Uncategorized

Giáo dục và truyền thông đích thực

Anh em hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần.
Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha.
Anh em cầm giữ ai thì người ấy bị cầm giữ” (Ga, 22 – 23)

 

Anh em hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần.
Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha.
Anh em cầm giữ ai thì người ấy bị cầm giữ” (Ga, 22 – 23)

 

Chúa Thánh Thần đang hiện diện và sống cùng với Giáo hội. Chúa Thánh Thần đang kiện toàn công trình còn dang dở của Chúa Giêsu, Ngài luôn luôn có mặt để củng cố Giáo Hội trên bước đường lữ thứ trần gian, cho dẫu Con Thuyền Giáo Hội có phải đương đầu với bão táp, có chòng chành giữa những phong ba, cũng không thể nào bị đánh úp, vì đã có Thánh Thần là Đấng An Ủi và là Đấng Sức Mạnh bao bọc chở che cho Con Thuyền Giáo Hội và cho tất cả những ai bước vào con thuyền đó trong niềm tín thác cậy trông. Chúa Thánh Thần là bổn mạng của Giáo Hội, và của tất cả những ai đang đi trên con đường của Đức Giêsu Kitô đã đi, con đường của Mầu Nhiệm, Hiệp Thông và Sứ Vụ.

 

Hôm nay 16/5 là Năm Thánh của Giới Truyền Thông. Xét về một một thông truyền, một sứ điệp của Giáo Hội thì mọi người chúng ta đều có liên hệ với Giáo Hội trong công tác truyền thông, tạo mối hiệp thông với Giáo Hội.

 

Con người vận dụng mối hiệp thông, đón nhận Chúa Thánh Thần thông ơn, và trở thành máng thông ơn của Thiên Chúa đến với nhân loại. để trở thành “máng thông ơn của Thiên Chúa”, con người cần phải để cho Chúa Thánh Thần khai thông những rác rưởi, những thứ ô uế làm tắc nghẽn làm ứ đọng dòng chảy. Nếu không được hay không để Chúa Thánh Thần khai thông đường máng, thì e rằng dòng nước chảy trên máng đó bị ô nhiễm làm cho dòng nước không còn trong lành, tinh khiết như từ cội nguồn, và khi người khác đón nhận dòng nước đó vô tình đã bị nhiễm độc.

 

Vì thế, tu đức luôn là điều quan trọng hàng đầu của Giáo Hội. Hôm nay ngày tĩnh tâm của Ban Liên Lạc Mục Vụ Gia Đình, cha Louis Nguyễn Anh Tuấn Trưởng Ban Mục Vụ Gia Đình đã giúp cho các Liên Lạc Viên hồi tâm về vai trò Giáo Dục của mình trong việc truyền thông ơn Thiên Chúa đến với người khác. Giáo Dục có nhiều lãnh vực, hôm nay cha chỉ mời mọi người chú ý đến đề tài: NHÀ GIÁO DỤC – PHẨM GIÁ và NHÂN VỊ nhằm để xây dựng con người toàn diện.

 

1) Nhà Giáo Dục là ai? – Phẩm giá – Nhân vị xuất phát từ đâu?

 

 

“Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là Rabbi,
nghĩa là Thầy,vì anh em chỉ có một Thầy,
còn tất cả anh em đều là anh em với nhau” (Mt 23, 8).

 

Đức Giê su là Nhà Giáo Dục duy nhất làm trung gian giữa con người và Thiên Chúa. Vậy, ai được gọi là Thầy người đó phải là người gắn bó với Đức Giêsu. Và ai không gắn bó với Đức Giêsu thì không đáng gọi là Thầy.

 

Người Thầy đó phải biết được hướng đi của mình và người Thầy đó phải là người có thể dẫn đưa học trò vượt qua những chông gai của cuộc đời, dẫn đưa học trò tới nguồn Chân Lý và Sự Sống. Chỉ có Thiên Chúa mới có Chân Lý và Sự Sống, mà Đức Giêsu đến từ Chúa Cha mới đủ khả năng đưa ta đến nguồn Chân Lý và Sự Sống đó.

 

Nhưng không hẳn chỉ những Nhà Giáo Dục Công Giáo mới biết Đức Kitô. Không hẳn chỉ những người được Rửa Tội mới là biết Đức Kitô. Biết Đức Kitô không mang ý nghĩa tâm lý học thông thường, cũng không mang theo nghĩa tâm linh. Nhưng là những ai hiểu biết một cách trọn vẹn về Ngài, từ những suy nghĩ, những ước muốn của Ngài, yêu mến và làm theo ý muốn của Ngài mới đáng gọi là “biết” Đức Kitô.

 

Những người ngoại giáo chưa nhận biết về Đức Kitô, chưa hiểu biết về Giáo Hội, nhưng theo tiếng nói của lương tâm do Thần Khí của Chúa soi sáng và thúc đẩy, họ sống và thực hành những điều mà Đức Kitô hằng khao khát như: sống bác ái không ích kỷ, sống yêu thương không ghen ghét, kiến tạo hòa bình không gây chia rẽ, băng bó vết thương không gây hận thù, thì những người đó, họ đang bước đi trong ánh sáng Tin Mừng của Đức Kitô và đáng được gọi là Nhà Giáo Dục mà Thiên Chúa mong muốn.

 

Biết nhau và yêu nhau làm cho nhau thỏa mãn, dẫn đưa nhau đến sự sống dồi dào hơn thì mới là cái biết đúng nghĩa, biết về Chân Lý. Hiểu biết về Chân Lý không trừu tượng, nhưng là nơi một con người cụ thể, biết lắng nghe, thông cảm được nỗi thổn thức nơi trái tim của Đức Kitô, mặc lấy tâm tình của Ngài và thi hành đúng ý muốn của Ngài.

 

Như vậy: Nhà Giáo Dục phải là người biết lắng nghe, phải sống, phải học hỏi, và yêu mến thi hành ước muốn của Đức Kitô. Sứ mạng của Nhà giáo Dục là đưa Đức Kitô đến với mọi người để mọi người nhận biết chân lý.

 

2) Đối Tượng Giáo Dục:

 

 

Chính Nhà Giáo Dục là đối tượng trước tiên của giáo dục. Một con người trưởng thành là con người biết rõ đường đi của mình là con đường thật, con đường dẫn đến chân lý. Người trưởng thành lúc đó cộng tác với Đức Kitô để dẫn dắt người khác đi đúng hướng.

 

Giáo dục chính là tự giáo dục, trước khi giáo dục ai, ta phải tự giáo dục chính mình. Trong gia đình cha mẹ chính là đối tượng giáo dục trước khi là chủ thể giáo dục cho con cái mình. Cha mẹ đón nhận sự giáo dục từ nơi Thiên Chúa, qua các giáo huấn của Giáo Hội, cha mẹ phải biết tự giáo dục và hoàn thiện chính mình, sau đó mới có thể giáo dục con cái đi đúng hướng của Thiên Chúa và Giáo Hội. Nếu cha mẹ không biết tự giáo dục chính mình, không biết lắng nghe, tìm tòi, học hỏi để hiểu biết về Thiên Chúa và Giáo Hội, thì chắc chắn không thể nào giáo dục con cái đi đúng, sống đúng theo đều Thiên Chúa và Giáo Hội mong muốn.

 

Nơi cha mẹ có hai tư cách, có hai chiều kích mà cha mẹ đều có mặt. Cha mẹ vừa là người dẫn dắt con cái mình, nhưng đồng thời cha mẹ cũng để Chúa được đồng hành và tham gia vào chương trình giáo dục trong gia đình.

• Cho con cái, cha mẹ là Nhà giáo dục.
• Với con cái, cha mẹ cũng là đối tượng giáo dục là học trò của Thiên Chúa.

 

Cha mẹ có lúc là người dẫn đầu, đôi khi cũng phải là người bạn của con cái mình. Vừa là cha mẹ, vừa là bạn, cha mẹ tìm cách gần gũi con cái, tâm sự với con cái, tỏ lộ cho con cái thân phận sự thật của con người, có như thế con cái mới nhận ra mình là một con người, có nhân vị thật sự.

 

Giáo dục là giúp cho con cái tự đứng vững trên đôi chân của mình, tự mình vượt qua những gian nan thử thách, như thế càng tạo cho con cái vững vàng hơn trong cuộc sống.

 

Về phương diện đức tin, vun mớm cho con cái nhận thức về các giá trị tâm linh, rồi để con cái tự tìm ra con đường đi đến các giá trị đó.

 

Nhà giáo dục khôn ngoan không nói nhiều, không vạch đường, nhưng biết khơi gợi cho người khác phương thức để tìm đường đi, như thế đối tượng được giáo dục gia tăng niềm tự tin và nhân cách được củng cố.

 

Con đường của Chúa Thánh Thần là khơi gợi để người ta thấy sự hấp dẫn nơi Đức Giêsu, để từ đó người ta tự khám phá, tìm đến với Ngài và trở thành môn đệ Ngài.

 

Khi Gioan Tiền hô giới thiệu cho môn đệ mình về Chúa Giêsu: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng gánh tội trần gian” (Ga 1, 29), các môn đệ đã bỏ Gioan và đến với Đức Giêsu và trở thành môn đệ của Đức Giêsu.

 

Bỏ một người Thầy nhân loại để chạy theo một người Thầy nhân loại khác, đó là hạng người phản trắc. Nhưng bỏ một người Thầy nhân loại để chạy theo một người Thầy Thần Linh, đó là một sự khôn ngoan. Như Gioan đã khẳng định: “Tôi không đáng cởi quai dép cho Người” (Ga 1, 27). Từ lâu, các môn đệ đang đi tìm chân lý, nghe về Đấng Mesia, các ông tìm đến và ở lại với Ngài.

 

Đó là công việc của Chúa Thánh Thần dẫn dắt tâm hồn con người đi tìm chân lý đến với Đức Giêsu.

 

Như Giakêu trước kia tâm hồn ông chỉ nghĩ đến tài chính tiền bạc, nhưng trong thẳm sâu tâm hồn, ông đã để ý vì nghe đồn về Đức Giêsu, ông tìm cách nhìn mặt Đức Giêsu bằng tất cả lòng ái mộ, ông đã trèo lên cây để thỏa lòng mong đợi. Qua hành động của ông, Đức Giêsu nhận thấy trong góc con tim của ông còn một điều gì đó ngoài tiền bạc. Đức Giêsu nhìn ông âu yếm rồi nói: “Giakêu hãy xuống mau. Hôm nay tôi muốn lưu lại nhà ông” (Lc 19, 5). Giakêu bộc phát ngay, sẽ chia phân nửa gia tài cho người nghèo, và sẽ đền bù gấp 4 lần nếu có làm thiệt hại cho ai điều gì. Có lẽ, sau khi thực hiện lời mình đã hứa, Giakêu sẽ trắng tay, nhưng ông đã tìm thấy được giá trị hạnh phúc đích thực của cuộc đời, và Đức Giê su đã nói về ông rằng: “Hôm nay, nhà này được Ơn Cứu Độ” (Lc 19, 9). Thúc đẩy Giakêu trở về đón nhận Ơn Cứu Độ nơi Đức Giêsu đó là công việc của Chúa Thánh Thần.

 

Như Nicôđêmô là một trong bảy mươi Kỳ Mục của dân Do Thái, là người điều hành Dân Chúa về mặt tôn giáo. Ông đã nghe về Đức Giêsu, ông tò mò và tìm đến vào ban đêm để đàm đạo với Đức Giêsu.

 

Tất cả là sự thúc giục của Chúa Thánh Thần trong con tim, là sự lôi kéo của Chúa Cha, đưa con người đến với Đức Giêsu. Như chính Đức Giêsu đã nói với Simon Phêrô: "Phúc cho anh, Si-mon, con ông Giô-na! Vì không phải là bởi xác thịt hay máu huyết đã mạc khải cho anh điều đó, nhưng là cha Thầy, Đấng ngự trên trời" ( Mt 16, 17 ).

 

Nhà Giáo Dục là người mở rộng cõi lòng trước tiếng nói của Chúa Thánh Thần, lắng nghe và gặp gỡ Đức Giêsu Kitô, đó mới là Nhà Giáo Dục đích thực. Lúc đó con người mới nhận ra mình có một phẩm giá.

 

Nếu ta không dập tắt tiếng nói của Chúa Thánh Thần hằng luôn thúc đẩy con người đến với chân lý. Kể cả những người chưa biết Đức Kitô, Chúa Thánh Thần vẫn luôn làm việc nơi tâm hồn của những người đó, những người cả đời đi tìm chân lý, tiếng nói của Chúa Thánh Thần rót vào lương tâm của họ. Và cuộc sống của họ cũng đã phát sinh ra hoa trái của Chúa Thánh Thần như: “Bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ.”. Đó là những dấu hiệu để nhận biết người nào đó đã gặp Chúa hay chưa? Để nhận biết một ai đó có sự soi sáng của Chúa Thánh Thần hay không?

 

Còn những ai khi sự xuất hiện của họ, hay những lời nói, thông tin của họ truyền đi, đem lại gây gỗ, chia rẽ, bất hòa, nghi kỵ lẫn nhau, thì đó không phải là thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, vì họ đã dập tắt tiếng nói của Chúa Thánh Thần trong lòng họ, nên không thể nào sinh hoa kết trái tốt lành được.

 

 

Cha Louis đã đưa ra những câu hỏi để mọi người cùng lắng đọng suy tư.

 

• Tôi có phải là Nhà Giáo Dục thực sự hay chưa?
• Tôi có gắn bó với Đức Giêsu là Nhà Giáo Dục duy nhất không?
• Nhìn lại gia đình, con cái, học trò, những người tôi đang hướng dẫn. Tôi có nhận ra hoa trái của Chúa Thánh Thần hay chưa?
• Tôi phải có quyết tâm gì cụ thể để đóng góp vào công cuộc giáo dục của Giáo Hội?

 

Kết luận: Đức Giêsu là Nhà Giáo Dục đầu tiên, nếu ta chưa ăn sâu vào Mầu Nhiệm nơi Ngài, chưa đi sâu vào chiều kích của Mầu Nhiệm Giáo Hội, thì ta chưa thực sự biết Ngài. Mang danh Giáo Hội mà lại đánh phá Giáo Hội, còn loại trừ nhau, còn đã kích nhau, thậm chí còn dùng mưu ma chước quỷ, thì đó là ta đang bị sập bẫy Satan. Vì thế, để khỏi sa chước cám dỗ của ma quỷ, điều trước tiên là ta cần phải gắn bó và sống có ý thức về Mầu Nhiệm Giáo Hội và Mầu Nhiệm Chúa Giêsu. Nếu ta lúc nào cũng hăng hái hoạt động, không biết dừng chân để tịnh tâm thì ta không thể sống với chiều kích Mầu Nhiệm được, thì lúc đó ta đang sống trong chiều kích chiếm hữu.

 

Đón nhận thông tin với góc nhìn của con người, rồi khẳng định và đồng nhất thông tin đó với chân lý là một sự sai lầm. Vì thông tin không phải là chân lý mà thông tin chỉ là một phần của chân lý. Thông tin đưa mọi người đến yêu thương, hiệp nhất thì mới đáng gọi là chân lý, còn thông tin đem lại sự chia rẽ, hận thù thì thông tin đó không đáng gọi là chân lý.

 

Ta cần phải tĩnh lặng, cần phải chiêm niệm để đi vào chiều kích Mầu Nhiệm, để nhìn lại cuộc sống của mình và đón nhận những thông tin trong ánh sáng của Chúa, chứ không nhìn cuộc sống của mình, hay đón nhận thông tin dưới góc nhìn của con người.

 

Những khó khăn về vật chất, về tinh thần, hoặc những biến cố đau buồn xảy ra xung quanh ta dễ làm cho chúng ta bất an, chán nản. nhưng với góc nhìn chiêm niệm về Mầu Nhiệm Giáo Hội và Mầu Nhiệm Chúa Giêsu mời gọi ta có cái nhìn toàn diện hơn và ta sẽ cảm thấy bình an hơn. Muốn có được điều này, ắt hẳn ta phải nhờ đến ơn Chúa.

 

 

Cuối giờ tĩnh tâm. Mọi người cùng quỳ trước Thánh Thể, để xin Chúa Thánh Thần chiếu rọi tâm hồn mỗi người biết sống chiều kích Mầu Nhiệm, Hiệp Thông và Sứ Vụ. Mỗi người tự nhìn lại vai trò giáo dục của mình trong gia đình và trong các mối tương quan. Trong tâm tình hiệp thông mọi người dâng những hy sinh của mình để cầu nguyện cho Đức Thánh Cha Benedicto XVI, người đang lèo lái Con Thuyền Giáo Hội, luôn giữ vững tay chèo trước những tấn công của sự dữ. Cầu nguyện cho Đức Cha Giuse Ngô Quang Kiệt, Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn và cầu cho tất cả anh chị em giáo dân trên mọi miền đất nước Việt Nam và trên toàn thế giới được bình an tâm hồn, biết lắng nghe, đón nhận chứ đừng dập tắt tiếng nói của Chúa Thánh Thần đang gợi lên trong lòng và trong những biến cố cuộc đời. Để qua sứ mạng của Bí Tích Rửa Tội, mỗi người Kitô hữu sống xứng đáng với ơn gọi là một Nhà Giáo Dục và Truyền Thông đích thực.

 

Lạy Chúa Thánh Thần. Xin Ngài tha thứ mọi lỗi lầm của chúng con và của anh chị em chúng con. Xin Ngài tiếp tục ban ơn thánh hóa và chiếu soi ánh sáng của Ngài vào tâm hồn của mỗi người chúng con, để chúng con nhận ra dấu chỉ của Ngài nơi mọi biến cố của cuộc đời và nơi cuộc sống của mỗi người chúng con. Amen

 

AP. Mặc Trầm Cung cảm nhận, tường trình
 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.