 23 tháng12. Kết-quả điều-tra: Lê-ô vô tội. Phe kia bị kết trọng tội, nhưng theo luật chỉ có hoàng-đế Rô-ma mới có quyền xử.
Nhưng hoàng-đế nào đây? Bên Đông có nữ-hoàng I-rê-nê đấy, nhưng không ai chấp-nhận bà và việc lên ngôi của bà. Vả, đời nào hoàng-đế Rô-ma Phía Đông lại chịu xử tội người cùng phe mình. Có lẽ đây là lí-do trực-tiếp khiến Giáo-chủ đã đội mũ đế cho Karl ngày 25.12.800. Đâu là lí-do thực sự, ngày nay vẫn chưa được rõ.
Trước Karl, chưa một ông hoàng người Đức nào dám nghĩ tới ngai hoàng-đế. Các vua nhà Merowing chỉ mới mong được làm bạn với các hoàng-đế (Đế-quốc Rô-ma) Phía Đông mà thôi, chứ làm đế thì chưa ai nghĩ tới. Hậu-quả nguy-hiểm của việc phong một ông vua Franken làm hoàng-đế Rô-ma được Einhard ghi lại như sau:
"Khi Karl bước vào đại thánh đường thánh Phê-rô để dự lễ Giáng-sinh thánh và đang cúi đầu cầu-nguyện trước bàn thờ, thì giáo-chủ Lê-ô cầm vương-miện hoàng-đế đặt lên đầu Vua giữa tiếng tung-hô của cả dân thành Rô-ma. ‘ Cho ngài Karl tôn kính, vị hoàng-đế hoà-bình vĩ-đại của Rô-ma được Chúa tôn phong. Sống và chiến-thắng!’ Sau đó Giáo-chủ chúc mừng tân Hoàng-đế bằng cách quỳ một gối theo nghi-lễ thời đó. Và từ đó Karl không còn được gọi là Kẻ bảo-vệ (Patricius) nữa, song là Hoàng-đế và Augustus."
Ít ngày sau, tân hoàng-đế Rô-ma Phía Tây Karl chiếu theo luật Rô-ma ra lệnh xử tử những kẻ cáo gian. Nhưng Giáo-chủ đã xin ân-xá cho họ: án tử chuyển thành án biệt-xứ.
Không muốn lệ-thuộc ?
Theo như Einhard kể, thì Karl hoàn-toàn không biết trước ý-định phong đế của Giáo-chủ. Hình như Karl đã nói, nếu biết trước ý của Giáo-chủ thì ông đã không bước vào thánh đường. Nếu Karl thật sự không muốn đội mũ, thì chẳng phải là vì ông khiêm-nhượng, nhưng đúng hơn là vì ông sợ như thế sẽ rơi vào lệ-thuộc Giáo-chủ. Hơn nữa ông xem hành-vi chính-trị này là việc vượt ngoài thẩm-quyền của Giáo-chủ, người mà chỉ mấy năm trước ông coi chỉ là một thứ "Mai-sen cầu-nguyện". Theo ông, nhiệm-vụ của giáo-chủ là cầu-nguyện cho ông để ông luôn thắng trận, thế thôi. (Trong 45 năm cai-trị, Karl đánh không dưới 55 trận!). Một số sử-gia khác cho rằng sở-dĩ Karl không hài-lòng là vì thời-điểm đội mũ không thích-hợp, ông sợ làm vậy sẽ tạo xung-khắc với Đế-quốc Phía Đông, hoặc cũng có thể là ông đang có ý-định cưới nữ-hoàng I-rê-nê, để qua đó trở thành hoàng-đế. Như thế, ông chẳng còn phải ngại với Phía Đông mà cũng chẳng cần "đội ơn Giáo-chủ".
Về phía Giáo-chủ, ông muốn gấp-rút đưa Karl lên ghế hoàng-đế Rô-ma có lẽ vì để kịp-thời ngăn-chặn mối liên-lạc đang manh nha giữa dân Đức, đặc-biệt Vương-quốc Franken, với Kon-stan-ti-nôp. Dù sao đi nữa, việc phong đế kia có nghĩa là một "Tuyên-ngôn độc-lập" của Giáo-chủ đối với hoàng-đế Phía-Đông, một chia tay dứt-khoát của Ý và giáo-triều Rô-ma khỏi ảnh-hưởng của Hoàng-đế Phía-Đông. Bài tính này mang lợi chính-trị nhiều cho Giáo-chủ.
Được phong đế qua tay giáo-chủ, Karl có cái lợi là không chỉ trở thành "Vị quản-lí Vương-quốc" Ý như Odoaker và Theoderich trước đây, nhưng là một kẻ kế vị thực-sự hoàng-đế Romulus Augustus. Phía Đông sau đó không lâu cũng đã công-nhận Karl là hoàng-đế Phía Tây. Tính-toán của Giáo-chủ như vậy không phải là không thực-tế, mà cũng có lợi cho Karl.
Trên đỉnh quyền-lực
Việc phong đế đã đưa uy-tín của Karl lên cao, đặc-biệt nơi người ki-tô trong đại-quốc của ông và nơi hàng giáo-phẩm Franken. Không nhờ tầng giáo-phẩm này thì việc cai-trị của ông đã chẳng dễ-dàng. Nếu Karl nhận ngôi vị hoàng-đế không qua tay giáo-chủ mà do dân Franken bầu hay ông "chỉ" là hoàng-đế Phía-Đông, thì ông đã chẳng có được hào-quang quyền-lực như đã có. Hoàng-đế Phía Đông thời đó chẳng còn chút trọng-lượng chính-trị nào nữa cả. Điều cho thấy Karl sớm hài-lòng với việc phong đế – nếu như lúc đó ông có bất-mãn thật – được chứng-minh qua tước-hiệu kiêu-hãnh viết trong chứng-chỉ phong đế của ông:
"Augustus cao-trọng nhất được Chúa phong, Hoàng-đế, Người lãnh-đạo Đế-quốc Rô-ma, Người cũng nhờ lòng thương-xót Chúa làm Vua dân Franken và dân Langobarden." Karl bản thân là một tín hữu ngoan đạo, nên hẳn là ông tin thật "Chúa đã phong quyền" cho ông qua tay giáo-chủ và chỉ còn hãnh-diện chu-toàn vai-trò đó.
Được chuẩn-bị từ thời Pippin
Tiến-trình làm đế của Karl có thể nói đã được chuẩn-bị từ thời cha ông là Pippin. Bởi vì nếu không có giúp-đỡ của một giáo-chủ thì Pippin đã chẳng bao giờ lên làm vua được.
Sau gần 300 năm trị-vì, nhà Merowing càng ngày càng tỏ ra bất-lực, quyền-hành chuyển vào tay nhà quan. Những vị vua Merowing cuối chỉ còn thoả-mãn với tước "Vua", "râu tóc dài (chỉ dấu trọng-vọng) ngồi chễm-chệ trên ngai" (Einhard). Mọi quyền-hành thực nằm trong tay nhà quan. Một trong những nhà quan quyền-thế nhất là Pippin, con Karl Martell, kẻ đã chiến-thắng quân hồi ở Tours và Poitiers. Pippin không muốn chỉ gánh trách-nhiệm trị nước, mà còn muốn ngồi vào ngai vua nữa. Vì thế ông cho người hỏi giáo-chủ Xa-ca-ri-a "Vua là người ngồi ở nhà không làm gì cả, hay là người gánh trách-nhiệm việc nước, đâu là ý Chúa?" Giáo-chủ đã đứng về phe Pippin, nên chẳng còn ngăn-trở gì nữa trong việc phong vua đất Franken cho Pippin.
Năm 752 Pippin để đại-hội Vương-quốc tại Soissons bầu làm vua và nhận xức dầu từ tay Bo-ni-fa-ci-ô. Ngày 06.01.754 giáo-chủ Stê-pha-nô II lại xức dầu lần nữa trong nhà thờ thánh Denis ở Paris. Giáo-chủ thời đó doạ tuyệt-thông những ai chống lại nhà Karoling, dòng vua mới, và trao cho Pippin cùng những kẻ nối nghiệp tước "Người bảo-vệ Giáo-hội". Pippin là người đầu tiên trong lịch-sử tự gọi mình là vua "nhờ hồng-ân Chúa". Vua nhà Merowing cuối cùng bị đẩy vào một tu-viện. Không có sự giúp-đỡ của giáo-quyền, Pippin và con ông là Karl sau này có lẽ đã không thể bước lên ngai vua đất Franken.
Quyết-định của giáo-chủ trong trường-hợp Pippin cho ta cảm-tưởng là một giáo-chủ có quyền phong vua cho Franken. Việc giáo-chủ sau này phong Karl làm hoàng-đế Rô-ma xem ra là một hệ-quả hợp lí từ hành-động phong vua trước đó. Mặt khác, giáo-chủ cũng đồng ý cho Karl quyền có tiếng nói trong việc bầu giáo-chủ.
(còn tiếp nhiều kỳ)
LỊCH SỬ GIÁO HỘI QUA 100 TRÌNH THUẬT
Đã có rất nhiều tác giả và nhóm tác giả nghiên cứu và trình bày LỊCH SỬ GIÁO HỘI một cách toàn diện,đầy đủ và phong phú, dưới nhiều góc độ khác nhau : khi để làm tài liệu tham chiếu cho Khoa Giáo Hội học (Ecclesiology); khi để song hành với Lịch Sử Kitô giáo (Christianisme) nhưng chuyên sâu hơn về nghiên cứu sự kiện, thời đại, mang tính bác học, trong khi lịch sử Kitô giáo thiên về suy tư, củng cố nhận thức về nguồn gốc,ý nghĩa và ‘sứ mệnh” của Giáo Hội và của Kitô hữu, đặc biệt là tín hữu Công giáo. Josef Holzer thì khác: ông chọn lựa trong kho tàng đồ sộ những biến cố,những sự kiện,những sự việc trong dòng lịch sử hai ngàn năm của Giáo Hội, những cái mà ông xét là có thể tóm gọn một khuynh hướng,một trào lưu, một nội dung liên quan hoặc có thể móc nối,liên kết với những sự kiện,biến cố tương tự, rồi ông “kể” cho người đọc nghe và suy nghĩ. Mỗi câu chuyện không chỉ như một trình thuật, mà như một cuốn phim sống động, dẫn người đọc như nghe nhìn (thính thị) được những gì trước đây ta tưởng là phức tạp, lộn xộn và chẳng mấy gắn kết nhau, do khác nhau về thời gian và không gian. Tóm tại,Ông có công trong việc xâu chuỗi các sự kiện,biến cố, con người, để qua 100 TRÌNH THUẬT, giúp người đọc bình thường nhất cũng nắm được những gì xảy ra trong và với Giáo Hội qua mọi thời đại, qua hai ngàn năm, VỀ MỘT VẤN ĐỀ đã từng (và ngày nay cũng như trong tương lai) ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển của Giáo Hội xét về mặt “hữu hình” (cơ cấu) lẫn vô hình (Nhiệm Thể Chúa Kitô và là Bí Tích) và hoàn toàn có khả năng tái diễn. Xét về bố cục, chắc chắn đây là một cách làm mới mẻ, có thể không được một số người đồng tình với tên gọi “long trọng” Lịch sử Giáo Hội, mà cho rằng đúng hơn nó giống như tập hợp những chuyện tản mạn trong lịch sử hai ngàn năm của Giáo Hội. Nếu khắt khe,thì cũng có thể đưa ra những nhận định như thế, nhưng khi gấp sách lại, chúng ta mới nhận ra rằng kiến thức đầy những lỗ hổng lớn về Giáo Hội, về lịch sử Giáo Hội trước nay đã được lấp đầy, nhiều vùng tối đã được soi sáng và nhiều thắc mắc đã tìm được đáp số. Vì thế, BTGH quyết định chọn cuốn sách nầy và giới thiệu đến bạn đọc. BTGH kính mong nhận được những hồi âm của người đọc về cuốn sách nầy và/hoặc về từng chương.
Views: 0