Báo Mai
https://baomai.blogspot.com/2017/04/thang-4-thang-tang.html
Những người Việt tại Hoa Kỳ từng phục vụ cho chính quyền Sài Gòn rất đau lòng mỗi khi nhắc đến ngày 30/4. Họ gọi đó là ngày Quốc hận, và xem tháng Tư là tháng Tư Đen hay Tháng Tang.
Ông Phạm Ngọc Cửu, thành viên của Cộng đồng Người Việt Quốc gia Liên bang Hoa Kỳ tại Florida, cựu phó tỉnh trưởng tỉnh Bình Thuận, năm nay 76 tuổi, nói với VOA Việt ngữ rằng tháng Tư là tháng Tang:
“Đối với tôi trong 42 năm, tháng Tư là tháng tang. Trừ dịp các đoàn thể có chương trình kỷ niệm gì đó thì tôi tới thôi, còn ngoài ra những gì vui chơi là tôi không bao giờ nghĩ tới, mà tôi nghĩ tới những người anh em, đồng đội, những người cùng chiến đấu đã mất.”
Ông Phạm Ngọc Cửu từng phục vụ tại Tòa Hành Chánh Bình Thuận từ 1967, chức vụ cuối cùng là Phó Tỉnh trưởng tỉnh Bình Thuận mà ông đảm nhận từ năm 1971- đến ngày 18/4/1975.
Sau ngày 1-5-1975, ông Phan Ngọc Cửu bị ở tù 13 năm, bị chuyển qua các trại tù từ Nam ra Bắc, rồi từ Bắc vào Nam, trong đó có 6 tháng bị biệt giam và cùm chân tay trong xà lim ở nhà tù Thanh Hóa. Tháng 2/1988, ông được phóng thích và đến Mỹ vào tháng 6/1991, sau 17 năm mới đoàn tụ gia đình tại thành phố Orlando. Ông còn là Hội Trưởng Hội Tương trợ Cựu Chiến Binh Bình Thuận Hải ngoại và tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng tại Florida.
Cũng như ông Cửu, ông Phạm Trần Anh ở California cũng rất đau buồn vì quá nhiều đồng đội đã ngã xuống trong biến cố 30/4/1975.
“Nói và nghĩ về ngày 30/4: đó là một sự kiện lịch sử. Cái mà gọi là thống nhất, thực tế là cuộc xâm lăng. Thống nhất mà lòng người phân tán và hàng trăm ngàn người đã hy sinh chính tính mạng của họ để đổi lấy ý tưởng tự do. Đây là cuộc bỏ thân, bỏ phiếu bằng thân vĩ đại nhất trong lịch sử và 5 vị tướng đã tuẫn tiết, và trăm hàng ngàn sĩ quan đã hy sinh vào ngày 30/4.”
Ông Phạm Trần Anh còn gọi ngày 30/4/1975 là “Ngày Quốc hận” tháng Tư là “tháng Tư Đen”, sau khi Bắc Việt “xé bỏ hiệp ước Paris 27-1-1973 đem quân xâm chiếm miền Nam Việt Nam.”
Trong một bài viết về chiến tranh Việt Nam, sử gia Phạm Trần Anh cho rằng Chiến tranh Việt Nam không phải là giành độc lập dân tộc như nó từng được rao truyền, mà đã trở thành cuộc chiến tranh ý thức hệ giữa 2 hệ thống tư tưởng: Chủ nghĩa Cộng sản và chủ nghĩa Tư Bản của thế giới tự do.
Sử gia Phạm Trần Anh từng là Giám đốc Học viện Hành chánh Quốc gia Sài gòn. Ông còn là nhà văn, nhà biên khảo. Sau ngày 30/4/ 1975, ông thành lập Mặt Trận Tự Do Người Việt Diệt Cộng Cứu Quốc.
Ông Phạm Trần Anh, năm nay 72 tuổi, bị bắt năm 1977 và bị xử án tù chung thân vì tội hoạt động lật đổ chính quyền. Ông được trả tự do vào ngày 3/8/1997 nhờ sự can thiệp của Hội Ân xá Quốc tế, sau hơn 20 năm trải qua các nhà tù ở Việt Nam trong đó có 9 năm bị cùm chân tay trong xà lim biệt giam.
Sang Mỹ vào tháng 9/ 2006, ông Phạm Trần Anh dành mọi nỗ lực vào việc viết sách, nhất là truy tìm nguồn gốc dân tộc Việt Nam với các tác phẩm như: Cội nguồn Việt Tộc, Huyền Tích Việt, Quốc Tổ Hùng Vương, Việt Nam Thời Lập Quốc và năm 2016 xuất bản sách Đế Quốc Mới Trung Cộng.
Cũng như ông Phạm Trần Anh, ông Phạm Ngọc Cửu dành hết thời gian của mình để đóng góp cho cộng đồng và hướng về phong trào dân chủ trong nước.
Đầu tháng 4, một hoạt động cụ thể mà ông Cửu đã thực hiện là tổ chức thành công cuộc biểu tình chống Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Florida, nơi ông Tập hội đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump.
Ông Cửu cảm nhận đã có một ‘luồng gió mới, một sinh khí mới hiện diện trên quê hương Việt Nam.
“Năm nay cảm tưởng riêng của tôi là tôi phấn khởi hơn năm nào hết vì tình hình trong nước có những chỉ dấu, có những sự kiện xảy ra làm cho mình nghĩ rằng con đường đấu tranh có thể đi tới kết quả, đã dám đứng dậy, dám có tiếng nói, đã dám có những hành động như đi vào các cơ quan của chính quyền biểu tình. Mới đây hành động mạnh nhất là ở Đồng Tâm, đã bắt giữ công an, những người đi chiếm đất đai.”
Ngược lại với các cựu quân nhân và công chức chính quyền Sài Gòn, nhà thơ Lãm Thúy ở Maryland không muốn nhắc đến những mất mát, đau buồn ngày 30/4, nhưng khi nhìn lại Việt Nam sau 42 năm, bà chia sẻ với VOA Việt Ngữ rằng:
“Tôi thấy người nào giàu thì rất giàu. Người nào khổ thì cũng rất khổ. Tôi về thì tôi sống ở dưới quê.”
Là vợ của một cựu quân nhân Việt Nam Cộng hòa, nhà thơ Lãm Thúy sinh quán tại Nhơn Ái, Phong Điền, Cần Thơ, định cư tại Mỹ năm 1992.
Mong mỏi duy nhất của bà cho ngày 30/4 năm nay là Việt luôn gìn giữ được chủ quyền đất nước và không bị lệ thuộc vào Trung Quốc:
“Mong đất nước mình giữ được chủ quyền và đừng lệ thuộc vào Trung Cộng, không bị mất nước. Đó là điều mong mỏi lớn lao nhất, bất cứ là trong dịp lễ này hay là suốt cuộc đời, chỉ mong đất nước Việt Nam là của người Việt Nam.”
Friday, April 28, 2017
Views: 0