Các Thánh

Thánh Giuse: Một người cha là chiếc bóng

THÁNH GIUSE:
MỘT NGƯỜI CHA LÀ CHIẾC BÓNG

[trích Tông thư Trái Tim Người Cha của ĐGH. Phan xi cô]

Lm. Lê Công Đức dịch

 

Nhà văn Ba Lan Jan Dobraczyński, trong quyển The Shadow of the Father (Bóng của người Cha), kể câu chuyện về cuộc đời Thánh Giuse qua hình thức tiểu thuyết. Tác giả khéo léo dùng hình ảnh một chiếc bóng để nói về Giuse. Trong mối tương quan với Giêsu, Giuse là chiếc bóng trên mặt đất này của Cha trên trời: Giuse coi sóc và bảo vệ Giêsu, không bao giờ bỏ mặc Giêsu. Chúng ta có thể liên tưởng đến những lời của Môsê nói với dân Israel: “Trong sa mạc… các ngươi đã thấy Chúa là Thiên Chúa các ngươi đã mang các ngươi đi, như người ta bồng bế một đứa trẻ, trên suốt con đường các ngươi đã đi qua” (Đnl 1,31). Một cách tương tự, Giuse đã hành động như một người cha trong cả đời ngài.

Không ai bẩm sinh là cha, mà phải làm cha. Một người không trở thành cha duy chỉ bởi việc sinh một đứa con cho đời, mà bằng việc đảm nhận trách nhiệm chăm sóc đứa con ấy. Bất cứ khi nào một người nhận trách nhiệm trên đời sống của một người khác, thì có thể nói đã trở thành cha của người ấy.

Ngày nay xem chừng con cái thường mồ côi, thiếu vắng những người cha. Giáo hội cũng cần những người cha. Điều Thánh Phaolô nói với các tín hữu ở Côrinthô vẫn còn đầy tính thời sự: “Dù anh em có vô số người hướng dẫn trong Đức Kitô, anh em cũng không có nhiều cha đâu” (1Cr 4,15). Mọi linh mục hay giám mục phải có thể nói thêm, cùng với vị Thánh Tông đồ, rằng: “Tôi đã trở thành cha của anh em trong Đức Giêsu Kitô và nhờ Tin Mừng” (ibid.). Phaolô cũng nói với các tín hữu Galát: “Hỡi những người con bé nhỏ của tôi, mà tôi phải quặn đau sinh ra một lần nữa cho đến khi Đức Kitô được thành hình nơi anh em” (4,19).

Việc làm cha bao hàm việc đưa con cái vào đời và vào thực tế. Không phải níu giữ chúng lại, che chắn chúng kín mít hay chiếm hữu chúng, mà đúng hơn giúp chúng có khả năng tự quyết định, hành động cách tự do và khám phá những khả năng mới. Có lẽ vì lý do này mà xưa nay Thánh Giuse được gọi là một người cha “cực thanh cực tịnh”. Tước hiệu ấy không đơn thuần là một diễn tả về tình cảm, nhưng là sự đúc kết một thái độ đối lập với xu hướng chiếm hữu. Khiết tịnh là tự do khỏi xu hướng chiếm hữu trong mọi phương diện của đời sống mình. Tình yêu chỉ chân thực khi nó khiết tịnh. Một tình yêu chiếm hữu rốt cục sẽ trở thành nguy hiểm: nó giam hãm, kiểm soát và dẫn tới thảm cảnh khốn nạn. Thiên Chúa yêu thương con người với một tình yêu khiết tịnh; Ngài để cho chúng ta tự do ngay cả dù đi lạc và quay lại chống Ngài. Luận lý của tình yêu luôn luôn là luận lý của tự do, và Giuse biết cách yêu thương với sự tự do phi thường. Ngài không bao giờ đặt mình làm trung tâm. Ngài không nghĩ về bản thân mình, nhưng tập trung quan tâm đến đời sống của Maria và Giêsu.

Giuse tìm thấy hạnh phúc không duy chỉ trong sự quên mình mà còn trong sự trao hiến chính mình. Nơi ngài, chúng ta không bao giờ nhìn thấy sự chán nản mà chỉ thấy thái độ tín thác. Tính cách trầm lặng của ngài là dấu chỉ cho thấy những biểu hiện cụ thể của lòng tín thác. Thế giới của chúng ta ngày nay cần những người cha. Thế giới không cần những nhà độc tài thống trị người khác nhằm thỏa mãn các nhu cầu của mình. Thế giới chúng ta không cần những kẻ nhập nhằng lẫn lộn giữa quyền bính và cường quyền, giữa phục vụ và nô dịch, giữa thảo luận và áp chế, giữa từ thiện và não trạng ỷ lại, giữa sức mạnh và sức hủy diệt. Mọi ơn gọi đích thực đều phát xuất từ việc trao hiến chính mình, đó là hoa trái của sự hy sinh chín chắn. Chức linh mục và đời sống thánh hiến đòi phải có sự chín chắn này. Dù ơn gọi của chúng ta là gì đi nữa, dù ta kết hôn, độc thân hay trinh khiết, việc ta trao hiến chính mình sẽ không đạt mức trọn vẹn nếu chỉ dừng lại ở việc hy sinh; vì nếu vậy, thay vì trở thành một dấu hiệu của vẻ đẹp và của niềm vui yêu thương, sự hiến mình của ta sẽ có nguy cơ thể hiện sự bất hạnh, buồn phiền và chán nản.

Khi những người cha từ chối sống cuộc đời của con cái mình thay cho chúng, thì những viễn ảnh mới mẻ và bất ngờ sẽ mở ra. Mọi đứa trẻ đều là người mang trong mình một mầu nhiệm độc đáo, có thể được đưa ra ánh sáng nhờ sự giúp đỡ của một người cha biết tôn trọng sự tự do của đứa con. Đó là một người cha nhận hiểu rằng mình là một người cha và nhà giáo dục đúng nghĩa nhất khi mình trở thành “vô dụng”, khi mình nhìn thấy đứa con của mình trở nên độc lập và có thể bước đi trên những nẻo đường đời mà không cần ai đi kèm bên. Đó là khi người cha ấy trở nên giống như Thánh Giuse, đấng luôn hiểu rằng đứa con của mình không thuộc về riêng mình, mà chỉ là được ủy thác cho sự săn sóc của mình. Rốt cục, đó chính là điều Chúa Giêsu muốn ta hiểu khi Người nói: “Đừng gọi ai dưới đất này là cha, vì anh em chỉ có một Cha, Đấng ngự trên trời” (Mt 23,9).

Khi thi hành chức phận làm cha, chúng ta phải luôn luôn ghi nhớ rằng chức phận ấy không liên quan gì với sự chiếm hữu, nhưng đúng hơn đó là một “dấu” hướng chỉ đến một người Cha lớn hơn. Cách nào đó, tất cả chúng ta đều giống như Giuse: là một chiếc bóng của Cha trên trời, Đấng “cho mặt trời của Ngài mọc lên trên người lành lẫn kẻ dữ, và cho mưa xuống trên người công chính lẫn kẻ bất chính” (Mt 5,45). Và đó là một chiếc bóng đi theo người Con của Chúa Cha.

Lm Lê Công Đức dịch
Đại Chủng Viện Huế

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.