Uncategorized

Phá thai: Nỗi đau của Thiên Chúa

Sách Sáng thế có viết : ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa lấy cái xương sườn đã rút từ con người ra, làm thành một người đàn bà và dẫn đến với con người. Con người nói : ‘‘Đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi…. Bởi thế người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt’’(St 2, 22 – 24)

 

Sách Sáng thế có viết : ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa lấy cái xương sườn đã rút từ con người ra, làm thành một người đàn bà và dẫn đến với con người. Con người nói : ‘‘Đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi…. Bởi thế người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt’’(St 2, 22 – 24)

 

Nỗi khát vọng tình yêu vỡ òa nơi tâm hồn Adam, một hấp lực diệu kỳ làm tan biến đi nỗi u hoài, khắc khoải. Adam cảm nhận được nơi Evà là một tự ngã khác của mình, một hấp lực diệu kỳ chiếm ngự tâm hồn Adam vì từ nay mình đã có người trợ tá tương xứng. Adam đã gặp được điều mà bấy lâu nay mình đang lao đao tìm kiếm. Adam sống trong niềm hạnh phúc dâng trào. Adam hân hoan, ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của Evà và reo mừng: ‘‘Đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi….. Một nguồn hạnh phúc tuôn trào nơi tâm hồn hai người, cung đàn tình ái đầu tiên đã được ngân vang nơi khu Vườn Eden. Thiên Chúa thấy việc Ngài làm rất tốt đẹp và Thiên Chúa chúc phúc: “Hãy sinh sôi nảy nở cho đầy mặt đất, làm bá chủ và thống trị mọi loài” (St 1, 28).

 

Lời chúc lành của Thiên Chúa là dấu chỉ của sự quảng đại của Ngài, đó là một ân huệ hứa ban khả năng truyền sinh, ước nguyện và lời hứa của Thiên Chúa được triển nở dồi dào nơi vợ chồng. Vì thế, sự chúc lành của Thiên Chúa không phải là một mệnh lệnh mà trước hết đó là một lời hứa trao ban khả năng sinh sôi nảy nở và phồn vinh qua các thế hệ tiếp nối.

 

Như thế, qua sự chúc lành của Thiên Chúa. Con người trong tư cách vợ chồng, được tín thác một trách nhiệm làm đại diện Đấng Tạo Hóa, vợ chồng hợp tác với Ngài bằng cách tiếp tục công trình sáng tạo của Ngài, sinh sản, nâng đỡ và phát triển sự sống.

 

Thánh vịnh 127:3 “Này con cái là hồng ân của Thiên Chúa; con mình sinh ra là phần thưởng Chúa ban” .

 

Thiên Chúa biết giây phút mà đứa bé được tạo dựng trong lòng mẹ, vì chính Ngài đã dựng nên nó.

"Con chưa thành hình mắt Ngài đã nhìn thấy con" (Tv 139,16):
“Tạng phủ con, chính Ngài đã cấu tạo,
dệt tấm hình hài trong dạ mẫu thân con …
Xương cốt con, Ngài không lạ lẫm gì,
khi con được thành hình trong nơi bí ẩn”. (Thánh vịnh 139:13 – 15)

 

Thiên Chúa biết khi nào đứa bé được sinh ra và gọi đứa trẻ còn trong lòng mẹ.

 

“Đưa con ra khỏi thai bào,
vòng tay mẹ ẵm Chúa trao an toàn.
Chào đời con được dâng cho Chúa,
được Ngài là Chúa tự sơ sinh” (Tv 22:10-11).

 

Trong Thư thánh Phaolô gửi tín hữu Ga-lát 1:15. Thánh nhân đã cảm nghiệm:

“Nhưng Thiên Chúa đã dành riêng tôi ngay từ khi tôi còn trong lòng mẹ, và đã gọi tôi nhờ ân sủng của Người”

 

Kính thưa quí cha, quí tu sĩ nam nữ cùng quí cộng đoàn.

 

Chúng ta thường ngất ngây trước một tác phâm nghệ thuật, thường trầm trồ khen ngợi trước một công trình to lớn đẹp đẽ của con người, chúng ta thường vui thú và sảng khoái khi ngắm nhìn những vẻ đẹp của thiên nhiên, của những bông hoa xinh tươi và của những tiếng chim hót. Và đặc biệt những người làm cha làm mẹ ắt hẳn chúng ta cũng đã từng nôn nao, trong niềm hạnh phúc để chờ đón một tác phẩm tuyệt vời mà mình là một trong những nghệ nhân đồng sáng tạo nên tác phẩm tuyệt vời ấy. Tác phẩm đó, chính là đứa con mà Thiên Chúa đã ban tặng cho chúng ta.

 

Phỏng vấn một người mẹ: Xin chị cho biết cảm giác của chị khi mang thai, khi sanh nở và khi cho con bú lần đầu tiên.

 

Chị Maria Ngọc Luyến giáo xứ Bình Thái chia sẻ:

Tôi có 4 người con, thực sự phải nói là không thể diễn tả hết được cái cảm giác vừa lo âu, vừa vui mừng và sung sướng khi có mang thai lần đầu tiên. Vui mừng vì mình sắp được làm mẹ, và cũng lo lắng rất nhiều, mong sao thai nhi được khỏe mạnh. Cái cảm giác khi sanh con thì thật tuyệt vời không thể diễn tả nổi, khi cho con bú thì cảm thấy một niềm hạnh phúc rất lớn. Chỉ biết cảm tạ Chúa đã ban cho mình những đứa con. Một niềm hạnh phúc khó diễn tả hết bằng lời.

Phỏng vấn một người cha: Xin anh cho biết cảm giác của anh khi biết vợ mang thai lần đầu tiên. Khi đi chăm sóc vợ lúc sanh con và lần đầu tiên ẵm con.

 

Gioan Baotixita Nguyễn Văn Đề giáo xứ Tân Lập chia sẻ:

Tôi được 2 người con, Khi vợ tôi mang thai và sinh con tôi đều ở xa, vì nhiệm vụ của người lính tôi ở trong rừng nhiều hơn ở nhà. Nhưng tôi cũng rất vui mừng khi biết vợ có thai, chỉ biết cầu nguyện cho vợ con được mạnh khỏe, khi tôi về thì con tôi cũng đã lớn, nhìn thấy con, lúc đó thấy sung sướng lắm, không biết diễn tả như thế nào bây giờ.

 

Vâng! Kính thưa cộng đoàn. Chúng ta cùng đồng cảm và chia sẻ niềm vui khó diễn tả lên lời của chị Ngọc Luyến và anh Nguyễn Văn Đề. Đó chính là ơn gọi của chúng ta những người làm cha, làm mẹ. Một ơn gọi, một sứ mạng cao quí mà Thiên Chúa đã mời gọi và nâng lên hàng bí tích để trở thành dấu chỉ tình yêu của Ngài yêu thương nhân loại. Thiên Chúa đã chia sẻ quyền năng của Ngài cho vợ chồng trong vai trò Đồng Sáng Tạo. Vì con người không chỉ được tạo dựng bởi bùn đất mà con được thổi luồng sinh khí của Thiên Chúa. Con người ngoài dáng dấp của tạo vật còn mang dáng dấp của Thần Linh, được chia sẻ sự sống và quyền năng của Thiên Chúa. Con người là một tạo vật vượt trội trên tất cả tạo vật và thật sự giá trị trước mặt Thiên Chúa.

 

Thánh vịnh 8:5-7 đã ca ngợi:

 

“Lạy Chúa, thì con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến,
phàm nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm?
Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy,
ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên,
cho làm chủ công trình do tay Chúa sáng tạo,
đặt muôn loài muôn sự dưới chân”.

 

Như thế, việc phá thai chính là hành động hoàn toàn trái ngược hẳn với lòng quảng đại, khoan dung và sự nhân từ của Thiên Chúa dành cho con người. Là con cái Thiên Chúa thay vì chúng ta phải hy sinh chính mình cho người khác, hy sinh cho chính đứa con của mình, thì việc phá thai chính là hành động hy sinh người khác, hy sinh chính đứa con của mình cho sự ích kỷ, hẹp hòi của bản thân chúng ta.

 

Chúng ta hãy nghe lời khao khát sự sống của một thai nhi:

Con muốn nghe lời ru của mẹ,
Khát khao vòng tay ấm của cha.
Con ước mong ngày được sinh ra,
Dưới ánh mặt trời sung sướng reo ca.

Con mong thấy trời cao, biển rộng,
Con mong được nhìn thấy vầng dương.
Trong nắng mai còn đọng hơi sương,
Hương hoa thơm nồng dào dạt yêu thương.

Thân xác con xiết bao kỳ diệu,
Chúa dệt hình hài trong dạ mẫu thân.
Gân cốt con Ngài dệt Ngài thêu,
Sự sống nhiệm mầu Ngài hằng thương yêu.

Con xin, xin được làm người. Vươn mình tắm nắng bình minh.
Con xin, xin được làm người. Mẹ cha ơi! Xin đừng từ chối.
Con xin, xin được làm người. Vươn mình bay tới trời cao.
Con xin, xin được làm người. Mẹ cha ơi! Sao nỡ vô tình.
(Lời nguyện cầu của Thai Nhi)

 

Nhưng ngày nay có biết bao cha mẹ đã vô tình trước những lời khẩn cầu tha thiết của đứa con trong dạ. Vẫn xếp hàng dài trước phòng nạo phá thai trong các bệnh viện, vẫn vô cảm trước những lời kêu gào thảm thiết của thai nhi bé bỏng. Bé khao khát, bé mong chờ những điều hết sức bình thường là được làm người như bao đứa trẻ khác, được nghe lời ru của mẹ, được ôm ấp trong vòng tay ấm áp của cha’’ ấy thế mà tiếng van xin của bé chỉ rơi vào vô vọng, rơi vào sự im lặng đến rợn người. Không có phương thế tự vệ, Bé chỉ biết mong chờ vào lòng quảng đại bao dung của cha, của mẹ. Nhưng….tất cả vẫn vô tình …..

Ngày nay, người ta đã dối lừa biết bao nhiêu người, gieo vào tư tưởng của họ những lý thuyết phi nhân tính, khi họ cứ nghĩ rằng thai nhi đó chỉ là một “tế bào nhỏ” và chỉ là “một miếng mô” nhỏ mà thôi. Chưa biết gì …

 

Nhưng cũng theo những cuộc nghiên cứu khoa học ngày nay đã cho biết và chứng minh về sự phát triển của thai nhi khi còn trong bụng mẹ. Trong vòng 20 năm trở lại đây, nhờ những kỹ thuật thăm dò hiện đại, như điện tâm đồ và nhất là kỹ thuật siêu âm Doppler mã hóa màu, Từ khi còn trong bụng mẹ, thai nhi đã không sống tách biệt với thế giới bên ngoài.

 

Sr Hồng Quế chia sẻ về: Sự hình thành của thai nhi trong bụng mẹ để thấy được Mầu Nhiệm Sự Sống mà Thiên Chúa đã chia sẻ và ban tặng cho con người.

 

• 1 tháng: hệ thần kinh hình thành. Đây là giai đoạn phát triển đầu tiên.Và đường đi còn thật dài phía trước… Em bé nhìn giống như phôi thai của một con chó hay một con khỉ. Nó gắn chặt vào bao noãn để được nuôi dưỡng trong những tuần đầu tiên có được sự sống.

• 2 tháng: có xúc giác, cảm giác, biết vận động. Sau tám tuần nuôi dưỡng, bao noãn mất đi chức năng của mình.Thế là dây cuống rốn bắt đầu nuôi thai nhi bằng những chất dinh dưỡng xuất phát từ thân thể người mẹ.

• 3 tháng: con người hoàn chỉnh, biết mút tay. Khi mọi sự đã hoàn tất, thai nhi nổi bồng bềnh một cách yên hàn trong tử cung của mẹ.

• 4 tháng: Có thể nghe được, nhìn được. Vào tuần lễ thứ 16, tứ chi thai nhi bắt đầu hình thành. Mắt thai nhi còn nhắm, nhưng tay chân đã bắt đầu cử động, mặc dù người mẹ chẳng cảm nhận điều gì.

• 5 tháng: có khả năng ghi nhớ, mút tay thành thục, uống nước ối, tiểu tiện. Qua siêu âm 4D, ta có thể nhìn thấy rõ ràng hình dạng của thai nhi, thậm chí cả những đường nét trên gương mặt.

• 6 tháng: ngửi được, vận động nhiều hơn.Vào tuần lễ thứ 24, chỉ còn hai lá phổi là chưa hoàn toàn phát triển. Nếu thai nhi ra đời vào thời gian này, cháu có nhiều cơ may sống được. Vào giai đoạn này, thai nhi đã có thể cử đông tay chân, chớp mắt, và thường mút ngón tay.

• 7 tháng: não phát triển, tế bào thần kinh gần giống người trưởng thành, có khả năng phát âm. Rồi em bé bắt đầu nhận thức được không gian quanh mình.

• 8 tháng: phân biệt được các âm thanh, cảm nhận được cảm xúc, phản ứng lại,cảm nhận được vị đắng, ngọt. Như mọi thai nhi, phần lớn thời gian em bé sẽ dùng để ngủ. Thậm chí thai nhi cũng nằm mơ.

• 9 tháng: 1 em bé hoàn hảo, sức sống tràn đầy. Khi đủ 9 tháng thi thai nhi đã sẵn sàng để chào đời. Trong vòng 40 tuần, một tế bào khởi thủy đã hóa thân thành một con người. Phép mầu về hành trình hình thành sự sống của một con người gần như đã hoàn tất. Trong vài ngày, phổi và nhau tác động để báo hiệu giờ cháu bé ra đời. Cháu bé vẫn ngủ bình an trong cung lòng của mẹ. Cháu không biết rằng chẳng bao lâu nữa cháu sẽ phải rời môi trường êm ấm của ‘nhà’ mình mà kinh qua một thử thách gian khổ nhất trong cuộc đời: “sinh ra”. Vâng, cháu bé ra đời không phải là một biến cố gây đau đớn trên thân xác của riêng người mẹ. Mà còn là một giai đoạn gian nan và căng thẳng đối với chính hài nhi.

(Trích Phương án 0 tuổi, chiếc nôi ươm hạt giống tài năng- GS.Phùng Đức Toàn)

 

TUY NHIÊN MỌI VIỆC ĐỀU XẢY RA NHƯ THẾ Và đó là “PHÉP MẦU CỦA SỰ SỐNG”.

 

Mới 2 tháng tuổi bé đã có cảm giác, 3 tháng tuổi bé đã là một con người hoàn chỉnh, 4 tháng tuổi có khả năng nghe, nhìn … v…v thì việc cho rằng bào thai chỉ là một “tế bào nhỏ” và chỉ là “một miếng mô nhỏ” mà thôi là một sự lừa dối hết sức tàn nhẫn.

 

Những người chủ trương ủng hộ cho việc phá thai đã khiến cho nhiều người tin rằng việc phá thai chỉ là một vấn đề “mang tính chất cá nhân” mà thôi, và đó cũng là “điều tốt nhất nên làm.” Họ biện luận rằng: “quyền được sống, quyền tự do, và quyền để theo đuổi hạnh phúc”.Họ dường như biến nó trở thành một học thuyết được chấp nhận, và họ cho rằng đó là bảo vệ mọi quyền lợi và phẩm giá của người phụ nữ.

Nhưng thật ra hành động phá thai hoặc ngừa thai này lại càng làm giảm đi phẩm giá của những người phụ nữ hơn, khiến những người phụ nữ được xem như là những vật hay đối tượng để thỏa mãn tình dục mà thôi, không hơn không kém. Vì người nam lúc đó không có trách nhiệm gì với những hành vi của mình.

Mẹ Chân Phước Têrêsa Calcutta cũng đã từng nói rằng: Cái được gọi là quyền để phá thai đã khiến cho những người mẹ chống đối lại những đứa con của họ, và khiến họ chống đối lại những người nam. Nó đã phác họa những món quà vĩ đại nhất của cuộc sống là các đứa trẻ, trở thành những kẻ đối nghịch, cạnh tranh chống lại, và rất bất lợi cho những người làm mẹ.” (Mẹ Chân Phước Têrêsa trong Báo Wall Street Journal, Số Ra Ngày 25 Tháng 2 Năm 1994, trang A14).

 

Việc nạo phá thai, còn được ngụy danh, núp dưới một cái tên nghe có vẻ nhân đạo như là "hút điều hoà kinh nguyệt".

 

Ngày nay việc phá thai trở thành nạn tội ác lớn trên khắp thế giới. Hàng triệu ca mỗi năm. Ngay tại Việt Nam con số phá thai hàng năm được chính thức ghi nhận là 1 trong 3 nước có tỷ lệ phá thai cao nhất thế giới. Nghe thật khủng khiếp, nhưng nghe quen hóa nhàm đến độ dư luận không còn dị ứng.

 

Có một thống kê phần lớn được giới truyền thông đại chúng và đại bộ phận dân chúng cố tình bỏ qua chính là hiện nay đang có khoảng 1.2 triệu đến 1.5 triệu trẻ thơ bị giết chết đi hằng năm ngay tại đất nước VN qua việc phá thai, và khoảng 60 triệu trẻ em bị giết chết trên khắp thế giới hằng năm.

 

Viện Chính Sách Gia Đình (IPF) đã đệ trình hôm 02.03.2010 một báo cáo có tựa đề “Nạo phá thai ở Châu Âu và ở Tây Ban Nha” cho nghị viện Châu Âu. 2,9 triệu ca nạo phá thai được thực hiện năm 2008 ở Châu Âu, nghĩa là cứ 11 giây lại có một vụ nạo phá thai, tức là 7.846 ca mỗi ngày (Nguồn Vietcatholic “ Bản phúc trình phá thai tại Âu Châu)

 

Việc dẫn đến tình trạng Nạo Phá Thai có nhiều nguyên nhân đưa đến, vì nghèo khổ, vì lỡ bước sa chân và nhiều, rất nhiều lý do khác nữa…….. Chúng ta cùng lắng nghe tâm tư của một cô gái trẻ đã tâm sự với Sr Hồng Quế, đến giây phút cuối cùng của cuộc đời cô gái mới nhận thức được mối nguy hại của những tệ nạn xã hội mà cô đã lỡ bước sa chân, lời tâm sự của cô muốn cảnh tỉnh cho những người có trách nhiệm và những ai còn có cơ hội dừng chân quay lại. (Cô gái nay đã chết)

“Em biết Chị là một nữ tu. Vậy Chị hãy nói, hãy viết, viết ngay đi về cuộc đời lầm lạc, xốc nổi đoạn trường của em đây. Bây giờ em không còn ngại ngùng, xấu hổ hay giữ thể diện cho bản thân, gia đình và giáo xứ gì nữa cả. Còn gì nữa đâu đối với em, một giáo lý viên đang mang trong mình vi trùng của căn bệnh thế kỷ”.

Nhìn thân hình gầy guộc, xanh xao của Diệu Linh, tôi nắm lấy tay em:

Em bình tĩnh lại đi, không nên xúc động thái quá mà …

Không, Diệu Linh rụt tay lại, giọng dứt khoát. Hôm nay em đến đây không phải để “giết con” làm Soeur phải trăn trở, lo lắng như những lần trước. Trong lúc này em thực sự bình tâm và tỉnh trí. Em muốn tâm sự cùng Soeur, và qua Soeur trút cạn nỗi lòng cho các Linh mục, Tu sĩ, cho những ai quan tâm đến vấn đề giáo dục và cho các bạn trẻ khác”.

Trước đây ba năm, Diệu Linh tốt nghiệp lớp 12, là một giáo lý viên gương mẫu phụ trách lớp “Lớn lên trong Chúa Thánh Thần”, rất hăng say và đầy nhiệt tâm tông đồ. Trời ban cho Diệu Linh dáng người mảnh mai với nét mặt thu hút và giọng nói trầm ấm dịu dàng. Dầu chưa qua một lớp hùng biện nào nhưng Diệu Linh đã được bình chọn là Cô giáo lý viên xuất sắc, được Cha xứ và các Sr trong xứ tín nhiệm. Trong các buổi sinh hoạt vui chơi, diệu Linh luôn là “trung tâm” chú ý cho các bạn trẻ cả nam lẫn nữ, các em thiếu nhi cũng mến Diệu Linh.

Gia đình, giòng họ của Diệu Linh gia giáo đạo đức, có cậu làm linh mục. Kinh tế gia đình cũng khá giả, họ có dư khả năng để cho Diệu Linh ăn học thành đạt, đồng thời còn có thể phục vụ giáo xứ. Thế nhưng, suốt một năm ôn thi đại học Diệu Linh lại thi rớt. Vài tháng sau lại bị người yêu phụ bạc. Khi con ong đã tỏ đường đi lối về … liền truất ngựa truy phong. Đó là cú sốc đầu tiên trong đời, quá sức chịu đựng, làm cho Diệu Linh chán nản vô cùng.

Làm gì với mầm sống trong bụng mỗi ngày một lớn lên? Làm sao dám ngước mắt lên nhìn cha mẹ, họ hàng dòng tộc, cha xứ, cậu và hơn năm mươi học trò thơ ngây? Nạo phá thai ư? Diệu Linh không dám vì đi ngược lại với giáo lý Diệu Linh đã được hấp thụ và truyền đạt cho các em. Ra đi, đó là bài toán khá liều lĩnh. Diệu Linh khăn gói lên đường đến Thành Phố Hồ Chí Minh xin ở trọ chung với một bạn gái cùng lớp. Tại đây, nghe lời thuyết phục của bạn bè, Diệu Linh đã đi nạo phá thai, rồi tìm giải khuây trong các lớp dạy khiêu vũ và trở thành nhân viên nhà hàng lúc nào không hay.

Từ ngày làm quen với ánh đèn màu chập chờn điên đảo và bước theo điệu nhạc xập xình của nhà hàng, cuộc sống của Diệu Linh đã “đổi đời” thấy rõ. Cô không còn phải lo lắng về tiền bạc, có nhiều quần áo lụa là son phấn đắt tiền làm cho các bạn gái khác cũng phải thèm thuồng. Diệu Linh vẫn thương cha nhớ mẹ, mỗi tháng dành dụm một số tiền kha khá gởi về. Thế nhưng, Diệu Linh luôn tìm mọi cách giải thích những món quà và tiền gởi về từ những công việc rất ư là chính đáng và thanh cao như dạy kèm, phụ dạy giáo lý cho một cha ở thành phố. Cuộc sống cứ thế trôi qua, và cái ác dưới lớp giả trá phù hoa không lúc nào ngưng nghỉ. Mới 21 tuổi đời, Diệu Linh đã ba lần nạo phá thai, những lần nạo phá thai trước đây Diệu Linh thường lập luận nạo phá thai không hại, nếu hại thì nhà nước đã nghiêm cấm!

Giờ đây, Diệu Linh cúi đầu, thở dài một cách mệt mỏi và im lặng một hồi lâu như hối tiếc những điều quí báu mà em đã vô tình buông thả. Được nhìn em, nghe giọng nói của em, lòng tôi vừa trĩu nặng vừa thương cảm. Diệu Linh nhìn ra ngoài hành lang, nơi ồn ào các bạn trẻ cùng trang lứa đang đợi chờ NPT với ánh mắt đượm buồn. Có lẽ em muốn chia sẻ kinh nghiệm cho các bạn đó cái giá phải trả quá đắt hoặc “đoạn trường ai có qua cầu mới hay” nhưng không thể nói được. Quay sang nhìn tôi em nói: “Chị à, mới cách đây ba năm, em không ngờ, em không ngờ mình có thể thay đổi nhanh như vậy, em không thể hiểu mình nữa. Từ một giáo lý viên con nhà gia giáo đến nghề tiếp viên và… mại dâm thật mong manh. Vâng, khoảng cách thật mong manh như một dấu phẩy. Lỡ phóng lao đành phải theo lao, em không hề nghĩ đến hậu quả. Bây giờ tất cả đã muộn màng, đi thử máu mới biết mình vướng bệnh Sida. Em đã mang cái chết đi chơi và cũng không thể tính sổ được mình đã gieo mầm chết cho bao nhiêu người. Lúc này em chỉ mong được cha mẹ, anh em, họ hàng và mọi người tha thứ. Có lẽ cách hối hận tốt nhất là can đảm chia sẻ kinh nghiệm cuộc đời lầm lạc của em cho chị và cho những ai quan tâm đến giáo dục và cho các bạn trẻ khác”. Nghe Diệu Linh thú nhận “em đã mang cai chết đi chơi nhưng không thể tính sổ mình đã gieo mầm chết cho bao người” tôi đã lạnh người.

 

Thưa các bạn.

Diệu Linh là một trong hàng trăm bạn trẻ đến bệnh viện Từ Dũ NPT mà chúng tôi đã từng gặp. Hiện tượng NPT mỗi ngày một gia tăng, đang là nỗi đau nhức nhối của xã hội. Nhưng nó cũng chỉ là phần nổi của tảng băng mà phần ngầm là nền tảng đạo đức đang lung lay còn đáng sợ hơn. Nhiều nhà khoa học đã chứng minh con người của thế kỷ XX này phát triển nhanh và trưởng thành sớm, sự rút ngắn quá trình phát triển của thế hệ trẻ hôm nay so với ông bà, cha mẹ trước kia là một ghi nhận thành tựu của khoa học kỹ thuật tác động đến quá trình phát triển của nhân loại. Nhưng trong khi con người phát triển nhanh về thể chất, tình cảm thì sự thăng tiến về nhận thức và ý chí lại chậm hơn. Điều này dẫn đến sự “cập kênh” trong quá trình phát triển và hoàn thiện con người. Giới trẻ có thể rất giỏi về khoa học kỹ thuật nhưng các em lại thiếu hụt những kiến thức cơ bản về tâm sinh lý, giới tính. Qua kết quả nghiên cứu của chúng tôi trên 125 trẻ vị thành niên đi NPT thì nguyên nhân chủ yếu là thiếu hiểu biết. Gần 100% các em không hề biết các bệnh lây lan qua đường tình dục như phụ khoa, lậu, giang mai, HIV. 81% không biết sự khác biệt tâm lý nam nữ, cách ứng xử trong quan hệ nam nữ, những giá trị của tình yêu hôn nhân gia đình… Đúng như nhà tâm lý học B.V Petrovxki đã từng nhận xét: “Việc các em thanh thiếu nhiên thiếu hiểu biết về giới tính thường dẫn tới những tấm bi kịch đau lòng”. Vấn đề quan hệ tình dục bừa bãi dẫn đến những căn bệnh thế kỷ đang hủy diệt tương lai của đất nước dường như không có ranh giới nào.

 

Giáo hội nghĩ gì về phá thai?

 

Lời Đức Giavê nói với tiên tri Giêrêmia: "Trước khi ta nắn ra người trong lòng mẹ Ta đã biết ngươi. Và trước khi lọt dạ mẹ, Ta đã tác thành ngươi." (Tv 139) nghĩa là Thiên Chúa đã chọn lựa và tiền định cho sự sống xuất hiện.

 

Theo nhận định của khoa học: Ngay từ lúc tinh trùng kết hợp với trứng noãn, mọi tiềm năng trở thành người đã thành hình. Vì thế ta phải tôn trọng và bảo vệ mầm sống con người ngay từ giây phút đầu tiên đó. Vì theo điều kiện bình thường sau 14 ngày khối tế bào đầu tiên ấy đã có thể cho các nhà khoa học chuyên môn nghe và ghi âm được tiếng tim đập. Nghĩa là có “tim thai’’, tức là đã là người rồi’’. Vì thế, dùng thuốc ngừa thai hoặc vòng xoắn, hay bất cứ hình thức gì vì lý do "hạn chế sinh sản", để làm cho khối tế bào đầu tiên ấy không phát triển được hoặc bị hư vì non quá phải kể như là một hình thức phá thai.

 

Con người có một phẩm giá cao đẹp được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa, phẩm giá đó bất khả xâm phạm vì nó được Thiên Chúa yêu thương và quan phòng. Nó được quyền sống, quyền tồn tại, quyền không bị đánh đập hay gây thương tích (Xh 21, 12 – 17). Nó được Thiên Chúa ghi những ấn dấu ngay từ khi thụ thai trong lòng mẹ, ta gọi đó là Nhân Quyền. Nó còn phải được nâng niu, yêu mến và kính trọng.

Tháng 1 năm 1974, Thánh Bộ Đức Tin của Tòa Thánh đã công bố một văn kiện không những cảnh giác các tín hữu mà còn mở lời kêu gọi đến mọi người không phân biệt tín ngưỡng trên toàn cầu về việc chống lại tội ác phá thai. Văn kiện nêu rõ:

• “Không bao giờ được dùng sự phá thai như một phương tiện để điều hòa kế hoạch sinh sản. Phạm đến các giá trị luân lý luôn luôn là một mối hại lớn hơn bất cứ một sự phi lý nào về mặt kinh tế hay dân số đối với lợi ích chung của nhân loại…”

Ðức Gio-an XXIII đã khẳng định lại rằng sự sống con người là thánh thiêng, " vì ngay từ trong cội nguồn của nó, nó đòi hỏi hành động sáng tạo của Thiên Chúa" (67). Công đồng Vatican II đã lên án sự phá thai rất nghiêm khắc: "Vậy sự sống phải được bảo vệ với một chăm sóc tột độ từ lúc thụ thai: việc phá thai và giết trẻ sơ sinh là những tội ác ghê tởm" (68).

 

Khi Thiên Chúa đưa người nữ đến trước mặt Adam, ông reo lên: ‘‘Đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi…. ’’ cho chúng ta một chân lý cao cả, nói lên một giá trị, phẩm giá của con người. Kinh thánh khẳng định: Sự kết hợp thân xác của người nam và người nữ đã trở nên một xương một thịt, một tương quan mới được thiết lập, tương quan hữu thể, hai người trở thành một thụ tạo mới “mình không còn là mình, nhưng không đánh mất chính mình’’. Sự kết hợp đưa đến một lối sống mới trong tương quan tình yêu. Từ trong tình yêu nơi hai người đã phát sinh ra một sự sống mới. Và để tình yêu được thăng hoa, con người phải biết tôn trọng phẩm giá và đối xử bình đẳng với nhau.

Vì thế, mỗi con người là một nhân vị, cho dù là một phôi thai hay người trưởng thành đều phải được tôn trọng phẩm giá như nhau. cho dù phôi thai đó được tiên đoán là “quái thai’’. Giáo hội cũng không cho phép phá thai.

Nói chung, lập trường của Giáo Hội Công Giáo về việc phá thai vẫn hết sức dứt khoát và nghiêm ngặt. Phá thai chính là mang trọng tội sát sinh, là tiếm quyền quyết định số phận một con người, vốn là quyền của riêng Thiên Chúa, Đấng hiếu sinh và hay thương xót.
Vậy phá thai là gì?

Phá thai là khi người ta cố tình trục một thai nhi ra khỏi lòng mẹ trước ngày đứa bé chào đời theo thời hạn tự nhiện.. Ngày nay tại Việt Nam, phá thai còn được gọi ngụy trang là "hút điều hòa kinh nguyệt", "nạo thai".

Ngày nay, phá thai được coi như một biện pháp hạn chế sinh đẻ. Cứ lý luận bình thường thì vừa khi tinh trùng gặp được trứng noãn trong vòi fallope của phụ nữ mà kết hợp thành tế bào đầu tiên thì tế bào đó đã chứa đựng một tiềm năng để phát triển thành người rồi. Do đấy, cố ý phá thai là giết người còn trong lòng mẹ.

Thế nào là tội phá thai?

Sách Giáo lý chung nêu rõ: “Sự sống con người phải được tuyệt đối tôn trọng và bảo vệ từ lúc được thụ thai… Ngay từ thế kỷ thứ I, Hội Thánh đã xác định phá thai là một tội ác… Cộng tác vào việc phá thai là một lỗi nặng… Quyền được sống là quyền bất khả nhượng của mọi người vô tội… Ngay từ lúc thành thai, phôi thai phải được đối xử như một nhân vị, nên phải được hết sức bảo vệ toàn vẹn, chăm sóc và chữa trị như mọi con người khác”.

Như vậy, Hội Thánh xem phôi thai lúc mới hình thành đã là một con người.

Quan niệm chung trong Hội Thánh định nghĩa tội phá thai là: trục một phôi thai còn sống ra khỏi lòng mẹ; do đó làm phôi thai này chết.

Một số nhà luân lý cho rằng: Như vậy, việc cắt xẻ phôi thai (craniotomy, embrotomy) và các hình thức làm cho phôi thai chết ngay trong lòng mẹ, chỉ tính là tội giết người (homicide), chứ không phải tội phá thai (abortion).

Ủy ban Giáo Hoàng về Giải Thích Giáo Luật đã trả lời rõ ràng: Phá thai là việc giết chết phôi thai, bằng bất cứ cách nào và vào bất kỳ thời điểm nào, trong giai đoạn người mẹ mang thai.
Theo Giáo luật, “Người nào thi hành việc phá thai và nếu việc phá thai có hiệu quả, thì bị vạ tuyệt thông tiền kết” (GL 1398).

Người mắc tội và vạ tuyệt thông là “người thi hành”, nghĩa là người chủ ý gây ra việc chết thai nhi. Giáo luật cố tình dùng chữ “người thi hành”, chứ không dùng từ “người mẹ” hay “y sĩ”; để chỉ tất cả những người nào chủ ý cộng tác vào việc phá thai: người mẹ hay bất cứ người nào đồng ý, xúi giục, cộng tác hay giúp đỡ việc phá thai; (y, bác sĩ….. ). Như vậy, bất cứ người tín hữu nào chủ ý tham dự hay cộng tác vào việc phá thai đệu bị tội và vạ.

Vạ tuyệt thông chỉ áp dụng khi việc phá thai “có hiệu quả”, nghĩa là thai nhi đã chết do việc làm của họ.

Vạ tuyệt thông này là vạ tiền kết, nghĩa là người nào đã phạm tội phá thai đương nhiên bị vạ từ lúc họ phạm tội, không cần Giáo hội phải công bố hình phạt.

• Ngoài ra, Giáo Hội dứt khoát không cho phép sử dụng các phương pháp ngừa thai nhân tạo (dùng thuốc, dụng cụ ngừa thai cho người nam hoặc cho người nữ) vì nó đi ngược lại tiến trình tự nhiên, làm tổn hại đến sức khỏe và hạnh phúc vợ chồng.

• Giáo Hội cho phép sử dụng phương pháp Tiết Dục Định Kỳ, còn gọi là Ngừa Thai Tự Nhiên ( kiêng cữ trong thời kỳ người phụ nữ có khả năng thụ thai theo tiến trình tự nhiên mà Thiên Chúa đã sắp đặt ). Đó là các phương pháp như: Ogino-Knauss, Đo Nhiệt Độ, Billings.

• Giáo Hội tuyệt đối cấm phá thai, vì phá thai là giết người, giết trẻ em vô tội còn trong lòng mẹ. Cha mẹ và những người cộng tác hoặc khuyến khích trong việc phá thai, đều phạm tội trọng và bị mắc vạ tuyệt thông.

Con người quả là một tạo phẩm đáng quý, đáng trọng. Người kitô hữu đừng quên rằng: Phá Thai "là tội ác ghê tởm (Gaudium et Spes số 51).

• Nghe bài hát: Thai Nhi Nào Có Tội Gì?
http://www.authorstream.com/Presentation/DungLac-145641-thai-nhi-thainhinaocotoigi-entertainment-ppt-powerpoint/

 

VẬY CHÚNG TA PHẢI LÀM GÌ?

Hủy diệt thai nhi là nghịch lại với các giáo huấn Thiên Chúa và Giáo hội. Đó là sự đi ngược lại với công lý. Là sự hủy diệt người yếu thế thay vì cứu vớt họ. Là con cái Thiên Chúa, con cái của Giáo hội nếu ta không can thiệp cứu những người đang bị đe dọa mạng sống thì đâu gọi là lối sống đẹp lòng Chúa và đâu là thờ phượng Thiên Chúa.

Chúng ta có cảm tưởng rằng: Dường như Thiên Chúa đang bất lực trước nạn phá thai tràn lan trên thế giới hiện nay. Sao Ngài không ra tay, Ngài không lên tiếng để cảnh báo họ?
Có chứ, Ngài muốn ra tay, muốn lên tiếng, nhưng qua chúng ta.

• Ngài muốn chúng ta cho Ngài mượn miệng lưỡi, đôi bàn tay, đôi chân và con tim của chúng ta, để cứu vớt những sinh linh bé bỏng.

• Ngài muốn chúng ta mở rộng tấm lòng giúp đỡ những người gặp bước gian truân trong cuộc sống phải đi đến tình trạng phá thai.

• Và nhất là biết cầu nguyện cho những người tham gia vào công việc phá thai sớm hồi tâm thức tỉnh, can đảm từ bỏ những việc tội lỗi mình đang làm.

Thiên Chúa không bất lực vì Ngài là Đấng chậm bất bình và rất mực khoan dung. Ngài không muốn kẻ tội lỗi phải chết những muốn nó ăn năn sám hối và được sống(Ed 33,11).
Nhưng Ngài sẽ bất lực thật:

• Nếu chúng ta, những người được gọi là con Thiên Chúa cũng thờ ơ, lãnh đạm không đồng cảm và chia sẻ nỗi khổ với Ngài.

• Nếu chúng ta sợ khổ, ngại khó, không dám hy sinh cho Ngài một chút thời gian. Làm một điều gì đó để giảm bớt nạn phá thai.

• Nếu chúng ta hèn nhát, im lặng không dám nói lên sự thật. Không dám mạnh mẽ “NÓI KHÔNG VỚI PHÁ THAI’’.

Như thế là chúng ta đang tiếp tay cho nạn phá thai mỗi ngày một gia tăng, lúc đó có lẽ Thiên Chúa sẽ bất lực thật.

• Giả sử ngày mai là ngày trở lại của Đức Giêsu Kitô liệu rằng Ngài còn nhìn thấy một chút lòng yêu mến nào nơi chúng ta không?

Tin Mừng Chúa nhật III Phục Sinh vừa qua Chúa Giêsu Phục Sinh hỏi Thánh Phêrô 3 lần: “Phêrô, con có yêu mến Ta không?’’ Có lẽ đó cũng là câu hỏi mà hôm nay Chúa cũng hỏi mỗi người chúng ta: “Vinh; Quang; Hùng; Dũng; Lan; Huệ; Cúc; Mai, các con có yêu mến Ta không?’’. Phêrô đã mạnh dạn tuyên xưng và bày tỏ tình yêu của ông trong sự khiêm tốn:

 

“Thưa Thầy, Thầy biết con yêu mến Thầy’’. Còn chúng ta trả lời với Chúa như thế nào đây về tình trạng Nạo Phá Thai đang lan tràn hiện nay. Mỗi người chúng ta hãy tự đặt mình trước nhan thánh Chúa và thân thưa với Chúa: “Lạy Chúa! Chúa biết con yêu mến Chúa. Vậy, Chúa muốn con làm gì?’’.

Mọi sự rồi cũng sẽ qua đi. Chúa Giêsu cũng báo cho chúng ta biết Ngài sẽ trở lại trong vinh quang để xét xử thế gian trong ngày Cánh Chung của toàn nhân loại. Chuyện đó có lẽ còn lâu, nhưng Ngày Cánh Chung Của Mỗi Người chúng ta thì rất gần, có thể hôm nay, ngày mai, ngày mốt…. một tháng, hai tháng…, một năm, hai năm… không ai biết trước được. Bạn và tôi có chuẩn bị tâm hồn để nghinh đón Chúa quang lâm chưa?

Chính Chúa Giêsu cũng đã từng đồng hóa mình với những con người nghèo khổ, bất lực, bị áp bức, bị bỏ rơi …. Ngài xem những người bé nhỏ đó chính thực là hiện thân của Ngài. "Quả thật, Ta bảo các ngươi; những gì các ngươi đã làm hoặc không làm cho một trong các anh em hèn mọn nhất này của Ta là các ngươi đã làm hoặc không làm cho chính Ta" (Mt 25,40 và 45).

Mỗi người chúng ta một ngày nào đó cũng sẽ phải đối diện trước ngày ấy. Liệu lúc đó chúng ta có thể đứng vững trước mặt Con Người.

Tất cả chúng ta đều có thể được Thiên Chúa tha thứ nếu chúng ta biết chạy đến kêu cầu và tín thác vào Lòng Thương Xót của Thiên Chúa!

 

A.P Mặc Trầm Cung & Nt Maria Nguyễn Thị Hồng Quế OP.
*** (Bài thuyết trình có sử dụng một số tư liệu sưu tầm qua sách báo và trên mạng Internet)
1. “The Gift of Life: A Call To Holiness”(Món Quà Của Sự Sống:Lời Mời Gọi Để Nên Thánh) của Bác Sĩ Bryan Thatcher (Anthony Lê dịch)
2. “Giáo Huấn Trong Kinh Thánh Chống Phá Thai’’ của Lm Frank A. Pavon (NVH chuyển Ngữ)
3. “Vạ Tuyệt Thông Tiền Kết Do Tội Phá Thai’’ của Lm. Gioan Bùi Thái Sơn
 

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.