Thân phụ của Giêsu xuất thân từ dòng tộc Ðavít, nhưng lại sống bằng nghề thợ mộc. Thân phụ của tôi xuất thân từ một gia đình nông dân.
Khoảng năm 1954 đến năm 1958, ông có gia nhập quân lực Việt Nam Cộng Hòa, nhưng sau đó lại trở về với nghề trồng trọt và sinh sống bình dị của mình.
Ðiều làm tôi suy nghĩ, đó là, Giêsu thì có quyền chọn lựa gia đình mình sinh ra, chọn lựa người làm cha và mẹ của mình dưới tầm nhìn của một Ngôi Lời Nhập Thể. Riêng tôi, tôi không có quyền chọn lựa gia đình và người sinh ra mình.
Dù tôi muốn hay không muốn, vui hay không vui với số phận của mình, tôi vẫn là con của thầy mẹ tôi, vì tôi đã được sinh ra từ nơi ấy và do những con người ấy. Nhưng còn Con Thiên Chúa thì sao? Và đó là lý do tôi muốn dừng lại để suy nghĩ về con người phúc đức này. Người mà Con Thiên Chúa gọi là “cha”.
Có gì đặc biệt nơi con người này. Học lực. Chức vị. Giầu có? Tất cả đều không. Chỉ nguyên cái nghề sinh nhai đã đủ cho thấy, vào thời điểm ấy, và trong môi trường ấy Giuse không có đủ ba tiêu chuẩn quyền lực, giầu có và bằng cấp. Ngược lại, Ông chỉ là một phó mộc.
Nghề nghiệp và gia cảnh ấy cả sau khi Ông qua đời, vẫn còn ảnh hưởng đến đời sau, đó là khi Giêsu ra rao giảng chẳng có tiếng xì xầm về điều này hay sao?!! Do đó, nếu nhìn bằng cặp mắt người trần, thì Giêsu mặc dù là Con Thiên Chúa nhưng cũng đã chọn nhầm người. Bởi thế, mà ngay cả nơi sinh ra và lớn lên cũng không mấy danh giá: “Ở Nazareth có gì hay đâu!” (Gio 1:46) Có ý mỉa mai rằng “đất sỏi làm gì sinh ra chạch vàng”. Dân quê làng Nazareth làm gì mà nổi đình, nổi đám được. Và vì thế, người đời chẳng thương tiếc ném cho một câu: “Ông ấy không phải là con bác phó mộc” (Mat 13:55).
Nhưng làm sao Thiên Chúa có thể nhầm được. Và dĩ nhiên sự chọn lựa của Ngài phải có một ý nghĩa. Ý nghĩa đó gói gọn trong lời mà Mátthêu đã viết về con người được lựa chọn ấy: “Giuse là kẻ công chính” (Mat 1:19).
Kẻ công chính. Chỉ một câu rất đơn giản đó cũng đủ để nói lên tất cả giá trị cuộc đời và nhân đức của Giuse. Và đó cũng là lý do tại sao Thiên Chúa đã chọn Giuse làm nghĩa phụ của Con mình. Ðã trao phó cho Ông cai quản và gìn giữ 2 kho tàng vô cùng quí giá của mình, đó là Ðức Trinh Nữ Maria và Giêsu.
Thì ra cái nghèo nàn bên ngoài kia. Cái nghề sinh sống tầm thường kia. Và cả cái phong thái xem ra như quê mùa của Giuse là chỉ để bao phủ một sự thánh thiện, sự trọn hảo đầy tràn bên trong. Thiên Chúa đã dùng những nét vẻ tầm thường ấy để giữ cho nhân đức và sự thánh thiện của Giuse càng thêm phong phú và trổi vượt. Ngoài ra, sự chọn lựa của Thiên Chúa còn mang ý nghĩa mô phạm cho con người.
Phần đông nhân loại sống trong cảnh thanh bần và chất phát, sự thánh thiện của Giuse được Tin Mừng diễn tả đã trở nên một mẫu gương cho mọi người. Và điều này nói lên rằng để sống công chính, không cần phải là những người có chức quyền, địa vị, tiền của hay học thức. Không cần phải làm những việc cao cả, vỹ đại. Ðiều này đã ảnh hưởng đến suy tư của Giêsu sau này khi bước vào đời rao giảng. Bài giảng đầu tiên, và câu nói đầu tiên Ðức Giêsu đã nói: “Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó” (Mat 5:3). Cái khó khăn tinh thần phản ảnh đời sống đơn sơ và khiêm tốn mà chính Ngài đã ảnh hưởng từ nghĩa phụ đáng kính mến của mình.
Tóm lại, cũng như Chúa Giêsu đã khen mẹ mình, khi có người khen ngợi: “Phúc cho dạ nào đã cưu mang Thầy, và vú nào đã cho Thầy bú mớm”. Chúa Giêsu đã lợi dụng để ca ngợi mẹ mình: “Người nghe và thực hành lời Chúa thì có phúc hơn”. Người có phúc hơn đó dĩ nhiên còn có nghĩa phụ của Ngài nữa.
Giuse người thợ mộc công chính. Không còn lời nào khen ngợi mà Thiên Chúa có thể ban cho Giuse. Vẻ đẹp nhân đức ấy xứng đáng để mọi người noi theo và ca tụng. Công chính trong vai trò người chồng, người cha. Công chính qua mọi việc làm lớn nhỏ dù xem ra rất tầm thường. Bởi vì trước mặt Thiên Chúa mọi sự đều lớn lao nếu có tình yêu lớn lao. Và điều này hẳn làm cho Chúa Giêsu rất hãnh diện khi có ai đó gọi Ngài là “con bác phó mộc”.
Views: 0