Trần Mỹ Duyệt
Maria Magdalena (Maria Mađalêna hay còn được gọi là Maria Mai-đệ-Liên) là một trong các nữ môn đệ của Chúa Giêsu. Bà được Ngài chữa lành và trừ cho bảy quỷ (x. Luca 8:2; Marcô 16:9). Bà trung thành đi theo Chúa kể cả đứng dưới chân thập giá trong khi các Tông Đồ bỏ trốn hết, ngoại trừ một mình Gioan ở lại. Tên bà được nhắc đến trong cả bốn Phúc Âm. Chính vì bà đã được Phúc Âm nhắc lại nhiều lần trong những hoàn cảnh khác nhau nên hình ảnh thật của bà là ai đã trở thành câu hỏi đối với nhiều học giả Thánh Kinh, cũng như những người muốn biết về bà.
MARIA MAGDALENA LÀ AI TRONG PHÚC ÂM?
Maria là một phụ nữ Do Thái từ một làng chài ở tỉnh Magdala trên bờ tây của Biển Galilee. Tên bà được nhắc đến 12 lần trong các Phúc Âm, hơn tất cả các Tông Đồ. Thánh Kinh đã ghi lại việc Chúa Giêsu chữa lành cho bà: “Sau đó, Đức Giêsu rảo qua các thành phố, làng mạc, rao giảng và loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Cùng đi với Người, có Nhóm Mười Hai và mấy người phụ nữ đã được Người trừ quỷ và chữa bệnh. Đó là bà Maria gọi là Maria Magdalena, người đã được giải thoát khỏi bảy quỷ.”(Lc 8:1-2; Mc 16:9)
Maria Magdalena là một trong số ít nữ môn đệ nổi bật trong cuộc đời và hành trình rao giảng Phúc Âm của Chúa Giêsu. Bà chiếm một vị trí quan trọng trong Giáo Hội sơ khai, và được biết đến như một người nhiệt thành theo Chúa Giêsu Kitô. Bà đã hiện diện khi Ngài bị đóng đinh và trong giây phút an táng Ngài. Bà cũng là chứng nhân đầu tiên về cuộc phục sinh của Ngài. Đức tin mạnh mẽ và sự trung thành của bà đối với Ngài không lay chuyển.
Mối tương quan giữa bà với Chúa Giêsu rất rõ ràng. Việc Ngài chữa lành cho bà khơi nguồn việc tái tận hiến cuộc đời bà để theo Ngài. Bà ao ước, khao khát được gần gũi Đức Kitô và phục vụ Ngài bất cứ cách nào bà có thể. Điều này đã trở thành lẽ sống của đời bà. Bà biết bà sẽ không có một cuộc sống mới nếu không vì Ngài. Những gì bà sống thường ngày là đức tin mà chúng ta tất cả phải cố gắng và bắt chước. Nhưng điều gì đặc biệt ở Maria Magdalena mà Chúa Giêsu đã chọn bà?
Qua hình ảnh được ghi lại trong Phúc Âm, có thể nói Maria Magdalena là người đã chịu đau đớn nhiều về thể lý và tâm lý. Maurice Casey, trong tác phẩm Jesus of Nazareth cho rằng Maria Magdalena phải đau khổ, khủng hoảng tâm lý và tình cảm một cách trầm trọng do bị quỷ nhập. Bà đã đánh mất sự kiểm soát và căn tính, cùng với tất cả mọi sự mà bà đã biết về đời sống quý giá của bà. Sắc đẹp và giầu sang đã không ngăn cản bà khỏi những cơn đau đớn như hấp hối đã bám sát và tấn công bà từng ngày, từng giây phút: “Số bẩy là con số huyền nhiệm chứng tỏ ‘sự hoàn hảo’, ngụy ý rằng khi các thần dữ chiếm đoạt Maria, thì sự đau đớn là cực kỳ lớn lao.” [1]
Khi Chúa Giêsu nhìn Maria Magdalena trong tình trạng vô vọng của bà, thì chỉ duy mình Ngài biết bà là ai và tình trạng bế tắc của bà như thế nào. Không phải Ngài chỉ nhận ra bà, nhưng Ngài đã truyền cho ma quỷ ra khỏi bà. Tình thương của Ngài đã giúp bà vượt qua những gì bà đang gánh chịu, để hướng toàn bộ đời sống của bà đến việc phục vụ Ngài. Nó phát xuất do lòng yêu mến và biết ơn của bà. Thực sự bà là ai, và những gì đã xảy ra cho bà sau khi Đức Kitô đã sống lại? Năm câu trả lời sau đây về câu chuyện và cuộc đời của Maria Magdalena được tìm thấy trong Phúc Âm.
Xức dầu thơm chân Chúa Giêsu?
Bà là một trong số nhiều Maria đã theo Chúa Giêsu, vì Maria là tên gọi khá phổ thông đối với phụ nữ Do Thái thời bấy giờ. Chính vì thế, khi muốn biết về bà, chúng ta cần phải xác định Maria nào.
Trong Phúc Âm của mình, Luca đã ghi: “Bỗng một phụ nữ vốn là người tội lỗi trong thành, biết được Người đang dùng bữa tại nhà ông Pharisiêu, liền đem theo một bình bạch ngọc đựng dầu thơm.” (7:37) Nhưng Maria Magdalena lại chưa bao giờ được xác nhận là người đã xức dầu thơm trên chân Chúa. Một số sử gia cho rằng có thể người đã xức dầu thơm trên chân Chúa Giêsu là Maria Bethany, chị em của Martha và Lazarô.
Tự điển Kinh Thánh giải thích, “Maria Magdalena đã trở thành một hình ảnh của giới tội nhân xám hối, nhưng không có thẩm quyền cho việc xác định bà với ‘tội nhân’ người đã xức dầu thơm chân Chúa Giêsu trong Luca 7:36-50, hoặc có bất cứ thẩm quyền nào cho việc giả định rằng Maria Magdalena là chị của Lazarô.” Do đó, không có nguồn nào trong Phúc Âm xác định rằng bà liên quan đến hành vi điếm đàng hoặc một quá khứ tội lỗi.[2]
Dưới chân thánh giá
Là người xuất hiện ở giây phút đau thương nhất của cuộc đời Chúa Giêsu. Maria Magdalena sau khi theo Ngài tới Núi Sọ, bà còn đứng dưới chân thập giá chứng kiến cuộc khổ hình của Ngài: “Đứng gần thập giá Đức Giêsu, có mẹ Người, chị của mẹ Người, bà Maria vợ ông Cleophas, cùng với bà Maria Magdalena.” (Gioan 19:25) Bà đã ở đó khi Giuse thành Arimathea hạ xác Ngài và táng trong mồ, rồi lấp cửa mồ bằng một tảng đá. Và ngày thứ nhất trong tuần, bà đã trở lại. Khi nhìn thấy tảng đá cửa mồ được đẩy qua một bên, bà đã vội vàng trở về báo cho Phêrô và Gioan. Họ cũng đã vội vã chạy đến ngôi mộ và không thấy xác Chúa Giêsu trong đó.
Gặp gỡ Chúa sống lại
Khi hai Tông Đồ về nhà, riêng bà, Maria Magdalena vẫn nán lại và khóc. Bỗng bà thấy hai thiên thần và hỏi các vị nếu biết xác Chúa Giêsu được giấu ở đâu. Rồi bà gặp chính Chúa Giêsu, nhưng lại không nhìn ra Ngài. Bà nghĩ rằng Ngài là người làm vườn, và khi Ngài hỏi tại sao bà khóc, và bà đang tìm ai, bà trả lời: “Thưa ông, nếu ông đã lấy xác Ngài đi, xin chỉ cho tôi biết ông để Ngài ở đâu để tôi đến và nhận lại.” Nhưng Chúa Giêsu đã gọi bà “Maria” – và bà lập tức nhận ra Ngài, bà đã thưa với Ngài “Rabbuni!” có nghĩa là “Thầy” trong tiếng Do Thái. Rồi Ngài đã bảo bà: “Đừng đụng đến Ta vì Ta chưa về cùng Cha, nhưng hãy đi tìm và nói với các anh em Ta, Ta về cùng Cha Ta cũng là Cha của các con, cùng Chúa Ta cũng là Thiên Chúa của các con.” Vì thế, Maria Magdalena đi gặp các Tông Đồ và kể lại cho họ những gì bà đã nghe và đã thấy Chúa. (x. Gioan chương 20).
Công bố Chúa Giêsu phục sinh
Maria Magdalena là phụ nữ trong số những người đã theo Chúa Giêsu công bố Ngài đã sống lại. Bà là người đầu tiên loan báo tin mừng Phục Sinh. Bà cũng chứng tỏ rằng bà là người yêu Chúa nhất khi đứng dưới chân thập giá trên đồi Calvariô cùng với Đức Maria, Mẹ của Chúa, và tông đồ Gioan. Bà không chối và trốn chạy vì sợ hãi như các tông đồ khác đã làm, nhưng ở lại với Ngài trong mọi phút giây, cho đến tận ngôi mộ.
Theo phong tục Do Thái lúc bấy giờ, phụ nữ không mang những vai trò quan trọng có tính cách xã hội, trường hợp Maria Magdalena thì khác. Chứng cứ của bà về Chúa Phục Sinh đã trở nên căn bản cho niềm tin Phục Sinh Kitô Giáo. Nhờ bà mà Phêrô và Gioan đã đến mộ, và theo Gioan thì ông “đã thấy và đã tin.” (Gioan 20:8)
Biết Chúa Giêsu an táng ở đâu?
Trình thuật của bốn Phúc Âm ghi lại sự hiện diện của mấy phụ nữ dưới chân thập giá. Marcô ghi nhận Maria Magdalena, Maria, mẹ của Giacôbê, và Salome (15:40). Mátthêu thì ghi Maria Magdalena, Maria, mẹ của Giacôbê và Giuse, và mẹ của các con ông Zebedee (27:55-56). Luca lưu ý đến một nhóm, nhưng không nêu rõ. Còn theo Gioan, có Maria, mẹ Chúa Giêsu, và chị mẹ Ngài, Maria vợ Cleophas, và Maria Magdalena (19:25-27).
Riêng bà, Maria Magdalena đã ở đó cho đến khi xác Chúa Giêsu được hạ xuống khỏi thánh giá và đi theo chứng kiến Giuse thành Arimathea táng xác Chúa Giêsu: “Maria Magdalena và Maria mẹ của ông Giuse đã nhìn thấy ngài được đặt ở đâu.”(Marcô 15:47)
NHỮNG HIỂU LẦM VỀ LÝ LỊCH CỦA BÀ
Qua những gì được trình bày trong Phúc Âm cho thấy Maria Magdalena không phải là một phụ nữ có quá khứ điếm đàng. Theo giải thích Thánh Kinh, lối diễn tả ‘bảy quỷ’ có thể được chỉ về một bệnh lý hiểm nghèo hoặc khuyết điểm luân lý đã ảnh hưởng phụ nữ này mà Chúa Giêsu đã chữa cho khỏi. Nhưng tại sao cho đến nay, truyền thống vẫn cho rằng Maria Magdalena là một gái điếm? Điều này là do trong chương 7 của Luca có viết một câu tổng quát: “được biết là người tội lỗi nhất trong thành.” Người đã rửa chân Chúa Giêsu bằng nước mắt, lau khô bằng tóc và xức dầu thơm trên chân Ngài khi được mời tới nhà một người Pharisiêu danh giá. Tuy vậy, không có một chỗ nào nêu rõ Maria Magdalena là người tội lỗi vô danh này. Ngoài ra, theo Cardinal Ravasi ở tường thuật của Thánh Sử Gioan: “Cô Maria lấy một cân dầu thơm cam tùng nguyên chất và quý giá xức chân Đức Giêsu, rồi lấy tóc mà lau. Cả nhà sực mùi thơm.” (12:3) Việc này được cho là do Maria Bethany, em của Martha và chị Lazarô. Thêm vào đó, dựa theo một số truyền thống đã có sự nhầm lẫn giữa Maria Bethany với một gái điếm của Galilee. Và điều này lại nêu lên một sự hiểu lầm hơn nữa.[3]
Không biết lý do gì các Giáo Phụ đã gom cả ba bốn người phụ nữ đó lại thành một người. Hậu quả là chúng ta có khái niệm về Maria Magdalena là gái điếm được ơn sám hối. Thánh phó tế Ephraim người Syria (thế kỷ IV), Thánh Giáo Hoàng Grêgôriô Cả (thế kỷ VI), nhiều họa sỹ, văn sỹ và các nhà chú giải Kinh Thánh cũng theo xu hướng đó. Từ thế kỷ XII, Viện Phụ Hugh ở Semur (qua đời năm 1109), Peter Abelard (qua đời năm 1142), và Geoffrey ở Vendome (qua đời năm 1132) đều nhắc tới Maria Magdalena là người tội lỗi.
Nhưng trong cả 4 Phúc Âm, không có lần nào các tác giả Tin Mừng nói bà là gái điếm hoặc tội nhân tội lỗi công khai. Tóm lại, một nhận xét chung cho rằng: “Không có bằng chứng Thánh Kinh nào chứng tỏ Maria Magdalena là gái điếm.” Các học giả và các nhà Kinh Thánh đương đại đã bắt đầu phục hồi “danh tiếng” cho bà và xem bà là một trong những nhân vật quan trọng của Kitô Giáo thời sơ khai. Ngày 03/06/2016, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nâng lễ nhớ thánh nữ lên bậc lễ kính, tương đương với lễ kính các Tông Đồ.
Thánh Maria Magdalena là bổn mạng của:
-Những người cải đạo (converts).
-Những tội nhân xám hối (penitent sinners).
-Những người bị chế nhạo vì lòng thành kính (People ridiculed for their piety).
-Những người làm nước hoa.
-Những thợ làm tóc.
-Những người làm găng tay.
-Những dược sỹ.
-Những phụ nữ.
-Những phụ nữ mãi dâm trở lại, và
-Những người thuộc da.
Lễ kính: 22 tháng 7
Ngày nay trên trời, thánh nữ Maria Magdalena có lẽ đang mỉm cười, vì suốt dòng lịch sử bà là người mang nhiều huyền thoại nhất.[4]
TÔNG ĐỒ CỦA CÁC TÔNG ĐỒ
“Tông Đồ của các Tông Đồ.” Đây là danh hiệu thánh Thomas Aquinas đã dùng để gọi Maria Magdalena. [5]
“Sau đó, Đức Giêsu rảo qua các thành phố, làng mạc, rao giảng và loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Cùng đi với Người, có Nhóm Mười Hai và mấy người phụ nữ đã được Người trừ quỷ và chữa bệnh. Đó là bà Maria gọi là Maria Magdalena, người đã được giải thoát khỏi bảy quỷ, bà Gioanna, vợ ông Khuda quản lý của vua Hêrôđê, bà Susanna và nhiều bà khác nữa. Các bà này đã lấy của cải mình mà giúp đỡ Đức Giêsu và các môn đệ.” (Luca 8:1-3)
Maria Magdalena là người đầu tiên kể lại đầy đủ câu chuyện Thánh Kinh. Khi các thiên thần bảo bà: “Hãy đi nói với những môn đệ của Thầy và Phêrô, ‘Người sẽ đi trước anh em đến Galilee. Ở đó, anh em sẽ gặp Người, như Người đã nói với anh em.’” (Marcô 16:7) Bà trở thành người thứ nhất cảm nhận được tiếng gọi, và kéo Đức Kitô vào đời sống của mình. Phụ nữ không được dùng để làm nhân chứng vào thời đại đó, và lời của họ không để lại giá trị gì trong những biến cố lịch sử được ghi lại. Vậy tại sao Kitô Giáo lại đặt những phụ nữ này ở trung tâm Phúc Âm – trong một xã hội ở đó phụ nữ không được coi như ngang hàng nam giới?
Các môn đệ và Tông Đồ đã sống đời sống rao giảng Tin Mừng. Đa số đã trở thành những vị tử đạo trong việc thiết lập Kitô Giáo tiên khởi. Vậy Maria Magdalena thì sao? Chứng nhân một cách mạnh mẽ của bà về Chúa Giêsu Kitô không nghi ngờ gì được đặt vào vị trí để tăng thêm đức tin cho những người khác. Theo Christianity.com, bà khoảng 46 – 49 tuổi khi Chúa Giêsu qua đời. Nhưng Britannica xác định rằng bà sống vào khoảng 25 B.C. – A.D. 75, do đó, bà 54 – 59 tuổi khi Ngài qua đời. Một số truyền thuyết kể rằng sau khi Chúa Giêsu về trời, bà đã cùng với Đức Maria, và Tông Đồ Gioan đến Ephesô. Một số khác lại nói rằng bà truyền giáo ở đông nam nước Pháp. Bà sống 30 năm cuối đời trong một cái hang ở Alpine, nhưng không có tài liệu nào nói bà qua đời năm nào và được bao nhiêu tuổi.
Vẫn biết truyền thuyết là những điều không chắc chắn, nhưng người phụ nữ Maria Magdalena đây có một vị trí đặc biệt trong câu truyện về Kitô Giáo và được đặt ở đó do Thiên Chúa. Qua bà, chúng ta cũng biết được phần nào Chúa Giêsu là ai. Ngài tìm được bà trong nơi tăm tối nhất của bà, và đã chữa lành bà một cách lạ lùng như thế nào. Bà là một trong số các bạn hữu và người trung thành theo Ngài. Những hành động của bà nói lên một cách mạnh mẽ nhất, nâng đỡ sứ vụ của Chúa Giêsu, với tất cả những gì bà có thể dù phải chấp nhận hy sinh. Bà đã đem cuộc đời bà theo Ngài và lo lắng cho Ngài. Giây phút đáng ghi nhớ nhất của bà không phải là Đấng Cứu Thế của bà đã đứng trước mặt bà bên ngôi một trống, nhưng là tiếng gọi thân yêu của Ngài: “Maria!” Tiếng gọi âu yếm của Đức Kitô phục sinh và là Thầy của bà. (Gioan 20:14-17) [6]
________
Tài liệu tham khảo:
1.Dr. Herbert Lockyer. All the Women of the Bible
2. https://www.biblestudytools.com/bible-study/topical-studies/who-was-mary-magdalene.html
3. https://www.vaticannews.va/en/saints/07/22/st–mary-magdalene–disciple-of-the-lord-.html
4. Con Chiên Nhỏ. Fb Loc Teresa, 03/0/2024
5. https://www.vaticannews.va/en/saints/07/22/st–mary-magdalene–disciple-of-the-lord-.html
6. https://www.biblestudytools.com/bible-study/topical-studies/who-was-mary-magdalene.html
Views: 0