Trần Mỹ Duyệt
Biến cố giáng sinh của Chúa Giêsu ở Belem (Bethlehem) được trình thuật trong Phúc Âm của Mátthêu và Luca: “Và bà hạ sinh một con trai. Bà quấn con trong khăn và đặt trong một máng cỏ, bởi vì không có phòng trọ cho họ.” (Luca 2:7). Theo truyền thống, Hài Nhi Giêsu được sinh ra trong một chuồng nuôi súc vật ngoài thành Belem thuộc miền đồi núi Giuđêa, khoảng 10 Km phía Nam thành Giêrusalem, Bờ Tây (the West Bank) của Palestine.
Nơi Chúa Giêsu sinh ra đã trở nên một nơi rất thánh, và cũng là nơi ghi dấu sự khởi đầu của kỷ nguyên Kitô Giáo. Chiếc lều tranh vách lá là chuồng của thú nuôi nay không còn nữa. Không còn một hình bóng gì giống với những điều mà các Thánh Ký đã tả lại trong Phúc Âm, nhưng được thay thế bằng một vương cung thánh đường nguy nga.
Ngôi thánh đường đầu tiên do Constantine Đại Đế xây ngay sau khi thái hậu ông là Helena viếng thăm Giêrusalem và Belem từ năm 325-326, trên nơi được cho rằng Chúa Giêsu đã sinh ra, và được thánh hiến ngày 31 tháng Năm 339. Nó đã bị hỏa thiêu có thể năm 529 trong thời gian những cuộc khởi nghĩa trong miền Palaestina chống lại Hoàng Đế Byzantine (c. 484-573). Một ngôi thánh đường mới được xây ít năm sau do Byzantine Hoàng Đế Justinian (r.527-565). Vương Cung Thánh Đường Giáng Sinh này từ sau khi Justinian tái thiết đã được trùng tu, thêm bớt và sửa chữa nhiều trong thời gian Thập Tự Chinh. Năm 2012, Vương Cung Thánh Đường đã được ghi nhận là Di Sản Thế Giới, và là lần đầu tiên được UNESCO công nhận ở Palestine sau bao thế kỷ.
Trên nền thánh đường nơi Chúa Giêsu sinh ra được ghi dấu bằng một ngôi sao bạc. Ngôi sao có 14 cánh tượng trưng cho 14 đời của mỗi giai đoạn lịch sử giáng trần của Chúa Giêsu Cứu Thế như đã được tường thuật qua gia phả của Ngài trong Phúc Âm của Mátthêu: Từ Abraham đến Đavít; từ Đavít đến dân Do Thái bị lưu đày sang Babylon; và từ thờ kỳ lưu đày Babylon đến Chúa Giêsu (1:17). Trên ngôi sao có khắc những dòng chữ bằng tiếng Latin: “HIC DE VIRGINE MARIA JESUS CHRISTUS NATUS EST” – Nơi đây Chúa Giêsu Cứu Thế đã được hạ sinh bởi Đức Trinh Nữ Maria. Ngôi sao nguyên thủy đã bị đánh cắp vào tháng 10 năm 1847 bởi một nhóm tu sỹ Hy Lạp. Ngôi sao hiện nay là ngôi sao được làm lại để thay thế ngôi sao nguyên thủy.
Máng cỏ (manger) năm xưa nơi dùng để chứa thức ăn nuôi chiên bò cũng không còn, ngoại trừ một miếng gỗ nhỏ được cho là từ máng cỏ vẫn được tôn kính tại Vương Cung Thánh Đường Santa Maria Maggiore ở Rome.
Từ Cánh Đồng Chiên, nơi các mục đồng chăn chiên nghỉ đêm đến Belem khoảng chừng 2 Km. Được thiên thần đánh thức, báo tin mừng Chúa Cứu Thế giáng trần, họ đã vui mừng đến đó, và theo Thánh Kinh ghi lại: “Họ đã thấy Maria và Giuse và hài nhi nằm trong máng cỏ.” (Luca 2:8-20)
Toàn thể bối cảnh Giáng Sinh, như một lời mời của Thiên Chúa đối với con người qua các thế hệ về tương quan giữa Mầu Nhiệm Nhập Thể và Mầu Nhiệm Thánh Thể. Belem nơi mà tổ tiên của Chúa Giêsu là Đavít được sinh ra có nghĩa là “nhà bánh” hay “lò bánh”. Máng cỏ nơi Chúa Hài Nhi nằm, chữ này xuất phát từ Latin “manducare” có nghĩa là ăn hoặc nhai. Giữa Belem và máng cỏ có một liên quan mật thiết với nhau, mang ý nghĩa liêng thiêng thật lạ lùng. Nó chính là lời mời gọi của Thiên Chúa dành cho nhân loại đang đói lả trên đường về quê trời. Hãy đến mà ăn bánh. Bánh gì? Bánh ban sự sống: “Ta là bánh hằng sống. Ai đến với Ta sẽ không bao giờ đói, và ai tin vào Ta sẽ không bao giờ khát,” (Gioan 6:35). Bánh bởi trời xuống. Bánh được làm bằng thịt và máu Con Thiên Chúa, Đấng được Mẹ Maria đặt nằm trong máng cỏ: “Ta là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ sống muôn đời. Và bánh ta ban cho thế gian được sống là Thịt ta.” (Gioan 6:51) Tất cả đều là những hình ảnh thân thuộc, ấm áp về Hài Nhi Giêsu khi xưa nơi máng cỏ, trong hang bò lừa ngoài thành Belem. Và đó cũng là mục đích mà Ngài đã nhập thể và giáng trần.
Trong những ngày này, quanh chúng ta xuất hiện nhiều hình ảnh về Giáng Sinh. Tiếng nhạc Giáng Sinh vọng ngân réo rắt đó đây. Các mặt hàng Giáng Sinh được trang hoàng, bày bán khắp nơi. Nhiều gia đình, nhiều quảng trường, nhiều thánh đường đang trưng bày hang đá, những hang đá muôn hình, muôn kiểu, được trang trí đẹp đẽ, lộng lẫy, bằng trăm, ngàn bóng đèn huyền ảo. Chúa Giêsu Hài Đồng đang nằm đó trong những chiếc máng cỏ thơm tho. Chung quanh có Mẹ Maria, Thánh Giuse, ba vua, các mục đồng, chiên bò quỳ thờ lạy. Nhưng có bao nhiêu người nghĩ đến tấm bánh, lò bánh tinh thần là Chúa Giêsu Thánh Thể trong các nhà tạm? Liệu những hình ảnh này có đem họ đến gần Ngài, thúc đẩy họ rước Ngài vào lòng, hay cũng chỉ là những chủ nhà trọ lạnh lùng, vô cảm năm xưa xua đuổi Thánh Gia, vì “không còn chỗ trong nhà trọ” (Luca 2:7). Có nghĩa là tâm hồn họ không sẵn sàng đón rước Ngài.
Giáng Sinh về, quỳ trước máng cỏ bên trong thánh đường, lòng tôi hân hoan nhớ lại diễm phúc mà năm xưa đã được quỳ gối cạnh Ngôi Sao Giáng Sinh trong Vương Cung Thánh Đường Giáng Sinh, nơi chính Chúa Giêsu đã hạ sinh làm người để trở thành Emmanuel – Thiên Chúa ở cùng chúng tôi. Lúc đó cũng như bây giờ, tim tôi không ngừng thổn thức vì lời mời gọi của Ngài, nhắc nhở tôi đến ăn bánh của lò bánh Belem năm xưa. Bánh từ trời xuống, làm bằng Thịt và Máu Đức Kitô, Ngôi Hai Thiên Chúa đã nhập thể và giáng trần. Bánh mang lại cho tôi sự sống vĩnh hằng. “Lạy Chúa xin ban cho con bánh đó luôn mãi.” (Gioan 6:34) Và con cũng cám ơn Đức Trinh Nữ Maria, người đã ban cho con bánh này.
Views: 0