Thiên Chúa muốn con người được hạnh phúc. Thật vậy, sách Sáng thế ký ghi lại rằng : “Lúc khởi đầu Thiên Chúa sáng tạo trời đất… Đất phải sinh thảo mộc xinh tươi… cây trên mặt đất có trái…
Nước sinh ra đầy dẫy những sinh vật. Chim phải bay lượn trên mặt đất. Các thủy quái khổng lồ cùng mọi sinh vật vẫy vùng lúc nhúc dưới nước tùy theo loại. Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp”. Tiếp đến : “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình.Thiên Chúa ban phúc lành cho họ và Thiên Chúa phán với họ : Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy dẫy mặt đất, và thống trị mặt đất” (Stk 1:1…28).
Còn gì hạnh phúc hơn khi được nhận lãnh phúc lành của Thiên Chúa. Còn gì tốt đẹp hơn khi được thống trị khắp địa cầu. Thế mà con người chỉ vì kiêu ngạo muốn được “vươn lên một tầm cao mới”. Muốn được sao cho bằng Thiên Chúa… Chính vì thế, con người đã đánh mất đi “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy. Ngàn năm hồ dễ mấy ai quên” (Thơ Thế Lữ)..
Con người – kể từ đó – đã có cái nhìn lệch lạc về Thiên Chúa. Thay vì nhìn Thiên Chúa như một người Cha nhân lành. Con người sợ hãi Thiên Chúa và trốn chạy.
Từ phía đông vườn Eden ; con người bắt đầu kiếp sống lang thang rên rỉ… Và điều tệ hại đã xảy đến. Đang ở vị thế làm chủ núi sông, chim trời cá biển; con người trở thành nô lệ cho “thần sông… thần biển… thần mặt trời, thần sấm, thần sét…v.v..”.
Dẫu vậy, Thiên Chúa vẫn luôn muốn con người được hạnh phúc. Từ các dân các nước; dân tộc Israel đã được tuyển chọn. Từ dân tộc này; Thiên Chúa đã tự mạc khải là “Chúa-thật-và-duy-nhất” với lệnh truyền rằng : “ngươi không được có thần nào khác” (Dnl 5,7).
Để con người có thể chiêm ngưỡng dung nhan Thiên Chúa thật và duy nhất. Con Thiên Chúa đã : “trở nên người phàm và cư ngụ” giữa con người. Người con đó chính là Đức Giêsu Kitô. Bằng việc “trở nên người phàm”; Đức Giêsu mạc khải đầy đủ dung mạo Chúa Cha : “Ta và Cha là một” và “Ai thấy Ta là thấy Chúa Cha” (Ga 14,9). Một Chúa Cha không chỉ sở hữu sự sống, mà còn chia sẻ sự sống cho muôn người bằng chính “Con của Người … để ai tin thì khỏi phải chết nhưng được sống đời đời” (Ga 3,16). Sự hiện diện của Đức Giêsu nơi trần thế chấm dứt qua biến cố về trời.
Thế nhưng, Thiên Chúa vẫn không quá xa vời với nhân loại. Thần Khí Chúa vẫn “là là” bay lượn trên cuộc sống con người. “Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho (mọi người) biết những điều sẽ xảy đến”. (Ga 16, …13).
Một chút tâm tình…
Trong ba năm rao giảng Tin Mừng. Đức Giêsu; qua những lời giảng dạy; Ngài đã để lại nơi tâm hồn mỗi người những cảm nhận về một Chúa Cha nhân hậu và bao dung luôn “chạnh lòng thương xót” trước những hối nhân trở về. Một Chúa Con : “là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa” (Dt 1, 3). Người sẵn sàng “hy sinh mạng sống mình vì người mình yêu”. Và một Chúa Thánh Thần “Thần Khí sự thật… Người sẽ dẫn (mọi người) tới sự thật toàn vẹn”. (Ga 16,13).
Có thể nói những lời giảng dạy này như là lời mạc khải về một “Thiên Chúa Ba Ngôi”. Một mạc khải đã được chính Thánh Tử Giêsu công bố : “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19)…
Một phút suy tư…
Đức Giêsu đã nói rằng : “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ anh em không có sức chịu nổi” (Ga 16,12).
Vâng, mầu nhiệm “Một Chúa Ba Ngôi” quả là một-mầu-nhiệm-vượt-quá-sức-hiểu-biết-của-con-người.
Nhưng ! có phải thế mà đời sống đức tin của chúng ta không thể cảm nhận về Ba Ngôi Thiên Chúa ?
Nhìn bầu trời xanh bao la, nhìn cây cối đâm hoa kết trái, trăng tròn rồi lại khuyết, tạo vật xoay vần, hết ngày dài lại đến đêm thâu… năm này sang năm khác… Những điều đó không làm cho chúng ta cảm nhận được một Thiên Chúa quyền năng và sáng tạo ư !!!
“Ơn cứu chuộc nơi Người chan chứa” (Tv 129, …7) dành cho những ai tin vào Con Thiên Chúa để : “nhờ Con của Người , mà được cứu độ” không gợi lên trong chúng ta sự cảm nhận về một “Thiên Chúa là tình yêu” sao !!!
Là con cái Chúa làm sao chúng ta không cảm nhận được “Thần Khí Chúa vẫn là là trên chúng ta khi cuộc sống vẫn còn nhiều hỗn độn. Thần khí sẽ giúp sức cho những ai vươn lên đón nhận Ngài” !!! (trích lời của Lm. Stephano Lê-thành-Tựu).
Cảm nhận về “Thiên Chúa Ba Ngôi” chúng ta không chỉ cảm nhận được sự sống và tình yêu của Ngài mà còn thông phần vào sự sống và tình yêu của chính Ngài nữa.
Sẽ thật là trọn vẹn nếu chúng ta biết chia sẻ “sự sống và tình yêu của Chúa” đến với tha nhân. Bởi có như thế; trong ngày quang lâm; trước sự hiện diện của Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng ta mới hy vọng được nghe lời Chúa Cha phán : “Đây là con yêu dấu của Ta. Ta hài lòng về (các con)” (Mt 3, 17).
Petrus.tran
Views: 0