Uncategorized

Tản mạn xuân: Ông lão là một cu bé sống lâu!

Mấy hôm rồi, gia trưởng Vũ Ðình Kỷ có gọi điện thoại và nhắc viết bài xuân cho Nazareth. Tuy hơi rét một chút, nhưng được gia trưởng nhờ Tư Lượm cũng lên tinh thần và nhận lời ngay. Phen này có dịp múa bút theo Hai Lúa.

 

Mấy hôm rồi, gia trưởng Vũ Ðình Kỷ có gọi điện thoại và nhắc viết bài xuân cho Nazareth. Tuy hơi rét một chút, nhưng được gia trưởng nhờ Tư Lượm cũng lên tinh thần và nhận lời ngay. Phen này có dịp múa bút theo Hai Lúa.

 

Nghĩ vậy, nhưng không dám qua mặt đàn anh, Tư Lượm đã vấn kế với Hai Lúa và được đàn anh chỉ bảo cặn kẽ rằng, thì, là, mà nên viết cho dzui dzẻ một chút, vì thiên hạ đọc các bài nặng ký chán tới cần cổ rồi, lâu lâu nên cho vào thực đơn vài món ăn chơi coi mòi hấp dẫn hơn, bởi lẽ “ăn chơi ngon hơn ăn thật”.

 

Viết về xuân. Viết cho dzui dzẻ coi vậy mà khó à nghe. Vì nếu viết những điều mà người khác đã viết và đã biết như đưa ông Táo về chầu ngọc hoàng, dựng nêu, hạ nêu, tục lệ cúng ông bà tổ tiên, hái lộc đầu năm, xông đất, xông nhà, hoặc những chuyện kiêng cữ ba ngày tết thì khó mà đạt được tiêu chuẩn dzui dzẻ và hấp dẫn. May quá, Tư Lượm chốp được mấy tư tưởng sau đây của một triết gia hay tư tưởng gia gì đó. Theo giáo sư Trần Văn Ðiền trong cuốn “Ðịnh Nghĩa Cuộc Ðời” xuất bản năm 1998:

 

“Ðàn ông 20 tuổi là con công. 30 tuổi là con sư tử. 40 tuổi là con lạc đà. 50 tuổi là con rắn. 60 tuổi là con chó. 70 tuổi là con khỉ. 80 tuổi thì chẳng là gì cả.” (Baltasar Gracián)

 

Ngẫm nghĩ lại thấy ông này nói đúng quá đi chứ. Tư Lượm đang ở cỡ 60 và cũng đang làm những chuyện mà một “con chó” đang làm. Này nhá: giữ nhà cho bà chủ. Hễ thấy đứa nào lơ mơ đến gần bà thì “sủa” cho nó chạy ra xa. Ðêm cũng như ngày ngoài cái chuyện coi nhà, giữ cửa, còn phải làm cho bà chủ vui. Không có đuôi để ve vẩy, thì phải nhe cái răng ra mà cười mặc dù trong lòng đôi lúc xót xa, đứt ra từng khúc ruột. Hễ bà vui thì bà xoa xoa cái đầu, vuốt ve cho một cái, còn bà buồn thì bà chửi cho đành phải cụp đuôi đi chơi chỗ khác. Ấy vậy mà còn phải “trung thành” với bà chủ nữa.

 

Không biết có phải vì mình mang tuổi con chó hay không, mà ở vào cái tuổi 60 lại thấy đúng như những gì ông triết gia đó viết.

 

Mà không phải chỉ có đàn ông con trai thôi, về phía đàn bà con gái cũng vậy. Nếu nhìn đời bằng một cái nhìn vừa có tính cách thực tiễn, vừa khôi hài thì người ta có thể phân chia tuổi đời một người đàn bà qua một lối so sánh rất đàn bà như sau:

 

“ Theo từng giai đoạn, đời người đàn bà có thể ví như năm châu:
Tuổi từ 13 đến 18, nàng giống như Phi Châu, miền đất còn trinh nguyên.
Từ 18 đến 30, nàng giống như Áu Châu, nóng bỏng, đầy hoa thơm cỏ lạ.
Từ 30 đến 45, nàng giống như Mỹ Châu, đã được khám phá đầy đủ.
Từ 45 đến 55, nàng giống như Âu Châu, tài nguyên đã cạn kiệt.
Từ 55 tuổi trở đi, nàng giống như Úc Châu, ai cũng biết là còn đó, nhưng ít người để ý.”
(Al Boliska)

 

Ai sao không biết chứ bà xã của Năm Ðược, thằng em Tư Lượm thì thấy đúng y chang. Má nó ơi! Ở vào vùng đất “tài nguyên đã cạn kiệt” rồi mà cứ ỏn ẻn, ưỡn qua, ưỡn lại: “Anh! Anh nhìn em độ rầy ra sao?” Nghe mà phát nổi da gà. Không biết Năm Ðược nghĩ gì trong đầu, mà bề ngoài thấy nói trả lời ngọt xớt: “Cưng hả cưng! Em nhìn còn nóng bỏng như một Á Châu đầy hoa thơm cỏ lạ vậy!”

 

Lần nọ Tư Lượm hỏi nó tại sao lại có cái “chiện” lạ đời như vậy, thì được nó trả lời tỉnh bơ:

 

– Nịnh vợ sống lâu! Anh không biết triết lý sống này sao? Rồi hắn lên mặt thầy đời dậy dỗ tiếp: “Thằng nào dám xâm mình nói với vợ ‘em ở vào thời gian mà mọi tài nguyên đều cạn kiệt như Âu Châu già nua’, mặc dù nó thật có vậy tui bái làm sư phụ. Tui thấy nhiều thằng vợ phải nhờ đến cai dao, cái kéo của mấy chả bác sỹ để “xin” tí đẹp, nhưng vẫn khen lấy khen để: “Em là thần Vệ Nữ của anh”.

 

Nhưng đó là chuyện châu lục và con này con khác. Tư Lượm xin trở lại câu “Ông lão là một cu bé sống lâu” để luận về mùa xuân cho nó có chất xuân một chút.

 

Tư Lượm thấy chịu câu nói khôi hài này. Theo Tư Lượm, nó mang một ý nghĩa rất hay, đặc biệt nếu ai muốn giữ mãi cái “nhân lão, tâm bất lão” của mình. Vì phải có cái tính trẻ trong người, thì ta mới hy vọng sống lâu và sống vui vẻ được mặc dù mình có mang hình hài con chó hay con khỉ, hoặc có phải đi qua các châu lục như Châu Á, Châu Âu, Châu Phi hay Úc Châu.

 

Theo tuần hoàn của vũ trụ, chu kỳ cuộc sống vạn vật khởi đi từ Xuân, Hạ, Thu rồi Ðông. Mỗi mùa mang một đặc tính riêng, nhưng tất cả làm thành chu kỳ cho những biến đổi của đất trời. Và nó chính là lẽ sinh tồn của vạn vật.

 

Bốn mùa nếu đem ứng dụng vào thời gian của một đời người cũng có một ý nghĩa tương tự. Nếu lấy 100 tuổi đời là tuổi thọ tương đối cao nhất dựa trên bốn tụ điểm của thời gian: trẻ, thành nhân, thành đạt, và qui ẩn, thì mùa Xuân chính là thời gian thơ trẻ của 25 năm đầu. Mùa Hạ là thời gian thành nhân với 25 năm kế tiếp. Mùa Thu là thời gian thành đạt với 25 năm sau đó. Mùa Ðông là thời gian qui ẩn bằng 25 năm sau cùng của đời người.

 

Như chu kỳ sinh hoạt của đất trời, chu kỳ sinh hoạt của tuổi đời cũng nối tiếp nhau để tạo nên những biến đổi cần thiết cho sự phát triển và lẽ sống của một đời người. Nhưng không như mùa Ðông của đất trời là một chuyển mình cho mùa Xuân kế tiếp, mùa Ðông của đời người chính là một chuẩn bị để con người bước vào mùa Xuân vĩnh cửu.

 

25 năm đầu chính là thời điểm đẹp nhất, dễ thương nhất, và đầy sức sống nhất. Gọi nó là mùa Xuân của đời người vì sự phát triển từ tâm hồn đến thể xác, từ trong ra ngoài làm cho ta trở thành một thanh niên, một thiếu nữ đầy sức sống và quyến rũ.

 

Nhưng chưa hẳn là một con người phát triển toàn vẹn, vì nó vẫn cần đến những thách đố và thử thách để tôi luyện và làm chín mùi những giá trị của trí não, của tài năng, và của nhân đức. Như mùa Hạ với nắng hè gay gắt nhưng cần thiết để ủ chín những trái cây trên cành, đem lại những quả thơm, trái ngọt, mùa Hạ của đời người cũng mang một tính chất tương tự. Nhân đức, nhân cách con người cần phải được tôi luyện bằng thời gian và thử thách.

 

Thế rồi, như một thân cây sau khi đã đem lại những trái chín thơm ngon, giờ đây nó bắt đầu thu mình vào sức sống bên trong. Nhựa cây được chuyền vào trong, thu gọn vào rễ. Như những chiếc lá sang Thu bắt đầu chuyển mầu, rơi rụng theo chiều gió, mùa Thu của đời người mới nhìn tưởng chừng như đang đi vào quên lãng và bị bỏ rơi, nhưng thực sự nó đang chuyển mình vào một chu kỳ mới. “Ngũ thập tri thiên mệnh”. Lúc này mọi việc làm, mọi lời nói không còn mang tính cách bồng bột, hiếu thắng, và ham hố chộp giật, nhưng với một ý nghĩa êm ả hơn, nhu mì hơn, và thanh thản hơn. Như những chiếc lá lìa cành sau mỗi làn gió nhẹ, đời sống con người bước vào tuổi 60 cũng phải trở nên thanh thoát và nhẹ nhàng. Nó như nói với chính ta rằng, đời người có là bao, và ta nên chuẩn bị để về với cội nguồn của mình.

 

Rồi Ðông tới, khi mọi vật thu mình vào với cái chính tâm của nó. Bầu khí giá lạnh bên ngoài là thời gian cho đất đai và cây cối cùng nghỉ ngơi. Một sự nghỉ ngơi tĩnh dưỡng để bắt đầu một chu kỳ mới. Ðời sống con người cũng vậy. Mùa Ðông đời người tức là thời gian hoàn toàn thư dãn, trút bỏ trần tục để chuẩn bị về với cội nguồn của mình sau chuỗi hành trình dài trên miền đất tạm dung của thế giới nhân sinh. Vì trái đất không phải là quê hương vĩnh cửu của con người. Mỗi lần tham dự Thánh Lễ An Táng bao giờ cũng nghe được lời Sách Thánh: “Ðời sống con người chóng qua như cỏ. Như bông hoa nở trong cánh đồng, một cơn gió thoảng đủ làm nó biến đi. Nơi nó mọc cũng không còn mang vết tích”. Ðọc và nghe những câu này thấy đời người và thân phận con người mong manh làm sao! Thật là quá não nề!!! Tuy vậy, mùa Ðông đời người không phải để chuẩn bị cho một chu kỳ sinh hoạt mới như chu kỳ sinh hoạt của đất trời. Nó chuẩn bị cho con người bước vào một mùa Xuân vĩnh cửu, một cuộc sống vĩnh hằng. Và điểm hẹn, ngày khai mở mùa Xuân vĩnh cửu đó là ngày mà mỗi người nhắm mắt lìa bỏ cõi đời này.

 

“Ông lão là một cu bé sống lâu!” Trong tiến trình phát triển, Tư Lượm thấy tư tưởng này còn tiềm ẩn một tầm nhìn về cái tính trẻ trung, và sức sống tràn đầy của tâm hồn. Nhựa xuân tâm hồn ấy là điều cần thiết để luân lưu và phát sinh sức sống của thân cây đời người. Như vậy thì sẽ không lo mình rơi vào tình trạng con nào trong những con mà Baltasar Gracián đã đề cập tới, hoặc không phải rơi vào châu lục nào trong những châu lục mà Al Boliska đã kể ra. Ðiều quan trọng không phải là mình sống được bao lâu, và trải qua những thời điểm nào trong cuộc đời, cũng như đi qua những sa mạc nào của cuộc đời, hoặc trải qua mấy mùa Xuân, Hạ, Thu, Ðông.

 

Xuân niên tuế. Xuân tâm hồn. Bốn mùa của thiên nhiên phân chia rõ rệt, nhưng nếu nhìn vào chiều sâu sức sống của vạn vật thì như cái chất xuân ấy vẫn có và vẫn len lỏi vào từng nhựa sống và trải dài theo cả bốn mùa. Khi nghĩ về mùa xuân niên tuế cũng chính là dịp để cùng nhìn lại sức sống tiềm tàng tâm linh của mùa Xuân Tâm Hồn – Xuân Vĩnh Cửu. Và đó cũng là điều Tư Lượm cho rằng chúng ta cần làm mỗi khi nghĩ đến mùa xuân và đón xuân. Ở bất cứ mùa nào, bất cứ tuổi nào trong tiến trình cuộc sống, hay bất cứ ở đâu trong năm châu, bốn biển, điều quan trọng là cái tâm của mình phải trẻ trung. Nếu giữ được cái tâm trẻ thì mãi mãi đời ta vẫn là một mùa xuân, vì: “nhân lão tâm bất lão”!
 

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.