Uncategorized

Thuê bao quí khách gọi

Tháng tư – chính xác là quảng thời gian từ 21.03 đến 20.04 – là tháng của nữ thần Atêna, nữ thần của chiến tranh và chiến thắng, đồng thời cũng là nữ thần của trí tuệ, trí thức và nghệ thuật.

 

Tháng tư – chính xác là quảng thời gian từ 21.03 đến 20.04 – là tháng của nữ thần Atêna, nữ thần của chiến tranh và chiến thắng, đồng thời cũng là nữ thần của trí tuệ, trí thức và nghệ thuật.

 

Người ta nói : những ai sinh vào quãng thời gian này đều được nữ thần Atêna ban cho những phẩm chất như : thông minh, hăng hái, ham thích kiến thức, có năng khiếu nghệ thuật, tinh thông các loại kỹ năng và kỹ xảo nghề nghiệp. Con cháu nữ thần – dân Hy Lạp – lại không có may mắn ấy : quốc khố rỗng tuênh, nợ nần chồng chất, kinh tế trì trệ, thất nghiệp lan tràn, Hy Lạp đang trên bờ vực thẳm khủng hoảng. Cuối cùng, để tránh vết dầu loang và làm nghĩa vụ đối với một quốc gia thành viên, cũng để giữ uy tín, Liên Minh Châu Âu phải đưa ra một khoản tiền khổng lồ 30 tỷ euros cứu trợ Hy Lạp. Nhưng xem ra không mấy người tin rằng số tiền nầy có thể vực dậy một quốc gia bị bệnh trầm kha như là Hy Lạp, mà nguyên nhân của khủng hoảng không phải do cơn bão khủng hoảng tài chính toàn cầu mấy năm nay, cho bằng do yếu kém trong điều hành kinh tế tài chính. Nhưng người dân Hy Lạp lại thấy niềm tin và hy vọng phục hồi,phát triển đất nước từ 20 euros của hai chú bé.

 

Ngày 10.04.2010, đài báo trong và ngoài nước đưa một mẫu tin nhỏ,nhưng đã gây xúc động mãnh liệt không chỉ đất nước Hy Lạp, mà cả toàn thế giới : hai anh em cháu bé Georg 8 và 6 tuổi đã mổ heo nhựa và đem toàn bộ 20 euros tiết kiệm tặng cho chính phủ Hy Lạp. Câu nói đơn sơ,chân thành của hai cháu bé có lẽ khiến nhiều người dân Hy Lạp phải nhìn lại suy nghĩ và hành động của họ trước tổ quốc lâm nguy :”Chúng em không muốn tổ quốc mình bị đem bán”, bởi chúnh phủ quả đã có phương án bán đi vài hòn đảo để trả nợ. Nhiều đốm lửa ích kỷ, vung tay quá trán trong mua sắm và sống xa hoa đế vương của những công dân giàu có vô tâm vô tình trước cảnh suy sụp khốn đốn của đất nước và đồng bào, cộng với yếu kém điều hành quản lý, đã dẫn tới “hoả hoạn” có khả năng thiêu rụi ngôi nhà Hy Lạp. Đốm lửa do hai cháu bé thắp lên, – thay vì bi quan ngồi nguyền rủa bóng tối – trở thành ngọn lửa bùng cháy, soi sáng cả đất nước và mấy chục triệu dân, mấy chục triệu con tim dân chúng Hy lạp, sáng hơn muôn vạn lần ngọn đuốc Olpympic Athènes 2004 – mà chi phí tổ chức lên đến 20 tỷ đô la – , vốn là một trong nhiều nguyên nhân dẫn tới khủng hoảng nợ nần ngày nay cho đất nước thứ 10 gia nhập EU năm 1981 và là nước nghèo nhất trong khối nầy.Trường ca Odyssée khó mà cất lên được, khi còn những người dân Hy Lạp thiếu tình người, không chút lòng yêu nước thương nòi hoặc mất hết tự ái dân tộc, như cố tỷ phú Onassis và đám hậu duệ sống xa hoa trác táng của ông.

 

Lần nữa xin phép gợi lại câu danh ngôn của cố tổng thống Mỹ Kennedy : “Đừng hỏi tổ quốc đã làm gì cho bạn. Đúng hơn hãy hỏi bạn đã làm gì cho tổ quốc”. Không biết từ bao giờ, với rất nhiều Kitô hữu – nếu không muốn nói là đa số – có cùng não trạng với người dân Mỹ vào thời hưng thịnh của nước Mỹ : mọi sự đều ỷ vào nhà nước. Song nếu so sánh với dân Mỹ, thì Kitô hữu còn kém xa, vì sự “ỷ lại”, đòi hỏi và hưởng thụ của họ còn có cơ sở : họ đóng thuế đầy đủ,kể cả “thuế nhà thờ”; trong khi Kitô lại chỉ vin vào một lời Kinh Thánh: “Chuá là đấng chăn dắt tôi, tôi còn thiếu thốn gì” (x. TV 22). Kitô hữu không có gì đóng góp,không có gì thế chấp. Chúng ta trách những người con Cựu Ước bất tín,vô ơn bội nghĩa, chỉ muốn lợi dụng Thiên Chúa cho những mục tiêu vụ lợi: đè bẹp và tiêu diệt quân thù. Không nói ra, nhưng chúng ta không quên mối thù “khinh sư diệt tổ” đã giết chết Chúa Giêsu của họ. Hết chê trách người Do Thái, những người con của Tân Ước “chiếu tướng” dân ngoại, những người vô thần, những người khác niềm tin hoặc khác tuyên tín với chúng ta, quên đi rằng họ chính là đối tượng, mà chúng ta nhận mệnh mệnh yêu mến và đem Tin Mừng Lòng Xót Thương của Chúa đến cho. Chúng ta đòi hỏi nơi Chúa, nơi Giáo Hội phải thế nầy,phải thế khác, mà quên rằng để Giáo Hội nên được “thế nầy, thế khác”, thì đó là trách nhiệm của mỗi Kitô hữu. Nemo dat quod non habet : không ai cho điều gì mình không có. Sự canh tân và biến đổi Giáo Hội khởi đầu nơi cuộc sống mỗi Kitô hữu.

 

Người Trung Quốc có câu : “ Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”. Người Việt Nam nôm na dễ hiểu hơn : “giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”. Việc xây dựng và bảo vệ Giáo Hội không của riêng ai. Rất nhiều tín hữu Công giáo mặc nhiên gán hoặc trút cho Đức giáo hoàng và các giám mục,linh mục nhiệm vụ canh giữ,chiến đấu và xây dựng Hội Thánh, còn bản thân thì khi cần sẽ ‘đóng góp’ lời cầu nguyện. Hãy nhìn lại phản ứng của không ít tín hữu Công giáo thời gian qua, khi Giáo Hội và Đức Thánh Cha phải hứng chịu những cuộc tấn công điên rồ, xuyên tạc và đầy ác ý, chủ yếu nhằm hạ uy tín và bôi nhọ thanh danh của Giáo Hội và của Vị Chủ Chăn hoàn vũ : có những người chưa hề nghe nói đến; có những người nghe câu được câu mất, vì không được thông tin và giải thích; có những người lấy làm xấu hổ vì những tội ác ghê tởm do nhiều linh mục phạm. Đã có nhiều Kitô hữu mất đức tin. Đã có những cảnh “ các chức sắc Giáo Hội ” trống đánh xuôi,kèn thổi ngược”, đã không giúp gì cho Đức Thánh Cha, lại còn làm cho Người thêm vất vả chống đỡ. Đã có những Kitô hữu thuộc đủ phẩm trật “té nước theo mưa”, công kích Đức Thánh Cha và Giáo Hội. Không có gì làm cho Satan và những thế lực vô thần xấu xa vui sướng hơn,là cảnh tượng chúng gây ra được trong những năm gần đây và nhất là trong thời gian vừa qua. Giáo Hội và Đức Thánh Cha quay về hướng con cái, để xin lên tiếng bênh vực chân lý : THUÊ BAO [GIÁO HỘI GỌI] – những người đã nhận lãnh Bí Tích Thánh Tẩy – NGOÀI VÙNG PHỦ SÓNG. Ngoài một số không nhiều các giới chức cao cấp Giáo Hội, thì phản ứng vô cùng thận trọng của hàng giáo phẩm và hàng giáo sĩ, có lẽ khiến Đức Thánh Cha chua xót hơn cả những đòn thù của Satan và các thế lực truyền thông xấu xa. Các Vị không hoàn toàn tin Giám Mục Rôma. Các Vị muốn nắm vững thông tin về nhiều thời kỳ phục vụ Giáo Hội của linh mục,rồi giám mục,hồng y Joseph Ratzinger và Giáo Hoàng Biển-Đức XVI, trước khi đưa ra quyết định ủng hộ hay im lặng (nghĩa là đồng tình với Satan và những kẻ thù Giáo Hội) : Các Vị cần thì giờ thẩm định tư cách, đạo đức,ứng xử của Vị Cha Chung. May mà chưa giống như Hans Kung “đấu tố” 10 “tội” của Đức Gioan-Phalô II. Giáo Hội và Đức Thánh Cha lên tiếng kêu gọi THỐNG HỐI, cầu nguyện, xin tha thứ và xin chữa lành. Không ít người nghĩ là Đức giáo tông thật sự đã có tội! Đáp lại, từ khắp nơi, ngoài sự im lặng rơn người, sự im lặng của một chiến trường khi ngớt tiếng súng, sự im lặng của bải tha ma vào giờ hạ huyệt, của cảnh tượng thê lương mà Victor Hugo mô tả trong bài hơ bất hủ “Waterloo”, người ta như vẳng nghe : THUÊ BAO QUÝ KHÁCH GỌI,HIỆN KHÔNG LIÊN LẠC ĐƯỢC. Không biết đến bao giờ thì tín hữu Công giáo sẽ mở máy và trả lời, hoặc chí ít thì cũng nghe đọc tin nhắn.

 

Chúa “hơi bị” lạc quan đấy! Từ khi Chúa nói: “ Chiên của Ta thì nghe tiếng Ta. Ta biết chúng và chúng theo Ta” (Ga 10,27), phỏng có được bao nhiêu phần trăm thật sự nghe tiếng Chúa và đi theo Chúa? Chúa như tổng đài, không ngừng gửi đi tin nhắn yêu thương,hiệp nhất đến tất cả mọi tín hữu, mong muốn ban ơn cứu độ và nhiều ơn phúc lành cho hết mọi người, – không chỉ là những chiêu “khuyến mãi” – nhưng đáp lại, đa phần chỉ là sự lãnh đạm, vô ơn, như khán giả bàng quan đứng nhìn các bên giao đấu. Giáo Hội Chúa hay Đức Thánh Cha có u đầu mẻ trán hoặc bị thương tích nặng nề, thậm chí có bị hạ đo ván, thì giống như cách nói vẫn thường nghe :”mackeno” (mặc kệ nó). Cùng lắm cũng chỉ làm cử chỉ bùi ngùi thương hại. Và dù Chúa có “redial” nhiều lần, liên tục, suốt đời, thì con e rằng Chúa chỉ làm người ta khó chịu, vì bị quấy rầy, và vẫn chỉ xót xa nghe câu máy móc : “Thuê bao qúy khách gọi, hiện không liên lạc được. Xin vui lòng gọi lại”.

 

Ngạn ngữ Châu Phi có câu : một cây bị đổ gây tiếng ồn hơn cả khu rừng đang mọc. Cây mọc tốt tươi sẽ làm cho khu rừng Giáo Hội xanh đẹp,phủ bóng mát cho thế gian, lấp kín sự ngã đổ cay đắng của một số cây lớn, cho dù tiếng ồn và vết hằn những cây mục nát nầy, lúc gãy đổ có gây ra đến đâu. Niềm tin ấy, hy vọng ấy, xin Chúa Mục Tử Nhân Lành củng cố trong lòng Dân Chúa. Không phải “sau cơn mưa trời sẽ sáng”, mà ánh sáng vẫn huy hoàng rực rỡ ngay trong phong ba bão táp, xua tan bóng tối tội lỗi và sự dữ: Ánh Sáng Phục Sinh.

 

 

CVK Nguyễn Thế Bài

 

HÃY HÁT LỜI TÌNH YÊU – THÁNH VỊNH 46

CÁC DÂN TỘC KHẮP VŨ HOÀN…

Hãy vỗ tay, hỡi các dân tộc khắp vũ hoàn.Chúa ngự lên giữa tiếng hò reo.
Chúa ngự lên giữa tiếng kèn vang.

“Thiên Chúa muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý “ (1 Tm 2,4).

Cái nhìn tạo dựng được mở rộng ra khắp hoàn vũ, thể hiện trong sự mở rộng phổ quát cái nhìn cứu chuộc, buộc tất cả những ai ở trong Chúa Kitô,phải không ngừng phá đổ những rào cản không ngừng được dựng lên trong họ, khiến cho phạm vi bác ái, lời cầu nguyện và ước muốn làm tông đồ của họ bị giới hạn. Xin cho thánh ý Thiên Chúa được thể hiện “dưới đất cũng như trên trời”, nghĩa là không giới hạn,không hạn chế. “Không còn chuyện phân biệt Do Thái hay Hy Lạp,nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà,nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Chúa Kitô” (Gal 3,28).Ai có thể nghĩ rằng mình không nhất thiết phải làm cho tâm hồn mình quen với những tầm nhìn không giới hạn nầy, vốn kêu gọi biết bao kính trọng và nhiệt tâm? Hình ảnh Chúa Kitô về lại trời, mà người ta có thể gợi lên qua một chữ của Thánh Vịnh nầy, tượng trưng cho sự mở rộng ra không giới hạn LÒNG NHÂN TỪ của Đức Chúa, tương ứng với lời ủy thác được ban ra vào giờ ra đi :”Hãy đi khắp thế gian…Hãy làm cho mọi dân nước thành môn đệ”. Hãy làm cho tâm hồn chúng ta quen với những lời mà Giáo Hội yêu mến nầy, những lời có thể làm cho chúng ta dần dà có được một tâm hồn “huynh đệ phổ quát”.
 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.