Tin Mừng thánh Phaolô rao giảng có chiều kích đại kết và tính chất vượt thời gian và không gian, vì gói ghém các sự thật bao trùm toàn lịch sử nhân loại.
Các đề tài thần học được trình bầy trong phần giáo thuyết gồm 11 chương đầu thư gửi giáo đoàn Roma, cũng như trong phần hai gồm các chương 12-15 là phần khuyến dụ. Nhưng tất cả đều xoay quanh Đức Giêsu Kitô Đấng Cứu Thế, trọng tâm của Tin Mừng. Điều này chúng ta có thể nhận ra ngay trong đoạn mở đầu thư, tức chương 1,1-7.
Kết cấu đề tựa của thư không khác kết cấu thông thường trong các thư của thánh Phaolô gồm:danh tánh người gửi, người nhận và lời chào với phép lành đi kèm. Ở đây chúng ta nhận ra ba yếu tố: ”Phaolô” (1,16), ”gửi tất cả mọi tín hữu Roma” (1,7a), ”ơn thánh và bình an” (1,7b). Tuy nhiên đoạn mở đầu thư nêu bật các định tính thần học của người gửi.Trước hết Phaolô xác định sứ mệnh tông đồ của mình các câu 1.5, và tập trung sứ mệnh đó vào Tin Mừng của Chúa, mà thánh nhân miêu tả bản chất và nội dung trong các câu 2-4.
Khác với các thư gửi giáo đoàn Thêxalônica, Côrintô. Philiphê, Philemônê và Galata, ở đây thánh Phaolô là người gửi duy nhất, không có cộng sự viên nào được nêu danh. Định tính đầu tiên của Phaolô là ”tôi tớ của Đức Kitô Giêsu”. Tước hiệu này diễn tả sự tùy thuộc hoàn toàn và vô điều kiện của thánh nhân đối với Chúa Kitô. Từ ”doulos” ”tôi tớ”, tiếng Hy lạp ở đây không lột được hết ý nghĩa súc tích của từ ” ebed” trong tiếng Do thái, là tước hiệu danh dự mà Kinh Thánh Cựu Ước thường dùng để ám chỉ những người được Thiên Chúa tuyển chọn và trao cho một sứ mệnh quan trọng. Ở đây thánh Phaolô là người được Thiên Chúa tuyển chọn để trao cho sứ mệnh loan báo Tin Mừng cho dân ngoại. Ngài được Chúa Kitô gọi làm ”Tông đồ”, nghĩa là người được sai đi. Có nghĩa là thánh nhân không tự nguyện làm ứng viên, cũng không do người nào ủy thác (Gl 1,1) mà do Thiên Chúa tuyển chọn và mời gọi. Sự tuyển chọn và và ơn gọi nhưng không đó được thánh Phaolô nhấn mạnh trong nhiều thư khác (x. 1 Cr 15,9-10; 2 Cr 4,1; Gl 1,15). Loan báo Tin Mừng là phục vụ Chúa Kitô . Trong nghĩa này thánh Phaolô là nhân vật lịch sử loan báo tin vui cứu độ Thiên Chúa đã quyết định gửi tới cho nhân loại tội lỗi. Nói cách khác, thánh nhân là phát ngôn viên được Thiên Chúa cho phép chuyển đạt sứ điệp đến cho nhân loại. Sứ mệnh của ngài có tính chất ngôn sứ. Nhưng Tin Mừng thánh nhân rao giảng không chỉ là các lời nói, mà là một sức mạnh của Thiên Chúa, là Lời Chúa có năng lực hiện thực những gì loan báo. Sứ mệnh tông đồ của thánh Phaolô có mục đích thông truyền sứ điệp Tin Mừng của Chúa cho người nghe và nhất là cống hiến cho họ cơ may gặp gỡ Thiên Chúa, Đấng hiện diện giữa lòng thế giới và dùng quyền năng của Ngài để làm phát sinh ra một cuộc sống mới trao ban ơn cứu độ.
Trước khi tiếp tục nói tới sứ mệnh tông đồ của mình, trong các câu 2-4 thánh Phaolô trình bầy vài sắc thái của Tin Mừng mà ngài rao giảng. Trước hết Tin Mừng cứu độ đã có một lịch sử dài. Nó đã được mặc khải cho dân Do thái trong thời Cựu Ước và được ghi chép trong các sách thánh như là lời hứa cứu độ. Các ngôn sứ trong Cựu Ước đã là những người đầu tiên loan báo tin vui cứu độ đó. Và tin vui do các tông đồ loan báo trong thời Tân Ước hiện thực các lời hứa đã được các ngôn sứ rao giảng trong thời Cựu ước. Thiên Chúa tín trung với lời Ngài đã hứa. Và Phaolô bước vào thời gian hiện thực các lời hứa đó của Chúa như một Tông đồ, như người được sai đi. Nội dung Tin Mừng thánh nhân có sứ mệnh loan báo, không phải là một giáo thuyết phi thời gian, mà là một con người cụ thể, lịch sử cuộc sống của một người, lịch sử của Đức Giêsu Kitô Con Thiên Chúa, ”xét như một người phàm, xuất thân từ dòng dõi Đavít, nhưng xét như Đấng đã từ cõi chết sống lại nhờ Thánh thần, Người đã được đặt làm Con Thiên Chúa với tất cả quyền năng”. Đa số các học giả kinh thánh đều cho rằng công thức tuyên xưng lòng tin, thánh Phaolô ghi lại trên đây, thuộc truyền thống kitô tiên khởi. Bởi vì không bao giờ thánh Phaolô áp dụng cho Chúa Kitô phản đề ”theo thịt xác – theo Thần Khí”. Và chúng ta cũng không tìm thấy đề tài dòng dõi Đavít của Đức Giêsu Kitô trong bất cứ văn bản nào khác của thánh Phaolô. “Thần Khí thánh thiện” (pnéuma hagiosynês) cũng là công thức không thấy có trong các thư của thánh Phaolô. Động từ ”horisthéis” ”được đặt làm”, cũng là luật trừ không tìm thấy trong các văn bản khác của thánh Phaolô. Vấn đề được các học giả đặt ra ở đây là không biết thánh Phaolô có thay đổi, thêm thắt gì không, hay đã ghi chép nguyên văn công thức tuyên xưng lòng tin của cộng đoàn kitô tiên khởi. Do đó khó có thể dựng lại công thức tuyên xưng lòng tin của cộng đoàn kitô tiên khởi một cách chính xác. Tuy nhiên chúng ta có thể nhận ra chiếu hướng kitô học nòng cốt trong công thức đó.
Theo công thức tuyên xưng lòng tin nói trên, con người của Đức Kitô được trình bầy theo một lựơc đồ gồm hai tiết nhịp đồng thời bao gồm hai nguồn gốc và hai kiểu hiện diện khác nhau. Trước khi sống lại Đức Giêsu Kitô là miêu duệ của dòng dõi nhà Đavít, đã sống kiếp sống phàm nhân giòn mỏng và phải chết. Nghĩa là Đức Giêsu thành Nagiarét được định nghĩa trong chiếu kích lịch sử và bề dầy thuần túy nhân loại. Trong chiều hướng đó Đức Giêsu được gắn liền với quyền kế vị vua Đavít và nguồn gốc cao trọng này có giá trị như là điều kiện không thể thiếu được đối với chức cứu thế của Ngài. Nhưng với sự phục sinh Ngài đã được Thiên Chúa đặt làm Con. Như vậy theo công thức tuyên xưng lòng tin này, Đức Giêsu đã trở thành Con Thiên Chúa. Nhưng tước hiệu này không diễn tả thực tại chức làm Con của Đức Giêsu ngay từ đầu, mà chỉ đề cập tới lễ nghi có thể ghi mốc thời gian được, đó là từ lúc phục sinh. Định tính ”với quyền năng” cũng theo chiều hướng nói trên. Nghĩa là Đức Giêsu đã nhận được quyền năng kể từ lúc sống lại. Bối cảnh của các kiễu diễn tả trên đây là lễ nghi đăng quang, của hoàng tử được lên ngồi ngang hàng với vua cha và chia sẻ quyền vương đế của vua cha (x. Tv 110,2). Đó là ý nghĩa mà cộng đoàn kitô tiên khởi hiểu được liên quan tới bước nhảy vọt phẩm chất của Đức Kitô phục sinh. Giờ đây Đức Kitô có được quyền năng cứu độ nhận lãnh được từ Thiên Chúa để tín hữu được hưởng nhờ. Do đó có thể tuyên xưng Ngài là Con Thiên Chúa, vì Đức Kitô tham dự vào khả năng của Thiên Chúa cho sống dậy và cứu rỗi loài người. Qua đó, định tính cuối cùng cũng đươc giải thích. Đức Giêsu Kitô đã ”được Thần Khí sự thánh thiện của Thiên Chúa cho sống động trở lại”. Đức Kitô phục sinh không còn thuộc thế giới nhân loại yếu đuối và phải chết nữa, nhưng đã bước vào thế giới của Thiên Chúa, thế giới của cuộc sống bất tử, rạng ngời và tràn đầy ánh sáng.
Lời tuyên xưng lòng tin như ghi trong chương 1,2-4 thư gửi giáo đoàn Roma tách rời hẳn khỏi viễn tượng chung như được trình bầy trong Tân ước và đặc biệt như được xác định trong các Công Đồng Chung kitô học. Chúng ta có thể nói rằng công thức nói trên trình bầy cuộc đời Đức Giêsu lịch sử một cách sinh động, giới thiệu biến cố từ thế giới phàm nhân bước vào thế giới thiên linh tràn đầy sự sống và hiệp thông vào quyền năng cứu độ của Thiên Chúa Cha, mà không nhắc tới sự hiện hữu trước đó của Đức Giêsu, nghĩa là cuộc sống của Ngài trước khi nhập thể và nhập thế. Nói cách khác, đây là một loại kitô học đi từ dưới đi lên, mà chưa có những suy tư chuyên biệt liên quan tới sự hiện hữu từ đời đời của Con Thiên Chúa. Nó không phải là kitô học của hai bản thể mà là kitô học của hai tình trạng, mà cái tôi của Đức Giêsu đã sống trong hai tiết nhịp lịch sử và cánh chung.
Sự kiện thánh Phaolô dùng lại các công thưc của cộng đoàn kitô tiên khởi chứng minh cho thấy thánh nhân hội nhập vào Kitô giáo thời khai sinh mà chính ngài cũng tùy thuộc. Tuy nhiên, Phaolô không chỉ lập lại một cách máy móc các công thức của truyền thống, mà xử dụng chúng với tất cả sự tự do, bằng cách biến chúng trở thành súc tích hơn với các yếu tố riêng do thánh nhân thêm vào. Ở đây phần dẫn nhập và kết luận lồng khung công thức tuyên xưng lòng tin của cộng đoàn kitô tiên khởi: ”Tin Mừng liên quan tới Con của Người là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta”. Hai tước hiệu này đặc biệt thông dụng trong các thư của thánh Phaolô được dùng ở đây để bổ túc cho công thức kitô học của cộng đoàn tiên khởi. Do định nghĩa, Đức Giêsu là Con Thiên Chúa và đã luôn luôn là Con Thiên Chúa. Nghĩa là Thánh Phaolô coi sự hiện hữu từ đời đời của Đức Giêsu Kitô như là điều hiển nhiên, không cần phải nhắc lại. Tước hiệu này xem ra đề cao biến cố Thiên Chúa gửi Con của Người xuống trần gian, như thánh Phaolô viết trong thư gửi các giáo đoàn vùng Galata, chương 4,4-5: ”Nhưng khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh ra từ một phụ nữ và sống dưới Lề Luật, để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử” (x. Rm 8,3). Tước hiệu ”Chúa” nêu bật vương quyền của Đức Kitô phục sinh, Đấng Giáo hội tùy thuộc và vâng phục (x. 1 Cr 14,24-28). Chính vì thế nên nội dung Tin Mừng thánh Phaolô rao giảng ở đây tóm gọn tất cả lịch sử tương giao của Thiên Chúa với nhân loại. Thật thế, Chúa Giêsu là hiện thân lịch sử đó trong qúa khứ từ đời đời, trong hiện tại của cuộc sống mới phát xuất từ sự sống lại của Ngài và trong cuộc sống tương lai tràn đầy qua chức làm Chúa của Đấng vĩnh viễn giải phóng con người khỏi mọi chết chóc.
Câu 5 lập lại đề tài sứ mệnh tông đồ của thánh Phaolô. Thánh nhân nhận sứ mệnh đó từ Chúa Kitô. Qua Chúa Kitô phục sinh Thiên Chúa ban đặc sủng tông đồ đó cho thánh nhân (x. Gl 1,10.15). Tuy nhiên, ở đây thánh Phaolô xác định mục đích của sứ mệnh đó và nhất là môi trường truyền giáo của ngài. Mục đích công tác rao truyền Tin Mừng là dẫn đưa người nghe tới ”sự vâng phục của lòng tin”. Kiểu nói này định nghĩa chiều kích tự do và ý thức cá nhân trong việc chấp nhận Tin Mừng và đáp trả lại lời kêu mời của Thiên Chúa. Sự chấp nhận không chỉ có tính cách lý trí mà liên quan tới ý chí và trái tim của con người. Thật ra trong phần mở đầu này xem ra thánh Phaolô muốn biện minh cho sự kiện ngài viết cho một giáo đoàn không do ngài thành lập. Vì vậy Phaolô khẳng định rằng ngài là vị tông đồ được gửi tới cho tất cả mọi dân tộc ngoại giáo. Đây là điều đã được nói tới trong thư gửi giáo đoàn Galata (1,16). Nhưng ở đây thánh nhân nhấn mạnh trên tính chất không biên giới của cánh đồng truyền giáo được giao phó cho ngài: nghĩa là tất cả mọi người không phải là gốc do thái, tức bao gồm cả tín hữu Roma nữa. Giữa câu 6 thánh Phaolô định tính các tín hữu Roma. Họ là những người đã được Thiên Chúa kêu mời sống hiệp thông sâu xa với Đức Kitô (x. 1 Cr1,9) và hoàn toàn tùy thuộc Đức Kitô (x. 1 Cr 3,23). Định tính thứ nhất độc đáo, vì thánh Phaolô gọi tín hữu Roma là những người được Thiên Chúa yêu thương. Lý do tình yêu thương đó sẽ được nêu bật trong các chương 5,8; 8,31tt. Định tính thứ hai lập lại những gì thánh nhân đã nói với tín hữu Côrintô (1 Cr 1,2). Thánh nhân gọi họ là ”các thánh”. Kiểu gọi này không mang ý nghĩa luân lý, nhưng có ý nghĩa lịch sử cứu độ. Các Kitô hữu là những người đã được Thiên Chúa kêu mời trở nên thành phần của dân tộc được chọn của thời vĩnh viễn sau hết.
Cũng nên ghi nhận là trong phần mở đầu này không có từ ”ekklesia” ”giáo hội” được thánh Phaolô dùng trong các thư Têxalônica, Côrintô, Galát và Philemôn. Từ đó người ta suy luận rằng tại Roma đã không có giáo hội, mà chỉ có vài nhóm tín hữu. Nhưng đây chỉ là sự suy diễn tự do. Vì trong phần dẫn nhập thư gửi giáo đoán Philiphe cũng không có từ ”ekklesia”, nhưng không ai dám chối bỏ sự hiện diện của giáo hội tại đây. Sau cùng lới chúc lành của thánh nhân giống hệt các lời chúc lành đã tìm thấy trong các thư khác (Cf. 12- Ts; 1-2 Cr; Gl; Pl; Plm).
Linh-Tiến-Khải
Views: 0