Uncategorized

Lịch sử Giáo Hội 9

DIE GESCHICHTE DER KIRCHE IN 100 REPORTAGEN
Tác giả : Josef Holzer
Người dịch : Đinh Phan Cư
Phạm Hồng-Lam

 

TRÌNH THUẬT 16

 

HỒI GIÁO ĐE-DOẠ GIÁO-HỘI KHẮP NƠI

 

DIE GESCHICHTE DER KIRCHE IN 100 REPORTAGEN
Tác giả : Josef Holzer
Người dịch : Đinh Phan Cư
Phạm Hồng-Lam

 

TRÌNH THUẬT 16

 

HỒI GIÁO ĐE-DOẠ GIÁO-HỘI KHẮP NƠI

 

Chưa đầy 80 năm sau ngày Mô-ha-mét mất, người Ả-rập hồi giáo năm 711 từ Phi châu qua ngã Gibraltar tiến vào Tây-ban-nha. Không đầy 4 năm chiến-đấu, họ làm chủ gần hết Vương-quốc Tây-Goten (một phần đất ở Tây-ban-nha). Ý của họ là băng qua Vương-quốc Franken tiến vào trung Âu bắt tay với cánh quân khác của họ từ Kon-stan-ti-nôp tiến vào Âu châu. Âu châu ở vào thế gọng kìm. Cơ-nguy bị Islam (Hồi giáo) nuốt trửng như trước đó họ đã nuốt trửng Đông-phương và Phi châu không còn xa.

 

Năm 711 người Hồi giáo cất quân từ tảng đá ở eo biển Gibraltar, tảng đá ngày nay mang tên là Tarik (dschebel al Tarik), tên của vị thủ-lĩnh của họ. Năm 720 họ chiếm Narbonne thuộc Pháp và tiến tới Toulouse mà không gặp chống-cự lớn nào cả. Lúc đó Chlodwig đã mất từ lâu. Những người nối ngôi không có khả-năng bảo-vệ phương tây và thế-giới . Ngay cả chuyện trị nước, họ giao cho những quần-thần cao cấp trong cung. Một trong những quần-thần uy-quyền này là Karl (tiếng pháp Charles), sau này được gọi là "Martell" ("Búa"), bởi vì ông đã có công chận đứng cuộc tiến công của người Islam và đã cứu được giáo-hội phương tây.

Karl Martell chận cuộc tiến-công

Hốt-hoảng trước cảnh tàn-phá nhà thờ, tu-viện và ruộng-đồng, dân chúng cầu-cứu Karl, nhưng lúc đầu ông chối-từ: "Cứ để bọn chúng mặc sức tiến tới, đừng vội đánh. Chúng như một dòng suối, rất khó trị khi nước đang chảy. Chỉ sau khi chúng cướp-bóc no-nê và đâm ra cắn-xé nhau vì những của-cải cướp được thì lúc đó mình mới dễ thắng được.

 

Karl Martell chần-chờ cũng vì một lí-do khác nữa: ông chẳng có quân. Đặc-biệt phần đất phía đông của Vương-quốc – ngày nay là nước Đức – chẳng màng gì tới chuyện chống giặc, vì họ ở xa chưa ý-thức được hiểm-hoạ chung của Âu châu. Nhưng sau khi đã gom được binh, Karl cho quân tới tận Poitiers, nơi quân Ả-rập vừa chiếm thành và đang đua nhau cướp-bóc. Ông dụ quân Islam tiến tới Tours, thành-phố nơi thánh Martin ở xưa kia. Bảy ngày đêm quân hai bên dàn trận đối-diện nhau. Karl phải chần-chờ lâu, vì ông ngại lực-lượng kị-binh và khả-năng bắn cung của đối-phương. Ngày 25.10.732 quân Ả-rập tấn công. Một trong những trận chiến quyết-định nhất trong chiến-sử thế-giới đã diễn ra.

 

Quân Franken "người bên người đứng dựa sát nhau như một bức tường". Nhưng lực-lượng quyết-định chiến-thắng trên chiến-trường là binh đoàn người Franken đến từ Đức. Sử ghi: Họ là dân Đức thuần chủng "người cao to, chân tay kềnh-càng như vâm với bàn tay sắt: cầm búa say-sưa giáng ngọt-ngào từ cao xuống."

Trại vắng tanh

Đêm hôm sau, quân Franken thức giấc vì một tiếng động mạnh. Karl Martell sợ một cuộc đột-kích nên ra lệnh ba quân sẵn-sàng. Nhưng chờ tới sáng vẫn không thấy động-tĩnh. Karl đang bối-rối không hiểu đối-phương muốn lập mưu gì đây, thì toán thám-báo về cho hay có lẽ quân Ả-rập đã rút đi từ hồi đêm, vì trại họ giờ vắng tanh. Có lẽ có tới 375.000 quân Hồi bỏ xác tại trận, trong số đó có cả chủ-tướng Abd ar-Rahman.

 

Trong trận này, Karl Martell đã áp-dụng binh-pháp của đối-phương bằng cách cũng sử-dụng kị-binh. Việc thành-lập kị-binh đã đem lại hậu-quả bất lợi cho Giáo-hội về sau. Để nuôi ăn binh đoàn này và giữ họ trung-thành với mình, Karl về sau đã lấy tài-sản Giáo-hội cho họ vay, chọn người trong bọn họ làm giám-mục và cũng chẳng ngần-ngại trao chức giám-mục cho cả giáo-dân. Vì thế mới có cảnh ghế giám-mục trong các địa-phận – như ở Mainz và Trier – trở thành cha truyền con nối. Tục xấu này, thời đó cũng đã không thiếu kẻ phản-đối. Với trận thắng, Karl Martell đã cứu được Giáo-hội, nhưng đồng thời, với sự hình thành định-chế kị-binh, ông đã làm tổn-thương uy-tín Giáo-hội và bộ mặt giám-mục không kém.

 

Đông phương đã mất

Sau cuộc di-cư của dân Đức, nay đến lượt các dân-tộc Ả-rập. Cũng như Ki-tô giáo đã nối-kết các dân-tộc Âu châu, đạo Islam đã lần hồi đưa, đúng hơn, đã ép các dân Ả-rập, Sy-ri, Per-sê, Ấn-độ, Thổ và Ai-cập lại với nhau dưới lá cờ hình bán nguyệt. Bằng các cuộc "thánh chiến", con cái Mô-ha-mét đã xoá sổ các cộng-đoàn ki-tô kì-cựu ở Sy-ri, Palestina, Ai-cập và bắc Phi. Các toà thượng-phụ nổi danh ở Antiochia, Giê-ru-sa-lem và Alexandria đã sớm rơi vào tay Hồi giáo. Các cuộc cãi-vã thần-học ở phương Đông về con người đức Ki-tô đã giúp Hồi giáo cơ-hội dễ-dàng chiếm cứ các vùng ki-tô giáo nguyên-thuỷ. Chỉ có Kon-stan-ti-nôp đã trụ được năm cuộc tấn công, vì nhờ có "đạn lửa của người Hi-lạp", một thứ chất nổ cháy trên nước buộc các chiến-thuyền Hồi giáo phải quay đầu.

 

 

Thuế thân làm hao dần lượng ki-tô hữu

Trong các vùng Hồi giáo chiếm, người ki-tô và do-thái giáo vẫn tiếp-tục được hành đạo. Nhưng vì thuế quá nặng đánh lên đầu tín hữu của hai đạo đó nên sinh số giảm khiến các cộng-đoàn hao-mòn người dần. Nhiều ki-tô hữu gia-nhập Islam để tránh thuế. Thêm vào đó nhà thờ mới không được xây, cũ không được sửa. Cuối cùng, văn-hoá-phẩm bị huỷ. Một trong những nạn-nhân của biện-pháp này là việc phá-huỷ thư-viện Alexandria nổi tiếng thế-giới ở Ai-cập.

 

Ki-tô giáo, do vậy, hao-hụt lần trong vùng Hồi giáo. Ở bắc Phi, nơi trước kia có nhiều toà giám-mục nhất, nay chẳng còn một tòa nào nữa. Trái lại ở Cordoba thuộc Tây-ban-nha mọc lên một trung-tâm nghệ-thuật và khoa-học Hồi giáo. Từ năm 785 nơi đó xuất-hiện một nguyện đường Hồi giáo trên nền nhà thờ chính-toà do người Tây-Goten xây.

 

Biển Địa-trung từ lâu cũng là chiến-trường giữa người ki-tô và người hồi. Hàng thế-kỉ dài con cháu Mô-ha-mét đuổi bắt con cái Chúa về làm nô-lệ bằng cách đánh cướp thuyền tàu qua lại. Người ki-tô đã phải cố tránh con đường này, cho đến lúc tình-hình tạm lắng dịu khi những cuộc chiến thập-giá giải-phóng Giê-ru-sa-lem bắt đầu.

 

Những biến-chuyển khác

Vương-quốc Ả-rập do Omar lập, lại sụp-đổ vào khoảng giữa thế-kỉ thứ 8. Dân Abbasiden, với thủ-lĩnh là Abul-Abbas, nổi lên nắm bá-chủ từ năm 749, mở ra một thời-đại mới cho Hồi giáo. Văn-hoá islam từ nay không còn đơn-thuần chỉ có yếu-tố ả-rập mà thôi. Người kế vị Abu-Abbas dùng lao-công xây cung-điện ở Bagdad bên sông Tigris. Các đạo-chủ (Kalifen) ở Bagdad từ nay vừa là thủ-lãnh của Vương-quốc Hồi giáo mới vừa là thủ-lãnh tôn-giáo. Người Abbasiden nhận văn-hoá ba-tư (Per-sê) của người Sassaniden, nhưng vẫn sử-dụng ngôn-ngữ ả-rập trong thần-học, khoa-học, hành-chánh và giao-thông. Giữa thế-kỉ thứ 9, một đạo-chủ Bagdad đưa nô-lệ thổ-nhĩ-kì vào làm hộ-vệ. Đây là bước mở đầu sự tàn-lụi của Vương-quốc ông, bởi vì chẳng lâu sau đó đám nô-lệ đã nắm quyền làm chủ. Thêm một lí-do nữa khiến các đạo-chủ mất quyền là vì quá sa-đoạ vì nạn đa-thê. Cuối cùng Vương-quốc vỡ ra thành nhiều lãnh-địa nhỏ do các ông hoàng nắm giữ.

 

Chủ-quyền của nhà Abbasiden chuyển sang nhà Fatimiden. Vương-quốc nhà Fatimiden do Obaid Allah thành lập ở bắc Phi vào khoảng năm 912. Những người kế vị ông đã chiếm Sizilien, Palestina, Ai-cập, Yê-men và một phần Sy-ri. Vương-quốc Fatimiden chấm dứt trong thế-kỉ 11.

 

Thế-giới hồi giáo sau đó được lãnh-đạo bởi một dân-tộc mới, dân Thổ-nhĩ-kì. Dân này xuất-hiện lần đầu trong lịch-sử vào thế-kỉ thứ 6. Đầu tiên, họ bị người hồi đánh đuổi, nhưng năm 1055 họ chiếm được Bagdad. Năm 1076 họ kéo quân vào Giê-ru-sa-lem. Thủ-lãnh của họ lúc đó là Saladin I. Đế-quốc của ông này trải rộng từ sông Nil qua sông Euphrat. Năm 1299 thủ-lãnh Osman lập đế-quốc mang tên ông: Đế-quốc Osman.

 

"Hãy để quá-khứ sang một bên"

Từ trận thắng của Karl Martell ở Tours và Poitiers tới nay, nhiều thế-kỉ đã qua. Cả Islam lẫn Ki-tô giáo ngày nay đã gần với nhau hơn vì cùng thờ độc thần, một Chúa duy nhất. Cả hai không còn coi nhau là kẻ thù, nhưng như là những người đang trên đường đi tìm Chúa thật theo con đường riêng của mình. Trong ý-nghĩa đó, ngày 03.08.1946 giáo-chủ Pi-ô XII đã gặp một phái-đoàn Hồi giáo Ả-rập. Công-đồng Vatican II cũng đã đề-cập tới Islam, và ngày 28.10.1965 bản văn sau đây đã được trịnh-trọng công-bố:

 

"Giáo-hội cũng kính-trọng tín hữu Islam, những người khẩn-cầu một Chúa duy nhất…
Vì nhiều thế-kỉ qua đã xẩy ra những tranh-chấp và thù-hận giữa người islam và ki-tô, nên Thánh Công-đồng khuyên hãy để quá-khứ qua một bên và cố-gắng tìm hiểu nhau trong chân-tình".

 

 

 

TRÌNH THUẬT 17

 

MÔ-HA-MÉT, "TIÊN-TRI CỦA ALLAH"

 

Đạo Islam, bằng các cuộc "thánh chiến" và trong một thời-gian ngắn đã nuốt trửng gần trọn cả Giáo-hội phương đông và đẩy Giáo-hội phương tây tới bờ diệt-vong, được khai-sinh bởi Mô-ha-mét. Mô-ha-mét cho hay ông đã được thượng-đế Allah "mạc-khải" để lập đạo.

 

Sinh ở Mekka

Mô-ha-mét sinh khoảng năm 570 ở Mekka. Bố ông là một tiểu thương, mất trên một chuyến đi buôn tới Medina sau ngày Mô-ha-mét sinh được hai tháng. Mekka là trung-tâm kinh-tế của bán-đảo Ả-rập; nơi đây cũng có một khối sa-thạch lạ, từ nhiều trăm năm nay đã trở thành một vật thiêng đối với người Ả-rập. Đó là một tảng đá đen, được xây ghép vào góc phía đông của toà nhà hình khối Kaaba. Tục truyền xưa kia đá trắng như tuyết, nhưng tội-lỗi loài người đã làm nó đen lại. Một huyền-thoại cổ kể rằng Chúa đã trao nó cho ông A-dong khi ông này bị đuổi khỏi địa-đàng. Ngay từ đầu, đá được dâng cho một thượng-đế mà thôi, nhưng về sau, vào thời Mô-ha-mét, có tới 350 ảnh thần được treo lên đó. Từ khi còn niên-thiếu Mô-ha-mét đã tỏ ra rất bực về chuyện lạm thần đó.

 

Cha mất, để lại gia-tài cho Mô-ha-mét gồm 5 con lạc-đà và một người tớ gái. Vài năm sau mẹ cũng mất, Mô-ha-mét ở với ông; rồi ông chết, về sống với bác. 25 tuổi, Mô-ha-mét vào giúp việc cho một bà goá lớn hơn mình 15 tuổi và đã cưới bà làm vợ. Cậu Mô-ha-mét được kể là người "điển trai nhất" Mekka. Da cậu trắng hơn da mọi người. Một đôi tài-liệu cũng nói cậu bị chứng động-kinh.

 

Nhận cưới bà chủ, Mô-ha-mét từ nay không còn lo-lắng về mặt kinh-tế. Vì vợ chánh đã có tuổi, Mô-ha-mét sau này còn lấy thêm 13 cô vợ nữa. Luật thời đó cho phép đàn ông muốn lấy bao nhiêu vợ tuỳ ý, miễn là có thể lo-lắng được cho họ. Vợ được coi như một "vật sở-hữu" của chồng, muốn dứt lúc nào cũng được, với bất cứ lí-do nào, chẳng hạn như ngáy to hoặc có tật nói sảng trong khi ngủ. Về sau, Mô-ha-mét ra luật hạn chế mỗi ông chỉ tối-đa được cưới bốn bà, dĩ nhiên đầy-tớ gái thì không kể, muốn bao nhiêu cũng được.

 

Qua tiếp-xúc buôn bán với người do-thái và ki-tô giáo, Mô-ha-mét chịu ảnh-hưởng hai tôn-giáo này về sự hiện-diện một Chúa duy nhất mà người Ả-rập gọi là "Allah". Vì vậy, câu tuyên-xưng đầu tiên của đạo ngài là: "Chẳng có Chúa nào ngoài Allah".

 

Chúa Allah của Mô-ha-mét được quan-niệm như một đấng tiền-định cho mỗi người mọi sự từ đầu đến cuối. Vì không ai có thể thoát ra khỏi tiền-định ("Kismet") đó, nên họ phải tùng-phục Chúa vô điều-kiện. Sự "tùng-phục" (= Islam) ý Chúa một cách tuyệt-đối này được Mô-ha-mét dùng để đặt tên cho đạo mới của ngài.

Kinh Koran

Giao-tiếp với người do-thái và ki-tô giáo cũng đưa Mô-ha-mét tới nhận-thức phải có một thứ Sách Thánh cho người Ả-rập. Người do-thái có Cựu-ước, ki-tô hữu có Tân-ước, thì người Ả-rập có Koran.

 

Koran (= "đọc thuộc-lòng") không phải là một tập tín-lí, nhưng là sách ghi những bổn-phận trong đời sống hàng ngày của một tín hữu islam phải chu-toàn. Như luật Biển-đức trước đây chỉ cho dân Đức đường đi và mục-đích của cuộc sống, Koran "cung-cấp sức mạnh tổ-chức ghê-gớm trong đời sống cho các dân-tộc bị Islam chiếm" (G. Mensching). Koran được hình thành theo thời-gian. Mỗi lần Mô-ha-mét được "mạc-khải", ông cho ghi lên một tờ giấy và công-bố. Sau khi ông mất, môn-đồ gom lại và năm 650 đạo-chủ (Kalif) Othman chính-thức công-bố là một Sách thánh.

"Một tay ba-láp"

Ở Mekka, vì kêu gọi chống lại tục thờ đa thần nên Mo-ha-mét bị chống-đối kịch-liệt. Người ta xem "mạc-khải" của ông chỉ là chuyện tưởng-tượng và cáo-buộc ông tội phạm-thượng. Một lí-do không kém quan-trọng để người ta chống là vì ông thuộc giới bình-dân. Đám dân quyền-thế Mekka hỏi nhau: "Không lẽ trời dùng tay đó để cảnh-cáo chúng ta sao ?". Và họ quả-quyết: "Không, đó chỉ là một tay ba-láp".

 

Thất-bại ở Mekka, Mô-ha-mét bỏ quê-hương đi tới Medina. Dân Ả-rập ở Medina chấp-nhận và coi ông như một người đồng tộc. Chuyến ra đi "rời bỏ họ-hàng" (Hedschra) vào năm 622 này là một biến-cố lịch-sử cho Islam. Các môn-đồ Mô-ha-mét về sau lấy ngày này làm thời-gian mở đầu của đạo Islam.

 

"Tiên-tri"

Một nhận-thức nữa của Mô-ha-mét là dân Ả-rập cũng cần có một "tiên-tri" riêng để giúp mình được rỗi. Dân Do-thái có Mai-sen, người ki-tô có đức Ki-tô. Tiên-tri của người Ả-rập sẽ chính là Mô-ha-mét. Koran kể: Năm 40 tuổi, ông rút vào núi Hira gần Mekka sống ẩn. Ở đó, vào một "đêm thánh", tổng-lãnh thiên-thần Gabriel hiện ra báo cho ông: "Ngươi là tiên-tri của Chúa !" Và sứ-mệnh của ông là "Hãy đứng dậy và cảnh-cáo!" Bởi vì muôn dân đã xa-lìa Allah và đang đợi ngày luận-phạt của Chúa.

"Thánh chiến" bắt đầu

Mô-ha-mét trở thành người tổ-chức chính-trị, chỉ-huy quân-đội và lãnh-đạo ở Medina. Cùng với đám môn-đồ, ông tổ-chức đánh cướp các đoàn thương-nhân. "Năm thứ hai", nghĩa là hai năm sau Hedschra, ông kéo quân về đánh diệt các thủ-lãnh Mekka, những người trước đây đã đuổi ông khỏi thành. Quân Mekka đông gấp ba, nhưng đã thua Mô-ha-mét. Đối với lịch-sử nhân-loại và cả cho Giáo-hội ki-tô giáo, trận thắng này không quan-trọng bằng hệ-luận Mô-ha-mét rút ra từ đó. Ông viết trong Koran: "Không phải chúng ta tiêu-diệt họ, nhưng chính Chúa đã thanh-toán chúng nó". "Thánh chiến" khai màn từ điểm này. Nó trở thành bổn-phận của mọi tín hữu islam, như Mô-ha-mét đã dạy:

 

"Một giọt máu đổ ra vì Chúa, một đêm cầm khí-giới canh-gác còn giá-trị hơn hai tháng ăn-chay và cầu-nguyện. Ai gục ngã trên chiến-trường, người đó được tha tội. Tới ngày phán-xét, vết thương của họ sẽ sáng chói như đom-đóm và toả thơm như chồn hương. Cửa thiên-đàng lộng-lẫy sẽ mở ra đón họ. Ở đó họ nghỉ-ngơi trên gối lụa thêu vàng. Những dòng sông mật, sữa và rượu uốn quanh họ. Tiệc thịnh-soạn dọn sẵn. Các trinh nữ mắt đen to, đẹp như ngọc-ngà trân-châu, trẻ măng và tình-tứ vui đùa với họ."

 

Những hứa-hẹn về một tiên-cảnh ăn-chơi vô tận đó sau khi chết đã làm tín hữu nức lòng lao vào "thánh chiến". Vì thế không lạ gì chỉ trong vòng ba mươi năm những nhóm quân du-mục lạc-đà đã chiếm được Sy-ri, Mesopotami, Iran, Ai-cập và không ngừng bành-trướng.

 

Bên cạnh những hứa-hẹn thiên-đường dành cho tử-sĩ trên chiến-trường, luận-lí thần-học "Kismet" (thiên-định) cũng là nguyên-nhân cắt nghĩa những chiến-thắng của Islam. Mô-ha-mét dạy các chiến-sĩ: khi Chúa đã định cho mình chết thì dù có bỏ chạy hay đề-phòng cách mấy cũng không thể tránh được, và cũng chẳng ai có thể bị giết, dù trong hoàn-cảnh ngặt-nghèo đi mấy, nếu Allah không muốn.

Mô-ha-mét đạt đích

Với sức mạnh lớn dần qua nhiều chiến-thắng liên-tiếp và tiền của dư-dả nhờ đánh cướp thương buôn và bán ki-tô hữu làm nô-lệ, giờ đây Mô-ha-mét muốn làm chủ luôn Mekka. Khi đoàn quân 10.000 người của ông kéo tới Mekka, dân thành sợ, đầu-hàng. Mô-ha-mét hiên-ngang vào thành, đưa mắt nhìn đám đông mênh-mông rồi "cúi đầu thật sâu đến nỗi râu chạm vào yên lạc-đà". Ngồi trên con lạc-đà yêu-dấu với đủ chiến bào, ông tiến vào cùng với bạn là Abu Bekr tới Kaaba, vừa đi vừa hô: "Allah vĩ-đại!" Hàng ngàn tiếng đáp lặp lại vang trời. Rồi tất cả bặt yên. Mô-ha-mét đi vòng quanh tảng đá bảy lần, mỗi lần đưa gậy chạm vào đá. Qua nghi-thức đó ông đã hội-nhập linh vật cổ-xưa của người Ả-rập vào đạo mình. Sử ghi sự-kiện xẩy ra vào năm 630 sau Chúa giáng-sinh và là năm thứ 8 sau Hedschra.

 

Năm 632 Mô-ha-mét cùng với các phu-nhân và bạn-hữu làm một chuyến hành-hương từ Medina về Mekka. Đó là cuộc "hành-hương từ-biệt" cuối cùng trước khi ông mất vào ngày 08.06.632 có lẽ vì bệnh sốt-rét, lúc 60 tuổi.

 

Đám đông không muốn tin ông mất, bảo nhau rồi ngài sẽ sống lại như Ki-tô. Thấy vậy, Abu Bekr tiến ra trước công chúng hỏi lớn: "Các người cầu Mô-ha-mét hay cầu Chúa của Mô-ha-mét?"Tất cả đáp: "Cầu Chúa của Mô-ha-mét !" Abu Bekr liền giải-thích:"Chúa đó mới sống muôn đời, chứ Mô-ha-mét thì cũng chết như chúng ta".

 

(còn tiếp nhiều kỳ)

 

————————————————
HỒI GIÁO & SỰ KIỆN REGENSGURG
Sự kiện nổi bật nhất trong năm 2006 có lẽ là bài diễn thuyết của Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI tại Đại Học Regensburg, Đức Quốc hôm 12/9/2006. Đức Thánh Cha đã trình bày diễn từ này như một thách đố đối với cả Hồi Giáo lẫn chủ nghĩa thế tục Tây phương, và bênh vực cho liên kết cần thiết giữa đức tin và lý trí. Tuy nhiên, một câu trích dẫn trong bài diễn từ của ngài đã bị những thủ thuật truyền thông bóp méo làm cho người Hồi Giáo trên khắp thế giới nổi điên lên [Trong rất nhiều bài báo thay vì nói Đức Thánh Cha “quotes” (trích dẫn), người ta dùng từ “remarks” hay “comments” và tránh né không nhắc đến tên vị đại đế Manuel II Paleologus để cố tình gây ra ngộ nhận cho rằng đó là ý kiến của chính Đức Thánh Cha].

Trong phần dẫn nhập của bài diễn từ, Đức Thánh Cha đã trích dẫn một đoạn trong cuốn sách của một học giả Li Băng, giáo sư Theodore Khoury (Muenster) liên quan đến cuộc đối thoại diễn ra – khoảng năm 1391 trong các trại lính mùa đông gần Ankara, giữa Đại Đế uyên thâm của Byzatine là Manuel II Paleologus và một học giả Ba Tư, ông Ibn Hazn, về chủ đề Kitô Giáo và Hồi Giáo, và chân lý của cả hai tôn giáo.Vị đại đế này nói: “Hãy chỉ cho tôi thấy Mohammed đã mang lại điều gì mới, và ở đó bạn chỉ thấy toàn là sự dữ và phi nhân bản, chẳng hạn như lệnh truyền của Mohammed là phải dùng gươm giáo để truyền bá niềm tin mà ông ta đã rao giảng”.

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.