Đứng trước những bách hại tôn giáo hiện nay tại Việt Nam, nhiều người gọi điện thoại tỏ vẻ lo lắng, buồn phiền, bức xúc.
Không biết phải làm sao, nên tôi mở Phúc Âm để tìm an ủi nơi Chúa, và để lấy can đảm và nhìn ra Thánh Ý Chúa nhiệm mầu để vâng theo.
Trong câu Phúc Âm theo Thánh Matthêu 6:34, Chúa bảo: Các con đừng quá lo lắng về ngày mai; ngày mai cứ để ngày mai lo, ngày nào có cái khổ của ngày ấy!” Tôi liền nhớ đến một câu chuyện về Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII (1881-1963); trên ngôi Giáo Hoàng từ 1958-1963: Trong một đêm khi Ngài đang ngủ, Ngài mơ thấy bao nhiêu vấn đề cấp thiết trong Gíao Hội cần phải giải quyết ngay; đặc biệt là nỗi lo âu về những bách hại lúc đó do Cộng Sản đang gây ra cho Giáo Hội tại Liên Sô, Đông Âu và nhiều nơi trrên thế giới. Ngài mong cho đến sáng để xin vào triều yết Đức Giáo Hoàng, và trình bày những vấn đề cần phải làm ngay để cứu vãn Giáo Hội. Trong giấc mơ, Ngài hồi hộp mong cho chóng sáng. Rồi Ngài bừng tỉnh khỏi giấc mơ, và nhân ra chính Ngài đang là Giáo Hoàng: “Chính Ta đang là Giáo Hoàng đây!” Ngay lúc đó, Ngài cảm thấy một nỗi lo sợ về trách nhiệm đang đè nặng trên vai. Nỗi sợ hãi, lo lắng quá làm Ngài toát mồ hôi: “Ta phải làm gì đây!” Và Ngài cầu nguyện xin ơn Chúa giúp…” Ngay lúc đó như có tiếng Chúa Giêsu nói với Ngài: “Giáo Hội là của Ta, chứ không phải của con!” Thế Là Ngài lấy lại bình tĩnh. Rồi nhờ ơn Chúa Thánh Thần hướng dẫn, Ngài đã khai mở Công Đồng Vatican II (1962-1965). Rồi Chúa cất Ngài về với Chúa năm 1963. Rồi Đức Giáo Hoàng Phaolô VI (1897-1978, trên ngôi Giáo Hoàng từ 1963-1978) tiếp tục công việc của Đức Gioan XXIII. Công Đồng đã được diễn ra và hoàn tất tốt đẹp. Cho đến Đức Gioan Phaolô II (1920-2005): trên ngôi Giáo Hoàng từ 1978-2005, Vị Giáo Hoàng đầu tiên không phải là người Ý trong vòng 450 năm, từ một nước Ba Lan cộng sản được bầu lên ngôi Giáo Hoàng. Lúc đó, có người lo sợ vị “Giáo Hoàng đỏ” này sẽ nhuộm đỏ các Giáo Hội sao! Nhưng không phải thế. Nhờ đời sống thánh thiện và những hoạt động mạnh mẽ và nhửng cuộc thăm viếng mục vụ của Ngài đến nhiều nơi trên thế giới, đã làm cho các quyết định của Công Đồng Vatican II được áp dụng mạnh mẽ khắp nơi trong Giáo Hội. Cũng nhờ một phần lớn ảnh hưởng của Ngài, chế độ Cộng sản đã sụp đổ hoàn toàn ở Liên sô và Đông Âu (1989). Khối Cộng sản Liên sô tan rã (1991). Bức tường ô nhục ở Bá linh (Đông Đức), dựng lên năm 1961 đã bị phá hủy bình địa vào năm 1989.
Ngày nay, Giáo Hội vẫn bị bách hại tại nhiều nơi trên thế giới, nhất là ở Việt Nam hiện nay. Chúa đâu rồi? Hàng Giáo Phẩm đâu rồi? Sao không thấy đứng lên hành động gì cả?
Nhiều người lo sợ Giáo Hội Việt Nam rồi sẽ ra sao, sẽ bị phá tan nát sao? Không, không bao giờ!
Các vua triều Nguyễn và nhóm Văn Thân đã áp dụng mọi biện pháp qủy quyệt và tàn bạo nhất để nhằm tiêu diệt Đạo Thánh Chúa ở Việt Nam. Nhưng Chúa vẫn ở với Giáo Hội. Nhờ ơn Chúa Thánh Thần hướng dẫn, Hàng Giáo Phẩm Việt Nam vẫn khôn ngoan, sáng suốt lãnh đạo Giáo Hội. Rồi Triều Nguyễn đã qua đi, các Vua Chúa triều Nguyễn tất cả đã trở về với cát bụi, nhưng Giáo Hội Việt Nam vẫn trường tồn, vẫn phát triển để rao giảng Tin Mừng tình thương của Chúa cho mọi người. Giáo Hội Việt Nam vẫn còn đó để giúp đỡ các bệnh nhân, các người nghèo khó, và để mở mang nền văn hóa cho Dân Tộc Việt Nam qua các trường học từ Mẫu Giáo đến Đại Học.
“Khi Chúa mở ra thì không ai đóng lại được; khi Chúa đóng lại thì không ai mở ra được!” (Khải Huyền 3:7)
Mọi người đều là con cái Chúa, vì mọi người được dựng nên theo hình ảnh Chúa (Sách Khởi Nguyên 1: 27). Chúa để mọi người có tự do, và phải chịu trách nhiệm về những hành động của mình . Thiên Chúa vẫn tôn trọng tự do của mỗi người. Ngài luôn rộng lượng chờ đợi và kêu gọi các tín hữu hãy thực thi bác ái chứ không bạo động; “Ai kiện cáo để lấy áo trong, hãy để cho họ lấy cả áo ngoài nữa! Hãy yêu kẻ thù, hãy cầu nguyện cho những người bách hại chúng con… Thiên Chúa cho mặt trời mọc lên soi sáng cho kẻ dữ cũng như người lành, và cho mưa xuống trên người công chính, cũng như cho kẻ bất lương…” (Matthêu 5: 38-48).
Hai ngàn năm trước, khi chịu chết treo trên Thánh Giá cùng với hai tên trộm cướp, một người đã nói với Chúa: Ông Giêsu ơi, nếu ông thực sự là Đấng Kitô, ông hãy cứu lấy ông đi và cứu cả chúng tôi nữa!” (Luca 23: 39) Nhưng Chúa Giêsu chẳng hành động gì cả, chẳng hô hào phải bạo động, hận thù. Trái lại, trước khi tắt thở, Chúa đã xin với Đức Chúa Cha: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm!” (Luca 23: 34).
Lạy Chúa, trong bức xúc nhiều khi đi đến hờn căm, hận thù, xin cho chúng con biết noi gương quảng đại tha thứ của Chúa. Xin cho chúng con nhớ đến lời Chúa, can đảm thực thi lời Chúa, tin tưởng, phó thác vào sự quan phòng của Chúa , và can đảm hát lên, với cả tâm hồn, lời Kinh Hòa Bình của Thánh Phanxicô khó nghèo:
“Lạy Chúa từ nhân,
Xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người…
Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa, để con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm …(Kim Long: Thánh ca Kinh Hòa Bình).
Views: 0