SỐNG TIN MỪNG

Lớn hay nhỏ trong nước trời

Suy niệm và sống Tin mừng (Mc 10: 35-45)

Trần Mỹ Duyệt

 

Theo Chúa, hy sinh vì Chúa, và phục vụ Chúa kết quả để được gì? Đây không phải chỉ là câu hỏi mà mọi người chúng ta đôi lúc bị cám dỗ nghĩ tới. Các thánh nhân, ngay cả các Tông Đồ cũng bị cám dỗ này làm lung lay. Điển hình là Phêrô, sau một thời gian theo Chúa, ông đã chẳng thấy tương lai gì nên thẳng thắn hỏi Chúa: “Lạy Thầy chúng tôi đã bỏ mọi sự mà theo Thầy, chúng tôi sẽ được gì?” (Mt 19:27). Hôm nay đến lượt anh em Giacôbê và Gioan. Hai ông lần này còn nói rõ là muốn được ngồi hai bên tả hữu Chúa: “Xin cho chúng con một người ngồi bên hữu, một người ngồi bên tả Thầy trong vinh quang của Thầy”. (Mc 10:36). Và nếu chúng ta để ý thì còn biết thêm rằng, chính mẹ của hai ông này cũng đã có lần xin với Chúa Giêsu để hai con bà một được ngồi bên tả, một được ngồi bên hữu Ngài (Mt 20:20-21).

Câu chuyện xin xỏ như vậy tưởng rồi cũng qua đi vì Chúa Giêsu đã không hứa cho ai trong hai ông được ngồi bên tả hay bên hữu Ngài. Ngược lại, Ngài còn nói với hai ông rằng đau khổ, hy sinh và cả đến sự chết sẽ theo hai ông nếu như hai ông muốn đi theo làm môn đệ Ngài. Ngài hỏi hai ông: “Các con có thể uống chén Thầy sắp uống và chịu cùng một phép rửa Thầy sắp chịu không?” (Mc 10:38). Tuy nhiên, đối với các Tông Đồ khác, thái độ của hai ông đã làm họ khó chịu. Bởi vì, dù không nói ra, ai trong các ông cũng muốn được Thầy mình để ý. Ai trong các ông cũng muốn mình được làm lớn, có địa vị cao hơn. Nơi khác Thánh Kinh kể dù đang lúc Chúa Giêsu nói với các ông về cuộc thương khó của Ngài, các ông vẫn: “tranh luận với nhau xem ai là người lớn nhất.” (Lc 9:46).

Bài học Phúc Âm hôm nay để lại cho chúng ta một suy nghĩ hết sức quan trọng trong đời sống của người Kitô hữu, đời sống của người môn đệ Chúa. Thực tế, chúng ta cũng không hơn gì các Tông Đồ khi xưa, chúng ta cũng muốn có được một cái gì đó trong khi theo Chúa. Không xin Chúa cho được ngồi hai bên tả hữu, nhưng mỗi lần nghĩ đến ơn gọi, nghĩ đến những hy sinh, vất vả vì Chúa, những đóng góp tinh thần hay vật chất cho những sinh hoạt tông đồ, bác ái, trong lòng chúng ta cũng nổi lên những ý nghĩ rằng Chúa chắc phải biết con đang cần gì và như thế nào! Đôi khi còn quỳ gối lâu giờ trước Thánh Thể, lần hạt nhiều lần trong ngày, hành hương nơi này, nơi khác, hoặc dấn thân hăng say vào những sinh hoạt cộng đoàn, giáo xứ như một hình thức đánh bóng chính mình để Chúa nhìn đến chúng ta.

Trong những lúc như vậy, chúng ta như quên mất lời Chúa đã hỏi anh em Giacôbê và Gioan: “Các con có thể uống chén Thầy sắp uống và chịu cùng một phép rửa Thầy sắp chịu không?” (Mc 10:38). Có lẽ vì không hiểu thế nào là “lớn” và thế nào là “bé” trên nước trời, trong vinh quang Thiên Chúa. Hoặc cũng có thể vì không biết thế nào là chén Thầy sắp uống, thế nào là phép rửa Thầy sắp chịu, nên giống như hai Tông Đồ xưa, chúng ta đã thưa “được” với Ngài, cốt chỉ để được làm lớn, được trở nên nhất trong nước Chúa, được ngồi hai bên tả hữu Ngài.

Cám ơn Thánh Nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu, nhờ chị mà chúng ta đã hiểu phần nào về hai chữ lớn, nhỏ trong nước trời. Đó là ở trên đó, lòng mến và hạnh phúc được ở bên Chúa sẽ làm cho tâm hồn tất cả mọi thần thánh được hoan lạc, vui mừng. Không ai phân bì ai, không ai dòm ngó ai, và không ai so sánh với ai. Bởi vì khi còn sống ở trần gian, nếu chúng ta yêu Chúa bao nhiêu, hy sinh vì Ngài bao nhiêu, thì trên trời ta sẽ nhận lại bấy nhiêu. Đó là thước đo hơn thua của các thánh nhân, của nước trời. Và đó cũng là lý do tại sao, Chúa Giêsu lại nói với các Tông Đồ: “Ai trong các con muốn làm lớn, thì hãy tự làm đầy tớ anh em. Và ai muốn thành người cầm đầu trong các con, thì hãy tự làm nô lệ cho mọi người. (Mc 10:43-44)

Tóm lại, làm lớn hay nhỏ trong nước trời không quan trọng, nhưng yêu Chúa nhiều hay yêu Chúa ít mới là điều chúng ta cần phải suy nghĩ.

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.

Có 1 ý kiến độc giả

  • Cám ơn anh cho đọc bài này để suy gẫm. Thật là thực tế trong đời những tín hữu theo Thầy như chúng ta.
    Xin Chúa cho anh luôn có sức khỏe để phục vụ Ngài và sống hạnh phúc như Chúa muốn.
    Kính mến
    Ng Ng

Góp ý kiến