Uncategorized

Nhận định về Giáo Hội Việt Nam trước thách đố mới

Với sự bùng nổ thông tin và phương tiện truyền thông, Giáo Hội Việt Nam đang đối diện với một hoàn cảnh mới, trong đó có nhiều thách đố mà có thể nói là chưa từng xảy ra trong quá khứ.

 

Với sự bùng nổ thông tin và phương tiện truyền thông, Giáo Hội Việt Nam đang đối diện với một hoàn cảnh mới, trong đó có nhiều thách đố mà có thể nói là chưa từng xảy ra trong quá khứ.

 

Giáo Hội Việt Nam không thể chọn tư thế tự vệ, hay co cụm mình lại, nhưng phải khôn ngoan, tỉnh táo để đọc ra “những dấu chỉ thời đại” (x. Gaudium et Spes, s. 4), biết phân tích và tìm ra những phương thế mới, những hướng đi mới giúp Giáo Hội thực thi sứ mạng của mình cách hiệu quả hơn.

Vậy đâu là thách đố mà Giáo Hội Việt Nam đang phải đối diện trong thời gian gần đây? Bài viết này xin đề cập tới một số khuynh hướng nổi bật như “dấu chỉ thời đại” mà Giáo Hội Việt Nam đang phải đối diện.

Khuynh hướng “chính trị hóa” Giáo Hội

Chỉ cần vào các trang web điện tử Việt Nam , chúng ta dễ dàng nhận thấy nổi bật khuynh hướng chính trị hóa Giáo Hội và các vấn đề Giáo Hội qua các bài viết. Khuynh hướng này khởi đi từ chính kiến của mỗi người về Giáo Hội. Giáo Hội chỉ được nhìn bởi lăng kính chính trị. Nên Giáo Hội được coi như là một tổ chức chính trị như bao nhiêu tổ chức chính trị khác và có vai trò chính trị.

Khách quan mà nói: Giáo Hội là một tổ chức hữu hình, hiện diện trong một thế giới, một xã hội cụ thể. Giáo Hội không thể ở bên ngoài thế giới, tách rời khỏi xã hội. Giáo Hội không thể có thái độ khoanh tay vô cảm, bàng quan trước những vấn đề chính trị, xã hội và con người, nhất là những vấn đề về công lý, nhân quyền và tự do tôn giáo vv. Giáo Hội có sứ mạng đấu tranh, cổ võ cho những giá trị này theo tinh thần của Phúc Âm. Khi làm như thế Giáo Hội đang thi hành sứ mạng ngôn sứ mình.

 

Nhưng nếu chúng ta chỉ nhìn Giáo Hội theo khía cạnh chính trị, thì đó là cái nhìn rất giảm thiểu và một chiều về Giáo Hội. Chúng ta sẽ dễ rơi vào nguy cơ là muốn lôi kéo Giáo Hội về với “chính kiến” của mình, về “phe ta”; chúng ta muốn Giáo Hội phải phục vụ mục đích chính trị của “phe nhóm mình”; Giáo Hội phải đứng lên, nổi dậy, phải làm cách mạng giải phóng dân tộc vv… Nếu Giáo Hội không đáp ứng được nhu cầu đó, thì Giáo Hội bị coi là “quốc doanh”, là bị “cộng sản hóa” vvv…

Phải chăng làm như thế chúng ta chẳng khác gì những người Do Thái ngày xưa: muốn đưa Chúa lên làm vua, theo kiểu trần thế. Thế nhưng, Chúa Giêsu đã thẳng thắn từ chối đi vào con đường đó khi Người “đã lánh mặt, đi lên núi một mình, vì biết dân chúng sắp đến bắt đem đi để tôn Người làm vua” (x. Ga 6:15) đó sao?

Là người Công Giáo ai cũng biết đến câu nói nổi tiếng của Chúa Giêsu trước Philatô: “Nước Tôi không thuộc về thế gian này” (Ga 18:36). Sau bao nhiêu thăng trầm lịch sử, Giáo Hội Công Giáo đã xác định vị trí và sứ mạng của mình đối với xã hội và thế giới. Quan điểm đó được đúc kết trong giáo huấn của Công Đồng Vaticano II: Giáo Hội không thuộc về một đảng phái chính trị nào. Giáo Hội hiện diện trong thế gian như là men, là muối, là ánh sáng cho thế gian nhưng không thuộc về thế gian (x. Hiến Chế Lumen gentium và Gaudium et Spes). Giáo lý của Giáo Hội đã nói rõ điều này như sau: “Do ủy nhiệm và chức năng, Giáo Hội không bị lẫn lộn bất cứ cách nào với một cộng đồng chính trị. Cho nên, Giáo Hội là dấu chỉ và là sự bảo vệ cho tính cách siêu việt của nhân vị con người. Giáo Hội tôn trọng và thăng tiến sự tự do chính trị và trách nhiệm của người công dân” (x. Giáo Lý Công Giáo, số 2245).

Ngỏ lời lời các giám mục Việt Nam trong dịp Ad Limina vào tháng 06 năm 2009, Đức Giáo Hoàng Benedetto XVI đã nhắc lại lập trường của Giáo Hội: “Giáo Hội không đòi hỏi phải thay thế các nhà trách nhiệm của Chính Phủ, nhưng chỉ mong rằng Giáo Hội có thể, trong tinh thần đối thoại và hợp tác tôn trọng nhau, góp phần xứng đáng vào sinh hoạt quốc gia, vào việc phục vụ tất cả người dân” (ĐGH Benedetto XVI, Discorso ai Vescovi Vietnamita ad limina 26/06/2009).

Nếu giảm thiểu Giáo Hội và hoạt động của Giáo Hội dưới theo lăng kính chính trị, thì chúng ta sẽ đánh mất chiều kích hiệp thông (communio) của Giáo Hội và lúc đó có nguy cơ chúng ta tự chia rẽ và cắn xé lẫn nhau.

Khuynh hướng “trần thế hóa” Giáo Hội

Song song với khuynh hướng chính trị hóa Giáo Hội, chúng ta nhận thấy khuynh hướng “trần thế hóa” (secularization) Giáo Hội. Phong trào trần thế hóa đã có từ lâu đời rồi ở Châu Âu, và đã phát triển mạnh nhất ở Nước Pháp trong những thế kỷ qua. Khuynh hướng này nhìn Giáo Hội dựa theo phương diện và tiêu chuẩn trần thế. Hay nói đúng hơn khuynh hướng này muốn “giải thiêng” Giáo Hội.

Với lăng kính duy trần thế hóa, người ta nhìn Giáo Hội theo những gì bên ngoài, hữu hình và khía cạnh trần thế của Giáo Hội, và đánh giá chúng dựa theo những tiêu chuẩn trần thế. Cái nhìn này có nguy cơ đánh mất chiều kích “mầu nhiệm” và “thần linh” của Giáo Hội.

Yves Congar, một nhà thần học gia nổi tiếng về giáo hội học của thế kỷ XX, đã nói rằng: “Giáo Hội một cách chắc chắn là đối tượng của đức tin. Chúng ta thấy tất cả những gì Giáo Hội làm với chất liệu của thế giới này. Điều này cả những người không tin, những nhà xã hội học và các chính trị gia cũng thấy điều đó. Nhưng chúng ta còn tin rằng Chúa hoạt động trong Giáo Hội theo kế hoạch ân sủng của Người. Và đây, Giáo Hội … vừa là thực tại trần thế, được giao phó cho lịch sử, vừa là công trình của Thiên Chúa, là “mầu nhiệm” mà chỉ có đức tin mới nhận biết”1.

Nếu chỉ dừng lại ở những gì chúng ta “thấy” Giáo Hội với những gì bên ngoài, dựa trên những khía cạnh trần thế, thì chưa đủ, vì rất phiến diện, cần phải “tin” vào Giáo Hội. Tin vào sự hiện diện của Chúa Kitô, tin vào sự hoạt động và hướng dẫn của Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội, qua Đức Giáo Hoàng, các Giám mục, các linh mục và mọi thành phần dân Chúa. Đó là thái độ của đức tin. Người Công Giáo được mời gọi thể hiện niềm tin đó qua thái độ và phản ứng của mình trước những vấn đề của Giáo Hội hiện nay. Giữa bao tiếng nói ồn ào, chúng ta chọn lắng nghe tiếng nói của Giáo Hội. Giữa bao sự nhiễu nhương, chúng ta chọn đứng về phía Giáo Hội. Giữa bao thái độ tiêu cực, chúng ta chọn yên mến và xây dựng Giáo Hội.

Khuynh hướng hoài nghi và chống Giáo Hội gia tăng

Hơn bao giờ hết, Giáo Hội Việt Nam đang đối diện với “búa rìu dư luận” của truyền thông. Truyền thông đã gieo vào lòng người Công Giáo hôm nay sự hoài nghi về Giáo Hội, về các vị lãnh đạo và các giáo sỹ một cách khủng khiếp!

Trong Giáo Hội, tính phản biện và sự chống đối không luôn là tiêu cực, nó cũng có giá trị của nó. Khuynh hướng này có thể giúp cho Giáo Hội Việt Nam có cái nhìn về các vấn đề một cách toàn diện và bao quát hơn, nhất là trong bối cảnh của thế giới đa nguyên. Nhiều khi những ý kiến khác biệt, đối lập lại bổ túc cho nhau trước những vấn đề lớn. Giáo Hội được mời gọi biết lắng nghe những tiếng nói khác nhau của mọi thành phần Dân Chúa. Nhờ đó Giáo Hội có những giải pháp tốt hơn, hoàn hảo hơn cho từng vấn đề. Nhưng đồng thời Giáo Hội phải ý thức rằng không phải vì “sợ dư luận”, để đẹp lòng mọi người, hay chiều theo thị hiếu mà hy sinh chân lý, quên mất sứ mạng và bổn phận của mình.

Một điều luôn gây đau khổ cho Giáo Hội, đó là việc chống Bề Trên, chống đối các nhà lãnh đạo Giáo Hội lại xảy ra ngay trong lòng Giáo Hội, do các thành viên của mình. Việc chống đối Giáo Hội có thể đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau, do sự bất công trong Giáo Hội, do sự những sai lầm của người lãnh đạo, vv… nếu như thế thì Bề Trên cần khiêm tốn để sửa đổi. Nhưng sự chống đối cũng có thể đến từ chính lòng của mỗi người, do thái độ đón nhận của chúng ta. Theo nghiên cứu tâm lý học chiều sâu, việc chống đối Bề Trên có thể ẩn chứa những dấu hiệu tâm lý tình cảm chưa trưởng thành của chủ thể. Những người này có thể vì sự mặc cảm oedipus về quyền lực (theo Sigmul Freud), về chức vụ và đia vị, hoặc vì so sánh hơn kém trong Giáo Hội, đã đưa đến những thái độ bất mãn, không cộng tác, và cuối cùng là hay tấn công Bề Trên. Nếu ai rơi vào tình trạng này, thì cần phải xem lại mình, dù linh mục hay là giáo dân.

Đối với người Công Giáo nói chung, việc chống Giáo Hội, chống các nhà lãnh đạo Giáo Hội một cách thiếu bác ái, thiếu tinh thần xây dựng, thiếu tính khách quan là thái độ cần tránh, vì đó không phải là tinh thần của Tin Mừng. Đối với các giáo sỹ hôm nay, cần tránh thái độ “giáo sỹ trị” và thái độ “cha chú” khi phục vụ giáo dân của mình.

Thách đố về phương tiện truyền thông

Thế giới hôm nay là thế giới bùng nổ thông tin. Ai nắm giữ phương tiện thông tin là nắm quyền lực điều khiển mọi người. Giáo Hội Việt Nam đang đối diện với thách đố về những phương tiện truyền thông.

Thách đó lớn nhất của truyền thông hôm nay là tính khách quan và toàn diện của các vấn đề trong Giáo Hội. Nhà thần học Lonergen đã đưa ra một nguyên tắc giúp chúng ta tránh rơi vào sự chủ quan: “Sự việc nó quan trọng vì tự thân nó chứ không phải quan trọng vì tôi: the importance in itself and importance for me”2. Nên khi đánh giá một con người, một sự kiện, chúng ta không chỉ dựa trên tình trạng tình cảm của mình, mà phải cố gắng dựa trên tính khách quan của sự việc. Không nên giảm thiểu một con người trong một câu nói, hay đánh giá một sự kiện chỉ dựa trên một khía cạnh tiêu cực thôi. Trước những vấn đề lớn và phức tạp cần tránh những kết luận phiếm diện, chủ quan một chiều. Ở bình diện lý luận, đó là sự ấu trỉ của tri thức và phán đoán. Chúng ta cần phải thoát ra những não trạng này để lớn lên, để xây dựng Quê Hương và Giáo Hội Việt Nam .

Với quyền tự do ngôn luận, ai cũng có thể viết bài, có quyền phát biểu ý kiến của mình. Nhưng đồng thời cần phải ý thức trách nhiệm về những gì mình viết, mình nói. Vì sự ảnh hưởng của nó thật lớn lao và mang tính toàn cầu. Một điều dễ xảy ra trong thế giới thông tin hiện nay: đó là một vài ý kiến cá nhân lại có sức mạnh khuynh đảo và thay đổi dư luận cả thế giới và chi phối tình hình, “một con sâu có thể làm rầu cả nồi canh” hơn lúc nào hết.

Sự lương thiện trong tri thức buộc chúng ta phải cố gắng trình bày chân lý, sự việc một cách khách quan, như nó là, và tránh thái độ bẻ cong sự thật, uốn nắn sự việc theo ý của mình, để phục vụ cho lợi ích cá nhân, hoặc phe nhóm mình. Khi nói điều đó chúng ta không quên giới răn yêu thương Chúa dạy, trong đó bao gồm cả việc bác ái trong lời nói và ngay thẳng trong phán đoán. Việc “xét đoán xấu”, rêu rao lỗi lầm và “chụp mũ” người khác một cách bất công ở trên mạng internet không phải là phản Tin Mừng, là tội “nói hành” đó sao?

Ngày hôm nay phương tiện truyền thông đã trở thành một phương tiện truyền giáo rất hữu hiệu. Đã đến lúc các Giám Mục Việt Nam phải nghĩ đến việc “mục vụ truyền thông”, truyền giáo phương tiện truyền thông và sử dụng truyền thông để mang sứ điệp Tin Mừng đến cho mọi người. Giáo Hội Việt Nam cần phải chuẩn bị nhân sự, đào tạo những chuyên viên về lãnh vực này như các Giáo Hội khác đã làm để thi hành sứ vụ mình cách hiệu quả hơn.

Kết luận

Giáo Hội thời nào cũng đều có những khó khăn, thách đố và thuận lợi của thời đó. Những thách đố có thể trở thành cơ hội cho Giáo Hội trong việc loan báo Tin Mừng nếu Giáo Hội biết nhận ra và nắm bắt.

Hy vọng lời phát biểu của Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh trong ngày lễ nhận chức của Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn tại Hà Nội mở ra viễn tượng đó cho Giáo Hội Việt Nam: “Kỷ niệm 50 năm thành lập, Hàng Giáo phẩm Việt Nam bước vào một giai đoạn mới qua đó, các bậc chủ chăn được lắng nghe tiếng nói cộng đồng Dân Chúa cách phong phú và cụ thể hơn, đồng thời cũng học được bài học biện phân cách bình tĩnh hơn đối với những thông tin mỗi lúc một đa dạng, đa chiều và phức tạp hơn…

Hơn bất kỳ đâu, tại thủ đô Hà Nội này, tất cả những ai có thiện chí đối với quê hương dân tộc Việt Nam, trong cũng như ngoài Giáo Hội, đều phải xây dựng và vun vén tình đoàn kết anh em một nhà và đại đồng xã hội”.

 

Chú thích

 

*1. Cf. Yves Congar, Credo nello Spirito Santo, Querinina, Brescia 1998-1999, 204.

*2. Cf. B. Lenorgen, Method of theology, University of Toronto Press 1992, 30-40.

 

Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.