Bất luận vì lý do gì và vì động cơ nào, đừng bao giờ tự biến mình từ tín đồ thành “tội đồ”!
Từ ngữ “tội đồ” có lẽ được nhắc đến nhiều nhất trong một phạm trù vốn chẳng dính dáng gì đến đạo đức, giáo lý : bóng đá! Nhưng ngày nay người ta lại coi bóng đá như một thứ tôn giáo” (túc cầu giáo), cho nên hình ảnh và thành ngữ “tội đồ” được dùng khi nói về một cầu thủ chẳng may làm cho đội bóng của mình phải bị phơi áo, do màn đá phản vào lưới nhà hoặc không thắng nỗi thủ thành đối phương trong một cú làm bàn ăn chắc mười mươi, mà giới chuyên môn hay gọi là “đá ra ngoài còn khó hơn đá vào trong”. Sẽ là ‘tội đồ” ghê gớm hơn, khi đó là đội tuyển quốc gia. Khó ai quên được vụ cầu thủ Andrés Escobar Saldarriaga, hậu vệ đội tuyển quốc gia Colombia, bị sát hại ngay trong kỳ World Cup 1994, chỉ vì anh đã đá phản lưới nhà, dẫn tới việc Bolivia bị loại ngay từ vòng đấu bảng, gây thiệt hại cho những ông trùm cá độ (vốn đinh ninh đội Columbia sẽ thắng đội Mỹ. Kết quả đội tuyển Colombia đã thua 1 -2)
Trong những ngày cuối tháng tư nầy, truyền hình Việt-Nam cho phát bộ phim dài 13 tập “Việt Nam – Cuộc chiến 10.000 ngày” (tập cuối vào ngày 30.04) của Michael Maclear, người Canada. Xuất hiện như để trần tình là những gương mặt chính trị của những ngày cuối cùng đầy biến động nầy: tổng thống Nguyễn-Văn-Thiệu, phó tổng thống Nguyễn Cao Kỳ, tổng thống Dương Văn Minh, ông đại sứ Mỹ Graham Martin. Nhưng nỗi bật hơn hết vẫn là cảnh “đem con bỏ chợ” rồi phủ áo ra đi của đồng minh Hoa Kỳ, rồi (trong tập 13) ánh mắt của dân Mỹ đối với 2,8 triệu cựu chiến binh Mỹ từ Việt Nam: im lặng, nặng nề và u ám với “hội chứng Việt Nam”. Tất cả đều tìm lý do để tự thanh minh cho mình. Không ai nhận mình là tội đồ, nghĩa là không ai thấy mình có trách nhiệm trong việc làm sụp đổ giang sơn, mà họ đã dùng để tranh chấp quyền lực, tiền tài, danh vọng.
Có một người muôn đời bị coi là giáo gian và tội đồ: Giu-dà. Phúc âm nói quá ít về người môn đệ nầy, ngoài chức quản lý những khoản tiền người ta biếu tặng cho nhóm hoặc một vài nét chấm phá như là ăn miếng bánh Chúa Giêsu đưa cho và “Satan nhập vào y” hoặc lời nói giả nhân giả nghĩa khi thấy một phụ nữ dùng cả chai dầu quý xức chân Chúa Giêsu và việc y điều đình giá bán Thầy mình, để cuối cùng phải tự vẫn. Nhưng cái làm cho Giu-dà trở nên tội đồ và tự xét hết đường quay lại, ấy là “nụ hôn” trứ danh của y tại Vườn Cây Dầu (mà hoạ sĩ Gustave Doré diễn tả rất hay trong bức hoạ ‘nụ hôn của Giu-dà” – 1866). Sau nầy xuất hiện “Phúc Âm Giu-dà” như muốn thanh minh rằng Giudà không phải là tội đồ, bằng việc khai thác ý tưởng rằng anh ta [Giu-dà] đã tố cáo Đức Kitô theo yêu cầu của Người, để Người có thể cứu rỗi nhân loại. Cái chết của Giu-dà không vì đức tin,không vì Chúa Giêsu, mà chỉ vì sĩ diện cá nhân, hối hận nhưng không hối lỗi, vì thế Giu-dà cũng không nhận mình là “tội đồ”.
Chỉ có Chúa Giêsu là “tội đồ” dưới mắt các thủ lãnh Do Thái : Người đã “đá phản lưới nhà”, nghĩa là không còn ngoan ngoãn nghe theo họ, vâng theo những giải thích và quy tắc họ đặt ra dưới danh nghĩa “Môsê và các tiên tri”. Chúa Giêsu đã “làm phản” khi vi phạm luật Sa-bát và nhất là tội phạm thượng gọi Thiên Chúa là Cha mình và tự cho mình quyền tha tội lỗi. Người lại còn hành động vượt quá giới hạn người trần, khi cho nhiều người đã chết được sống lại. Không thể không chết. Vòng vây khép chặt dần và Canvê chỉ là nơi thi hành bản án.
Chỉ có Giáo Hội là “tội đồ” dưới mắt hoả ngục và các thế lực xấu xa vô thần. Giáo Hội nắm giữ kho tàng Bí Tích có quyền lực và sức mạnh vô biên,làm tiêu tan mọi âm mưu của hỏa ngục đối với loài người, loài thụ tạo được Thien Chúa vô cùng yêu thương và sẵn sàng tha thứ tội lỗi, ‘cho dù có đỏ như điều” (Is 1,18). Thiên Chúa lại còn ‘bày’ ra những sáng kiến “động trời” như là sai cả Ngôi Hai xuống làm người,làm bạn, không chỉ để cứu chuộc, mà còn muốn phục hồi địa vị làm con cho nhân loại, trong khi chúng – Satan và bè lũ – chỉ vì một ý tưởng ngông cuồng ,mà không được dung tha và phải chịu trầm luân muôn đời. Giáo Hội không thể được bình an hưởng những hạnh phúc,may mắn đến thế và phải làm cho mọi người xa lánh, rời bỏ hoặc không thể đến được với Giáo Hội, vì không tin tưởng hoặc vì mất niềm tin nơi Giáo Hội. Với các thế lực xấu xa vô thần, Giáo Hội Công giáo luôn là “kỳ đà cản mũi”, phê phán, vận động mọi người chống lại những suy nghĩ, lời nói và hành động của chúng, mà mục tiêu cuối cùng là tiền bạc và qyèn lực, có từ bóc lột, tội ác, bạo lực,để phục vụ đời sống xa hoa, và dâm ô trụy lạc của chúng. Mọi cản trở việc làm của chúng đều phải bị gạt bỏ,tiêu diệt. Giáo Hội Công giáo ,vì thế, là kẻ thù số một. Đối nghịch với “văn hoá sự chết” (ngừa tránh thai, nạo phá thai, an tử, ly dị, buôn bán phụ nữ trẻ em, tạo những lò lửa chiến tranh, khủng bố,…), những nguồn lợi khổng lồ của chúng, Giáo Hội Công giáo đã xây dựng “văn hoá sự sống” và ‘văn minh tình thương”, đã làm tiêu tan mọi mưu đồ xấu xa. Và những sóng gió liên miên mà còn thuyền Giáo Hội đã,đang và sẽ trải qua, chỉ là “đòn thù” của Satan.
Từ khai sinh cho đến tận thế, Giáo Hội đừng mong có ngày bình yên. Số phận Giáo Hội hoàn vũ vốn dĩ như thế. Số phận Giáo Hội Việt Nam cũng đừng ảo tưởng sẽ khấm khá, an bình và xuôi chảy hơn. Nhưng nỗi đau càng thêm day dứt, khi vì nhẹ dạ, mà chính con cái gây ra vết thương rồi đem muối xát vào! Từ sau 1975, nhiều giáo dân, linh mục bị xếp vào hạng “giáo gian”. “Phong trào xếp hạng” ấy dần dà lan tới các giám mục và những ngày tháng qua, không ít người đã công khai mạ lỵ các Đấng Kế Vị Tông Đồ một cách tùy tiện, vô đạo, với những suy đoán vô căn cứ ,hay đúng hơn, đã nghe theo những vu cáo,suy diễn chủ quan và quá khích của những người không còn nghi ngờ gì nữa muốn huỷ hoại Giáo Hội Việt Nam,hay chí ít cũng gây cảnh tan hoang, chia rẻ, nghi kỵ giữa mọi thành phần tín hữu. Những kẻ thù ghét Công giáo,thù ghét Giáo Hội Việt Nam nầy, đã khôn khéo “chính trị hoá” mọi góc nhìn, mọi khía cạnh tôn giáo và may mắn nhận được sự đồng tình của không ít tín hữu Công giáo, trong đó có nhiều linh mục, tu sĩ và giới trí thức. Các tín hữu nầy cần có một ai đó “chết thay cho mọi người”(x. Ga 11,50): một giáo dân thì chẳng bỏ bèn gì;một linh mục cũng còn quá ít. Phải là một giám mục thì mới tạm đủ để họ trút mọi dồn nén, ức chế từ nhiều nguyên do. Một giám mục làm “tội đồ” : quá hay! Sau giám mục sẽ là ai đây? – Tất nhiên là Giáo Hội Việt Nam. Những tín hữu Việt Nam vẫn trung thành với các giám mục, nhất là những giám mục ‘tội đồ”, cũng là “tội đồ”. Và lập luận đáng sợ sẽ là : kẻ thù của kẻ thù ta, là bạn ta. Trơ trẽn và nực cười thay : những ‘tín hữu” rắp tâm phá hoại Giáo Hội Việt Nam nầy còn tự phong cho mình là “chiến sĩ đức tin”, những người “tâm huyết với tiền đồ” của Giáo Hội. Chỉ có Satan là ‘ngư ông đắc lợi” : chẳng tốn chút công sức nào, mới chỉ một vài động thái cơ bản, đã gây ra được cảnh “nồi da xáo thịt” trong Giáo Hội Việt-Nam. Satan đã thu nhận được không ít “tội đồ’ làm “tín đồ” của y!
Ở vào giai đoạn “bi hài” nầy, khi mà “sư nói sư phải,vãi nói vãi hay”, thì đâu là tiêu chí để xét và tự xét, để nếu không tự biết mình đang làm cái trò “vạch áo cho người xem lưng”, thì cũng biết ý thức hậu quả tai hại từ những lời nói, những rỉ tai tuyên truyền, mà chỉ đám vô công rỗi nghề, trà dư tửu hậu mới đem “buôn chuyện” như hàng tôm hàng cá, huống hồ chỉ “nghe nói”, chỉ bằng suy đoán, suy diễn, mà dám hài tội, đấu tố hết vị giám mục nầy, đến vị giám mục khác, và tiếp tay cho những hạng trí thứ vô liêm sĩ,vô đạo, ác ý, đi dèm pha, mạ lỵ, vu cáo giám mục? Lươn bò để nhớt lại : ai sẽ thanh minh cho những giám mục mà họ lăng mạ, vu cáo? Sau nầy khi sự thật đã ra trắng đen, chỉ cần ghé một toà giải tội bất kỳ nào đó, là sạch sẽ ư? Cho dù những gì nói ra, viết ra có một phần hay nhiều phần sự thật, thì “nhiệt tâm Nhà Chúa”(!) ấy có bù được muôn một những tan hoang, đổ nát và thiệt hại họ gây ra chăng? Tiêu chí để chúng ta tự lượng giá về lời nói và hành vi trong Giáo Hội (cụ thể ở đây là Giáo Hội Việt Nam) là ba “điều ước” mà Chúa Giêsu muốn Kitô hữu thi hành : yêu thương (tuần vừa qua) – bình an (tuần nầy) – và hiệp nhất (tuần sau – lễ Chúa Thăng Thiên). Ba “điều ước” nầy chỉ có thể có được, khi chúng ta nghe và làm theo Thần Chân Lý, Đấng Bảo Trợ, mà Chúa Cha sai đến nhân danh Chúa Giêsu. Tình yêu và sự hiệp nhất của Ba ngôi đem đến bình an, cũng chính là những gì Chúa Giêsu muốn cho Giáo Hội. Làm sao có được yêu thương, bình an và hiệp nhất trong Giáo Hội, khi “cây muốn lặng,mà gió chẳng dừng”, khi mà chúng ta chưa thoả cơn điên quậy phá lung tung? Khi mà chúng ta chưa thôi ý muốn tận mắt thấy Giáo Hội Việt Nam dãy duạ, hấp hối? Chúng ta đang biến mình thành “tội đồ”. ”Giơ chân đạp mũi nhọn thì khốn cho ngươi” (x. CV 9,3). Cha ông ta vẫn dạy : Làm đầy tớ người khôn , hơn làm thầy người dại! Hay là chúng ta đang tôn Satan làm người khôn, làm tôn sư? «Chỉ có một Đấng ra Lề Luật và xét xử, đó là Đấng có quyền cứu thoát và tiêu diệt. Anh là ai mà dám xét đoán người thân cận?» (Gc 4,12).
Tôi là ai mà còn trần gian thế? (Bên đời hiu quạnh – Trịnh Công Sơn): bao nhiêu năm học đạo, sống đạo (những người viết được bài thì đâu phải hạng vô học,tầm thường), ngày ngày đọc, nghe giảng (thậm chí còn giảng) Lời Chúa, làm sao lại xem nhẹ đức tin,sự cứu rỗi của mình và của anh em đồng đạo như thế! Hãy nghe Thánh Phaolô nhắc nhủ : "Đừng dập tắt Thần Khí"; "Đừng làm phiền lòng Thánh Thần" (1 Tx 5,19 ; Ep 4,30).
Bất luận vì lý do gì và vì động cơ nào, đừng bao giờ tự biến mình từ tín đồ thành “tội đồ”!
CVK Nguyễn Thế Bài
HÃY HÁT LỜI TÌNH YÊU – THÁNH VỊNH 48
MỘT CON NGƯỜI KHÔNG THỂ CỨU CHUỘC ĐƯỢC MÌNH
Trong số những vị Giáo Phụ của Hội Thánh dẫn giải về bài Thánh Vịnh 48 [49] này, đặc biệt phải kể đến Thánh Ambrôsiô.Vị nguyên giám mục Milan đã dẫn giải thế này: “Chúng ta hãy nhận ra ở đây là, chính ở ngay lúc mở đầu, tiếng nói của Chúa Cứu Thế kêu gọi con người đến với Giáo Hội, để, bằng việc từ bỏ tội lỗi, họ trở thành những môn đồ của sự thật và nhận thấy được cái lợi lộc của đức tin”. Đúng thế, “tất cả mọi tâm can thuộc các thế hệ con người khác nhau đã bị nhiễm bởi nọc độc của con rắn, và lương tâm con người, bị nô lệ cho tội lỗi, không thể tự mình vượt thoát”. Vì thế mà vị Chúa này, “tự động hứa thứ tha theo lòng quảng đại của tình Ngài xót thương, nhờ đó con người tội lỗi không còn lo âu sợ hãi,mà đầy ý thức, hân hoan để có thể hiến thân làm tôi tớ phụng sự Vị Chúa nhân lành này, Đấng đã thứ tha tội lỗi và tưởng thưởng những việc lành công đức” Tác giả Thánh Vịnh đã sử dụng một từ ngữ cũng có một giá trị về tiền bạc, đó là “sự chuộc đền”: “Người ta không thể cứu chuộc được mình, không thể chuộc đền với Thiên Chúa. Giá để chuộc lấy một sự sống quá ư là cao; người ta vẫn sẽ không bao giờ có thể sống đến muôn kiếp mà không tới ngày tận số”.Thánh Vịnh 48 do vậy chỉ là giải thích cho những lời Chúa Giêsu dạy :” Lời lãi cả thế gian, mà để mất linh hồn,thì được ích gì? Con người lấy gì đổi lại được linh hồn mình?” (Mt 16,26). Những lời nầy đã đánh động và làm thay đổi cả cuộc đời của Thánh Phanxicô Xaviê.
Views: 0