Uncategorized

Thảm họa Haiti

Sau động đất và sóng thần Tsunami xảy ra tại một số nước châu Á năm 2004, cướp đi khoảng 200 000 nhân mạng thế giới lại chứng kiến một thiên tai, thảm họa không kém khủng khiếp khác tại Haiti.

 

Trận động đất 7 độ richter, xảy ra tại thủ đô Port-au-Prince hôm 12/01 đã và đang gây nên bao tang thương, mất mát cho người dân Haiti.

 

Sau động đất và sóng thần Tsunami xảy ra tại một số nước châu Á năm 2004, cướp đi khoảng 200 000 nhân mạng thế giới lại chứng kiến một thiên tai, thảm họa không kém khủng khiếp khác tại Haiti.

 

Trận động đất 7 độ richter, xảy ra tại thủ đô Port-au-Prince hôm 12/01 đã và đang gây nên bao tang thương, mất mát cho người dân Haiti.

 

Đến hôm nay, ước tính đã có đến 50 ngàn người thiệt mạng trong khi đó thủ tướng Haiti Jean-Max Bellerive cho rằng số người chết có thể lên đến 100 ngàn. Trong số những người thiệt mạng có Đức Tổng Giám Mục Port-au-Prince, Joseph Serge Mio, và nhiều người nước ngoài, trong đó có nhân viên của Liên Hiệp Quốc đang làm việc tại thủ đô Port-au-Prince.

 

Theo ước tính có khoảng 3.5 triệu người bị thương, hay rơi vào cảnh màn trời chiếu đất, hoặc lâm vào cảnh đói khát cần được cấp cứu, cứu trợ.

 

Ngoài những mất mát khôn lường về nhân mạng, Haiti còn gánh chịu bao thiệt hại về vật chất. Nhà cửa của người dân, trường học, bệnh viện, nhiều tòa nhà của chính phủ, văn phòng của các tổ chức quốc tế, hay nhà thờ chính tòa tại thủ đô Port-au-Prince đều bị sụp đổ.

 

Những hình ảnh về người chết nằm la liệt tại những bệnh viện hay đang mặc kẹt dưới những đống gạch đá, và biết bao hình ảnh khủng khiếp khác đã được đăng tải đầy dẫy, liên tục trên tất cả các phương tiện truyền thông trong những ngày qua.

 

Tất cả cho thấy một bầu khí chết chóc, tang thương, hoảng loạn đang bao trùm và đè nặng lên thủ đô Port-au-Prince và đất nước Haiti.

 

Chứng kiến thảm họa mà người dân Haiti đang phải gánh chịu, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton – người đã hủy bỏ chuyến thăm Úc để theo dõi tình hình tại Haiti – đã ví trận động đất này với sóng thần Tsunami tại châu Á năm 2004.

 

Rất cần cứu trợ

 

Haiti được coi là một trong những nước kém phát triển và nghèo nhất trên thế giới. Dân số của nước này khoảng gần 10 triệu người.

 

Là một nước nghèo như vậy và trong trận động đất này ước tính có 3.5 triệu người (hơn 1/3 dân số) bị ảnh hưởng, người dân Haiti giờ chỉ còn biết trông chờ vào cứu trợ nước ngoài mới có thể phần nào khắc phục được thảm họa này.

 

Kể từ khi xảy động đất xảy ra, nhiều quốc gia trên thế giới đã lên tiếng chia sẽ nổi đau của người dân Haiti và cũng như kêu gọi hay hứa gửi nhân viên cũng như hàng cứu trợ đến Haiti.

 

Khi ngõ lời với khách hành hương hôm 13/01, một ngày sau khi động đất xảy ra, Đức Thánh Cha (ĐTC) Benedict XVI đã chia buồn với người dân Haiti và cùng lúc kêu gọi mọi người và cộng động quốc tế cứu trợ Haiti.

 

ĐTC cũng nhấn mạnh rằng Giáo hội Công giáo và các tổ chức từ thiện nhân đạo của Giáo hội sẽ nhanh chóng và tích cực tham gia vào việc cứu trợ để đáp ứng những nhu cầu cấp thiết nhất của anh chị em Haiti lúc này.

 

Hôm 13/01 thống Mỹ Barack Obama cũng đã lên tiếng chia sẻ nỗi đau với người dân Haiti. Ông nói: “Với một quốc gia và dân tộc vốn chịu nhiều vất vả và đau khổ, thảm kịch này quá tàn nhẫn và quá sức tưởng tượng”.

 

Trong một bài phát biểu khác hôm 14/11, tổng thống Obama lại nhắn gửi người dân Haiti rằng họ ‘không bị bỏ rơi, không bị quên lãng và trong lúc khẩn thiết này, Mỹ sát cánh với họ’.

 

Tổng thống Obama cũng hứa Mỹ sẽ dành 100 triệu đô cho Haiti và sẽ có những hoạt động cứu trợ nhanh, tốt nhất để cứu các nạn nhân của trận động đất này.

 

Và theo một bài viết được đăng trên trang mạng của tờ The New York Time hôm 15/01 Mỹ và Cuba đã có một thỏa thuận cho phép máy bay Mỹ chở các nhân viên y tế cũng như nạn nhân từ Haiti bay qua vùng trời của Cuba tới Miami, giúp giới hạn thời gian bay khoảng 1 giờ 30 phút.

 

Ngoài Mỹ, có khoảng gần 30 quốc gia gửi hàng và người cứu trợ tới Haiti, trong đó có Anh, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Nhật, Trung Quốc.

 

Nhiều tổ chức quốc tế khác nhau cũng đã có chiến dịch vận động quyên góp tiền, hàng cứu trợ và gửi người cũng như đồ cứu trợ tới Haiti.

 

Nhưng vẫn chưa tới

 

Một bài viết được đăng trên trang mạng BBC hôm 15/01 cho rằng mặc dù đã có nhiều nước, nhiều tổ chức hứa hẹn hay đã gửi người và hàng cứu trợ, nhưng trên thực tế vẫn còn rất ít người nhận được sự cứu trợ đó.

 

Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ này là do cơ sở hạ tầng như sân bay, đường sá tại Port-au-Prince bị phá hủy hay thiệt hại nặng gây khó khăn cho các chuyến máy bay cứu trợ ra vào Haiti và cũng như việc lưu thông của các nhân viên cứu hay hàng cứu trợ tại đó.

 

Theo bài viết này một nguyên nhân khác là có rất ít sự dám sát, theo dõi của chính quyền tại thủ đô Haiti, mặc dù tệ nạn cướp bóc đang xảy ra tại đó. Người chỉ huy cứu trợ của nước Cộng hòa Dominic tại Haiti được trích dẫn nói rằng thách đố lớn nhất cho việc cứu trợ của họ là thiếu an ninh.

 

Ông Delfin Antonio Rodriguez cho biết “Ngày hôm qua có người đã tìm cách cướp một số xe tải chở hàng cứu trợ của chúng tôi. Và vì điều đó hôm nay chúng tôi đã không thể tiếp tục việc cứu trợ được một số nơi”.

 

Một bài khác được trên trang mạng của The Daily Telegraph, một trong những tờ nhật báo lớn tại Anh, ngày hôm 14/01, cũng cho biết thiếu cơ sở hạ tầng để tiếp và vẫn chuyển nhân viên và hàng cứu trợ và thiếu an ninh là hai nguyên nhân chính dẫn đến sự chậm trễ trong cứu trợ.

 

Cũng theo bài viết này nếu không được cứu trợ nhanh và nếu không có sự theo dõi, dám sát đàng hoàng, bạo lực có thể xảy ra vì đã có những vụ nổ súng, đánh nhau vì tranh giành nước tại thủ đô Haiti.

 

Hy vọng mong manh

 

Một bài viết được đăng trên trang mạng của một tờ nhật báo quan trọng khác của Anh, The Times, ngày hôm 15/01 có ghi lại việc một bé trai hai tuổi, Redjeson Hausteen Claude, được cứu ra khỏi căn nhà đổ nát của mình tại Port-au-Prince.

 

Cậu bé này trông như mất hồn khi được một nhân viên cứu trợ người Tây Ban Nha đưa ra khỏi đống đổ nát nhưng đã cười tươi khi được gặp lại mẹ mình.

 

Cũng theo bài viết có bảy người Mỹ và một người Haiti được cứu khỏi một khách sát đổ nát sau 50 giờ phải sống trong bóng tối.

 

Và theo bài viết này đó là một vài tia hy vọng hiếm hoi lúc này khi mà người dân Haiti đang hoang mang, hoảng loạn, giận dữ sau trận động đất khủng khiếp.

 

Một vài bài học?

 

Vâng, không ai có thể ngăn ngừa được những thiên tai như trận động đất khủng khiếp ở Haiti. Nhưng hậu quả của thiên tai có thể được giới hạn nếu có sự cứu trợ lớn, kịp thời và hiệu quả.

 

Vẫn biết rằng không ai có thể bù đắp lại những mất mát mà người dân Haiti đang gánh chịu, nhưng như chuyện bé Redjeson Hausteen Claude được cứu sống cho thấy những mất mát, tang thương của họ sẽ ít nhiều được vơi đi nếu họ được quan tâm, được cứu trợ lúc này.

 

Một bài học quan trọng khác có thể rút ra được từ trận động đất này là mặc dù không thể ngăn cản được thiên tai nhưng sức và mức độ tàn phá của nó có thể được hạn chế nếu các nếu có tinh thần trách nhiệm và các yếu tố kỷ thuật cũng như môi trường được quan tâm trong vấn đề xây dựng hay phát triển kinh tế.

 

Theo một bài viết được đăng trên mạng của BBC hôm 15/01, có hai nguyên nhân quan trọng khác dẫn đến việc có nhiều nhà sập trong trận động đất tại Haiti vừa qua.

 

Thứ nhất nhiều công trình xây dựng không đáp ứng “các tiêu chí về xây dựng”, và “các tòa nhà bị ‘rút ruột’ để giảm giá thành, do đó, các công trình này bị yếu đi rất nhiều”.

 

Nguyên nhân thứ hai là nạn phá rừng. Bài viết trích dẫn một chuyên gia nói rằng “việc phá rừng bừa bãi tại Haiti cũng góp phần vào mức tàn phá”. Chẳng hạn “trên sườn đồi của thành phố Petionville, một quận ngoại ô phía đông của thủ đô Port-au-Prince, các tòa nhà sập chồng lên nhau như là không có rừng để bảo vệ chúng”.

 

Bài viết này cũng trích dẫn cơ quan Nghiên cứu về Địa chấn cũa Mỹ nói rằng “thiệt hại nhân mạng vì động đất tại các nước đang phát triển cao hơn 10 lần so với các nước phương Tây và thiệt hại vật chất cao hơn 100 lần”.

 

Để thập kỷ mới tốt đẹp hơn

 

Thập kỷ 2000-2009 vừa qua được coi là thập kỷ tồi tệ nhất vì ngoài những cuộc khủng hoảng tài chính, kinh tế toàn cầu, và không ít những vụ khủng bố, xung đột và chiến tranh, 10 năm qua thế giới cũng phải đối diện với biết bao thảm họa và thiên tai.

 

Vì vậy, có người đã mong thập kỷ đó nhanh qua để thế giới có thể bước vào một thập kỷ mới tốt đẹp hơn. Tuy vậy, với những tổn hại khôn lường mà người dân Haiti phải chịu trong những ngày này, xem ra thập kỷ 2010s đã bắt đầu với không ít những đau thương do thảm họa, thiên tai gây nên.

 

Nhưng những gì đã và đang xảy ra tại Haiti trong những ngày qua cho thấy không ai có thể ngăn cản được thiên tai nhưng mức độ tàn phá của thiên tai có thể được giảm nhẹ, được giới hạn, được ngăn ngừa nếu có tình liên đới, nếu có tinh thần trách nhiệm, nếu các yếu tố môi trường được quan tâm trong xây dựng và phát triển kinh tế nói chung.

 

Và nếu các quốc gia, tổ chức trên thế giới cũng biết hợp tác với nhau, biết nghĩ đến lợi ích chung, chắc chắn những cuộc khủng hoảng, xung đột, chiến tranh như thế giới đã chứng kiến hay phải sống trong thập kỷ vừa qua sẽ không còn xảy ra. Như vậy thế giới sẽ có thập kỷ mới này thế giới tốt đẹp hơn.

Đoàn Xuân Lộc
 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.