Thủ lãnh của một bộ tộc nằm hấp hối trên giường. Ông cho gọi ba người có thể thay thế ông và nói. Ta phải chọn một người kế tục. Các ngươi hãy leo lên đỉnh núi thiêng liêng của chúng ta và mang về đây cho bộ tộc một món quà quý giá nhất. Người thứ nhất mang về 1 thỏi vàng lớn. Người thứ hai mang về 1 viên ngọc quý. Người thứ ba trở về tay không.
Ngạc nhiên vị tù trưởng hỏi: món quà quý giá của ngươi đâu?
Anh điềm tĩnh trả lời: khi tôi lên tới đỉnh núi, tôi thấy ở phía bên kia môt vùng đất phì nhiêu màu mỡ, tại đó dân chúng có thể một cuộc sống sung túc tốt đẹp.
Tù trưởng nói: Ngươi sẽ nối nghiệp ta vì ngươi đã mang về món quà quý gía nhất là một viễn tượng tương lai tốt đẹp.
Chúa Giêsu về trời mở ra một viễn tượng tương lai tốt đẹp, đó là hạnh phúc thiên thiên đàng. Người đi trước mở đường và dẫn chúng ta lên theo Người.
Sách Công vụ Tông đồ kể lại : Chúa Giêsu lên trời trước mặt nhiều môn đệ vào ngày thứ 40 sau Phục sinh, tức là lần hiện ra cuối cùng với họ, và trong khoảng thời gian 40 ngày, kể từ ngày Phục sinh. Chúa Giêsu không ở liền với các môn đệ mọi giây phút, nhưng chỉ thỉnh thoảng mới hiện ra thôi. Như thế, những lúc không hiện ra với các môn đệ thì Chúa ở đâu ?
Thực ra, vấn đề thăng thiên của Chúa có thể ghi lại những điểm chính như sau : Sau khi Phục sinh, Chúa Giêsu đã được tôn vinh nơi Chúa Cha ngay lập tức rồi. Nói cách khác, Chúa Giêsu Phục sinh rồi lên trời ngay để ngự bên hữu Chúa Cha. Tuy nhiên, trong quãng thời gian 40 ngày, kể từ ngày Phục sinh, Chúa đã hiện ra nhiều lần với các môn đệ, và vào lần cuối cùng, ngày thứ 40, Chúa hiện ra đàm đạo với các môn đệ, nhắn nhủ họ nhiều điều, rồi Ngài lên trời trước mắt họ. Từ đó Ngài không còn hiện ra với họ như trước đó nữa cho tới ngày tận thế. Dẫu sao ngày lễ thăng thiên hôm nay, Giáo Hội muốn chúng ta lưu ý đến ý nghĩa của mầu nhiệm thăng thiên hơn là đến ngày giờ mầu nhiệm ấy xảy ra.
Chúa Giêsu lên trời. Trời là chốn linh thiêng mầu nhiệm lạ lùng. Con người luôn luôn khao khát được lên trời. Đi dưới đất, bơi trên sông, con người thấy mình thấp hèn quá ! Phải làm sao lên được trời cao, con người mới thỏa mãn được những ước mơ lý tưởng của mình. Vì thế, ngày 04 tháng 06 năm 1783, lần đầu tiên, hai anh em Mongolfiers, bay lên trời bằng khí cầu được 500 mét trước hàng ngàn người. Ngày 12 tháng 04 năm 1961, Gagarine, phi hành gia đầu tiên bay ra khỏi tầng khí quyển của trái đất trong phi thuyền Vostok I của Liên Xô. Đến ngày 16 tháng 07 năm 1969 hai ông Armstrong và Aldrin bay lên tới mặt trăng.
Loài người đã hồi hộp theo dõi : các cuộc bay lên trời của mấy ông đó và mơ ước có ngày cũng được lên trời, nhưng rốt cuộc chuyến bay nào cũng phải trở về đất, lại phải sống kiếp thân phận bụi đất. Chỉ có cuộc lên trời của Chúa Giêsu mới giải thoát con người khỏi kiếp sống lầm than, mới ban sức mạnh thần lực cho con người lên trời vinh quang muôn đời.
Cuộc lên trời của Chúa. Một cảnh tượng huyền diệu đang diễn ra trước mắt đức tin của chúng ta. Ở trên cao, các thiên thần và triều đình thiên quốc đang tụ họp tổ chức nghi lễ đón tiếp Đấng Cứu Thế khải hoàn trong niềm ngây ngất. Tác giả Thánh vịnh 23 đã chiêm ngưỡng và mô tả cuộc nghinh đón đó bằng ca khúc bất hủ : “Hỡi các khải hoàn môn và các vệ binh thiên quốc, hãy cất cao đầu lên. Hỡi các cửa triều đình vĩnh cửu, hãy mở rộng ra, để Vua vinh hiển và đoàn tùy tùng tiến vào. Vua vinh hiển là ai ? Thưa là Đức Giêsu uy hùng lẫm liệt, là Chúa oai phong chiến thắng. Hỡi các khải hoàn môn, hỡi các cửa triều đình vĩnh cửu hãy cất cao đầu lên, để Vua vinh hiển tiến vào, Vua vinh hiển là ai ? Chính là Thiên Chúa hùng dũng uy linh”. Ở chung quanh, đoàn tùy tùng theo Chúa đông vô kể, gồm các thánh thời Cựu Ước, các tổ phụ, các tiên tri, các người công chính, các hiền nhân do Chúa Cứu Thế giải thoát khỏi ngục tối, đang hoan hỉ vui mừng đi theo Chúa. Đặc biệt có tổ phụ Abraham, Giacob, Môisê, thánh Job, thánh vương David, các tiên tri Isaia, Giêrêmia, nhất là hai bên tả hữu là thánh cả Giuse và thánh Gioan Tiền hô và cả người trộm lành nữa. Ở dưới đất, quỳ trên núi Cây Dầu là Hội thánh sơ khai : Đức Mẹ, thánh Phêrô, các Tông đồ, hàng trăm môn đệ và các thánh nữ. Trước sự hiện diện và trước những con mắt đang ngây ngất chiêm ngưỡng, Chúa Giêsu lên trời, tâm hồn mọi người tràn trề rộn rã hân hoan : “Mọi miệng lưỡi trên trời dưới đất cùng cả hỏa ngục đang tung hô rằng Giêsu Kitô là Vua, là Chúa chúng tôi”. Vì thế, bài Đáp ca Thánh lễ hôm nay đã hô hào khắp muôn dân, khắp hoàn cầu, khắp trời đất : “Hãy vỗ tay, hãy reo mừng Thiên Chúa. Hãy trổi cao kèn sáo đàn ca lên dâng Người khúc ca tuyệt mỹ, Chúa là Vua khắp muôn dân, ngự trên tòa uy linh cao cả” (Tv. 47, 2-3, 6-9).
Giáo Hội mừng mầu nhiệm Chúa Thăng Thiên. Chúa về trời không có nghĩa Chúa rời bỏ trần thế, nhưng là thay đổi cách thức hiện diện. Từ nay, Ngài không còn hiện diện cách hữu hình, nhưng là hiện diện cách vô hình với con người.
Mừng mầu nhiệm Chúa về trời cũng đồng nghĩa tuyên xưng sự hiện diện của Chúa nay vượt mọi giới hạn thời gian và không gian. Từ nay, Ngài hiện diện với con người ở mọi thời, giữa muôn dân nước (x. Đn 7,14) vì Ngài có toàn quyền trên trời dưới đất.
Chúa Giêsu lên trời. Điều đó dạy ta biết ngoài cõi đời này còn có một nơi chốn khác. Ngoài cuộc sống này còn có một cuộc sống khác. Ngoài những giá trị đời này còn có những giá trị khác.
Trời là nơi hạnh phúc không còn khổ đau. Trời là nơi cuộc sống vĩnh viễn không bị tiêu diệt. Trời là nơi tất cả mọi giá trị đạt đến mức tuyệt đối. Trời là nơi con người trở thành thần thánh, sống chung với thần thánh. Như thế trời là niềm hy vọng của con người. Con người không còn bị trói chặt vào trần gian. Định mệnh của con người không phải chỉ là đớn đau sầu khổ. Số phận con người không phải sinh ra để rồi tàn lụi. Trời cho con người một lối thoát. Trời mở ra cho con người một chân trời hạnh phúc. Trời cho con người cơ hội triển nở đến vô biên.
Trời nâng cao địa vị con người.
Có trời, con người không còn bị xếp ngang hàng với súc vật. Súc vật sinh ra để tàn lụi. Con người sinh ra để triển nở, để vượt qua số phận, để đạt tới địa vị con Thiên Chúa.
Có trời, con người sẽ được nâng lên ngang hàng thần thánh.
Tuy nhiên, trời không phải xây dựng trong mây trong gió, nhưng được xây dựng trong cuộc sống trần gian. Trời không phải là cõi mơ mộng viển vông, nhưng đã bắt đầu ngay trong thực tế cuộc đời hiện tại.
Chính vì thế mà hai thiên thần áo trắng đã bảo các môn đệ đừng đứng nhìn trời mãi làm chi, nhưng phải trở về mà lo chu toàn nhiệm vụ.
Chính vì thế mà trước khi lên trời, Chúa căn dặn các môn đệ hãy đi làm việc cho nước Chúa. Sống và làm việc ở trần gian, đó là một nhiệm vụ phải chu toàn. Hoàn thành nhiệm vụ ở trần gian, đó là điều kiện để đạt tới hạnh phúc nước trời.
Chính Chúa Giêsu cũng đã chu toàn nhiệm vụ ở trần gian rồi mới lên trời. Nhiệm vụ đó là đi gieo Tin Mừng khắp nơi. Đi đến đâu là thi ân giáng phúc đến đấy. Đi đến đâu là gieo yêu thương đến đó.
Hôm nay Chúa cũng sai các môn đệ và chúng ta đi gieo Tin Mừng khắp thế gian. Hãy đi làm mọi việc tốt đẹp cho mọi người.
Làm việc tốt đẹp ở trần gian đó là góp phần xây dựng nước trời. Góp phần xây dựng trần gian đó là dọn chỗ ở trên nước trời. Trần gian không phải là nơi cho ta bám víu vì không vĩnh cửu. Nhưng trần gian là cơ hội cho ta đạt tới nước trời.
Chính vì thế, người môn đệ của Chúa phải sống giữa trần gian, phải yêu mến trần gian, phải xây dựng trần gian. Vì trần gian là nơi Chúa sai ta đến làm việc.
Tuy nhiên người Kitô hữu làm việc ở trần gian mà lòng vẫn hướng lên quê trời. Yêu mến trần gian vì nước trời. Yêu mến trần gian để biến trần gian thành nước trời.
LỄ THĂNG THIÊN
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
Views: 0