Sau Chúa nhật Phục Sinh, Giáo Hội lại muốn giúp con cái mình tiến vào kho tàng Tình Yêu của Thiên Chúa bằng cách chiêm ngưỡng Lòng Chúa Xót Thương con người như thế nào. Và làm cách nào con người có thể đáp lại tình yêu thương ấy.
Gioan đã ghi nhận một điều hết sức cảm động xẩy ra trên đồi Golgotha sau khi Chúa Giêsu đã chết. Ông chứng kiến một tên lính lấy lưỡi đòng đâm thủng trái tim Chúa: “Bấy giờ một tên lính đâm thủng cạnh sườn Người, tức thì máu cùng nước chảy ra” (Gioan 19:34).
Cạnh sườn Chúa bị đâm thâu qua, máu và nước chảy ra từ trái tim Chúa như một ân huệ cuối cùng mà Ngài có thể ban cho nhân loại. Một ân huệ tình yêu phát xuất từ trái tim đã từng thao thức trước đó vì phần rỗi và vì yêu thương con người: “Không ai có tình yêu cao cả hơn kẻ thí mạng sống mình vì người mình yêu” (Gioan 15:13). Chúa Giêsu đã thí mạng mình, và kể cả sau khi mạng sống ấy bị lấy đi, Ngài còn làm thêm một việc trao tặng cuối cùng, dù là những giọt nước và máu còn sót lại trong trái tim. Xem ra nếu không cho đi tất cả những gì cuối cùng còn lại ấy, Chúa chưa thỏa lòng với tình yêu và sự trao tặng của mình. Ngài phải cho đi và cho đi tất cả. Cho đi và không giữ lại bất cứ điều gì. Ðọc Thánh Kinh trong suy niệm và cầu nguyện, ta còn thấy một điểm nữa, đó là cả thân xác sau khi đã bị đóng đanh và bị đâm thâu, Ngài cũng không giữ lại. Giuse người Arima đã xin được xác ấy, và đã mai táng trong mồ đá.
Trong cách diễn tả tình yêu của tâm lý học, điều được coi là quan trọng nhất, rõ ràng nhất, và thực tế nhất để nói lên tiếng yêu là sự hy sinh. Không hy sinh, không quên mình, không cho đi thì không thể nói tiếng yêu. Và người nào đó được yêu trong tình trạng ấy cũng sẽ nhận ra cái giả dối, nhất thời và hời hợt của tình yêu mà họ đang có. Nhưng yêu cho đến chết và chết trên thập giá như tình yêu của Giêsu đã yêu và đã làm, thì chỉ có Thiên Chúa mới dám nghĩ tới và mới có thể làm được.
Quan sát và suy niệm về mối tình Thiên Chúa dành cho con người, ta thấy tất cả những yêu sách của tình yêu từ nhỏ mọn nhất đến gắt gao nhất, Ngài cũng đã làm hết chỉ với một mục đích là minh chứng rằng Ngài yêu thương con người:
– Nên giống người yêu: Ðể nên giống với con người, Con Thiên Chúa đã từ trời xuống thế, mặc xác phàm, mang lấy thân phận con người. Ngài đã trở nên “Emmanuel”, và theo Phaolô, Ngài đã nên giống hoàn toàn như con người, ngoại trừ tội lỗi.
– Gần gũi, thân mật với người yêu: Trong 3 năm rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu đã ăn, uống, và chia sẻ tận cùng với các Tông Ðồ, các môn đệ, và tất cả những ai đã theo Ngài. Khi các Tông Ðồ chưa nghĩ đến việc đoàn lũ dân chúng sẽ bị đói lả trên đường về, thì chính Ngài đã đề nghị các ông hãy lo cho họ ăn, vì Ngài sợ họ sẽ bị đói lả dọc đường. Ngài đã cảm động với tất cả số phận yếu đuối của con người, và đã tha cho thiếu phụ ngoại tình, cũng như đã ôm lấy người con hoang đàng (qua hình ảnh người cha nhân hậu).
– Mong điều tốt đẹp cho người yêu: Trong Tin Mừng, bao lần Ngài đã đề cập đến sứ mạng cứu đời của mình. Ðiều mà Ngài mong cho con người là hạnh phúc trường sinh và sự bình an tâm hồn. Vừa từ trời xuống, Ngài đã sai các thiên sứ loan báo Tin Vui, và gửi lời chào bình an cho nhân loại: “Vinh danh Chúa cả trên trời. Bình an dưới thế cho người thiện tâm” (Luca 2:14).
– Nên một với người yêu: Trong tình yêu hôn nhân, sự mật thiết nên một được diễn tả qua hành động trao đổi tình dục. Trong giây phút hiệp nhất ấy, hai thân xác trở thành một, hai tâm hồn cùng một cảm nhận. Họ yêu nhau và trao tặng nhau. Trong tình yêu Thiên Chúa, giây phút nên một ấy là lúc con người đến với Chúa Giêsu Thánh Thể. Khi đón nhận Mình và Máu Thánh Ngài, Chúa Giêsu không những nên một với con người, mà hơn thế, Ngài cho phép con người trở nên một với Ngài. Một sự hiệp nhất, hòa tan còn hơn sự kết hợp vợ chồng qua tác động sinh lý.
– Hy sinh vì yêu: Hy sinh là cao điểm nhất của bậc thang đo lường tình yêu. Ðối với Chúa Giêsu, sự hy sinh ấy đã được thể hiện qua cuộc Khổ Nạn. Thập giá đã trở nên dấu chứng tình yêu Thiên Chúa. Không có thập giá, Thiên Chúa đã không hoàn tất giao ước với con người. Không có ơn Cứu Ðộ, và con người sẽ mãi mãi nằm trong vòng u minh của tội lỗi. Chúa đã chết đi để con người được sống.
Thiên Chúa đã thỏa mãn nhưng yêu sách tình yêu của Ngài. Phần con người thì sao? Xem như nhân loại vẫn không nhận ra tình yêu ấy. Vẫn xa lìa tình yêu ấy. Giận hờn, thù ghét, và bóng tối hỏa ngục vẫn đang xâm chiếm tâm hồn, và chế ngự cuộc đời của nhiều người. Hãy nhìn vào những vũ khí hủy diệt hàng loạt mà con người đang phát minh để tự hủy diệt. Những vụ khủng bố trên trời, trên biển, và trên mặt đất. Những vụ phá thai, giết chết hàng chục triệu thai nhi mỗi năm. Những xâm phạm tình dục trẻ em. Những cuộc buôn bán và dụ dỗ con người vào con đường trụy lạc… Tất cả đang làm băng giá lương tâm và trái tim của nhiều người khiến họ không nhìn ra tình yêu của Thiên Chúa.
Khi Chúa Giêsu để trái tim Ngài bị đâm thâu, tức là Ngài muốn mở tung cánh cửa để con người có thể đi vào Mầu Nhiệm Tình Yêu của Thiên Chúa. Ngài như muốn nói với con người:
“Mầu nhiệm nước trời đã được ta rao giảng cho các ngươi khi ta còn sống. Bây giờ ta mở luôn cánh cửa của Mầu Nhiệm Tình Yêu để các ngươi hiểu được Thiên Chúa yêu thương con người như thế nào. Ta không muốn ba năm trời dong duổi trên hành trình truyền giáo, những trận đòn nhừ tử, những nhục nhã ê chề, và cả cái chết nhuốc khổ, đớn đau trên thập giá của ta trở thành vô ích cho các ngươi. Vậy hãy tiến vào Mầu Nhiệm Yêu Thương ấy và hãy mở rộng con tim các ngươi để tình yêu Thiên Chúa tràn ngập tâm hồn các ngươi. Vì tình yêu chỉ có thể đáp trả bằng tình yêu. Rồi tình yêu sẽ dạy cho các ngươi biết phải sống như thế nào, và phải làm gì…”
Views: 0