Uncategorized

Thư gửi giáo đoàn Roma 4

Bởi vì ơn cứu rỗi mà thánh nhân rao giảng có chiều kích đại đồng, nghĩa là được Thiên Chúa trao tặng, cống hiến cho mọi người, không phân biệt và loại trừ ai.

 

THÁNH PHAOLÔ BIẾT ƠN CHÚA VÌ ĐỨC TIN VỮNG MẠNH CỦA TÍN HỮU ROMA

 

Bởi vì ơn cứu rỗi mà thánh nhân rao giảng có chiều kích đại đồng, nghĩa là được Thiên Chúa trao tặng, cống hiến cho mọi người, không phân biệt và loại trừ ai.

 

THÁNH PHAOLÔ BIẾT ƠN CHÚA VÌ ĐỨC TIN VỮNG MẠNH CỦA TÍN HỮU ROMA

 

Trừ bức thư luân lưu gửi các giáo đoàn vùng Galata không có lời tạ ơn Thiên Chúa, tất cả các thư khác, kể cả thư gửi tín hữu Roma đều được mở đầu với lời thánh Phaolô cảm tạ Thiên Chúa, vì các ơn lành mà Chúa đã tuôn đổ xuống trên tín hữu. Ở đây trong thư gửi giáo đoàn Roma. thánh Phaolô cảm tạ ơn Chúa vì đức tin vững mạnh của tín hữu Roma, nổi tiếng trên toàn thế giới, thời bấy giờ. Tuy nhiên thánh Phaolô không theo một lược đồ cứng nhắc mà linh động thay đổi tùy từng thư. Trong thư gửi tin hữu Roma lời cảm tạ này vừa có mục đích trình bầy ý định của thánh nhân muốn ghé thăm họ, vừa biện minh cho sự chú ý của ngài đối với giáo đoàn Roma, đã không do ngài thành lập. Sở dĩ thánh nhân phải biện minh như thế, vì thông thường ngài theo nguyên tắc chỉ tới rao giảng Tin Mừng tại những nơi chưa có ai rao giảng, nghĩa là trong vùng đất hoàn toàn mới mẻ, để khỏi dẵm chân người khác (15,20-22). Nhưng đối với giáo đoàn Roma thì lại khác. Lý do là vì Phaolô đang kết thúc công tác truyền giáo bên phương Đông và có dự tính sang truyền giáo bên Tây Ban Nha (15,19). Ngài muốn dùng giáo đoàn Roma làm bản doanh cho công tác truyền giáo mới này (15,23-24.28.29.32). Mặt khác, trong suốt các năm truyền giáo ý thức là tông đồ của thánh nhân cũng tiến triển và rộng mở hơn trước. Giờ đây Phaolô ý thức được mình là vị tông đồ đại đồng, được Thiên Chúa sai đi rao giảng Tin Mừng cho tất cả mọi người không phân biệt do thái hay không do thái, đã là kitô hữu hay chưa là kitô hữu. Chính ý thức về sứ mệnh đại đồng đó của mình đã khiến thánh nhân khẳng định rằng ngài mắc nợ mọi người: người Hy lạp văn minh cũng như các dân tộc man di, người thông thái học cao biết nhiều cũng như người không học có tầm hiểu biết thấp kém hay không hiểu biết gì (1,14). Ngài là tông đồ được Chúa đặc biệt sai phái tới rao giảng Tin Mừng cho tất mọi người không phải là gốc do thái (1,5). Nói cách khác công tác truyền giáo của Phaolô có chiều kích thế giới. Bởi vì ơn cứu rỗi mà thánh nhân rao giảng có chiều kích đại đồng, nghĩa là được Thiên Chúa trao tặng, cống hiến cho mọi người, không phân biệt và loại trừ ai.

 

Từ ”trước hết” trong câu 8 chương 1, nhấn mạnh rằng lời cảm tạ Thiên Chúa mà Phaolô có thể nói lên ở đây với tín hữu là ”nhờ Đức Giêsu Kitô” hay “qua Đức Giêsu Kitô”. Nghĩa là Đức Giêsu Kitô sống động và hoạt động trong cuộc sống cầu nguyện của thánh nhân qua trung gian ơn thánh của Chúa. Kiểu nói ”Thiên Chúa của tôi” diễn tả liên hệ riêng tư đặc biệt của thánh Phaolô với Thiên Chúa Cha. Nhưng lý do trực tiếp của lời cảm tạ là sự hiện diện của giáo đoàn Roma và cung cách sống lòng tin vững mạnh của các tín hữu, nổi tiếng trên toàn thế giới, tức trong toàn vùng Địa Trung Hải và Trung Đông thời đó. Kiểu sống đạo của tín hữu Roma trở thành sứ điệp và lời loan báo Tin Mừng. Ở đây thánh Phaolô cho thấy một sự thật vô cùng quan trọng: đó là mỗi tín hữu đều có thể và phải loan báo Tin Mừng qua chứng tá lòng tin sống động trong môi trường sống thường ngày của mình, chứ không phải bôn ba lặn lội vất vả đâu xa (x. Ts 1,8). Trên bình diện sư phạm tâm lý, khẳng định này của thánh Phaolô nhằm lôi kéo sứ chú ý và cảm tình của tín hữu giáo đoàn đối với dự án ngài sắp trình bầy với họ. Nghĩa là xin họ trợ lực ngài trong cánh đồng truyền giáo mới là Tây Ban Nha và ngay tại Roma nữa. Để tín hữu Roma không cho ngài là khách sáo, thánh nhân khẳng định ngay rằng ngài vẫn thường nghĩ tới họ và liên lỉ cầu nguyện cho họ cũng như mong muốn được gặp họ. Và có Chúa làm chứng cho lòng chân thành đó của thánh nhân, chứ không phải ngài nói dối tín hữu.

 

Như thế tương quan của thánh nhân với họ mang ba chiều kích: cảm tạ, tưởng nhớ và cầu xin. Tuy nhiên, tương quan đó không phải là chuyện riêng tư, mà nằm trong sứ mệnh tông đồ đại đồng của ngài. Ở đây thánh Phaolô cho thấy ba yếu tố nòng cốt tuyệt đẹp trong tương quan cuộc đời của mỗi một chủ chăn đối với tín hữu. Luôn luôn cảm tạ Thiên Chúa, tưởng nhớ và cầu nguyện cho các tín hữu. Đó là cách thức mà vị chủ chăn, vị tông đồ, người được sai đi thờ phượng Thiên Chúa: loan báo Tin Mừng của Chúa không phải chỉ bằng lời nói hay cử chỉ phụng tự, mà qua các hành động cụ thể. Nói cách khác, thánh Phaolô trao ban cho công tác truyền giáo của ngài một gía trị thần học. Truyền giáo không chỉ là phục vụ Thiên Chúa mà còn là phục vụ cho Thiên Chúa, tận hiến và dâng tiến lên Thiên Chúa. Xa hơn nữa thánh Phaolô sẽ xác định và áp dụng viễn tượng này một cách rộng rãi hơn. Thật thế, thánh nhân tự định nghĩa mình như là thầy cả, tiến dâng lên Thiên Chúa lòng tin của các tín hữu như của lễ thơm tho, thánh thiện đẹp lòng Chúa (15,16). Tin Mừng như thế là trọng tâm cuộc sống của ngài và thánh nhân diễn tả Tin Mừng đó ra ngoài bằng mọi phương cách. Trên bình diện truyền giáo học cũng như trên bình diện tu đức học, thái độ này của thánh nhân phải là thái độ của mỗi một chủ chăn, của mỗi một thừa tác viên được Thiên Chúa chọn lựa để rao giảng Tin Mừng cứu độ. Bởi vì không có gì phản chứng bằng rao giảng Tin Mừng mà lại không sống Tin Mừng và làm chứng cho Tin Mừng.

 

Sau khi trình bày lý do phụng tự của lời cảm tạ và cầu nguyện dâng lên Thiên Chúa như phần mở đầu cuộc đối thoại, thánh Phaolô đi vào điểm chính của vấn đề. Ngài muốn thông báo cho tín hữu Roma ý định muốn tới thủ đô đế quốc Roma (cc. 10b-15). Đã từ lâu ngài hằng mong ước (c.11) và ấp ủ điều này (c. 13a). Cho tới lúc đó thánh Phaolô đã không thể thực hiện ý chuyến viếng thăm này (c. 13b). Nhưng giờ đây mọi sự xem ra đều thuận lợi (c. 10b). Thánh nhân đã sẵn sàng (c. 15). Lý do thúc đẩy thành nhân ước mong viếng thăm tín hữu Roma là để ngài thanh toán món nợ đối với Thiên Chúa là Đấng đã kêu gọi ngài làm tông đồ, nghĩa là người được sai đi loan báo ti vui cứu độ, và đồng thời thanh toán món nợ đối với các tín hữu, là những người có quyền đòi hỏi thánh nhân phải chu toàn sứ mệnh tông đồ đối với họ. Trong chương 9,16 thư thứ I gửi giáo đoàn Côrintô thánh Phaolô diễn tả nhiệm vụ đó như sau:” Thật vậy, đối với tôi, rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm. Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!”. Nhưng giờ đây thánh nhân nêu bật rằng ngài có nhiệm vụ rao truyền Tin Mừng cho tất cả thế giới ngoại giáo, không phân biệt ai. Sự khác biệt văn hóa không là gì trước đề nghị cứu độ chất chứa trong Tin Mừng. Có nói được tiếng hy lạp hay không, (nghĩa là người man di), có hiểu biết thực tại hay không hiểu biết gì cả, không phải là lý do được hưởng đặc quyền đặc lợi cũng không là điều ngăn trở con người đón nhận tin vui cứu độ. Chính vì thế nên cho dù Tin Mừng đã được rao giảng tại Roma, thánh Phaolô cũng có thể đóng góp phần đặc thù của mình để giúp tín hữu có thêm một vài ơn của Chúa Thánh Thần và đươc vững mạnh trong đức tin (c. 11).

 

Trong phần trình bầy các đặc sủng tuyệt diệu của Chúa Thánh Thần trong các chương 12-14 thư thứ I gửi giáo đoàn Côrintô, thánh nhân đã nhấn mạnh trên sự kiện giáo đoàn kitô trưởng thành trong sự phối hợp các đặc sủng khác nhau của Chúa Thánh Thần. Do đó, sự hiện diện của ngài tại Roma có thể giúp giáo đoàn này trưởng thành, vì hoạt động của thánh nhân sẽ giúp tín hữu thể hiện các đặc sủng đó cho ích lợi chung. Các khó khăn mà tín hữu giáo đoàn đang gặp phải chỉ có thể được vượt thắng nhờ lòng tin kiên trì vững mạnh nơi Đức Giêsu Kitô. Thông thường trong các thư khác thánh Phaolô cho tín hữu biết ngài cầu xin Thiên Chúa củng cố họ (x. 1 Ts 3,13; 2 Ts 2,17; 3,3). Và Chúa cho ngài có sức mạnh cầu nguyện cho sự trưởng thành vững mạnh đó của các giáo đoàn ( x. Rm 16,25). Ở đây thánh nhân cho mình có nhiệm vụ củng cố cộng đoàn Roma. Nhưng vì sợ tín hữu có thể hiểu lầm ý hướng ngay lành của ngài nên thánh nhân sửa sai ngay điều ngài nói khi viết: ”hay đúng hơn, là để cùng anh chị em và giữa anh chị em nếm hưởng niềm ủi an phát xuất từ lòng tin của anh chị em và niềm tin của tôi” (c. 12). Nghĩa là sự hiện diện của thánh nhân tại Roma không chỉ ích lợi cho tín hữu mà còn ích lợi cho chính bản thân ngài nữa. Lòng tin chung là lý do để mọi người củng cố và bổ dưỡng cho nhau. Dầu sao đi nữa ngài vẫn là tông đồ của dân ngoại, và như ngài đã thu lượm được các hoa trái nơi các anh chị em khác không phải là gốc do thái, Phaolô cũng muốn hoạt động của ngài gặt hái được các thành qủa nơi tín hữu Roma (c. 13). Điều cần ghi nhận ở đây là thánh nhân không nói ngài là người làm phát sinh ra các hoa trái thiêng liêng, mà là người thu lượm các hoa trái ấy. Từ ”hoa traí” ở đây ám chỉ hiệu qủa hoạt động sáng tạo của Chúa Thánh Thần (x. Gl 5,32). Chúa Thánh Thần mới chính là Đấng làm nảy sinh ra các hoa trái thiêng liêng ấy trong cuộc sống của các tín hữu. Và thánh nhân kết luận: ”Bởi vậy, tôi nóng lòng loan báo Tin Mừng cho cả anh chị em nữa, là những ngươi đang sống ở Rma” (c. 15). Nói cách khác, việc loan báo Tin Mừng cho những người chưa biết Chúa, cũng như công tác vun trồng Tin Mừng ấy lớn mạnh trong tâm lòng và cuộc sống của tín hữu đã tin nhận Chúa, đều bao gồm trong sứ mệnh loan báo tin vui cứu độ mà thánh Phaolô phải chu toàn. Đàng khác, giáo đoàn luôn cần được nghe rao giảng Tin Mừng.

Sau cùng liên quan tới các ngăn trở khiến cho tới nay thánh nhân không tới Roma được. Vậy ai là người cản ngăn thánh nhân? Văn bản không xác đinh rõ ràng đó là thứ ngăn trở nào và cũng không nêu lý do. Nhưng xem ra thánh Phaolô không nói tới Satan, như trong chương 2,18 thư tứ I gửi tín hữu Thêxalônica. Thể thụ động của động từ ”ngăn trở” dấu ẩn hoạt động của chính Thiên Chúa. Nghĩa là sự ngăn trở không bởi các lý do tình cờ và lịch sử, nhưng bởi ý muốn của Thiên Chúa. Thánh Phaolô hoàn toàn tùy thuộc các chương trình của Thiên Chúa, là Đấng đã thương chọn ngài làm tông đồ. Điểm này giải thích khẳng định ”nếu Chúa muốn” trong câu 10. Việc loan báo Tin Mừng của Chúa tới tận cùng bờ cõi trái đất không phải là chương trình của riêng thánh nhân. Nhưng trái lại, nó luôn luôn là dự định của Thiên Chúa Cha. Phaolô chỉ tuân hành bằng cách tôn trọng cả thời điểm do Thiên Chúa định đoạt. Đây là một nét đẹp nữa trong cuộc đời của thánh Phaolô nói riêng và trong cuộc sống của những người có sứ mệnh truyền giáo nói chung: hoàn toàn tuân theo ý muốn và sự quan phòng của chính Thiên Chúa, chứ không theo ý riêng mình, cho dù đó có là ý hướng tốt lành đi nữa.

Linh-Tiến-Khải

KINH THÁNH CHỈ CÓ THỂ HIỂU VỚI GIÁO HỘI

Khởi đầu bằng việc nhấn mạnh tầm quan trọng của chủ đề đã được chọn nầy, vốn “không chỉ liên quan đến những kẻ tin mà thôi, mà chính Giáo Hội nữa, bởi vì đời sống và sứ mệnh Giáo Hội nhất thiết phải dựa trên Lời Chúa”, Đức Thánh Cha nhắc lại rằng Hiến Chế “Dei Verbum “(Lời Chúa) đã khẳng định rằng Thiên Chúa là Tác Giả của Kinh Thánh và trong Sách Thánh, Thiên Chúa nói theo cách thế nhân loại. Đức Thánh Cha đưa ra ba tiêu chí mà Công Đồng Vatican II quy định để hiểu đúng đắn Kinh Thánh. Người giải thích: “Để có thể hiểu kinh Thánh đúng đắn,chúng ta phải xem xét thận trọng những người viết tiểu sử thánh thật sự muốn nói điều gì và Thiên Chúa muốn mạc khải điều gì qua những điều họ viết”.

Một là, “Sách Thánh là độc nhất bởi vì tính duy nhất kế hoạch của Thiên Chúa, mà Chúa Giêsu Kitô là trung tâm và là điểm chủ chốt của kế hoạch ấy”.

Hai là,”Kinh Thánh phải được đọc trong ngữ cảnh Thánh Truyền sống động của toàn Gíao Hội…Trong Truyền Thống của Giáo Hội giữa ký ức sống động về Lời Chúa và chính Chúa thánh Thần là Đầng cho Giáo Hội cách hiểu từ đó đúng hợp với ý nghĩa thiêng liêng của nó.

“Tiêu chí thứ ba liên quan đến việc cần thiết phải lưu tâm đến sự giống nhau của niềm tin; nghĩa là đến sự gắn kết giữa các sự thật của cá nhân về đức tin, cả hai với nhau và với toàn thể kế hoạch Mạc Khải và sự tròn đầy chương trình cứu độ của Thiên Chúa kèm theo trong kế hoạch ấy”. (Đức Thánh Cha Biển- Đức XVI )

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.