Bức thư tranh luận trong chương 3 thư gửi tín hữu Philiphê có kết cấu và nội dung như sau: Chương 3,1b-3 mở đầu thư với lời kêu mời tín hữu đề phòng nhóm thừa sai đang lung lạc lòng tin của họ, vì đi ngược với Tin Mừng.
Tiếp theo sau là trang tự thuật các câu 4-14, giới thiệu các lý lẽ thánh Phaolô có thể dùng để khoe khoang như nhóm thừa sai kitô gốc do thái đang đánh phá cộng đoàn. Phần thứ ba các câu 15-21 là lời thánh Phaolô mời gọi tín hữu Philiphê noi gương ngài và đừng theo kiểu sống phản Tin Mừng của nhóm thừa sai này. Bức thư kết thúc với các câu 1.8.9a của chương 4 khẩn thiết mời gọi tín hữu trung thành với lý tưởng sống kitô, bắt đầu bằng những thực tại đạo đức luân lý nhân bản nền tảng của cuộc sống con người. Và sau cùng là công thức phụng vụ kết luận toàn thư (c.9b).
Bên cạnh căn cước nhóm thừa sai kitô gốc do thái, mà thánh Phaolô gọi là ”quân cho má”, ”bọn thơ xấu, ”lũ tàn tật” và khuyên tín hữu đề phòng cung cách sống lầm lạc của họ, trang tự thuật cũng là một đơn vị văn chương đáng được chú ý ở đây. Thánh Phaolô nói về chính mình và kinh nghiệm lòng tin của một tín hữu do thái tinh tuyền, nhưng sau cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô phục sinh trên đường đi thành Damasco, đã hoàn toàn thay đổi cuộc đời và cung cách suy tư hành xử của mình cũng như lật ngược bậc thang giá trị đã theo cho tới lúc đó. Nghĩa là thánh Phaolô đã suy tư về cuộc gặp gỡ đổi đời của mình với Đức Kitô. Ngài không coi nó như một dữ kiện lịch sử xảy ra trong một thời điểm xác định, mà coi nó như bước khởi đầu của một tiến trình chinh phục cá nhân, có đích tới là sự phục sinh vinh hiển. Qúa khứ và tương lai là hai thái cực của cùng một lịch trình đang tiếp diễn trong cuộc đời của thánh nhân. Trong nghĩa đó, hình ảnh cuộc chạy đua trong sân vận động mà thánh Phaolô đùng để diễn tả lịch trình cuộc sống lòng tin thật vô cùng ý nghĩa và sống động: ”Tôi tiếp tục cuộc chạy đua để nắm bắt được giải thưởng đó, vì chính tôi cũng đã bị Chúa Kitô Giêsu nắm bắt” (3,12); ”Tôi quên đi chặng đường đã qua sau lưng, để lao mình về phía trước (3,13-14a).
Như thế, đây không phải là việc gợi lại qúa khứ lịch sử, cũng không hẳn là một trang tự thuật đơn thuần. Thật ra, viễn tượng thánh Phaolô nhắm tới ở đây vượt xa hơn ranh giới cái tôi của ngài, để ôm trọn kinh nghiệm sống của từng kitô hữu. Nghĩa là kinh nghiệm sống của thánh nhân phải là tấm gương soi, qua đó tín hữu Philiphê có thể và phải nhận ra được chính mình. Và chúng ta hiểu tại sao thánh Phaolô lại mời gọi họ: ”Thưa anh chị em, xin hãy cùng nhau bắt chước tôi và chăm chú nhìn vào những ai sống theo gương chúng tôi để lại cho anh chị em”. Sở dĩ thánh Phaolô đã phải đưa ra lời kêu gọi rõ ràng này là vì trong cộng đoàn có nhóm thừa sai tự giới thiệu như là mực thuớc lòng tin kitô, bằng cách phô trương các đặc quyền đặc lợi lịch sử tôn giáo của họ, khoe khoang họ là gốc do thái và làm được những việc cả thể giống như những nhân vật tôn giáo vĩ đại. Nhưng thực ra họ đang trình bày một gương mặt vinh quang hiếu thắng của Kitô giáo, mà quên đi thực tại đen tối cuộc khổ nạn và cái chết nhục nhã của Chúa Kitô trong ngày thứ sáu Tuần Thánh. Khi không chia sẻ thực này đớn đau này của Đức Giêsu chúng ta cũng sẽ không được chia sẻ vinh quang phục sinh của Ngài. Trái lại, trong con người yếu đuối và bị bách hại của mình, thánh Phaolô diễn tả một gương mặt hiện sinh của tín hữu được mời gọi trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu Kitô bị đóng đanh và bước đi trên con đường thập giá cho tới ngày được cứu chuộc hoàn toàn.
Nói cách khác, tín hữu Philiphê được đặt để trước một sự lựa chọn chính xác. Trong bức thư tranh luận này, thánh Phaolô cố ý đẩy đưa họ tới chỗ khẳng định lòng tin vào Tin Mừng thập giá Chúa Kitô mà ngài đã rao giảng cho họ và tới chỗ nhận biết tính chất lịch sử toàn vẹn của cuộc sống kitô. Thánh nhân so sánh kitô hữu với các lực sĩ còn đang chạy đua và đang cố gắng hướng tới đích, chứ chưa phải là những người đã thắng giải và được đội triều thiên (3,12-14). Do đó, họ không thể tán đồng thái độ kiêu căng của người đã tưởng mình đạt đích và tin tưởng nơi các khả năng đạo đức luân lý, tôn giáo và đặc sủng của mình. Vì thế thánh Phaolo mới khẳng định với tín hữu trong chương 3,3 rằng: ”Trái lại những người cắt bì đích thật là chính chúng ta đây, những người thờ phượng Thiên Chúa nhờ Thần Khí của Người, những người hiên ngang hãnh diện vì Đức Giêsu Kitô, chứ không cậy vào xác thịt”. Như thế chúng ta có thể nói rằng thánh nhân vượt xa cả giới hạn của mẫu gương luân lý. Dĩ nhiên, trang tự thuật của thánh Phaolô ở đây cũng trình bầy một mẫu gương, nhưng không phải như là một cuộc sống thánh thiện phải được bắt chước trong cuộc sống luân lý. Thánh Phaolô và các đối thủ của ngài được giới thiệu ở đây như là hai mẫu người hoàn toàn trái nghịch nhau trong cuộc sống lòng tin.
Sau cùng là vấn đề liên quan tới bối cảnh lịch sử của bức thư tranh luận. Chúng ta có thể dựng lại lịch trình các dữ kiện làm nảy sinh ra việc biên soạn bức thư như sau. Sau khi được trả tự do, thánh Phaolô đã đến viếng thăm tín hữu giáo đoàn Philiphê như ngài đã báo trước (x. 2 Cr 2,13; 7,5) và nhận ra sự hiện diện của nhóm thừa sai kitô gốc do thái thủ cựu đang tự quảng cáo và khoe khoang gốc gác thanh thế và khả năng xuất thần cũng như chữa lành tật bệnh của họ. Khi đó thánh nhân mới khuyên tín hữu đề phòng ảnh hưởng nguy hại của họ (3,1a). Rời Philiphê thánh nhân tới Côrintô để hòa giải với tín hữu cộng đoàn này (x.Cv 20,2-3). Nhưng vì sợ tình hình tại Philiphê có thể trở nên tồi tệ hơn, ngài viết lá thư tranh luận này cho họ. Chúng ta đang ở giữa các năm 57-58.
Phân tích chi tiết chúng ta thấy bức thư thiếu địa chỉ người nhận. Chắc chắn nó đã bị loại bỏ khi thư được nhập vào làm một với bức thư viết trong tù. Thánh Phaolô tự giới thiệu bằng cách nói lên ý định của ngài muốn đề cập tới các vần đề mà ngài đã từng nói với họ trước kia, nhưng giờ đây thánh nhân muốn lập lại quan điểm của ngài. Thánh nhân không ngại lập lại lời kêu gọi, bởi vì nó giúp tín hữu đề phòng các hiểm nguy đang rình rập họ. Nhắc lại các giáo huấn và lời nhắn nhủ là phương pháp sư phạm giúp củng cố lòng tin của tín hữu cho vững mạnh và trường thành hơn (3,1b). Tuy nhiên, ngay sau đó thánh Phaolô tấn công nhóm thừa sai kitô gốc do thái đang tìm lung lạc lòng tin của tin hữu giáo đoàn Philiphê và đánh phá các hoa trái truyền giáo của thánh nhân. Ngài gọi họ là ”quân chó má”, lũ thợ xấu”, ”bọn tật nguyền”. ”Quân cho má” là kiểu nói người Do thái hay dùng để khinh rẻ gọi các dân ngoại, tức không phải gốc do thái hay những người không tôn thờ Giavê Thiên Chúa như dân Israel (x. Mt 15,26; 7,6). Có lẽ nhóm thừa sai kitô gốc do thái nói trên cũng đã dùng kiểu nói này để gọi các tín hữu kitô gốc ngoại giáo, không cắt bì chăng. Do đó, thánh Phaolô mới đốp chát trở lại với họ, bằng cách dùng chính kiểu nói khinh rẻ đó để gọi họ hay dùng lại những tước hiệu mà họ đã dùng để khoe khoang trước mặt các anh chị em kitô gốc ngoại giáo trong cộng đoàn Philiphê, nhưng trong nghĩa tiêu cực. Bởi vì họ là những thừa sai kitô xấu, và phép cắt bì mà họ hãnh diện chỉ là một tật nguyền đáng xấu hổ. Trong sự nóng nảy của cuộc tranh luận, thánh Phaolô đã tỏ ra vô cùng đanh đá và không nể lời đối với những người gian giảo và xuyên tạc tinh thần Tin Mừng của Chúa Kitô, như nhóm thừa sai kitô gốc do thái nói trên.
Tuy nhiên thánh Phaolô không dừng lại trên bình diện khinh rẻ hay xúc phạm nhom thừa sai nói trên. Ngài đi xa hơn bằng cách chối bỏ cả giá trị của lễ nghi cắt bì do thái như dấu chỉ sự tùy thuộc dân riêng của Chúa trong thời Cựu Ước. Lễ nghi cắt bì trên thân xác đó là một giá tri cũ rồi. Giờ đây có một lễ nghi cắt bì mới, không phải trên thân xác mà trong tinh thần. Nó là hoa trái sự hoạt động của Thần Khí và của sự trung gian cứu độ của Chúa Kitô. Trong chương 2,28-29 thư gửi giáo đoàn Roma thánh PHaolô cũng đã đối chọi giữa phép cắt bì trên thân xác và phép cắt bì trong tinh thần khi viết: Thật vậy… phép cắt bì chính hiệu không phải là căn cứ vào cái thấy được bên ngoài, nơi thân xác….phép cắt bì chính hiệu là phép cắt bì trong tâm hồn, theo tinh thần của Lề Luật chứ không phải theo chữ viết của Lề Luật”. Cũng có thể là kitô hữu gốc ngoại giáo trong cộng đoàn Philiphê cảm thấy họ thua kém kitô hữu gốc do thái, vì sự kiện họ đã không biết tới Lề Luật Do thái. Nhưng đối với thánh Phaolô, chỉ có tinh thần Tin Mừng của Chúa Kitô mới là điều quan trọng và là điểm tham chiếu chắc chắn cho cung cách suy tư hành xử của mọi tín hữu, gốc do thái cũng như không do thái. Chính vì thế nên thánh nhận mạnh mẽ khẳng định rằng: ”Chính chúng ta mới thật là những người được cắt bì, những người thờ phượng Thiên Chúa nhờ Thần Khí của Người” (3,3a). Đây cũng là điều thánh nhân khuyên nhủ tín hữu giáo đoàn Roma khi viết trong chương 12,1: ”Vì thế tôi khuyến khích anh chị em, nhân danh lòng xót thương của Thiên Chúa, hãy dâng hiến chính mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa: đó là phụng vụ của anh chị em, thờ phượng Chúa trong tinh thần”. Nói cách khác, từ nay trở đi, dưới hoạt động của Chúa Thánh Thần, cuộc sống thường ngày của tín hữu với tất cả mọi vui buồn sướng khổ và vấn đề của nó phải trở thành phụng vụ, phải trở thành môi trường và cách thức tín hữu thờ phượng Thiên Chúa. Như thế phụng vụ không còn đóng khung trong bốn bức tường nhà thờ nữa, mà vào đời. Hay nói cách khác, phụng vụ không kết thúc với các lễ nghi cử hành trong nhà thờ, mà tiếp nối trong mọi sinh hoạt cuộc sống bên ngoài. Toàn cuộc sống của kitô hữu trở thành lễ nghi thờ phượng Thiên Chúa. Đây là một thực tại tuyệt diệu, nhưng đa số kitô hữu thường lãng quên hay không ý thức được trong cuộc sống thường ngày.
Linh – Tiến – Khải
Views: 0