Trong cuối tháng 1/2010, các cơ quan truyền thông Công Giáo lớn như hãng thông tấn Fides của Tòa Thánh Vatican, nhật báo La Croix của Công Giáo Pháp… bắt đầu quan tâm đến các biến cố đã xẩy ra cho Giáo Hội Công Giáo Việt Nam trong thời gian gần đây, đặc biệt là vụ công văn số 1258/UBND ngày 28.12.2009 của UBND Quận 3 Sài Gòn gởi Linh Mục Phạm Trung Thành, Bề Trên Giám Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam.
CÁO BUỘC VÀ PHẢN BIỆN
1.- Những lời cáo buộc
Trong công văn nói trên, UBND Quận 3 tố cáo rằng từ đầu năm 2008 đến nay, trên các trang Web của DCCT đã đăng nhiều bài viết “có nội dung xuyên tạc sự thật, vu cáo, đã kích chính quyền…” qua các vụ như Nhà Chung, giáo xứ Thái Hà, hồ Ba Giang, Tam Tòa, Loan Lý, Tu viện Bát Nhã, chủ trương khai thác bauxite ở Tây Nguyên, tình hình tranh chấp biển đảo ở biển Đông …
Công văn còn tố cáo DCCT đã lợi dụng các vụ việc việc nêu trên, tổ chức nhiều buổi “Hiệp thông cầu nguyện” với quy mô lớn vượt quá giới hạn sinh hoạt tôn giáo bình thường, như thuyết minh, rao giảng, chiếu lên màn ảnh nhiều hình ảnh có nội dung vu cáo, đả kích chính quyền.
Công văn tố cáo đích danh Linh mục Lê Quang Uy, Giám Đốc Trung Tâm Mục Vụ của DCCT ở Sài Gòn đã tàng trử tài liệu bất hợp pháp; viết các bài đăng trên các trang Web phản động để tuyên truyền, kích động chống Việt Nam; lợi dụng các buổi “Hiệp thông cầu nguyện” tại nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp để “xuyên tạc tình hình, vu cáo, đả kích chính quyền, mang tính kích động, chống đối.”
Cuối cùng, công văn tố cáo DCCT và Linh mục Lê Quang Uy “can dự vào các hoạt động chính trị, đã vi phạm luật; đi ngược lại nội dung Huấn Từ của Giáo hoàng Benedictô XVI trong cuộc gặp đoàn Giám mục Việt Nam ngày 27 tháng 6 năm 2009…”
2.- Những lời phản biện
Hôm 4.1.2010, trong cuộc phỏng vấn của đài RFA do Gia Minh thực hiện, Linh mục Phạm Trung Thành, Bề Trên Giám Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế tại Việt Nam đã trả lời một số điểm tố cáo trong công văn nói trên. Ký giả Gia Minh hỏi Nhà Dòng đã “phản hồi” như thế nào đối với công văn của UBND Q3, Linh mục Thành nói:
“Nội dung công văn 1258 của UBND Quận 3 cũng tương tự như công văn trước. Chúng tôi thấy không hợp lý, vì anh em chúng tôi là linh mục. Chúng tôi có nhiệm vụ loan báo Tin Mừng, mà lời Chúa không phải ở trên mây trên gió; đó là tin mừng thực sự nhất là cho những người nghèo, người đau khổ, bị bỏ rơi, bị áp bức cụ thể trước mặt chúng tôi. Nhiệm vụ của chúng tôi là nói cho mọi người biết về niềm hy vọng, niềm tin vào Thiên Chúa – một Thiên Chúa yêu thương và công bằng. Chúng tôi có nhiệm vụ xây dựng xã hội trần thế trong ánh sáng của Lời Chúa.”
Về những trang web của Nhà Dòng bị tố cáo là “xuyên tạc sự thật, gây mất đoàn kết các vụ đã xẩy ra”, LM Thành giải thích:
“Theo dõi những bài viết trên các trang mạng của Nhà Dòng chúng tôi thì có thể chia ra làm ba loại chính. Thứ nhất là những thông tin, hình ảnh, sinh hoạt về tôn giáo của chúng tôi. Thứ hai là những bài viết của anh em chúng tôi. Thứ ba là những bài mà những người phụ trách các trang mạng đó trích dẫn cho rộng đường dư luận với chú thích là ‘lang thang trên mạng’. Chúng tôi chỉ chịu trách nhiệm về những bài viết của chúng tôi: những bài xã luận, suy nghĩ, bài giảng do anh em chúng tôi viết ra. Còn bài viết của những người được trích thì có tên tuổi, địa chỉ của họ và chúng tôi đưa lên như là một phản biện xã hội, để rộng đường dư luận cho mọi người xem xét.” (không cần biết đúng hay sai?).
Ký giải Gia Minh hỏi về việc Nhà Dòng bị cáo buộc đi ngược lại giáo huấn của ĐGH Benedictô XVI, Linh mục Thành đã phản biện:
“Chúng tôi đón nhận các huấn từ của Hội Thánh theo cung cách của những người có niềm tin; còn chính quyền Việt Nam xử lý huấn từ của Hội thánh theo cung cách của những người không có lòng tin, không có đức tin và họ đang theo đuổi lý thuyết cộng sản- một lý thuyết đi ngược lại đức tin. Hai cung cách này hoàn toàn khác nhau, đứng ở hai góc cạnh, hai định hướng, hai tầm nhìn khác nhau thì không thể thẩm định nhau được. Đối thoại là trình bày, lắng nghe chứ không phải cáo buộc. Hễ cáo buộc rồi thì không phải là đối thoại nữa.”
MỘT LỜI XÁC MINH
Bản tin của hãng thông tấn xã Tòa Thánh Fides đánh đi ngày 27.1.2010, cho biết trong cuộc phỏng vấn ngày 26.1.2010, Linh mục Michael Brehl, Bề Trên Tổng Quyền của DCCT trên thế giới đã nói:
“Chúng tôi rất lấy làm phật lòng trước những cáo buộc bất công cho rằng anh chị em chúng tôi là ‘những kẻ gây rối’ như đã tường thuật trên các phương tiện truyền thông của nhà nước Việt Nam. Tôi muốn thế giới biết là các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam cống hiến cho hòa bình. Họ phục vụ cho công ích của đồng bào, chuyên tâm cầu nguyện và phục vụ cho Tin Mừng. Tôi đã xin các anh em ở Việt Nam hãy cầu nguyện cho sự hòa giải và mời gọi các tín hữu cũng làm như thế ở cuối các buổi cử hành Phụng Vụ”.
Linh mục nói tiếp:
“Nhà dòng chúng tôi đã hiện diện ở Việt Nam hàng thế kỷ để phục vụ dân Chúa, cử hành các phép bí tích, các hoạt động tông đồ, các dịch vụ xã hội, và giáo dục: Sứ mạng chúng tôi luôn luôn là nhằm kiến tạo hòa bình.”
Linh mục nói thêm:
“Tuy nhiên chúng tôi rất quan ngại về tình trạng hiện nay. Chúng tôi hy vọng là bạo lực sẽ thôi không leo thang hơn nữa sau biến cố tại giáo xứ Đồng Chiêm nơi thầy Antôn Nguyễn Văn Tặng đã bị đánh trọng thương.”
NHẮM VÀO ĐỨC TGM KIỆT?
Nhật báo Công giáo Pháp La Croix trong số ngày 25.1.2010, dưới tựa đề "Chính phủ Việt Nam xử dụng bạo động chống người Công giáo", đã bình luận rằng từ 3 tuần nay, Giáo xứ Đồng Chiêm thuộc TGP Hà Nội, đã trở thành điểm nhắm của những hành động "khiêu khích của chính quyền".
Báo này cho biết một luật sư Công Giáo Việt Nam dấu tên đã nói như sau: "Chúng tôi nghĩ rằng chính quyền Việt Nam đang tìm cách lôi kéo Đức TGM vào vụ việc. Họ tìm một cái cớ để trục xuất ngài ra khỏi Hà Nội". Theo luật sư này, Đức TGM Hà Nội đang đề cao cảnh giác để không dính vào những vụ khiêu khích này và chấp nhận đứng lui ra đằng sau. Cách đây hai tuần, ngài đã rời thủ đô vào giữa lúc biến động tại giáo xứ Đồng Chiêm đang lên cao.
Báo này nhận định: "Theo người Công giáo Hà Nội, chính quyền sẵn sàng tạo ra các cuộc bạo động như thế để buộc Đức TGM phản ứng và rồi sau đó, chỉa mũi dùi vào ngài. Họ nói rằng các lực lượng an ninh đã không để cho dân chúng có giờ để thương lượng hầu ngăn cản việc xúc phạm đến linh địa của họ. Một chứng nhân đã nói rằng giáo dân chỉ tìm cách chống đỡ mà thôi."
Quả thật báo Hà Nội Mới trong số ra ngày 21.1.2010, dưới đầu đê “Lật mặt những kẻ kích động gây rối ở xứ đạo Đồng Chiêm” có viết: “Sau khi kết thúc tĩnh tâm tại Tòa tổng giám mục Hà Nội, ngày 6.1.2010, Tổng giám mục Ngô Quang Kiệt đã chỉ đạo linh mục đoàn về nhà thờ Đồng Chiêm động viên tinh thần cho giáo dân xứ Đồng Chiêm. Tại đây, các linh mục đã tiến hành Thánh lễ và giảng bài với nội dung nói xấu, vu cáo chính quyền đàn áp, khủng bố giáo dân Đồng Chiêm.” Tuy nhiên, chúng tôi không tin rằng vụ Đồng Chiêm được tạo ra chỉ để nhắm vào Đức TGM Kiệt.
Trong thời gian giáo dân Đồng Chiêm đem vật liệu lên “Núi Thờ” để đúc và dựng Thánh Giá, công an xã An Phú biết rất rõ, họ đã báo cáo nhưng được lệnh chỉ theo dõi chứ không ngăn cản. Đợi khi việc dựng Thánh Giá hoàn tất, chính quyền Hà Nội mới ra lệnh cho đập phá và xử dụng bạo lực không thương xót với bất cứ ai muốn ngăn cản, với mục tiêu “răn đe” những nơi khác đừng tự ý dựng biểu tượng tôn giáo ở bất cứ nơi đâu khi không có phép của chính quyền. Nhà cầm quyền đã chính thức tuyên bố họ "thực hiện nghiêm chủ trương chấn chỉnh trật tự kỷ cương xây dựng và kỷ cương phép nước cùng Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo". Dĩ nhiên, nếu Đức TGM Kiệt trực tiếp dính vào họ sẽ làm lớn chuyện. Dầu sao, vụ Đồng Chiêm cũng đã gây thêm khó khăn cho Đức TGM Kiệt vì giáo xứ Đồng Chiêm nằm dưới quyền cai quản của ngài.
Ở Mỹ hay VNCH trước đây, mỗi khi muốn phá một công trình nào do tư nhân dựng lên, thành phố hay cảnh sát phải xin án lệnh của Tòa. Tòa sẽ mở những phiên điều trần để hai bên trình bày quan điểm của mình. Khi nào có án lệnh của Tòa mới được phá. Ở Việt Nam, công an đã thay tòa hành xử luật pháp.
XÁC ĐỊNH HƯỚNG ĐI
Trong khi đó ngày 24.1.2010, nhật báo Công Giáo Pháp La Croix đã phỏng vấn ĐHY Phạm Minh Mẫn, TGM Sài Gòn, về những tranh chấp giữa Giáo Hội và chính quyền hiện nay. Ký giả Jerome Boruszewski đã đặt 8 câu hỏi, đặc biệt trong đó đã nhấn mạnh đến vụ Dòng Chúa Cứu Thế của giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp ở Sài Gòn đã nói về vụ việc Bauxite trên Internet; Chánh văn phòng của Toà Tổng Giám Mục Giáo phận Hà Nội đã nói về vụ việc Đồng Chiêm rằng “chúng ta hãy cầu nguyện cho đất nước được thực sự công bằng, dân chủ và văn minh.” Ký giả này đã hỏi ĐHY: “Chả lẽ ngài không nghĩ rằng người Công giáo đã trở thành thành phần đối lập chính trị khi họ bình luận công khai như thế về những vấn đề nhạy cảm và khi họ nói công khai về dân chủ trong một đất nước cộng sản?”
Toàn văn bài phỏng vấn này bằng tiếng Việt đã được đăng trên trang nhà của Tổng Giáo Phận Sài Gòn (tgpsaigon.net). Chúng tôi xin đăng lại nguyên văn để độc giả suy nghĩ.
Câu hỏi 1. Ngài có thể nói gì về mối quan hệ giữa Giáo Hội ở miền Nam Việt Nam và Chính quyền Việt Nam?
Trả lời: Về mối quan hệ với Nhà Nước, nhờ bài học lịch sử thế giới dạy cho biết lối mòn cũ là thái độ và hành vi đối đầu với dây chuyền những hậu quả đau thương tạo nên nền văn hoá sự chết cho mọi dân tộc, tôi cố gắng đi theo con đường mới Công đồng Vatican II đã mở ra, là đối thoại và hợp tác với mọi tổ chức văn hoá và tôn giáo, kinh tế và chính trị trong cộng đồng xã hội, trên cơ sở sự thật và công ích. Cả hai vị Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Bênêđitô XVI đều nhắc lại con đường này cho các Giám mục Việt Nam trong những lần đi Ad Limina trong thập niên đầu của thiên niên kỷ thứ ba.
Câu hỏi 2. Ngài thấy tương lai của cộng đồng Công giáo ở Việt Nam sẽ như thế nào? Điều gì làm ngài vững tin? Điều gì làm ngài lo âu?
Trả lời: Điều làm cho tôi vững tin vào tương lai của cộng đồng Công giáo tại Việt Nam, là niềm tin Kitô giáo, niềm tin vào Lời Cứu Độ, là Đường dẫn đến Chân Lý tròn đầy, Tình Thương vô biên và Sự Sống dồi dào. Lời được ghi lại trong Sách Thánh, Lời đâm rễ vào trong đời sống Giáo Hội, Lời như hạt giống được gieo vào nền văn hoá của các dân tộc. Lịch sử loài người xác minh chỉ có Lời của Chúa Tạo Thành và Cứu Độ tồn tại qua những đổi thay và thăng trầm trong lịch sử, còn mọi sự khác trong trời đất đều qua đi, cả các nền văn minh, các chế độ xã hội, những gì do trí khôn hữu hạn của con người nghĩ ra, tạo ra.
Điều làm cho tôi lo âu là: niềm tin đó, đặc biệt ở nơi người trẻ, nếu không có điều kiện thắp sáng bằng cách mở rộng và nâng cao kiến thức đức tin, không được nuôi dưỡng bằng Lời ban sức sống mới, dần dần sẽ phai mờ và suy yếu, méo mó và lệch lạc.
Câu hỏi 3. Có nhiều vụ tranh chấp đất đai giữa Giáo Hội và Nhà Nước. Tại sao những vụ này mỗi ngày một tăng thêm?
Trả lời: Cơ chế pháp luật Việt Nam sau năm 1975 đã xoá quyền tư hữu của người dân. Tôi không rõ những người làm điều đó có ý gì, xây dựng một xã hội gọi là tiến bộ và công bằng hơn?… Nhưng thực tế cho thấy điều đó mở đường cho nhiều lạm dụng, bất công và bất ổn ngày càng lan rộng trong xã hội. Nguyên nhân? Có lẽ có nhiều. Tôi thấy có một nguyên nhân chính, đó là đi ngược chiều với truyền thống văn hoá cùng những giá trị đạo đức của dân tộc. Nền văn hoá cùng những giá trị đó từ ngàn xưa được xây trên tình nghĩa đồng bào tôn trọng lẫn nhau, tương thân tương trợ lẫn nhau, chứ không phải trên hệ thống quyền lực cùng bạo lực loại trừ đồng bào đồng loại. Lịch sử cho thấy công cuộc phát triển một xã hội tự do và dân chủ, bình đẳng và công bằng, văn minh và khoa học, mà thiếu tình nghĩa đồng bào, thiếu tình huynh đệ đại đồng, luôn để lại nhiều vấn đề nan giải, cản trở sự phát triển toàn diện của con người và đất nước.
Câu hỏi 4. Ngài có đối thoại với chính quyền về những vấn đế nóng bỏng đó không? Nếu có, ngài nghĩ gì về cuộc đối thoại này?
Trả lời: Về vấn đề đất đai, trước tình hình bất công và bất ổn kéo dài rộng khắp, từ trong hệ thống Nhà Nước, cũng như từ phía các Giám mục Việt Nam, đều có đề nghị sửa đổi luật lệ. Cá nhân tôi cũng có gợi ý xem lại luật lệ và đối chiếu với truyền thống văn hoá dân tộc, với hệ thống thế giới toàn cầu hoá hôm nay. Hiện nay, chưa thấy kết quả cụ thể. Lý do chính có lẽ là chưa có sự thống nhất trong hệ thống Nhà Nước. Đức Hồng Y Glemp, giáo chủ Ba Lan, dựa vào lời khuyên của Thánh Phaolô và kinh nghiệm bản thân, có lời nhắc nhở là hãy kiên nhẫn và cầu nguyện. Có lẽ dựa vào lịch sử cứu độ, ông tin rằng việc đổi mới tâm trí con người và liên kết mọi người nên một là công trình của Chúa Thánh Thần, và con người cần cộng tác với tác nhân chính.
Câu hỏi 5. Ngài có thể nói gì về sự hỗ trợ mà ngài nhận được từ Vatican trong những tranh chấp này?
Trả lời: Vatican nhắc nhở chúng tôi trung thành với đường lối của Chúa và giáo huấn của Giáo Hội, tránh chạy theo lối mòn cũ, đừng để phe hữu phái tả lôi cuốn đi sai lệch con đường cứu độ của Chúa.
Câu hỏi 6. Các thành viên Dòng Chúa Cứu Thế của giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp ở TP.HCM đã nói về vụ việc Bauxite trên Internet. Chánh văn phòng của Toà Tổng Giám Mục Giáo phận Hà Nội đã nói về vụ việc Đồng Chiêm rằng “chúng ta hãy cầu nguyện cho đất nước được thực sự công bằng, dân chủ và văn minh.” Chả lẽ ngài không nghĩ rằng người Công giáo đã trở thành thành phần đối lập chính trị khi họ bình luận công khai như thế về những vấn đề nhạy cảm và khi họ nói công khai về dân chủ trong một đất nước cộng sản?
Trả lời: Tôi nghĩ rằng mọi người trong trường hợp như câu hỏi đã nêu, đều bị chính quyền coi là chống đối Nhà Nước, còn chính họ thì coi mình là công dân có tự do và trách nhiệm vừa đấu tranh cho quyền làm người, vừa góp phần xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh hơn… Có một thời, người Công giáo đã được dạy làm công dân như vậy. Tấm gương đấu tranh dưới hình thức cường lực và bạo lực của chính quyền hiện nay cũng là bài học cho gia đình và các tổ chức xã hội noi theo.
Ngày nay, giáo huấn của Giáo Hội, đặc biệt qua Đức Bênêđitô XVI, dạy người Công giáo trước tiên hãy trở nên người Công giáo tốt. Khi là Công giáo tốt thì tất nhiên là công dân tốt trong thế giới hôm nay. Như thế, người Công giáo cần quên đi bài học cũ, và học cùng hành bài học mới này.
Giới hữu trách đạo và đời, với thiện chí hợp tác xây dựng và phát triển đất nước, đều có trách nhiệm liên đới tạo điều kiện cho mọi công dân học và hành bài học mới này. Một điều kiện tối cần là liên kết gia đình, nhà trường cùng các tổ chức trong xã hội chung sức giáo dục con người trong xã hội hôm nay sống tốt đạo làm người, con người sẽ là công dân tốt trong xã hội ngày mai. Một điều kiện tối cần khác là hệ thống giáo dục trong đất nước không phải chỉ lo truyền đạt kiến thức khoa học kỹ thuật, song trước tiên là truyền đạt vừa kiến thức vừa kỹ năng sống đạo làm người cho thế hệ hôm nay và ngày mai. Và điều kiện tiên quyết là giới hữu trách cần xác định rõ nội dung cùng định hướng của môn học sống đạo làm người, và cần được mọi người thống nhất. Chu toàn nhiệm vụ giáo dục này, đất nước này sẽ xây thêm nhiều nhà trường đồng thời giảm đi con số nhà tù hay trại cải tạo.
Tôi cầu mong người tin theo Chúa, trong mọi hoàn cảnh, kiên vững bước theo Chúa là Đường dẫn đến sự sống dồi dào, theo giáo huấn của Giáo Hội là ánh sáng của chân lý và tình thương. Chân lý và tình thương cứu độ của Chúa, khi được con người đón nhận, sẽ trở thành định hướng và động lực cho sự phát triển toàn diện con người và đất nước. Toàn diện có nghĩa là về mọi phương diện, văn hoá và xã hội, kinh tế và chính trị, thể xác và tinh thần, tâm trí và lòng đạo…
Tôi cầu mong cho mọi người Công giáo, trong cầu nguyện cũng như trong hành động, luôn tìm và thi hành ý Chúa. Giáo huấn của Giáo Hội diễn tả ý Chúa mong muốn là mọi người, cả những nạn nhân của bạo lực, thành viên của phe hữu phái tả, bước đi trong ánh sáng chân lý và tình thương, không phải để trở nên tiến bộ hay hợp thời, nhưng để được phát triển toàn diện, để nhân phẩm được toả sáng và được nhìn nhận cùng tôn trọng, để trở nên chứng nhân Tin Mừng cứu độ của Chúa trong thế giới hôm nay.
Câu hỏi 7. Đức Ông Barnabê Nguyễn Văn Phương đã nói rằng “những người làm việc với ĐTC cố gắng theo dõi báo chí và lấy tin tức từ Internet để biết được tình hình ở Việt Nam. Nhưng về thông tin, sự vắng bóng đại diện Vatican ở Việt Nam quả là một ‘lỗ hổng’.” Ngài có đồng ý như thế không? Cụ thể là, sự tái lập bang giao giữa Vatican và Việt Nam có thể mang lại những gì cho cộng đồng Công giáo Việt Nam?
Trả lời: Chức năng truyền thông xã hội là giúp mọi người tiếp cận với sự thật tròn đầy, sự thật phản ảnh thực tại cách trung thực. Thực tế cho thấy phương tiện truyền thông thường truyền cho xã hội một nửa sự thật, sự thật một chiều, hoặc sự thật bị cắt xén, bị bóp méo, sao cho có lợi cho người thông tin, cho việc tuyên truyền. Do đó việc đối thoại cùng hợp tác trên cơ sở sự thật và công ích, đòi hỏi các đối tác phải thường xuyên có mặt tại chỗ để lắng nghe từ nhiều phía, để theo dõi diễn biến ở nhiều mặt, để hiểu được lối nói và cách làm tại chỗ có ý nghĩa gì đối với sự thật và công ích. Như thế, sự hiện diện của đại diện Vatican tại Việt Nam sẽ giúp cho Vatican thi hành cách có hiệu quả hơn nhiệm vụ đồng hành với cộng đồng Công giáo tại Việt Nam trên con đường đối thoại và hợp tác phát triển toàn diện con người cùng đất nước Việt Nam.
Câu hỏi 8. Ngài có muốn ĐTC Bênêđictô XVI viếng thăm Việt Nam không? Một cuộc viếng thăm như thế có thể mang lại những đổi thay nào cho Giáo Hội Công giáo và cho người Công giáo Việt Nam?
Trả lời: Sau khi Đức Giáo Hoàng viếng thăm Trung Đông, nhiều người mong Ngài đến viếng thăm Việt Nam, để đem lại hoà khí cho vùng đất này, để thắp sáng lên niềm hy vọng cho nhiều người.
NHẮC LẠI HUẤN THỊ
Trong chuyến viếng thăm Ad Limina tại Roma vào tháng 6 năm 2009, ngày 27.6.2009, Đức Giáo Hoàng Benedictô XVI đã ban huấn thị cho các Giám Mục Việt Nam, trong đó có đoạn nói đến tương quan giữa Giáo Hội và Chính Quyền như sau:
“Thư Mục vụ mà Hội Đồng Giám Mục của Anh Em đã công bố năm 1980 nhấn mạnh đến “Giáo Hội Chúa Kitô ở giữa Dân của mình”. Khi đem tới nét đặc thù của mình – là việc loan báo Tin Mừng của Chúa Kitô – Giáo Hội đóng góp vào việc phát triển nhân bản và thiêng liêng của con người, nhưng cũng đồng thời đóng góp vào sự phát triển đất nước. Việc tham gia vào tiến trình này là một bổn phận và một sự đóng góp quan trọng, nhất là vào thời điểm mà Việt Nam đang từ từ mở ra đối với cộng đồng quốc tế.
“Anh Em cũng như Tôi đều biết rằng một sự hợp tác lành mạnh giữa Giáo Hội và cộng đồng chính trị là điều có thể thực hiện được. Về điểm này, Giáo Hội mời gọi mọi phần tử của mình dấn thân cách trung thành nhằm xây dựng một xã hội công bằng, liên đới và bình đẳng. Giáo Hội không hề muốn thay thế Chính quyền, nhưng chỉ mong rằng trong tinh thần đối thoại và hợp tác tôn trọng nhau, Giáo Hội có thể góp phần mình vào đời sống của đất nước, nhằm phục vụ tất cả mọi người dân. Trong khi tham gia cách tích cực, theo như vị trí dành cho mình và theo ơn gọi đặc thù của mình, Giáo Hội không bao giờ miễn trừ cho mình việc thực hành bác ái xét như các hoạt động có tổ chức của các tín hữu, và, đàng khác, không bao giờ có một tình trạng mà trong đó người ta lại không cần tới bác ái của mỗi Kitô hữu, bởi vì con người, ngoài công bình ra, vẫn cần và sẽ còn cần tới tình yêu (Tđ. Thiên Chúa là tình yêu, s. 29). Ngoài ra, Tôi thấy điều quan trọng này là phải nhấn mạnh rằng các tôn giáo không gây ra mối nguy hiểm cho sự đoàn kết quốc gia, bởi vì tôn giáo nhằm giúp đỡ cá nhân thánh hóa chính mình và, qua các tổ chức của mình, các tôn giáo ước mong phục vụ tha nhân cách quảng đại và hoàn toàn vô vị lợi.”
Đây là huấn thị đã được UBND Quận 3 thành phố Sài Gòn nhắc đến trong công văn số 1258/UBND ngày 28.12.2009 gởi Linh Mục Phạm Trung Thành và cho rằng DCCT Việt Nam đã vi phạm huấn thị này. Trong khi đó, Linh mục Thành phản biện rằng giữa chính quyền và các limh mục DCCT “đứng ở hai góc cạnh, hai định hướng, hai tầm nhìn khác nhau thì không thể thẩm định nhau được.”
Chúng tôi tin rằng Tòa Thánh Vatican và Hội Đồng Giám Mục Việt Nam sẽ không chấp nhận đi theo “con đường Pháp nạn” mà một nhóm Phật Giáo đã theo đuổi từ năm 1963 đến nay qua nhiều chế độ với những thất bại thê thảm. Chúng tôi tin rằng Tòa Thánh Vatican và Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đang đi theo con đường mà Đức Cố Giáo Hoàng John Paul II đã đưa ra trong thông điệp Ngày Hoà Bình Thế Giới 2005: “Vượt thắng điều ác bằng điều thiện” (Overcome evil with good).
Ngày 2.2.2010
Lữ Giang
Views: 0