Giáo hội đã nhận được nhiều lời chỉ dẫn, nhiều khuyến dụ, lên quan đến những tai tiếng về lạm dụng tình dục.
Tuy nhiên, chỉ có hai chọn lựa đích thực: Giáo hội hoặc có thể trở thành nhiều tính Công giáo hơn, hoặc ít tính Công giáo hơn.
Nhiều lời bình luận nghiêng về tiến độ thứ hai. Nếu Giáo hội Công giáo chọn lựa để trở thành ít tính Công giáo hơn một cách rõ rệt – tức là bắt đầu giảng dậy ngược lại với những gì đã dậy, cho điều giả là thật, đổi thay các hành động truyền thống, chấp nhận các hình thức dân chủ trong cách quản trị — Giáo hội sẽ sửa chữa được nỗi khó khăn. Mặc dầu ít khi được nói toạc ra, nhưng lời khuyên như thế chẳng khác gì hơn là bảo người Công giáo hãy trở thành giống như người Tin Lành.
Thay thế vào đó là lời khuyến cáo Giáo hội hãy trở thành một thực thể trọn vẹn hơn, đầy đủ hơn vai trò đã từng làm – tức là làm người giảng thuyết, người mẹ, người trung gian, người cai trị. Những tai tiếng về lạm dụng tính dục là hậu quả gây ra do sự bất trung của Giáo hội đối với chính căn tính và sứ vụ của mình. Do đó đòi hỏi sự đáp ứng là Giáo hội phải Công giáo hơn, chứ không kém đi.
Hiển nhiên đó là trường hợp đối với những kẻ thủ phạm gây ra sự lạm dụng tính dục. Tội lỗi, nhất là tội trọng và hành động phạm pháp như thế, là sự phản bội các ơn ban của phép thanh tẩy và truyền chức thánh. Tuy vậy, những vụ tai tiếng cũng đã nhiều phần là do sự thất bại trong việc quản trị và giám sát; chính do tiếng Hy lạp “người giám thị” mà chúng ta có từ ngữ “giám mục”.
Vào những năm 1960, rất giống như xã hội lúc đó và sau Công đồng Vatican II, Giáo hội đơn thuần đã buông lơi cuộc sống kỷ luật của mình. Sự bất đồng ý kiến về tín lý đã không được sửa dậy, mà lại thường được ngợi khen. Các lạm dụng trong phụng tự, khi nhỏ nhặt cũng như lúc phạm thánh trầm trọng, lại cũng được khoan dung. Các giám mục đơn thuần đã ngưng không xét hỏi về đời sống tu trì khổ hạnh, cầu nguyện và thánh đức của hàng linh mục. Người không Công giáo thường thấy hình ảnh Giáo hội như là một tổ chức không ngừng hữu hiệu với một hệ thống điều hành đáng làm cho cả các lực lượng quân sự cũng phải tị hiềm. Thế nhưng thực tế đối với hầu hết những năm 1960 đến thập niên 1980 lại trái ngược. Một linh mục có thể giảng dậy điều lạc giáo, tầm thường hóa Thánh Lễ, phá hủy lòng đạo đức của giáo dân mà không phải đương đầu với hậu quả nào. Vì những người giám thị đã quyết tâm bỏ qua hết. Thế nên, chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi các cáo buộc về những tội ác phản luân lý xuất hiện đã được giải quyết một các không thỏa đáng, chẳng phải vậy sao?
Đức giáo hoàng Benedict, trong lá thư với lời lẽ bộc trực gửi cho tín hữu Công giáo Ái nhĩ lan tuần qua đã viết rằng các giám mục đã, có những lúc nghiêm trọng, không áp dụng các quy định lâu đời của giáo luật đối với tội ác lạm dụng trẻ em. “Quá nhiều giám mục đã không có tính chất Công giáo đủ. Chẳng hạn, các ngài đã không theo sự hướng dẫn rõ rệt của Bộ Giáo luật năm 1983 qui định rằng giáo sĩ khi phạm tội về tính dục đối với một vị thành niên phải bị trừng phạt đích đáng, không loại trừ cả trường hợp phải bị loại bỏ khỏi tư thế giáo sĩ nếu vụ việc đòi hỏi như thế.”
Một nền văn hóa lỏng lẻo đã ảnh hưởng trên các giám mục đến độ sức mạnh kỷ luật giống như những bắp thịt đã teo tóp lại một cách tai hại. Chẳng phải các vị đó không còn như những người cai trị cảnh giác về mọi phương diện, nhưng mà quá khoan dung với những vụ lạm dụng tính dục. Lòng khoan dung đã xuất hiện trong các vụ lạm dụng đủ loại. Nền văn hóa của giáo sĩ đã trở thành quá tự do phóng túng đến độ cả những nỗ lực khiêm tốn trong việc áp dụng kỷ luật tín lý cũng đã bị nhiều người chế nhạo – chúng ta còn không quên rằng giới báo chí cấp tiến, bên trong và bên ngoài Giáo hội, đã gọi Joseph Ratzinger là con Chó Săn của Chúa đó ư?
Nhiệm vụ lớn lao của Tòa thánh lúc đó là tái tạo lại sức mạnh của kỷ luật. Về tín lý, một cuốn giáo lý phổ thông hoàn vũ đã được ban hành năm 1992 để giải thích rõ ràng các giảng huấn chính thống của Giáo hội. Về phụng vụ, chỉ thị tiếp theo từng chỉ thị, đã tuyên bố rằng cái thời đại với những sáng kiến không ngừng tự phát huy đã chấm dứt. Tòa thánh cố gắng kiểm soát công việc phiên dịch bản văn Thánh lễ khỏi tay các hội đồng giám mục, vì thấy một sự thất bại suốt ba thập niên với những bản dịch tẻ nhạt về tu từ, thiếu minh bạch về thần học và không trung thực về ngôn ngữ.
Còn về vấn đề lạm dụng tính dục? Vào cuối thập niên 1990, Hồng y Ratzinger đã tung ra một cuộc duyệt xét xem các vụ như thế đã được giải quyết ra sao. Năm 2001, ngài và Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II đã mất cả nhẫn nại. Điều đáng ghi nhận: năm đó là thời gian trước khi nổ ra những vụ tai tiếng ở Mỹ vào năm 2002 – các giám mục địa phương được cho biết là họ không còn được giải quyết những vụ như thế về phương diện giáo luật nữa theo thẩm quyền của mình. Mọi vụ lạm dụng tính dục phải tường trình về Rome. Tuổi thành niên được nâng từ 16 lên 18, tình trạng hạn chế được kéo dài và thường được nâng lên cao, cũng như việc loại bỏ khỏi tác vụ linh mục được cho phép tiến hành mau chóng hơn. Trong trường hợp nếu các giám mục địa phương không quản trị được thì Tòa thánh sẽ trực tiếp can thiệp.
Cũng giống như tín lý và phụng tự, nỗ lực này là để tạo ra một sự đổi thay về văn hóa – chính xác ra là vì các luật lệ hiện hữu tỏ ra vô hiệu trong một nền văn hóa lỏng lẻo. Phải mất nhiều thời gian mới có thể đổi thay một nền văn hóa, nhưng sự thay đổi về văn hóa trong Giáo hội có hình dạng như thế nào?
Từ năm 2001, Rome đã cứu xét khoảng chừng 3000 vụ, lui ngược về cả nửa thế kỷ hoặc lâu hơn nữa. Các giám mục Canada là những người đi tiên phong: ngay từ năm 1989 đã hiện hữu những quy chế khắt khe. Một quy tắc hiện hành của Tổng giáo phận Toroto đòi hỏi phải báo cáo vụ lạm dụng tính dục cho giới chức trách dân sự trong vòng một tiếng đồng hồ. Mới tuần trước, bề trên của tôi đã gửi một lá thư cho một giáo phận nơi tôi có ý định tới thăm, chứng nhận tình trạng của tôi – gồm có kết quả kiểm tra về tội phạm, tính trung trực và lành mạnh về luân lý. Điều như thế nay trở thành công việc thường xuyên.
Hôm thứ ba vừa qua, các giám mục Hoa kỳ đã công bố bản kiểm toán hàng năm trên toàn quốc về tất cả những cáo buộc xảy ra năm ngoái. Bản tường trình cho biết năm trước đã có 398 vụ thưa gửi mới, chưa được chứng minh, trong toàn cõi Hoa kỳ. Trong số này có 6 vụ liên quan đến vị thành niên hiện giờ, còn tất cả các vụ khác đều xảy ra từ lâu nay mới được tường trình thưa gửi. Trên 70% những người vi phạm bị thưa kiện nay đã qua đời, đã bị chấm dứt sứ vụ hoặc không còn trong hàng linh mục. Trong một Giáo hội có tới hơn 50 triệu người Công giáo, những người hành động gây hấn đã nhìn thấy vấn đề giảm xuống chỉ còn 6 vụ thưa kiện chưa được chứng minh về chuyện lạm dụng đang xảy ra. Như thế chẳng có gì đáng phải làm ầm ĩ.
Chuyện còn tồn đọng gây ra bởi tội lỗi, nhuốc hổ và giấu giếm trong quá khứ vẫn còn là những điều phải giải quyết. Sẽ cần có một khoảng thời gian. Nỗi đau của các nạn nhân kéo dài, sự nhuốc hổ của Giáo hội vẫn còn. Hành động từ bỏ kỷ luật trong Giáo hội đã gây ra hậu quả khủng khiếp. Tuy vậy, chậm rãi với thời gian, chúng ta sẽ trở thành Công giáo hơn và hồi phục lại được những năm tháng mà cào cào châu chấu đã gặm nhấm mất.
Phụng Nghi
Views: 0