DIE GESCHICHTE DER KIRCHE IN 100 REPORTAGEN
Tác giả : Josef Holzer
Người dịch : Đinh Phan Cư
Phạm Hồng-Lam
TRÌNH THUẬT 8
AM-BRO-SI-Ô GIẢI THOÁT GIÁO-HỘI KHỎI "VÒNG TAY" CỦA HOÀNG-ĐẾ
An-tịnh vào đạo, rõ-ràng là nhờ lời cầu-nguyện liên-lỉ của người mẹ. Nhưng, bên cạnh đó, ảnh-hưởng của giám-mục Am-brô-si-ô cũng là một yếu-tố quyết-định.
GIÁM-MỤC "NGOÀI Ý MUỐN"
Am-brô-si-ô sinh năm 339 ở thành-phố Trier (Đức), con của vị công-chức hành-chánh cao cấp nhất của Đế-quốc Rô-ma tại Gallien. Mẹ ông là một tín hữu ki-tô. Sau khi chồng mất, bà đưa con về sống tại Rô-ma. Năm 32 tuổi, Am-brô-si-ô làm Toàn-quyền miền bắc Ý, trấn tại Milano. Là người trách-nhiệm phần an-ninh công-cộng, ông tới nhà thờ chính-toà để can-thiệp vụ tranh-chấp giữa tín hữu ki-tô và người theo phe Arius trong việc bầu giám-mục mới, thay giám-mục theo phái Arius là Auxentius vừa mới mất. Bên nào cũng muốn chọn người của mình lên. Am-brô-si-ô lúc đó còn là một dự-tòng nên không có quyền bầu. Nhưng bỗng-nhiên có tiếng hô giữa đám hội-nghị: "Phải bầu Am-brô-si-ô làm giám-mục! Ông ngỡ-ngàng phản-đối việc "đột-kích“ đó, nhưng rồi cả hội-nghị tán-thành lời đề-nghị. Am-brô-si-ô nhận phép rửa, sau một tuần, lên làm giám-mục.
TỔNG-GIÁM-MỤC MILANO
Vùng giáo-phận của Am-brô-si-ô bao gồm thành Milano và các phụ-cận, tương-đương với lãnh-thổ mà ông làm toàn-quyền trước đó. Giám-mục của một thủ-phủ (Metropole) gọi là "Tổng giám-mục“ (Metropolit), có quyền trên các giám-mục trong hạt. Qui-chế tổng giám-mục này ngày nay vẫn còn trong Giáo-hội công giáo.
Bên Đế-quốc Rô-ma Phía Đông có qui-chế Thượng-phụ (Patriarchate). Đó là những giám-mục đứng đầu bốn địa-phận (vùng lãnh-thổ do hoàng-đế Diokletian chia): Antiochia (Sy-ri), Alexandria (Ai-cập), Giê-ru-sa-lem và Kon-stan-ti-nôp. Trong bốn nơi này, Kon-stan-ti-nôp có vai-trò trổi vượt vì đó cũng là kinh-đô. Trong Giáo-hội la-tinh (công giáo) không có lối tổ-chức thượng-phụ. Ở Đế-quốc Phía Tây, giáo-chủ là thượng-phụ tối cao. Riêng Venezia (Ý) ngày nay là một biệt-lệ, giám-mục ở đây vẫn được gọi là thượng-phụ, vì từ 1451 thành-phố được nâng lên hàng thủ-phủ (Patriarchat).
ĐẠO BINH NGƯỜI NGHÈO
Lúc đầu, Am-brô-si-ô không hẳn là một tín hữu hăng-say, dù ông xuất-thân từ một gia-đình ki-tô giáo, có một bà cô tử-đạo thời Diokletian và một em gái đi tu. Thời trai trẻ, ông xem danh-vọng đời quan-trọng hơn. Nhưng mọi chuyện đã thay-đổi sau khi được bầu làm giám-mục. Ông phân-phát của-cải cho người nghèo và từ đây sống cuộc đời rất nhiệm-nhặt. An-tịnh kể, Am-brô-si-ô thường bị cả một đạo binh người nghèo quấn lấy, khiến "người khác khó có thể tới được gần ông.“ Ông cho đấu giá các bình quí trong nhà thờ để lấy tiền mua tự-do cho nô-lệ. Tranh-đấu hết mình cho phẩm-giá phụ-nữ và mạnh miệng chống lại "chủ-nghĩa tư-bản“ đương thời.
VỊ-TRÍ TRONG GIÁO-HỘI
Am-brô-si-ô đặc-biệt là một người tranh-đấu cho Giáo-hội được thoát khỏi sự ràng-buộc của thế-quyền. Ông quan-niệm rằng, cả hoàng-đế cũng là một người tội-lỗi và đứng trong, chứ không phải đứng trên Giáo-hội. Theo cái nhìn của chúng ta ngày nay, thì quả ông đã đi quá xa khi yêu-cầu hoàng-đế Gratian dùng bạo-lực để tiêu-diệt người ngoại-giáo, bởi vì họ đã cấu-kết sinh-hoạt với tín-đồ Arius. Đại-đế Konstantin trước đây muốn dùng Giáo-hội cho mục-tiêu chính-trị thế nào, thì nay Am-brô-si-ô lại muốn lái chính-trị nhà-nước vào mục-tiêu Giáo-hội như thế, ông muốn thế-quyền qui-phục thần-quyền. Sự giằng-co đạo đời này kéo dài suốt thời trung-cổ. Trong một số trường-hợp, làn ranh đạo đời ngày nay cũng khó phân-biệt, vì hai bên đều có quyền-lợi giống nhau. Xưa, việc phân-biệt dĩ nhiên khó hơn. Vì thế, không lạ gì có những lúc thẩm-quyền bị lẫn-lộn.
Dù sao, quan-điểm của Am-brô-si-ô là trước hết phải giải-phóng Giáo-hội ra khỏi vòng tay "ôm-ấp“ của hoàng-đế, để từ đó có thể song hành ngang hàng với nhà-nước.
Phiá bên Đông, khác hẳn. Giáo-hội ở đó càng ngày càng rơi vào vòng quyền-lực của hoàng-đế. Các thượng-phụ Kon-stan-ti-nôp nhiều vị lại dễ nghe lời hoàng-đế, nên hoàng-đế càng lấn vào chuyện nội-bộ Giáo-hội. Một điểm nữa khiến hoàng-đế bên Đông dễ nhúng tay, là vì cứ mỗi lần có chuyện lục-đục, chẳng hạn như tranh-cãi với lạc-giáo, là dân cứ yêu-cầu hoàng-đế phân-giải. Nhờ Am-brô-si-ô, Giáo-hội la-tinh đã không trở thành một loại "Giáo-hội cung-đình“.
HOÀNG-ĐẾ PHỤC-TÙNG GIÁM-MỤC
Am-brô-si-ô tranh-đấu tự-do cho Giáo-hội không chỉ bằng lời nói suông. Có lần, ông dựng rào cố-thủ trong một nhà thờ để không cho vị linh-mục phe Arius vào chiếm nhà thờ. Nhân dịp đó, ông công-bố lần đầu tiên về quyền giám-mục có thể "xử“ hoàng-đế. Một lần khác, ông đã không ngần-ngại tuyệt-thông bạn mình là đại-đế Theodosius, khi ông này năm 390 đã cho giết 7000 người một lúc tại Saloniki (Hi-lạp) để trả thù cho một tướng-lãnh bị giết của mình. Vì thế đã có "chuyến đi Canossa“ (Xem ý-nghĩa ở chương 29) đầu tiên trong lịch-sử: Đêm Giáng-sinh năm 390, hoàng-đế Theodosius (379-395) ăn-mặc đồ chay tới trước Am-brô-si-ô công-khai xin được xoá vạ. Hình như lần đó Theodosius I đã nói: "Tôi chẳng biết ai xứng đáng hơn (anh) để được gọi là ‘giám-mục’.“
CẦN CÓ CUỘC "GIẢI-PHÓNG“ THỨ HAI
Hãy nhìn lại lịch-sử: Hoàng-đế Konstantin giải-phóng và trả tự-do cho Giáo-hội. Giờ thì lại cần một cuộc "giải-phóng“ thứ hai, vì Giáo-hội đang có cơ biến thành một cánh tay nối dài của nhà-nước và hoàng-đế.
Hoàng-đế Konstantin mất năm 337, để lại sản-nghiệp cho ba con trai. Một trong ba là Konstantius II , năm 352, lại thu tóm cả Đế-quốc về một mối trong tay mình. Tương-quan của ông đối với Giáo-hội thể hiện qua câu nói: "Điều Ta muốn, tức là luật Giáo-hội.“ Nói là một chuyện, hành-động của ông còn táo-bạo hơn. Có lần, ông trao chức giám-mục cho một sĩ-quan cảnh-vệ và một hạ sĩ-quan, chẳng cần để ý gì đến khả-năng họ. Cả con cháu những nhà giàu đều có thể kiếm được chức tước đạo. Đó là cách Hoàng-đế "ki-tô giáo“ này "hỗ-trợ“ Giáo-hội ! Thực ra, điều này chỉ có hại chứ không có lợi.
Những giám-mục "thật“ phản-đối lại. Chẳng hạn, giám-mục Hosius ở Cordoba đã viết cho Konstantius II: "Hãy ngừng ngay bạo-lực đối với tôi… Đừng quên rằng ngài cũng là một con người có thể chết… Các ngài được Chúa trao tay quyền hoàng-đế, còn chúng tôi Người giao chuyện Giáo-hội…“
Người kế vị Konstantius II là Julian Apostata (biệt danh "Kẻ phản-bội“) một lần nữa cố làm sống lại tinh-thần ngoại-giáo qua một cuộc "phản cải-cách“, nhưng không thành. Bởi, thực ra, chẳng còn một tín-ngưỡng ngoại-giáo "ròng“ nào nữa. Đền thờ đã đổ nát hết rồi, tăng-lữ chẳng còn ai.
Năm 364 Valentinia I trở thành Hoàng-đế trị-vì Đế-quốc Phía Tây. Ông dời đô về Milano. Ông này, như Konstantius II, cũng cố nhúng tay vào chuyện Giáo-hội, khiến Am-brô-si-ô đã phải cảnh-cáo: "Ngài đừng kiêu-căng nghĩ rằng quyền hoàng-đế của ngài vươn cả lên trên việc thánh của Giáo-hội. Hoàng-cung thuộc hoàng-đế, Giáo-hội thuộc các linh-mục.“ Uy-quyền các giáo-chủ thời đó còn hạn-chế – Rô-ma chỉ là một thành-phố vùng mà thôi – vì thế, đối với các sử-gia, Am-brô-si-ô được coi như là một giáo-chủ "thật“ của thời đó. Chỉ sau khi Am-brô-si-ô mất, quyền lãnh-đạo Giáo-hội la-tinh mới chuyển vào tay giám-mục Rô-ma. Am-brô-si-ô, với can-đảm và nghị-lực, đã dọn đường và chỉ cho các giáo-chủ về sau cách ứng-xử ngang hàng với các hoàng-đế. Không như bên Đông, nhà-nước với Giáo-hội quyện lẫn vào nhau, Giáo-hội la-tinh bên Tây đã sớm biết đi con đường song-hành. Am-brô-si-ô góp phần cho sự tách-biệt đó.
MỘT HOÀNG-ĐẾ, MỘT VƯƠNG-QUỐC, MỘT NIỀM TIN
Đại-đế Theodosius mở đầu triều-đại với tư-cách hoàng-đế của Đế-quốc Phía Đông , năm 379. Ông mất năm 395 ở Milano, một năm sau ngày thu-hồi cả Đế-quốc vào trong tay. Năm 381, ông triệu-tập công-đồng chung thứ hai tại Kon-stan-ti-nôp và tuyên-bố lấy tín-điều đã được công-đồng Ni-xê-a chấp-nhận trước đó làm tín-ngưỡng duy nhất và nâng lên làm quốc-giáo của toàn cõi Đế-quốc. Tất cả mọi thờ-phượng khác lần lượt bị cấm. Từ nay trở đi, nhà-nước Rô-ma và Ki-tô giáo là một. Giáo-hội la-tinh bên Tây giờ lại tỏ ra sợ ảnh-hưởng của bên Đông (chủ-nghĩa Byzanz). Vì vậy thánh Am-brô-si-ô đã tìm cách kìm-hãm đà phát-triển của Giáo-hội đế-quốc do Theodosius lập này. Cũng may cho Giáo-hội bên Tây, là vì Theodosius là vị hoàng-đế Rô-ma cuối cùng trị-vì cả Đông lẫn Tây.Sau khi Ki-tô giáo trở thành quốc-giáo, các tín-ngưỡng ngoại hết tương-lai. Thời-đại của Giáo-hội mở đầu. Nhưng đây cũng là thời-đại của phong-trào rửa tội, vì ai không theo đạo, bị qui chụp phản quốc. Giờ đây, người ta không hỏi giấy chứng-nhận tế thần nữa, như trong thời bách-hại, nhưng phải chìa chứng-nhận rửa tội ra, nếu muốn tiến thân.
THUẬT TRÌNH 9
MỌI NGƯỜI CHỜ TẬN THẾ
NGÔI MỘ Ở BUSENTO
"Đêm khuya văng-vẳng lời ca, Giữa giòng nước bạc bên thành (Co)zensa. Lòng sông rộn-rã tiếng ca, Xoáy vào con nước chan-hoà vang-vang…“ Mấy câu thơ của August ở Platen tả cảnh chôn Alarich, vua người Tây-Goten, trong giòng sông Busento gần thành Cozensa. Các sử-gia cho rằng đám táng lãng-mạn kia không thể chỉ là một sự tưởng-tượng.
Năm 410, khi mang quân tới đánh Ý, Alarich, lúc đó khoảng 40 tuổi, bị đau "…và bất ngờ mất khi tóc hung còn chấm vai“. Để có thể chôn vua cùng những vật quí ngay dưới lòng sông, quân Tây-Goten đã tạm thời chuyển giòng nước. Họ chôn vua với nguyên áo bào và gươm trên tay. Sau đó, cho nước chảy trở lại và giết luôn những nô-lệ đào mộ, để không ai về sau nhận ra chỗ mai-táng. Để "không một tên Rô-ma hám của nào đụng tới mộ ngài“, như lời cắt nghĩa của thi-sĩ August.
QUAN GERMAN (ĐỨC) TỚI TRƯỚC CỬA RO-MA
Những chuyển dịch sinh-cư lớn của các bộ-lạc tây và đông German, mà chúng ta gọi là cuộc đại di-cư của các dân-tộc, là hậu-quả của cuộc tấn công của dân Hung-nô vào năm 375. Dân này đến từ các thảo-nguyên Á châu và thoạt tiên đánh thắng dân Đông-Goten. Dân Tây-Goten dời cư để tránh hiểm-hoạ, được phép của Hoàng-đế Rô-ma về định-cư ở miền hạ lưu sông Donau (Danuble). Chẳng lâu sau, họ chống lại sự cai-trị của Đế-quốc Rô-ma, đánh tan đạo quân Rô-ma ở trận gần Adrianopel (378) và tiến vào Hi-lạp. Rồi kéo tới Ý qua ngã Illyrien thuộc Đế-quốc Phía-Đông. Năm 408, họ xuất-hiện lần đầu tiên trước cửa Rô-ma và vây thành. Alarich đi vòng qua Ravenna, thủ-đô khá kiên-cố thời đó, để tới vây chặt 12 cửa thành Rô-ma, cắt đứt mọi nguồn tiếp-tế từ ngoài. Dân số Rô-ma lúc đó độ một triệu; chẳng bao lâu xác người chết đói nằm rải-rác khắp đường phố. Dân ngoại-giáo Rô-ma cố dùng bùa-phép để lái sấm sét từ trời đánh xuống các doanh-trại quân German, nhưng không thành-công.
Alarich cho bắn tin vào thành là ông chỉ thôi vây hãm sau khi nhận đủ số vàng, bạc và tất cả các nô-lệ người German. Alarich nhận được 2.500 kí vàng, 15.000 kí bạc, 4.000 tấm lụa, 3.000 tấm da đã nhuộm và 1.500 kí hạt tiêu.
MỘT PHỤ – NỮ MỞ CỬA THÀNH
Hoàng-đế Honorius, con trai của Theodosius, ngự ở Ravenna, chẳng màng gì đến số-phận dân Rô-ma, dù nhiều sứ-giả dân thành đã đến cầu cứu ông. Giáo-chủ In-nô-xen-xô I một lần cũng đã đến Ravenna gặp ông để can-thiệp cho yêu-cầu xin đất định-cư của Alarich. Vì Honorius không chấp-thuận, nên Alarich lại kéo quân đến Rô-ma và được một phụ-nữ quí-phái mở cửa thành cho lúc nửa đêm ngày 24.08.410. Từ 800 năm nay, dân thành Rô-ma nổi tiếng chưa bao giờ thấy kẻ thù, nay thành này lại là mồi ngon cho dân German. Tuy nhiên, nhờ môi-giới của Giáo-chủ In-nô-xen-xô I, thành đã không bị huỷ và cuộc cướp phá cũng chỉ xẩy ra rất hạn-chế. Những người trốn trong các nhà thờ đều được an thân. Khi quân lính mang tới cho Alarich một số bình quí cướp từ đền thờ thánh Phê-rô, Alarich đã sai trả lại. Sau ba ngày, quân Alarich rời thành mang theo vô số vật quí.
Trong số những người bị bắt theo có Galla Placidia, con gái của hoàng-đế Theodosius và là một người chị em cùng cha khác mẹ với Honorius. Giám-mục của Ravenna gọi cô là "Mẹ của Vương-quốc ". Giáo-chủ Lê-ô cho hay, những tay lạc-giáo nào được ngài báo cho Galla Placidia đều bị hành-hình hoặc ít nhất bị truất mọi chức tước đời. Sau khi Alarich mất, cô trở thành vợ của Athaulf, người kế vị Alarich. Ông này dẫn dân Tây-Goten xuyên Ý về miền nam Pháp và, vào khoảng năm 550, lập lên một Vương-quốc người Arian kéo rộng gần hết vùng đất Tây-ban-nha ngày nay. Khoảng năm 600, dân Tây-Goten vào Ki-tô giáo. Vương-quốc của họ chỉ kéo dài tới năm 711, sau đó bị quân hồi giáo phá tan.
CUỐN SÁCH THÁNH TIẾNG ĐỨC ĐẦU TIÊN
Dân German vào đạo bắt đầu từ khi có những những cuộc di dân lớn. Khoảng năm 180 sau công-nguyên đã có giám-mục ở Germanien, nhất là ở Rheinland. Khoảng năm 300 đã có những cộng-đoàn German. Tại công-đồng Ni-xê-a (325), có sự hiện-diện của một giám-mục người Goten. Năm 341 Wulfila được phong "Giám-mục của xứ Goten". Khoảng năm 400 tất cả dân Tây-Goten vào Ki-tô giáo, dù rằng thuộc phái Arius, bởi vì lạc-phái Arius lúc đó trong một thời-gian ngắn (337-361) được Kon-stan-ti-nôp nâng lên hàng quốc-giáo. Vì Wulfila lúc đó là giám-mục của Goten, nên không lạ gì hầu hết dân German đã theo phái Arius.
Giám-mục Wulfila lập ra chữ gô-tic (Goten) và lần đầu tiên dịch Sách Thánh ra tiếng đức. Dịch-phẩm này được lưu giữ trong Codex Argenteus (ngày nay ở Thuỵ-điển).
GIÁO-CHỦ LÊ-Ô I CỨU RÔ-MA KHỎI TAY HUNG-NÔ
Như In-nô-zen-xô I trước đây, đại giáo-chủ Lê-ô lần này, cũng vì tình-thế đưa đẩy, đã phải nhúng tay vào chuyện chính-trị. Ngài tay không tới gặp tướng hung-nô Attila để điều-đình, và đã thuyết-phục được tướng này rời khỏi Ý. Cuộc gặp-gỡ diễn ra ở Mantua. Nếu như Attila vào được Rô-ma, thì lần này Rô-ma chắc-chắn đã bị phá bình địa. Quân Hung-nô đã tạo ra những cuộc di-dân không tiền khoáng hậu. Sau khi họ bị chận bởi Vạn lí trường thành ở Phía Đông , họ buộc phải tiến về tây, nơi sinh-cư của các bộ-lạc German.
"Thú hai chân"
Hung-nô ("da sậm", "da đen") là dân du-mục Mông-cổ từ vùng thảo-nguyên Kirgisen. Một người Rô-ma đương thời tả họ là thứ "thú hai chân". Họ người thấp, "cổ đầy thịt tới vai, đầu tròn lớn, trán ngắn, mặt rộng và dẹt, râu thưa. Mắt ti-hí mà sáng, tai đứng, miệng rộng" (Mikoletzky). Họ ăn, uống, ngủ, đánh giặc trên mình ngựa, loại ngựa thon nhỏ mà nhanh. Gia-đình đi theo trên những xe trâu, theo sau là đàn súc-vật.
Attila là lãnh-tụ nổi danh nhất của họ, lên ngai từ năm 444. Ông tên thật là gì, chẳng ai biết. "Attila" tiếng Goten có nghĩa là "người bố nhỏ". Ông được dân kính như thần thánh. Dinh tạm của ông trên phần đất Âu châu là đất Hung-gia-lợi ngày nay (có lẽ gần Tokaj), gồm những chòi gỗ. Xuất-phát từ thảo-nguyên giữa hai sông Donau và Theiß, Attila lần-lượt thắng các dân-tộc lân-cận và tiến quân về phía tây. Năm 437 ông đánh tan Vương-quốc Bourgogne (Burgund) của vua Gundahar, vị vua đầu tiên của dân này ở vùng Mittelrhein có tên trong lịch-sử (trong bài hát "Gunther"). Ít lâu sau, Attila tiến vào Gallien, nhưng ông bị quân Rô-ma và Tây-Goten đánh tan trên cánh đồng Katalaun năm 541. Attila lui về Hung-gia-lợi, một năm sau kéo xuống Ý và phá nát đồng bằng sông Pô. Chính nơi đây giáo-chủ Lê-ô tới gặp ông và khuyến-dụ ông quay trở lại. Sau khi ông mất, năm 453, chữ Hung-nô biến mất khỏi lịch-sử. Họ vào đất Âu như một trận bão. Vương-quốc bạo-lực và dã-man của họ chẳng còn dấu vết nào để lại.
GIÁO-TRIỀU THỨC GIẤC
43 năm sau ngày thánh Am-brô-si-ô mất (397), Lê-ô I được bầu từ phó-tế lên giáo-chủ. Người tin lành thỉnh-thoảng gọi ngài là giáo-chủ « đệ nhất ». Đúng, là vì ngài cũng như In-nô-xen-xô I là người đã nâng cao uy-quyền của giáo-chủ lên trong Giáo-hội. Chính In-nô-xen-xô I đã dạy lấy trật-tự của Giáo-hội Rô-ma làm thước đo mọi sự, lấy Rô-ma làm gương kỉ-luật cho Giáo-hội và mọi tranh-chấp phải do Rô-ma giải-quyết. In-nô-xen-xô là người đầu tiên lấy quyền quyết-định về giáo-huấn tối-cao vào tay giáo-chủ và cũng là kẻ dấn thân vào chính-trị với tư-cách một giáo-chủ, khi ngài tới Ravenna gặp hoàng-đế Honorius để yểm-trợ cho những yêu-cầu của Alarich.
Giáo-chủ Lê-ô I đã cứu Rô-ma và dân Rô-ma khỏi đại hoạ một lần nữa, khi vua Vendalen là Geiserich kéo quân tới, vào năm 455. Thành-phố bị cướp phá suốt hai tuần, nhờ can-thiệp của Giáo-chủ nên dân đã không bị hành-hạ và tàn-sát, thành cũng tránh khỏi bị thiêu rụi.
Các giáo-chủ thời đó trở nên uy-quyền, không phải bằng vũ-khí, nhưng nhờ đứng về phía dân chúng trong cơn hoạn-nạn, bảo-vệ họ trong lúc các nhà chính-trị không làm tròn nhiệm-vụ. Khi người dân hết hi-vọng, bó tay chờ tận-thế đến, thì chỉ có các giáo-chủ mang lại cho họ can-đảm và niềm tin. Uy-quyền lên cao của các giáo-chủ thời trung-cổ, như vậy, bắt nguồn từ lòng biết ơn của người dân bị bỏ mặc trong hoạn-nạn, cô-đơn và vô vọng.
Tài-liệu sau đây của một tác-giả nào đó mang tên Orientius phản-ánh cái vô-vọng giữa thế-kỉ thứ năm :
« Hết thảy (mọi người) mệt-nhọc chờ-đợi ngày tận-thế kinh-hoàng, và những ngày cuối thật sự đang đến. Hãy xem, cái chết đã trùm lên thế-giới nhanh cỡ nào và cơn địa-chấn chiến-tranh đã quật ngã ngay cả những dân-tộc hùng-cường ! Toàn cõi Gallien khói toả như từ một dàn hoả duy nhất. »
(còn tiếp nhiều kỳ)
Views: 0