Uncategorized

Như chưa hề có cuộc chia ly

Nhà văn Hector Malot đã viết hai tác phẩm có tựa đề ngược nhau, nhưng cùng hướng về một mục đích: Trong Gia Đình ( En Famille) và Không Gia Đình (Sans Famille). Trong “Không Gia Đình” là cuộc đời của bé trai Rémi không cha không mẹ, trải qua mọi hoàn cảnh sống khó khăn vất vả, nhưng luôn giữ vững những phẩm cách đáng quý như lời dạy bảo của ông già Vitali : dũng cảm, tốt bụng, trung thực, tự trọng, chăm chỉ.

Nhà văn Hector Malot đã viết hai tác phẩm có tựa đề ngược nhau, nhưng cùng hướng về một mục đích: Trong Gia Đình ( En Famille) và Không Gia Đình (Sans Famille). Trong “Không Gia Đình” là cuộc đời của bé trai Rémi không cha không mẹ, trải qua mọi hoàn cảnh sống khó khăn vất vả, nhưng luôn giữ vững những phẩm cách đáng quý như lời dạy bảo của ông già Vitali : dũng cảm, tốt bụng, trung thực, tự trọng, chăm chỉ. Cuối cùng Rémi may mắn gặp lại được Mẹ và em trai là những người giàu có ở Anh. ”Trong gia đình” kể về cuộc đời của cô bé Perin, mồ côi cha mẹ lúc 12 tuổi. Trơ trọi một mình giữa những người xa lạ, với bao khó khăn, nguy hiểm phía trước, nhưng là một cô gái can đảm có ý thức tự lập, lòng tự trọng và niềm say mê sáng tạo, Perin không chịu đầu hàng số phận và cố gắng vươn lên bằng mọi cách. Dẫu cực nhọc, đói khổ em vẫn luôn vui vẻ lạc quan với suy nghĩ: người ta sẽ thành công khi có nghị lực, lòng quyết tâm, và sáng tạo. Mái ấm gia đình với người thân, trở thành hình ảnh đáng mơ ước không chỉ cho tất cả các nhân vật trong hai cuốn tiểu thuyết, mà thành một giá trị hấp dẫn mọi người.

Được phát trên kênh VTV1 vào Chúa Nhật đầu mỗi tháng, đến nay qua 25 số có thể khẳng định chương trình “Như Chưa Hề Có Cuộc Chia Ly” ngoài việc do công sức nhà báo Thu Uyên và nhóm cộng tác thực hiện khá bài bản công phu, không phải mua bản quyền hoặc sao chép ý tưởng nước ngoài, thì nó còn mang tính giáo dục nhân bản và nhân đạo cao, không có tính chất tuyên truyền giáo điều. Đã có những cuộc hội ngộ sau nhiều năm,thậm chí nhiều thập kỷ xa cách, hết sức xúc động. Rất nhiều em nhỏ thất lạc trong chiến sự 1975 và mặc số phận đưa đẩy trôi dạt khắp mọi nơi, kể cả ra nước ngoài, nay nhờ nỗ lực của những người đầy lòng nhân ái, trong khuôn khổ một sáng kiến hành động đầy tình người, đã gặp lại gia đình và ngưới thân. Những cảnh đoàn tụ khiến không ai cầm được nước mắt. Vẫn biết chương trình bị hạn chế về thời giờ, phương tiện, nhân sự và bao khó khăn khác, nhưng hàng chục ngàn là thư, cuộc gọi nhờ cậy, đã nói lên khát vọng có một mái ấm gia đình, được sống trong bầu khí yêu thương ruột thịt, ”như chưa hề có cuộc chia ly”.

Theo dõi chương trình nầy, chúng ta thấy có ba điều kiện để có hy vọng đoàn tụ : một là phải liên hệ với chương trình để nhờ giúp đỡ, có thể trực tiếp hoặc gọi điện, gửi thư. Hai là, phải còn ít nhiều dấu vết, dù là mong manh, để có thể lần theo đó và truy tìm. Rõ ràng những trường hợp có càng nhiều dấu vết, thì tỷ lệ thành công càng cao và càng mau lẹ. Không có dấu vết nào hoặc không nhớ điều gì, thì dù “chương trình” có tận tâm đến đâu, cũng không thể nào giúp đỡ được. Ba là phải có sự ra tay hành động của những người phụ trách chương trình. Họ càng năng nỗ, hy sinh và có nhiều sáng kiến bao nhiêu, thì hy vọng đoàn tụ cáng lớn bấy nhiêu. Họ chính là nhân tố chủ yếu để những người thân được gặp lại nhau, ”như chưa hề có cuộc chia ly”.

Bài đọc Tin Mừng hôm nay cũng cho ta thấy lại cảnh mừng mừng tủi tủi của Thánh Giuse và Đức Maria khi gặp lại con trai sau ba ngày lạc mất. Với người mẹ, thì ba ngày chẳng khác gì ba năm hay ba mươi năm : lo âu, trằn trọc, buồn phiền vì giữa chốn đô hội đông đúc, nhỡ đâu thất lạc vĩnh viễn! Có thể Đức Maria không tiếng chì tiếng bấc với Thánh Giuse, nhưng tránh sao được những tiếng thở dài vì có phần trách nhiệm không nhỏ của Thánh Giuse. Về phía Chúa Giêsu, có thể nói Người muốn tập dượt cho Mẹ Người quen dần cảnh cô quạnh một mình : nay là Người – dù chỉ một thời gian ngắn ba ngày -, rồi chẳng bao lâu nữa đến Thánh Giuse và cuối cùng Mẹ phải lủi thủi một mình. Ngoài ra, Chúa Giêsu còn cho thấy hình ảnh cái chết và sự phục sinh của Người : sau ba ngày lạc mất con, hai ông bà gặp lại Chúa Giêsu; cũng thề, sau ba ngày các môn đệ lạc mất Chúa trong mộ đá, họ đã gặp lại Người vinh hiển phục sinh. Lo âu, buồn sầu, thất vọng biến thành an bình, hân hoan, hy vọng.

Nhưng ba ngày còn có một ý nghĩa quan trọng khác trong linh đạo của cuộc đời Kitô hữu. Nó tượng trưng cho một khoảng thời gian mà vì một lý do nào đó làm chúng ta xa cách Chúa, xa cách đời sống Bí Tích. Và chúng ta phải biết điểm dừng, điểm rẻ ngoặt và quay về lại với Chúa, với Giáo Hội, để không đứt hẳn liên lạc, để không ra nguội lạnh đến mức không thể hồi phục nữa. Đến nay thỉnh thoảng bên lề đường vẫn thấy tấm bảng nhỏ, ghi háng chữ : phục hồi bu-gi! Không có bu gi, không thể khởi động máy nổ; vì thế không thể để bu-gi đến tình trạng không thể phục hồi được nữa. Trong y học, khi một người gặp tai nạn ảnh hưởng tuần hoàn máu, thì não bộ sẽ không hồi phục được nữa, nếu bị mất oxy quá năm phút. Người nào may mắn sống sót, cũng rơi vào tình trạng sống đời thực vật. Cũng vậy, đời sống chúng ta có thể (và chắc chắn là có) những thời khắc nguội lạnh, trở nên nghi ngờ tất cả. Đức tin như chìm vào u tối. Những lúc ấy, chúng ta phải chạy đến ‘khai’với Giáo Hội, qua Bí Tích Thống Hối, để Giáo Hội giúp chúng ta gặp lại được Chúa,vững tin nơi Chúa và sống mật thiết trong Gia Đình Thiên Chúa,”như chưa hề có cuộc chia ly”. Cám dỗ của Satan chính là làm cho chúng ta trì hoãn ý định tái ngộ với Chúa và Giáo Hội. Thay vì “chớ để ngày mai”,ma qủy khiến chúng ta thấy ngày dài tháng rộng và Chúa cũng như Giáo Hội luôn nhân từ mở rộng vòng tay và con tim chờ đón chúng ta. Quả không sai,nhưng chúng ta mãi lỡ hẹn, một lần, một tháng, rồi ba bốn lần, một năm, vẫn luôn chiêu bài cũ rích “ Chúa luôn xót thương thứ tha”, để rồi tâm hồn nguội lạnh hẳn, không cảm nhận được nữa, và cũng chẳng thấy cần nữa “lòng Chúa hay xót thương”.

Gần đây ra đời một hoạt động rất giá trị về mặt mục vụ, cũng là để “tiếp lửa” cho giới trẻ, kèm Thánh Lễ vào mỗi chiều thứ năm : sinh hoạt Điểm Hẹn Giêsu. Giáo Hội phải chủ động tìm đến với giới trẻ, tìm cho ra những dấu vết dù nhỏ còn lại trong đức tin của anh em, để dẫn họ về với Chúa và Giáo Hội, gắn bó với Tin Mừng, với những giá trị Kitô giáo, không thể nại lý do nhân sự, phương tiện, sức khoẻ, thời gian, để phó mặc cho ma qủy và thế gian hoành hành. Phải làm sao để dù xa gia đình, không có nhiều dịp để tiếp xúc thường xuyên với cộng đoàn, họ vẫn thấy ”chưa hề có cuộc chia ly”, vì luôn được quan tâm, động viên, giúp đỡ. Cùng với những khó khăn đời sống vật chất và thiếu thốn đời sống tinh thần, quá nhiếu cám dỗ, cạm bẫy luôn tìm cách làm cho họ mệt mỏi,chán nản, buông xuôi: khi ấy, Giáo Hội phải là gia đình của họ, cho họ.

Gia đình chính là mục tiêu tấn công của Satan và những thế lực vộ thần xấu xa. Chúng có trong tay quyền lực, tiền bạc, phương tiện hành động và phương tiện truyền thông, nhưng nhất là chúng có một thứ vũ khí đáng sợ: đó là sự gian dối, xảo quyệt, độc ác. Chúng không ngần ngại dùng mọi mánh khoé phỉnh nịnh, dụ dỗ, đe doạ, can thiệp bạo lực, để đạt được mục đích biến thế hệ nầy thành những người ích kỷ, thụ hưởng và vô luân. Đáng buồn thay, không thiếu những giám mục, linh mục, tu sĩ ủng hộ những suy nghĩ, những đường lối,chính sách và hành động trái luật tự nhiên và luật Chúa. Họ không chỉ gieo hoang mang trong lòng các tín hữu, đặc biệt là giáo dân, mà còn nêu gương xấu, công khai chống lại giáo huấn Giáo Hội. Làm tan rã được gia đình, làm cho người ta không còn chỗ để bám víu vào, làm cho người ta tự do sống theo dục vọng đê hèn thú tính của mình và không còn tin vào bất cứ giá trị đạo đức nào, đó là chương trình hành động của Satan, qua những thế lực đen tối xấu xa. Bổn phận của Giáo Hội, của mỗi chúng ta, là làm cho kế hoạch ấy của hoả ngục bị phá sản, bằng chính cuộc sống làm chứng nhân đức tin và đem Chúa đến cho người khác. Khiêm hạ, vâng phục, nghèo khó: nền tảng đời sống của Gia đình Nazaret xưa, cũng chính là những đòi hỏi đối với gia đình ngày nay.

 

TIN MỪNG CHÚA NHẬT LỄ THÁNH GIA (Nam C) – Luc 2, 41-52

CVK Nguyễn Thế Bài
 

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.