Uncategorized

Lịnh sử Giáo Hội 7

DIE GESCHICHTE DER KIRCHE IN 100 REPORTAGEN
Tác giả : Josef Holzer
Người dịch : Đinh Phan Cư
Phạm Hồng-Lam

 

TRÌNH THUẬT 12
CHLODWIG (CLOVIS) VÀO ĐẠO VÀ TƯƠNG-LAI GIÁO-HỘI

 

"Hãy cúi đầu xuống, Sigambrer…"

 

DIE GESCHICHTE DER KIRCHE IN 100 REPORTAGEN
Tác giả : Josef Holzer
Người dịch : Đinh Phan Cư
Phạm Hồng-Lam

 

TRÌNH THUẬT 12
CHLODWIG (CLOVIS) VÀO ĐẠO VÀ TƯƠNG-LAI GIÁO-HỘI

 

"Hãy cúi đầu xuống, Sigambrer…"

 

Trước khi Biển-đức lập tu-viện tại Monte Cassino, ở trung Âu xẩy ra một biến-cố có ảnh-hưởng quyết-định lên tương-lai Giáo-hội. Ngày lễ Giáng-sinh năm 496 vua của đại-quốc Franken là Chlodwig nhận phép rửa tại Reims gần Paris. Giám-mục Re-mi-gi-ô nói với Chlodwig: "Hãy khiêm-nhượng cúi đầu xuống, Sigambrer! Hãy cầu-nguyện cho những gì ngài đã đốt cháy, và hãy đốt cháy lên những gì ngài khẩn cầu!", trước khi ông "nhân danh Cha và Con và Thánh-thần" làm phép rửa và xức dầu thánh cho Vua. Grê-gô-ri-ô ở Tours viết: Đường phố tràn ngập cờ đủ màu, "nhà thờ được trang-hoàng bằng những dụng-cụ sáng lấp-lánh, một bàn rửa tội được soạn sẵn, hương trầm rải khắp lối. Rồi ánh nến lung-linh, cả nhà thờ toả thơm ngát mùi hương trời". Chlodwig bước lên bàn rửa tội "như một Konstantin mới". Grê-gô-ri-ô viết tiếp: "Ông sẽ bước vào sống những ngày tháng của đức Ki-tô, và ông sẽ dùng vũ-khí bách chiến của dân Franken để trả thù cho Chúa (cho mà xem)".

 

"Trở lại đạo" kiểu Đức

 

Chlodwig xuất thân từ dòng-dõi nhà Merowing và làm vua Franken lúc 15 tuổi. Dân Franken gồm ba bộ-tộc Salier, Rupuarier và Chatten. Chữ "Franken" có nghĩa là tổng-hợp nhiều dân-tộc. Ban đầu, dân Franken cư-ngụ ở mạn đông sông Rhein. Họ là một trong 5 bộ-tộc sẽ tạo nên dân Đức sau này, bên cạnh tộc Aleman, Thueringer, Sachsen và Bayern.

Hoàng-hậu Chlotilde người Burgogne đã là ki-tô hữu khi lấy Chlodwig. Giám-mục Grê-gô-ri-ô ở Tours kể trong cuốn "Lịch-sử Franken" là bà "không ngừng khuyên Vua bỏ các thần thánh đi để chân nhận Chúa, nhưng Vua không chịu." Có lẽ không chịu vì có cả những lí-do riêng tư. Khi con đầu lòng chết "dù" đã được rửa tội, Chlodwig nói với vợ: "Rõ-ràng Chúa của ngươi không chút dính dáng bà-con gì với các thần của Ta." Cần nói thêm ở đây là người Đức với bản-tính trọng gia-đình chỉ chấp-nhận những thần nào có bà-con với thần họ đang tôn-thờ hoặc những thần "khai-sinh" họ mà thôi. Ki-tô chẳng có bà-con gì với thần bò mộng, vị thần khai-sinh ra dòng họ Merowing.

 

Chỉ một trận thắng…

 

Chỉ sau khi chiến-thắng quân Alemann ở trận gần Zuelpich năm 496 Chlodwig mới vào đạo. Biến-cố thắng trận này cũng giống như lần thắng trận của Konstantin ở cầu Milvis. Vì thế giám-mục Grê-gô-ri-ô gọi Chlodwig là một "Konstantin mới". Grê-gô-ri-ô tả lại trận đánh như sau:

"Hai đạo quân đụng-độ đẫm-máu kinh-hồn: Quân Chlodwig đứng bên bờ tuyệt-vọng. Trước tình-thế đó Vua ngửa mặt lên trời cầu trong xúc-động: ‘Giê-su Ki-tô, mà Chlodechilde (vợ ông) luôn gọi là Con Thiên-chúa hằng-sống, đấng giúp-đỡ những người hoạn-nạn, hãy giúp cho kẻ đang hi-vọng nơi Ngài được chiến-thắng: Trong khiêm-cung và đớn-đau tôi van nài Ngài hãy tỏ cho tôi thấy vinh-quang của Ngài ! Hãy giúp tôi chiến-thắng kẻ thù này và ban cho tôi quyền-uy mà chưa dân-tộc nào có được, nếu như điều đó làm vinh-danh Ngài, được vậy tôi sẽ tin Ngài và nhận phép rửa nhân danh Ngài. Tôi đã kêu-cầu các thần của tôi, nhưng xem ra không ai muốn giúp tôi. Vì vậy, tôi tin các thần đó đã hoàn-toàn bất-lực trong việc ra tay cứu-giúp con cái mình. Giờ thì tôi kêu-cầu Ngài, tôi muốn phó-thác cho Ngài, chỉ để mong dứt được kẻ thù của tôi !’ Khi Vua đang cầu thì quân Alemann quay đầu bỏ chạy…"

Chlodwig trở về trong "bình-yên" và thuật lại mọi chuyện cho vợ. Hoàng-hậu bí-mật cho gọi giám-mục Remigius ở Reims và xin ông "đổ Tin Mừng cứu-rỗi cho Vua." Chlodwig nhận phép rửa vào năm thứ mười lăm triều-đại mình. Giám-mục Grê-gô-ri-ô ở Tours viết thêm: "Hơn ba ngàn người của Chlodwig cũng đồng nhận phép rửa theo."

 

Theo đạo thật-sự ?

 

Không thể lấy mực-thước ngày nay để đo lòng đạo của Chlodwig. Nhưng một nhược điểm phải nói, là việc vào đạo của Chlodwig không nằm trong khuôn-khổ ki-tô giáo, mà hoàn-toàn mang tính-cách đức. Dân Đức chỉ sẵn-sàng tin thần nào có bà-con hoặc "mạnh" hơn thần của họ. Bởi thế, trong cơn túng-quẫn, Chlodwig thoạt tiên kêu-cầu thần riêng trước khi cầu đến Chúa của người ki-tô. Ông chỉ tin sau khi được toại nguyện. Trái hẳn với cuộc trở lại của An-tịnh ! Thực ra, chúng ta cũng có khác Chlodwig gì đâu; nhiều khi chỉ tin Ngài với điều-kiện này nọ; lắm lúc cứ tưởng Chúa được "hãnh-diện" khi ta chấp-nhận Ngài; mà không hiểu rằng chính ta cần Chúa chứ Ngài có cần ta đâu.

 

Rửa tội theo chủ

 

Chlodwig trở lại vì đã thắng trận. Đó là một lối nghĩ đặc-trưng của dân Đức. Sử nói có hơn ba ngàn người cùng nhận phép rửa theo ông. Chẳng phải vì họ nhận chân ra lẽ đạo mà theo, nhưng là vì chủ theo thì tớ cũng theo, thế thôi. Lối suy-nghĩ chủ tớ này sẽ giải-thích mối quan-hệ sau này giữa dân Đức và giáo-chủ trong việc hình thành Quốc-Gia Giáo-hội. Quốc-Gia này hình thành chẳng phải do "lòng tham" của các giáo-chủ, nhưng đúng hơn do hệ-quả lòng trung-thành của dân Đức đối với giáo-chủ.

 

Lòng sùng-kính các thánh

 

Dân Đức tin rằng vua và các giáo-chủ là những người có quyền-năng đặc-biệt, có khả-năng thông-truyền "ơn cứu-độ" cho mọi người. Với các thánh cũng vậy, họ coi đó là những đấng mang trong mình năng-lực huyền-bí, đặc-biệt có khả-năng làm phép lạ. Nếu thánh nào không có phép lạ thì họ điền-khuyết bằng những truyền-thuyết. Tục gắn vật thánh nơi bàn thờ phát-triển khá nhanh nơi người Franken. Grê-gô-ri-ô ở Tours một lần đã viết "Trên bàn thánh này ta sẽ xây một tháp cao". Thời đó tháp chưa thông-dụng, nên tháp đã biến thành "Nơi thánh" (Venantius Fortunatus). Người Đức không phải là kẻ tạo ra tục thờ linh vật, nhưng họ đã rất sốt-sắng đón nhận tục đó. Sốt-sắng đến nỗi tới thời Martin Luther tục đó trở thành quá-lạm.

 

Chết vì "thoá-mạ" thánh

 

Câu chuyện sau đây cho thấy lòng sùng-kính thánh quá độ của dân Đức: Trên đường đi đánh quân Tây-Goten, vua Chlodwig băng qua vùng đất của thánh Martin ở Tours; ông cho phép quân-sĩ chỉ được kín nước và cắt cỏ cho ngựa mà thôi. Nhưng khi thấy một anh lính ăn-cắp cỏ khô – vì anh nghĩ rằng cỏ khô cũng chỉ là "cỏ" – Chlodwig liền tự tay giết người đó mà nói: "… Thoá-mạ thánh Martin như thế thì sao còn hi-vọng thắng trận được nữa?" Có thể đây chỉ là một truyền-thuyết, nhưng nó nói lên chất sùng thánh quá độ của người Đức. Một lần khác, một người trong hoàng-gia bỏ một phong thư có tờ giấy chưa viết trên mộ thánh Martin với hi-vọng sẽ được Thánh trả lời. Để chữa bệnh dạ-dày, giám-mục Grê-gô-ri-ô ở Tours uống nước hoà với đất lấy từ mộ thánh Martin. Nhưng lòng sùng thánh đó cũng chẳng làm dân tốt hơn là bao. Chuyện kể, vì muốn thề gian nên cháu của Chlodwig đã cho người tạm tháo vật thánh ra khỏi bàn thờ trước khi thề.

 

Chẳng thú gì chuyện thần-học

 

Trái với người đông phương thích suy-tư và đặt nhiều câu hỏi về đức Giê-su cũng như đưa Ngài vào một nền-tảng thần-học rắc-rối, dân Đức chẳng quan-tâm gì tới chuyện tín-lí. Đức tin của họ chủ-yếu dựa trên phép lạ sẽ "mang tới" cho họ cái gì. Vì vậy, Ki-tô giáo bước đầu đã không thấm sâu và tạo biến-chuyển gì trong đời sống các vua nhà Merowing, vốn dĩ dã-man và thô-kệch.

 

Quan-trọng cho Giáo-hội

 

Việc Chlodwig vào đạo là một biến-cố quan-trọng cho sự phát-triển Giáo-hội. Ông là vị vua công giáo đầu tiên của một bộ-tộc Đức. Các vua khác cũng theo đạo, nhưng thuộc phái Arius, nên khó có thể quan-hệ được với các giáo-chủ. Ông và thần dân Franken của ông là cây cầu đầu tiên nối Giáo-hội với dân-tộc Đức.

Dưới thời Chlodwig, dân Franken đã tiêu-diệt tất cả những gì còn lại của Đế-quốc Rô-ma trên đất Gallien. Một lí-do nữa khiến Chlodwig vào đạo là vì hậu-ý chính-trị. Khi qui-phục Gallien vào trong tay thì miền này đã có sẵn một tập-đoàn giám-mục quyền-lực. Không thoả-hiệp sống chung được với tập-đoàn này thì đường chính-trị của ông sẽ không có tương-lai.

 

 

TRÌNH THUẬT 13
VĂN-HOÁ ĐỨC GIÁN-TIẾP ẢNH-HƯỞNG LÊN GIÁO-HỘI

 

Thử ý Chúa

 

Ở miền nam Ý có cuộc cãi-vã về đức tin giữa một linh-mục công giáo và một linh-mục thuộc phái Arius. Vì chẳng ai thuyết-phục được ai nên cuối cùng linh-mục công giáo đề-nghị "thi nhúng tay vào nước sôi" để xem Chúa phán-định ai thắng. Cuộc tranh tài sẽ diễn ra ngày hôm sau. Ông công giáo sợ thua, kín đáo lấy mỡ thoa vào tay để tránh bị phỏng. Ông phái Arius biết được, "la toáng lên". Trong thâm-tâm, ông này cũng sợ không dám nhúng tay vào nước sôi. Sử kể tiếp: Rồi một linh-mục công giáo từ Ravenna tới, nhận đấu, và "may mắn thắng cuộc."

Về Kunigunde, vợ hoàng-đế Heinrich II, có câu chuyện như sau: Khi bị chồng cáo-buộc tội ngoại-tình, bà liền chứng-minh sự vô tội của mình bằng cách bước chân trần qua mấy chiếc lưỡi cày nung đỏ. Lạ thay chân bà đã không hề hấn gì cả. Theo lối cá-cuộc thời đó, nếu bị phỏng, đương-sự sẽ được bó vết thương bằng sáp đã được làm phép. Nếu sau ba ngày mà vết thương lành thì được coi là vô tội.

Người ta thường dùng lửa và nước để thử xem phụ-nữ có giữ tiết-hạnh không. Các bà phải mang một mớ than hồng hay một miếng sắt nung đỏ hay phải bước chân trần qua chín lưỡi cày nung đỏ. Hoặc bị buộc tay trái với chân phải rồi thẩy xuống nước. Nếu chìm là vô tội. Nếu nổi trên mặt nước là có tội, bởi vì nước thuần-khiết "không muốn nhận" bà. Thời diệt phù-thuỷ, người ta hay dùng cách thử nước, vì người ta tin rằng một phù-thuỷ có quỷ trong người thì chẳng còn thân lượng. Một lối thử nữa bằng nước sôi gọi là "nhặt nhẫn". Người bị kết tội phải nhúng tay trần vào nồi nước đang sôi để nhặt cái nhẫn dưới đáy nồi lên.

 

Khởi đầu đúng

 

Những cách thử ý Chúa trên bắt nguồn từ dân ngoại. Họ tin có sự hiện-diện của một thần-linh và vị đó thấu hiểu sự thật và muốn sự thật đó được tỏ bày, để người vô tội khỏi bị án oan. Niềm tin này đúng-đắn. Cả người công giáo cũng không thể tưởng-tượng được rằng Thiên-chúa của họ không màng tới sự thật và công-lí. Ngay kẻ tự cho mình là vô-thần cũng tin vào một công-lí, và sự bất công trong cuộc đời thường là lí-do khiến họ chối từ sự hiện-diện của Thiên-chúa. Thế mới hay "công-lí" và thần-linh hay gắn liền với nhau.

Sở dĩ chúng ta coi các lối thử trên là mê-tín và không chấp-nhận, là vì chúng mang tính-cách thử-thách Chúa, bắt Ngài can-thiệp vào cuộc tranh-chấp của con người. Nhưng dân Đức xác-tín rằng Chúa luôn can-thiệp bênh-đỡ người vô tội trước cơn nguy-biến, và nếu cần, sẽ cứu họ bằng phép lạ. Lửa và nước, có lẽ theo niềm tin của dân Đức, là những yếu-tố thiên-nhiên đặc-biệt gần gũi Thượng-đế, nên Ngài thường sử-dụng chúng để tỏ uy-quyền. Không riêng gì dân Đức, mà nhiều dân-tộc khác – ngay cả ki-tô hữu – cũng tin Thượng-đế dùng những tai-ương thiên-nhiên như lũ-lụt, động đất, hoả-tai để "phạt" con người.

 

Ngay từ đầu Giáo-hội chống

 

Giáo-hội ngay từ đầu chống lại các lối thử trên, trừ lối thử thập-giá. Người đầu tiên tuyên-chiến với những mê-tín đó là An-tịnh. Ngài dạy, nếu có tranh-chấp, phải dùng các phương-tiện tự-nhiên để tìm ra sự thật. Nếu các phương-tiện đó không hiệu-quả, thì có thể cầu xin Chúa giúp; nhưng xin, chứ không thể bắt Ngài giúp.

Các giáo-chủ cấm những lối thử trên vì nhiều lí-do: vì chúng thuộc loại mê-tín (Stê-pha-nô V, A-lê-xan-dri-ô II, In-no-xen-xô II), vì chúng muốn thử-thách Chúa (Ni-kô-lê-ô I, A-le-xan-dri-ô III, In-no-xen-xô III, Hô-nô-ri-ô III), vì chúng đụng tới sự phán-xét cuối cùng (Stê-pha-nô V, A-le-xan-dri-ô III, Hô-nô-ri-ô III), vì chúng có thể đưa tới chết người nên gián-tiếp liên-hệ tới điều răn thứ năm (A-lê-xan-dri-ô III, In-no-xen-xô III, Xê-le-sti-nô III), vì chúng vô lí (Ni-kô-lê-ô I, Hô-nô-ri-ô III).

Ni-kô-lê-ô I (858-867) là giáo-chủ đầu tiên đưa ra cấm-đoán. Sở dĩ có sự chậm trễ này là vì thông-thường Giáo-hội chỉ chính-thức can-thiệp sau khi một vấn-nạn đã trở thành thuyết rối, nguy-hiểm cho Giáo-hội hay tạo nên những quá-lạm và bất-cập khiến phải có biện-pháp cản-ngăn. Trong những thế-kỉ đầu, chưa thành vấn-đề là vì dân Đức còn theo đạo của Arius. Chỉ sau khi người Franken vào đạo thì những thói-tục trên mới trở thành vấn-đề cho Giáo-hội.

Chỉ một lối thử, như đã nói trên, được Giáo-hội chấp-nhận, là "thử thập-giá". Hai phe tranh-cãi đứng dang tay trước thập-giá suốt thánh-lễ. Ai mệt bỏ tay xuống trước là thua. Bởi, nếu như họ phải, thì hẳn Chúa đã giúp họ dang tay lâu hơn !

 

Khoan-dung chừng nào có thể

 

Dù Chlodwig và những người kế vị ông có muốn hay không muốn "đức-hoá" Giáo-hội, thì Giáo-hội bằng cách này hay cách khác cũng đã bị văn-hoá đức gián-tiếp chi-phối. Cụ-thể là sự du-nhập tục thờ vật thánh và tục thử ý Chúa. Một điểm đức-hoá nữa là linh-mục vẫn tiếp-tục giữ những thói-tục ngoại-giáo truyền-thống của họ.

Dù chống tục thử ý Chúa, nhưng Giáo-hội tỏ ra rất khoan-nhượng với những phong-tục sẵn có của dân Đức. Giáo-chủ Ni-kô-lê-ô I, người đầu tiên cấm tục trên, trong sắc-chỉ truyền giáo cho phép giữ lại các đền đài, chỉ phá bỏ các tượng thần trong đó mà thôi. Rồi "rảy nước thánh để đền hết thiêng, lập bàn thờ và mang vật thánh vào. Vì nếu như đền được xây cất vững, thì ta có thể biến đền ma quỉ này thành ra nơi thờ-phượng Chúa."

 

Tục "rảy nước" trở thành tục làm phép

 

Nhiều loại làm phép trong Giáo-hội (làm phép nhà, đồ ăn, thức uống, tượng đài, sân, ruộng, vườn, nước, lửa, nến, tro, dầu, rượu, cây-cỏ, quần áo, súc-vật…) đều xuất-phát từ tục "rảy nước" của dân Đức. Cả việc thờ những nguồn nước thiêng như giếng Đức-Mẹ (Mariabrunn), thờ cây thiêng như ba cây sồi Đức-Mẹ (Maria Drei Eichen)… Đó là những chỉ dấu nói lên việc Giáo-hội không ưu-tiên tìm cách xoá bỏ, nhưng cố-gắng ki-tô-hoá những gì sẵn có. Khi du-nhập tục thờ các thánh, tục rất được mộ-mến nơi dân Đức, Giáo-hội đã bắc được một nhịp-cầu quan-trọng giữa dân ngoại và Ki-tô giáo. Điều này được tài-liệu cổ sau đây xác-nhận: "Vì đức tin của dân chúng, đặc-biệt nơi thành-phần hạ dân, còn yếu và họ rất khó cởi bỏ truyền-thống ngoại-giáo, chứng-cớ là họ luôn tìm cách lén-lút thực-hành một số phong-tục ngoại, nên đã có một ông thánh khôn-ngoan nghĩ rằng cách dễ nhất làm họ từ bỏ đường cũ mà vào đạo là mang tới một vị thánh nổi tiếng về phép lạ và chữa bệnh, họ sẽ đổ-xô kính-thờ ngài và dần quen kêu-cầu ngài…"

Khi Chlodwig nhận phép rửa ở Reims, nơi đăng-quang của các vua Pháp sau này, thì Ki-tô giáo ở Gallien đã bám rễ vững ở đó rồi. Đã có những cộng-đoàn năng-động, do những giám-mục uy-tín điều-khiển. Một trong những vị đó là Remigius ở Reims, người làm phép rửa cho Vua. Muốn dân Rô-ma và Gallien trong Vương-quốc Chlodwig hợp-nhất làm một, thì điều cần là phải dung-túng một số yếu-tố văn-hoá đức, bao lâu chúng không đi ngược lại Ki-tô giáo.

Chlodwig mất năm 511 tại Paris. Vương-quốc của ông được chia cho cả bốn con trai. Sở dĩ chia cho cả bốn là vì dân Đức tin rằng trong dòng máu vua sẵn có sức mạnh thần-thiêng. Năm 588, chỉ còn Chlothar sống sót, nên đã thu tóm toàn cõi vào tay mình. Sau khi ông này mất, giang-sơn lại bị chia, nhưng đến đời Chlothar II lại thu về một mối vào năm 613. Cuộc trở lại của dân Franken là khởi đầu cuộc vào đạo của các bộ-lạc Đức khác, sau khi họ bị sát-nhập vào Vương-quốc Franken. Các con của Chlodwig thắng quân Aleman (496), thắng quân Thueringer (531) rồi sát-nhập Vương-quốc Bourgogne (Burgunder, 223-534) và Provence, hai vùng đất bị quân Đông-Goten chiếm. Franken sở dĩ trở thành Vương-quốc Đức uy-lực nhất là nhờ đức tin ki-tô giáo đã thống-hợp nhiều sắc dân vào một mối.

Nhà Merowing trị-vì tới năm 750. Sau đó quyền-lực chuyển sang nhà Karoling. Dưới thời Merowing, số địa-phận trong Vương-quốc Franken lên tới 112. Trong một cuộc đại-hội ở Reims có 24 giám-mục Franken trong tổng-số 41 giám-mục hiện-diện. Ảnh-hưởng của đoàn giám-mục địa-phương và các chiến-thắng của nhà Merowing là hai cột trụ của một Âu châu ki-tô giáo sau này.

 

(còn tiếp nhiều kỳ)

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.