Đọc hai câu 16-17 chương 1 thư gửi giáo đoàn Roma, chúng ta nhận ra các đề tài thần học nổi bật mà thánh Phaolô sẽ khai triển trong thư. Hai câu này giống như khúc nhạc mở đầu của một bản trình tấu diễn tả trước tất cả các tiết điệu chính sẽ được khai triển rộng rãi sau đó.
Thánh nhân viết: ”Vâng tôi không hổ thẹn vì Tin Mừng. Qủa thế, Tin Mừng là sức mạnh Thiên Chúa dùng để cứu độ bất cứ ai có lòng tin, trước hết là người Do thái, sau là người Hy lạp. Vì trong Tin Mừng, sự công chính của Thiên Chúa được mặc khải, nhờ đức tin để đưa đến đức tin, như có lời chép: Người công chính nhờ đức tin sẽ được sống”. Hai câu này gồm các mấu điểm thần học quan trọng sau đây: trước hết Tin Mừng là sức mạnh của Thiên Chúa. Thứ hai, lòng tin như điều kiện duy nhất để được ơn cứu rỗi. Thứ ba là chiều kích đại đồng của ơn cứu độ. Thứ bốn, Thiên Chúa tỏ hiện sự công chính trong Tin Mừng. Và thứ năm là lý chứng kinh thánh. Ở đây tưởng cũng nên ghi nhận một số các từ vựng thần học thông dụng trong các thư của thánh Phaolô như: Tin Mừng, sự ”công chính” của Thiên Chúa, ơn cứu độ, đức tin và tín hữu, mặc khải, sự sống, cặp ý niệm phản đề do thái-ngoại giáo (hay không do thái), tính từ ”công chính”, và trích Kinh Thánh để chứng minh. Tất cả đều làm thành nền tảng sứ điệp thần học sẽ được trình bầy trong thư. Chúng ta có thể tóm gọn sứ điệp thần học trình bầy trong phần mở đầu này như sau: Tin Mừng của Thiên Chúa (1,1) liên quan tới Đức Giêsu Kitô (1,2-4) có gía trị cứu rỗi đại đồng. Nghĩa là thánh Phaolô muốn giới thiệu với tín hữu Roma nòng cốt lòng tin kitô như được ngài giải thích trong chìa khóa thần học sự công chính có được nhờ đức tin.
Tại sao thánh Phaolô lại khẳng định rằng ngài không hổ thẹn vì Tin Mừng? Các học giả đưa ra nhiều giả thiết. Giả thiết thư nhất cho rằng đây là yếu tố tâm lý. Thánh Phaolô biết mình sắp sửa chạm trán với đế quốc Roma hùng cường đáng sợ trên bình diện chính trị cũng như trên bình diện văn hóa, bởi vì Roma cũng là trung tâm của nền văn hóa hy lạp. Và thánh Phaolô đã có kinh nghiệm đụng độ với nền văn hóa hy lạp, khi rao giảng thập giá Chúa Kitô cho người Hy lạp tại Athènes, như trình thuật trong thư thứ I gửi tín hữu Côrintô. Giờ đây lập lại Tin Mừng của thập giá, mà người hy lạp cho là điên rồ dại dột tại một trung tâm văn hóa hy lạp có tính cách quốc tế như Roma, lại càng điên rồ hơn nữa. Giả thuyết thứ hai cho rằng lời lẽ của thánh Phaolô phản ảnh lời tín hữu tuyên xưng đức tin trước thế giới, đặc biệt là trước các tòa án thời bấy giờ. Nó song song với lời Chúa Giêsu khẳng định trong Phúc Âm: ”Ai hổ thẹn vì Ta và những lời Ta dậy, thì Con Người cũng hổ thẹn vì kẻ ấy, khi Người ngự đến cùng với các thánh thiên thần, trong vinh quang của Cha Người” (Mc 8,38). Trong nghĩa này thánh Phaolô thấy mình được kêu ra công khai tuyên xưng đức tin. Nhưng có lẽ kiểu nói ”không hổ thẹn” trên đây diễn tả ý thức là tông đồ của thánh nhân, như ngài đã nói lên trước đó: ”Tôi mắc nợ người Hy lạp cũng như người man di, người thông thái cũng như người dốt nát” (1,14). Người được Chúa sai đi loan báo Tin Mừng không phải là một người làm nghề quảng cáo một sản phẩm, mà là tông đồ ý thức được bổn phận và trách nhiệm của mình. Dưới ánh sáng của đức tin sinh động hướng dẫn, thánh Phaolô hiểu biết hiệu qủa của sứ điệp mình rao giảng. Đó là ”quyền năng Thiên Chúa dùng để cứu rỗi bất cứ ai tin”. Hơn là một dữ kiện tâm lý liên quan tới con người của thánh nhân, kiểu nói ”tôi không hổ thẹn vì Tin Mừng” trên đây diễn tả lập trường tin tưởng không lay chuyển của thánh Phaolô vào sứ mệnh loan báo Tin Mừng.
Tin Mừng là ”sức mạnh của Thiên Chúa”. Định nghĩa này gây ngạc nhiên. Tin Mừng không phải là một sứ điệp, một lời nói hay sao? Dĩ nhiên rồi. Nó là sứ điệp được rao giảng và cống hiến cho người nghe (x. 1 Ts 2,13; Gl 3,2.5; Rm 10,16-17). Nhưng Tin Mừng không chỉ là một tiếng nói được ghi nhận và thông truyền trong các nội dung xác định, mà còn là lời nói và tin vui loan báo Thiên Chúa nữa. Do đó, Tin Mừng có sức mạnh tạo dựng, trong nghĩa nó thực hiện điều được loan báo. Nói trong ngôn ngữ ngày nay nó là lời tác thành. Đây là điều thánh Phaolô đã khẳng định trong chương 1,18 thứ thứ I gửi giáo đoàn Côrintô: ”Rao giảng thập giá là sức mạnh của Thiên Chúa” (dýnameis Theoú). Nhưng còn hơn thế nữa vì trong chương 13,4 thư thứ II gửi giáo đoàn Côrintô thánh nhân khẳng định rằng: ”Phải, Đức Kitô đã bị đóng đanh vì mang thân phận yếu hèn, nhưng nay Người đang sống nhờ quyền năng của Thiên Chúa”. Sức mạnh ấy, quyền năng ấy của Thiên Chúa là quyền năng phục sinh: ”Thiên Chúa đã làm cho Chúa Kitô sống lại, chính Người cũng sẽ dùng quyền năng của mình mà làm cho chúng ta sống lại” (1 Cr 6,14). Và cùng một quyền năng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ trong kẻ chết ấy của Thiên Chúa hoạt động trong lời rao giảng của thánh Phaolô. Như thế Tin Mừng là năng động. Chính Thiên Chúa hoạt động trong lời nói phàm nhân của người rao giảng, với sức mạnh làm phát sinh ra sự sống từ nơi sự chết thống trị (x. 1 Ts 2,13). Nhưng để tránh các hiểu lầm, thánh Phaolô xác định hướng tới của sức mạnh đó là ”nhằm cứu rỗi” con người, bởi vì Thiên Chúa có thể thi hành quyền năng đó như là sức mạnh hủy hoại, như Ngài đã làm đối với Pharaông Ai Cập (9,17). Nhưng trong việc loan báo Tin Mừng, quyền năng đó của Thiên Chúa là sức mạnh tái ban sự sống và giải thoát. Đây không phải là một biến cố tự nhiên, trong nghĩa là sức mạnh mù quáng, không bản vị và có tính cách định mệnh. Trái lại lời Chúa là một biến cố khiến cho con người phải liên lụy, trong nghĩa nó là sự thông truyền, là lời đề nghị, là một chương trình, là quyết định tự ý tràn đầy hiệu nghiệm và sức hoạt động. Tóm lại, lời Chúa, lời Tin Mừng có nguồn gốc bản vị và âm hưởng trên người nghe, ”nhắm tới ơn cứu độ của bất cứ ai có đức tin”. Trước sáng kiến của Thiên Chúa đưa ra lời mời gọi, cống hiến ơn cứu độ đó, mỗi người hoàn toàn được tự do lựa chọn, đáp trả hay không đáp trả với tất cả tinh thần trách nhiệm của mình. Chính ở điểm này ơn cứu rỗi trở thành thực tại được hiện thực trong cuộc gặp gỡ riêng tư thân tình đó của con người với Thiên Chúa, trong việc đón nhận lời quyền năng của Thiên Chúa. Như thế, tin có nghĩa là chấp nhận bước vào liên hệ với Thiên Chúa, đón nhận chương trình và ý muốn cứu độ của Thiên Chúa. Đức tin như là điều kiện duy nhất để được ơn cứu độ. Đó là đề tài thần học nổi bật thứ hai của thư gửi giáo đoàn Roma.
Nếu chỉ cần có đức tin để được ơn cứu độ, thì ai cũng có thể được cứu rỗi, miễn là có đức tin. Nghĩa là ơn cứu độ có chiều kích đại đồng. Đó là đề tài thần học thứ ba trong thư gửi giáo đoàn Roma. ”Người Do thái trước rồi tới dân ngoại…”, bất cứ ai có lòng tin đều được hưởng hậu qủa quyền năng cứu rỗi đó của Thiên Chúa. Ơn cứu độ, như thế, không phải chỉ là đặc quyền của những người được cắt bì, tức người Do thái. Khẳng định này của thánh Phaolô có sắc thái tranh luận với Do thái giáo. Sức mạnh cứu độ của Thiên Chúa vượt mọi hàng rào ngăn cách và đạp đổ mọi kỳ thị do con người dựng nên. Tuy nhiên, thánh Phaolô vẫn công nhận cho dân Do thái một thế đứng ưu tiên đối với dân ngoại. Ưu tiên trên bình diện lịch sử hay trên bình diện phẩm chất? Ở đây văn bản không đưa ra câu trả lời, nhưng các chương 9-11 của thư chứng minh cho thấy sự ưu tiên được diễn tả trên cả hai bình diện lịch sử cũng như phẩm chất. Đây là điều dễ hiểu thôi. Vì trong lịch sử cứu rỗi, dân Do thái là dân riêng Chúa chọn, đã nhận được lời Chúa tức các giáo huấn và Luật Lệ Chúa ban, hiểu biết Thiên Chúa nhiều hơn, nên đương nhiên là có chỗ đứng riêng biệt giữa mọi dân tộc khác. Thánh Phaolô viết trong chương 3,1-2: ”Vậy người Do thái được gì hơn? Phép cắt bì có ích lợi gì? Nhiều lắm chứ! Về mọi mặt! Trước hết, họ đã được Thiên Chúa giao phó lời Người cho họ”. Lần này thánh Phaolô tranh luận với anh chị em kitô gốc ngoại giáo, khinh rẻ tín hữu kitô gốc do thái, và quên đi tương quan giữa đức tin kitô và mặc khải Thiên Chúa đã tỏ lộ cho dân Do thái.
Đề tài cứu độ được diễn tả bằng một công thức khác trong câu 17 của chương 1 khi thánh Phaolo viết: ”Phải, bởi vì trong Tin Mừng sự công chính của Thiên Chúa được mặc khải”. Với khẳng định này thánh Phaolô giải thích chiều kích cứu độ của Tin Mừng. Tin Mừng có sức mạnh cứu rỗi vì sự công chính do Thiên Chúa mặc khải, vì thế được hiện thực. Kiểu nói ”sự công chính của Thiên Chúa” không thấy có trong các thư gửi giáo đoàn Galát và Philiphê. Trong các thư gửi giáo đoàn Côrintô nó chỉ được dùng có một lần trong chương 5,2 thư thứ II. Nhưng trong thư gửi giáo đoàn Roma nó đựơc lập đi lập lại tới 8 lần (1,17; 3,5.21.22.25.26; 10,3 hai lần). Kiểu nói ”sự công chính của Thiên Chúa” khó hiểu, trước hết vì khó xác định ý nghĩa của thuộc cách (genitivo) ”của Thiên Chúa”. Luther đọc hiểu nó như là thực tại nhân chủng học. Theo đó sự công chính của Thiên Chúa ở đây không có nghĩa là ”qua đó Thiên Chúa là Đấng công chính, mà nhờ đó Thiên Chúa làm cho chúng ta được trở nên công chính”. Học giả R. Bultmann cho rằng đó là một thuộc cách (genitivo) diễn tả tác giả, nghĩa là sự ”công chính” mà Thiên Chúa trao ban cho con người. Đây đã là lập trường của đa số các học giả. Nhưng ngày nay có cả một trào lưu cho rằng thuộc cách trong kiểu nói của thánh Phaolô diễn tả sự ”công chính” của riêng Thiên Chúa, nhưng không phải trong nghĩa một đặc tính vô thời gian của Thiên Chúa, mà trong nghĩa hành động: Thiên Chúa là Đấng Công Chính và làm cho tất cả những ai tin vào Đức Giêsu Kitô được trở nên công chính (3,25-26).
Linh-Tiến-Khải
Views: 0