Mấy ngày nay, tôi cảm thấy lòng mình hân hoan và vui mừng, khi nhận được thiệp cưới của anh Trung, một thành viên trong mái ấm Phan Sinh, một mái ấm đa số dành cho những thanh niên bị liệt hai chân.
Niềm vui của tôi không chỉ dừng lại ở khía cạnh tâm sinh lý mà Trung đã và đang được nếm hưởng hương vị của một tình yêu cao thượng dành cho đôi lứa. Người bạn đời của Trung là một thiếu nữ khỏe mạnh và là một công nhân ngành may. Dù là thành viên của mái ấm với đôi chân nhỏ thó do chứng bại liệt từ lúc nhỏ, dù luôn phải ngồi trên xe lăn để di chuyển, nhưng Trung vẫn cố gắng vượt lên số phận hẩm hiu bằng vào nghị lực kiếm tìm cho mình một công việc, như học vẽ sơn dầu, học nghề thủ công đan lát.
Niềm vui của tôi lúc này chính là niềm vui trong Chúa, bởi cuộc đời của Trung đầy gian khổ, đầy hất hủi, bỏ bê, phó mặc, nhưng anh đã nâng tâm hồn lên để được sống bình an trong Chúa…
Số là, khi còn rất trẻ, Trung sống trong một gia đình vùng sông nước. Vừa được vài năm, Trung bị bệnh liệt hai chân do chứng bại liệt Polio. Sau đó ít năm, ba của Trung bỏ hai mẹ con đi sống với một người phụ nữ khác. Cuộc đời thiếu cha chưa bao lâu, thì tiếp tục lại thiếu mẹ, khi mẹ của Trung đã không tất cả vì tình yêu dành cho đứa con khốn khổ của mình, mà đã đi tìm cho mình một nửa khác. Và rồi Trung lủi thủi sống với bà ngoại già yếu và nghèo khổ. Khi đến tuổi 17, Trung đã phải tự tìm kiếm sống nơi thành phố xô bồ, để ban ngày lang thang, vùi đầu vào những tấm vé số, rồi đêm về cùng với những anh chị em đồng cảnh ngộ khác tìm nơi trú ẩn ở một xó xỉnh hoang vắng nào đó. Thế nhưng, nghề nào rồi cũng có những tê tái đau lòng của nó, khi phải chung đụng với những cảnh chộp giật bất nhân. Trung đã không ít lần bị những khách hàng trẻ, khỏe gian xảo lừa phỉnh. Để rồi có cả chục tấm vé số trong tay, nhưng những kẻ gian đã không trả đồng bạc nào.
Quả thật, Trung đã sống quá cực khổ trong một xã hội bon chen, thiếu tình người tình nhân ái yêu thương. Cho đến một ngày, Trung được giới thiệu đến với mái ấm. Tại nơi đây, Trung đã gặp gỡ những tấm lòng bao bọc chở che, không chỉ họ đã tạo cho anh cuộc đời vật chất ổn định, mà còn giúp cho anh tìm được nguồn bình an trong niềm tin vào Đức Kitô. Nguồn bình an tuyệt vời này được thể hiện rất mạnh mẽ, khi người đưa thiệp cưới cho tôi biết rằng: Trung đã không còn giận hờn trách mắng cha mẹ đã sinh anh ra, cho dù họ đã bỏ mặc anh bươn chải với đôi chân bại liệt, đã buộc anh phải đương đầu với bao nhiêu sóng gió cũng như tai ương. Ngược lại, Trung đã đích thân tìm đến và mời cả cha lẫn mẹ dự lễ cưới đạm bạc nhưng vô cùng đầm ấm tình Chúa và tình người yêu thương nơi mái ấm của anh. Với tôi, hành vi tha thứ này của Trung chính là ân ban của Chúa do “tâm hồn anh đã được nghỉ ngơi bồi dưỡng”, và do “anh đã mang lấy ách” cũng như “đã học” nơi Thập Giá của Chúa Giêsu Kitô.
Từ niềm hân hoan trong Chúa mà mấy ngày qua tôi trải nghiệm, đã giúp tôi dễ dàng đồng cảm với niềm vui của Đức Giêsu khi tôi lắng nghe bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay. Tôi tin rằng Người đã mừng vui khi “Nhóm Bảy Mươi Hai trở về, hớn hở nói: “Thưa Thầy, nghe đến danh Thầy, cả ma quỷ cũng phải khuất phục chúng con.” (Lc 10, 17)
Trước thành quả bước đầu của các môn đệ, khi có nhiều người khiêm nhường bắt đầu sám hối và tin vào “Nước Thiên Chúa đã đến gần” đang thể hiện nơi Đức Giêsu, nên Người cũng bày tỏ nỗi hân hoan bằng lối văn khải huyền: “Thầy đã thấy Xatan như một tia chớp từ trời sa xuống”. Đồng thời, Người vẫn không quên nhắc nhở sự khiêm hạ: “Tuy nhiên, anh em chớ mừng vì quỷ thần phải khuất phục anh em, nhưng hãy mừng vì tên anh em đã được ghi trên trời.” (Lc 10, 18. 20)
Và được Thánh Thần tác động, Đức Giêsu hớn hở vui mừng và nói:
“Lạy Cha là Chúa tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha.” (Mt 11, 25-26 và Lc 10, 21)
Qua lời chúc tụng này, tôi thực sự xúc động vì chính Chúa Giêsu đã không tự hào về những công lao mời gọi rồi qui tụ, dậy dỗ và sai các môn đệ ra đi. Tất cả những điều này có được đều là bởi ơn của Chúa Cha, là Chúa tể trời đất. Chính Chúa Cha đã mặc khải. Chính Chúa Cha đã trao ban cho Ngôi Lời Nhập Thể để thi hành thánh ý của Cha Người. Đây cũng chính là điều mà Người hớn hở hơn hết, là được Tình Yêu Chúa Thánh Thần tác động và dẫn dắt.
Trong niềm hân hoan với cảm nghiệm trên, tôi lắng nghe được giáo huấn của thánh Phaolô, khi cộng đòan Philipphê đang gặp nhiều xáo trộn trong sự hiệp nhất. Thánh Tông Đồ đã nhắc nhở:
“Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em! Sao cho mọi người thấy anh em sống hiền hòa rộng rãi, Chúa đã đến gần. Anh em đừng lo lắng gì cả. Nhưng trong mọi hòan cảnh, anh em cứ đem lời cầu khấn, van xin và tạ ơn, mà giải bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện. Và bình an của Thiên Chúa, bình an vượt lên trên mọi hiểu biết sẽ giữ cho lòng trí của anh em được kết hợp với Đức Kitô Giêsu.” (Pl 4, 4-7)
Để sống kết hợp mật thiết với Đức Kitô, thanh Phaolô nhấn mạnh đến cách sống hiền hào rộng rãi, yêu thương và sẵn sáng tha thứ. Để thực hiện được điều này, ngài không quên tha thiết mời gọi phải khiêm nhường cầu khẩn, van xin và tạ ơn. Có như thế, bình an của Thiên Chúa mới giữ cho lòng trí của chúng ta được kết hợp với Đức Giêsu Kitô được.
Lạy Cha yêu thương,
Chúng con xin cảm tạ Cha đã cho chúng con mẫu gương khiêm hạ tuyệt vời là Đức Giêsu Kitô, Người đã không hề cậy dựa vào sức riêng của mình khi thi hành thánh ý Cha. Nhưng Người luôn một bề dâng lời cảm tạ chúc tụng Cha, dù ở vào bất cứ hoàn cảnh vui buồn nào trong cuộc đời của Người. Chính vì sống thân tình mật thiết đến như thế mà Người đã mời gọi chúng con hãy đến với Người như Người đã được nghỉ ngơi bồi dưỡng trong Tình Yêu của Cha. Amen.
CN XIV, 04/07/2010
Phêrô Vũ văn Quí CVK64
peterquivu@gmail.com
Views: 0