Trần Mỹ Duyệt
Chuyện xảy ra cũng hơi nực cười, từ ngày tôi về hưu tính đến nay đã nhận được ít nhất hai cuộc gọi để nghe và mời tham gia vào các chương trình đầu tư. Những người gọi ấy, những chương trình đầu tư tài chính ấy thật ra họ đang giới thiệu dịch vụ của họ, để mong có nhiều thân chủ tham gia vào các dự án kinh tế của họ. Nhưng có lẽ họ đã quảng cáo nhầm người. Một người về hưu như tôi chẳng có gì để đầu tư, và cũng không có nhu cầu ấy.
Nhân câu chuyện trên, tôi nhớ lại một chuyện tương tự xảy ra cũng đã lâu, khi một ông trong lúc trao đổi về tình trạng sức khỏe tâm lý, đã lân la nói đến chuyện mua bảo hiểm nhân thọ. Bảo hiểm cũng là một hình thức đầu tư.
Tính cho đến thời gian đó ông đã đóng tiền bảo hiểm được 3 năm. Tiền trợ cấp xã hội của ông không nhiều, nhưng ông vẫn đều đặn đóng hàng tháng với hy vọng khi về già ông sẽ nhận được một số tiền lớn từ công ty bảo hiểm để có chút đỉnh cho con cháu, lo hậu sự, và nếu còn khỏe thì đi du lịch chỗ này, chỗ khác. Chương trình là như vậy, nhưng không ngờ người đại diện của hãng bảo hiểm đã gọi điện thoại báo cho ông biết rằng những quyền lợi mà ông đáng được đã bị mất. Lý do gì xảy ra tôi không biết, chỉ biết rằng ông rất giận dữ và bất mãn vì số tiền đóng góp của ông mấy năm nay bỗng trở thành ra vô nghĩa. Qua đó, tôi nghĩ đến một chương trình mà rất ít phụ huynh đã đầu tư cho con cái của họ.
Suy nghĩ của tôi cũng dựa trên câu chuyện của một bà. Trong buổi sinh hoạt Group Therapy, bà Tuyết là một bệnh nhân rất tích cực và năng nổ trong nhóm đã chia sẻ cảm nghiệm về cuộc đời của bà:
Thời còn trẻ bà là hoa khôi của trường, xong trung học bà ở nhà theo nghiệp may của gia đình. Nhờ thiên khiếu và chịu khó học hỏi, bà đã trở thành một designer cũng như thợ may nổi tiếng. Tài năng này đã theo bà sang tận Hoa Kỳ, và bà rất thành công trong thời gian sống ở Hawaii. Mải mê với thành công và sắc đẹp, dù được nhiều người yêu thương, tỏ tình, nhưng bà đã từ chối để vui với đời độc thân và theo đuổi đam mê của mình. Tai nạn bất ngờ đã khiến bà trở thành tàn phế, và phải đi lại bằng walker. Rời Hawaii, bà về California sống với một người bạn. Không may người bạn cũng ra đi để lại bà một mình!
Hai câu chuyện nghe như không có gì là liên quan đến một thứ mà phụ huynh và những người làm cha mẹ cần làm cho con cái của họ. Đó là khi họ có cơ hội và hoàn cảnh tốt, và khi con cái của họ còn nhỏ nếu họ không lo giáo dục và hướng dẫn, khi các chúng bước vào tuổi dậy thì, lúc đó trở tay cũng không kịp. Tôi rất tâm đắc với câu nói của bà Tuyết, tuy vắn tắt nhưng thâm thúy như một triết lý sống: “Trồng ớt thì ăn ớt. Trồng cam thì ăn cam.” Ý của bà là khi có cơ hội bà đã không làm gì để đầu tư cho tương lai, thì bây giờ sống cô đơn, buồn tẻ như vậy cũng là hợp lý. Hoặc như bác trai nọ, đầu tư không đúng chỗ cũng đem lại kết quả khiến phải hối hận.
Rút ra từ hai bài học trên, và trải qua kinh nghiệm nghề nghiệp, mỗi khi có dịp nói với các phụ huynh hoặc những bậc cha mẹ, đặc biệt là các phụ huynh trẻ, tôi đều đem hai câu truyện này ra làm thí dụ về những gì mà họ cần phải làm cho con cái của họ. Tôi thường hỏi họ: “Nếu được cơ hội chọn làm giầu và cơ hội giáo dục con cái mình, các bạn chọn ưu tiên nào?” Đa số đều trả lời “giáo dục con”, nhưng trong thực tế lại hoàn toàn trái ngược, phần đông nếu có cơ hội vẫn dành ưu tiên chọn tiền, chọn giầu sang, nghề nghiệp, và địa vị. Có lẽ vì họ nghĩ rằng: “Có tiền mua tiên cũng được.” Con cái họ sẽ sống cả đời với số tài sản mà họ để dành cho chúng. Và đó cũng là kết quả của việc “trồng ớt thì ăn ớt. Trồng cam thì ăn cam,” sau này.
Tuy nhiên, khi chúng ta bàn về hậu quả của việc đầu tư vào tương lai cho con cái, việc trồng cam hay trồng ớt trong lãnh vực giáo dục, là chúng ta nhấn mạnh đến một nguyên tắc rất căn bản của giáo dục. Đó là sự đồng thuận và đồng trách nhiệm giữa cha mẹ.
Đồng thuận và đồng trách nhiệm giữa cha mẹ là một điều kiện vô cùng cần thiết trong lãnh vực giáo dục. Cha mẹ phải đồng ý và đồng thuận với nhau về một số nguyên tắc, và về cách thức giáo dục con cái. Trẻ con tuy nhỏ, không nói ra, nhưng chúng rất tinh nhanh nhận ra giữa cha mẹ ai là người dễ dãi, chiều chuộng, và có thể lợi dụng được. Ngoài ra, giáo dục con cái là bổn phận của cả cha lẫn mẹ. Cả hai đều có trách nhiệm đối với tương lai con cái.
Vậy, nếu người cha hoặc người mẹ:
-Chiều chuộng con một cách thái quá. Muốn gì được nấy. Muốn gì có đó.
-Sợ con buồn. Sợ con sai. Sợ con thất bại. Sợ con vất vả nên làm mọi chuyện thay con.
-Bênh con một cách vô lý. Dù con sai hay con phạm phải lỗi cũng một mực bênh vực.
Thì người kia sẽ rất khó để hướng dẫn và giáo dục. Bởi đứa trẻ sẽ lợi dụng tình thương, tình cảm của người cha hay người mẹ mà nó biết là có thể ỷ lại hoặc bao che cho nó để không vâng lời, hoặc từ chối không chấp nhận khuôn phép. Do đó, khi người cha hoặc người mẹ nói không thì người kia cũng phải nói không. Không có chuyện “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, cha nói không mà mẹ nói có.
Tiếp theo là tinh thần đồng trách nhiệm. Con cái là của chung cả cha và mẹ. Giáo dục là bổn phận của cả hai người. Không có chuyện “con hư tại mẹ” còn cha thì vô tội. Cũng không có chuyện tôi đi làm kiếm tiền nuôi con, còn bà ở nhà phải dậy dỗ con. Theo tâm lý giáo dục, đứa trẻ sẽ mất nhận thức về vai trò và trách nhiệm của nó khi lớn lên trong một gia đình mà cha mẹ không cùng tiếng nói chung trong việc giáo dục.
Nếu người cha hay người mẹ chiều con hoặc vô trách nhiệm thì người kia sẽ phải cố gắng gấp hai, ba, bốn, hoặc hơn nữa mới có thể hy vọng giữ được ảnh hưởng tốt trong gia đình và giáo dục con cái. Nhưng tình trạng này không dễ, vì thông thường, những người như vậy luôn tạo gánh nặng, gây bất hòa, hoặc ngăn trở cho nhau. Trong một số trường hợp, sự chia rẽ, bất hòa này còn dẫn đến ly dị.
Một sự thật rất rõ ràng là có nhiều phụ huynh tuy giầu tiền của, có địa vị và kiến thức, nhưng đã sống không nổi mà chết cũng không xong vì những đứa con hư hỏng, hoặc gia đình tan vỡ. Những trường hợp như vậy thì dù có chết cũng không nhắm mắt: “Người cha dù có chết, nhưng vẫn chưa nhắm mắt vì còn để lại đứa con giống như ông.” (Sirac 30:4).
Trong những chương trình đầu tư nếu có, phụ huynh đừng quên dự án đầu tư vào tương lai cho con cái. Nhưng quan trọng vẫn là: Đồng thuận và đồng trách nhiệm trong việc giáo dục con cái.
Views: 0