SỐNG TIN MỪNG

Chúa biến hình trước mặt các ông

Trần Mỹ Duyệt

 

Chúa Giêsu đã đem ba môn đệ là Phêrô, Giacôbê và Gioan lên núi cao, ở đó Chúa biến hình trước mặt các ông (x. Marcô 9:2-10).

Thánh sử Marcô đã tả lại quang cảnh này bằng những từ ngữ rất gợi hình, truyền cảm: “Y phục Người trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy.” (3) Có Maisen và Êlia cùng xuất hiện đàm đạo với Chúa. Điều này khiến các ông vui sướng, và phản ứng lúc đó của Phêrô là muốn ở lại luôn trên núi với Thầy: “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Maisen, và một cho ông Êlia.” (5) Nhất là thái độ bàng hoàng của các ông khi nghe tiếng phán từ trong đám mây: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người.” (8)

Theo Thánh Thomas Aquinas, Chúa Giêsu biến hình trên núi là một phép lạ cao cả nhất, nó cho thấy mối liên kết với Phép Rửa, và sự biến đổi linh hồn phù hợp cho cuộc sống cực hoàn hảo trên Thiên Đàng mai sau. Biến cố Biến Hình là một trong 5 viên đá góc tường xây dựng cuộc đời trần thế của Chúa Giêsu, những viên đá khác gồm Phép Rửa, Cuộc Khổ Nạn, Sống Lại và Về Trời.

Chúa Giêsu thực hiện phép lạ này 40 ngày trước cuộc Khổ Nạn của Ngài. Nó như báo trước đây cũng là sự nối kết chặt chẽ với việc Ngài bị Đóng Đanh trên thập giá vào Thứ Sáu Tuần Thánh. Chính vì tầm quan trọng như thế, nên việc Ngài biến hình đã được cả ba Thánh Sử trong Phúc Âm nhất lãm nhắc đến. Thánh Marcô 9:2-10, Thánh Mátthêu 17:1-13, và Thánh Luca 9:28-36. Và bởi vì Phêrô được cùng với anh em Giacôbê và Gioan có mặt trong biến cố này, nên về sau trong thư thứ Hai của mình, ông cũng nhắc đến sự kiện này: “Chúng tôi đã được thấy tận mắt vẻ uy nghi lẫm liệt của Người… Khi chúng tôi ở trên núi thánh với Người” (2 Phêrô 1: 16-21).

Nhưng ngọn núi mà Chúa Giêsu biến hình là núi nào? Theo truyền thống Kitô Giáo, thì đó là núi Tabor. Một ngọn núi ở xa về phía đông thung lũng Jezreel trong vùng Galilee Hạ của bắc Do Thái. Núi này cách phía Tây Biển Galilee khoảng 15 Km, và cao khoảng 600m. Mùa Chay 2019, tôi cũng đã được diễm phúc đứng trên đỉnh núi này. Nhìn trời, nhìn cảnh vật chung quanh mặc dù không thấy Chúa đâu, nhưng cảm nghiệm thiêng liêng cũng làm cho hồn tôi lâng lâng một cảm giác Thiên Đàng.

Chúa Giêsu biến hình trước mặt ba môn đệ nhưng tại sao Ngài lại cấm các ông không được nói cho ai biết: “Ở trên núi xuống, Đức Giêsu truyền cho các ông không được kể lại cho ai nghe những điều vừa thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại” (Marcô 9:9). Đây cũng là lần cuối cùng Ngài nghiêm cấm các môn đệ tiết lộ những sự thật sâu thẳm về căn tính của Ngài. Sợ rằng khi nghe biết những điều như thế, dân chúng sẽ tôn Ngài làm vua để chống lại nhà cầm quyền Roma, và như vậy sẽ làm hỏng chương trình Cứu Độ của Ngài. Nhưng quan trọng hơn chính đức tin dựa trên những gì mà các ông đã thấy, và những gì các ông đã thuật lại. Chúa muốn các ông cũng như chúng ta suy ngắm để tin vào sự chết và sự phục sinh của Ngài, như lời Ngài đã nói: “Trước khi Con Người từ cõi chết sống lại”.

Ứng dụng thực hành trong đời sống tâm linh, một câu hỏi mà có lẽ nhiều người chúng ta đều muốn biết là tại sao Chúa Giêsu lại chọn Phêrô, Giacôbê và Gioan mà không chọn những tông đồ khác?

Theo Thánh Gioan Chrysostom, bởi vì Phêrô là người mến Chúa Giêsu. Làm sao mà Chúa lại chẳng hài lòng khi nghe Phêrô nói với Ngài: “Con sẽ thí mạng con vì Thầy” (Gioan 13,37). Hoặc: “Dù tất cả có vấp ngã vì Thầy đi nữa, thì con đây cũng chẳng bao giờ vấp ngã”, và: “Dù có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy” (Mátthêu 26,33.35). Còn Gioan là môn đệ được Chúa yêu có lẽ vì ông là người đồng trinh, và trong quan phòng, ông sẽ thay mặt Ngài chăm sóc Đức Mẹ khi Ngài chịu chết và về trời. Và Giacôbê là người cùng với em mình đã mạnh dạn chấp nhận uống chén đắng với Ngài: “Chúng tôi sẵn lòng uống chén của Thầy cùng với Thầy (Mátthêu 20:22).

Một điều nữa chúng ta cũng cần biết theo lời tường thuật của Thánh Marcô, đó là “Y phục Người trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy” (3). Cũng theo Thánh Thomas Aquinas, thì đây là hình ảnh báo trước sự sống trên Thiên Quốc. Còn việc ba môn đệ thấy ông Êlia cùng ông Môsê hiện ra đàm đạo với Đức Giêsu, theo các nhà chú giải Thánh Kinh, có nghĩa là Chúa Giêsu là Đấng hoàn tất những gì mà lề luật và các tiên tri đã nói. Ngài giờ đây là giao ước mới giữa Thiên Chúa và nhân loại.

Như vậy, nếu chúng ta muốn được cùng với Chúa Giêsu sau này chia sẻ vinh quang trên Thiên Quốc, vinh quang mà Chúa Giêsu mới hé lộ phần nào trên núi Tabor, thì chúng ta cũng phải yêu Chúa tha thiết như Thánh Phêrô, để Chúa yêu thương ta như Ngài đã yêu thương Gioan, và sau cùng là dám can đảm cùng uống chén đắng với Chúa như anh em Giacôbê và Gioan.

Để được vậy, chúng ta phải tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa, phải luôn xác tín rằng nơi Chúa Giêsu là gồm tóm mọi lề luật và những lời tiên tri. Ngài chính là Giao Ước mới giữa Thiên Chúa và nhân loại.

Hy vọng với cái nhìn vui tươi và đầy tin tưởng này, chúng ta cùng với Chúa Giêsu đồng hành trong Mùa Chay bằng những việc lành phúc đức, bằng chay tịnh, và xám hối để cùng với Ngài được biến đổi trong ánh sáng huy hoàng của mầu nhiệm Phục Sinh.

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.