Uncategorized

Ngôi nhà mởi cho mọi người

Trong một bài giảng, cha Maurice Zundel (1897-1975) kể về tổ ấm của Emmanuel Mounier. Ông là người sáng lập về “Tinh Thần” và đã phát động phong trào kỳ diệu về “Chủ Nghĩa Nhân Vị”.

 

Trong một bài giảng, cha Maurice Zundel (1897-1975) kể về tổ ấm của Emmanuel Mounier. Ông là người sáng lập về “Tinh Thần” và đã phát động phong trào kỳ diệu về “Chủ Nghĩa Nhân Vị”.

 

Hòan toàn ý thức về sự liên đới với kẻ khác, E. Mounier đã dâng lên Thiên Chúa sự thử thách ghê gớm mà nó đã giáng xuống gia đình ông. Đứa con gái đầu lòng Francoise đã mất trí từ lúc mới được sáu tháng tuổi, sau một phát tiêm chủng tệ hại. Đứa bé đã tồn tại cho đến chết như một khối bất động, không một phản xạ nào. Bị đánh trúng ngay vào cái mà ông yêu quí nhất, E. Mounier đã hiến dâng đứa con gái nhỏ bé này, bề ngoài như không thể tiếp xúc được, nhưng bên trong em, đang có người cư ngụ. Ông biết điều đó qua Chúa Ba Ngôi. Cái hữu thể nhỏ bé, méo mó, vô tri, bất động vẫn luôn là đền thờ của Thiên Chúa. Đứa bé gái đó, một bánh thánh, ông đã dâng lên Thiên Chúa để đền tội cho tất cả những gì là hỗn độn trong các gia đình bị phân rẽ và tan rã, bởi ông biết rằng gia đình của ông bị thử thách đến thế, nhưng được chiếu sáng bởi sự hiện diện của sự Hiện Diện Thiên Chúa; và ông cũng biết rằng nếu nỗi đau phải được la lên thì nó cũng rất dồi dào phong phú, chính bởi vì, nó được kết chặt với Thập Giá của Chúa Kitô, để cứu rỗi toàn thể nhân loại.

 

Qua câu chuyện kể về gia đình trên, tôi tin rằng người cha và người mẹ trong gia đình Mounier đã sống theo mẫu gương gia đình Nagiarét. Từ khi Đức Maria xin vâng như lời sứ thần truyền, đôi hôn nhân nghèo khó nơi vùng thôn quê hẻo lánh chẳng ai biết đến đã gặp bao sóng gió. Nhưng, nhờ đời sống nội tâm chuyên cần cầu nguyện lắng nghe tiếng Chúa, nhờ chu tòan những bổn phận đời thường của một gia đình vốn cần phải lo toan, mà cả hai đã hòan thành nhiệm vụ giáo dục “Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa” (Lc 2, 40).

 

Quả thật, khi người ta chỉ biết cho đi mà thôi, thì sẽ thoát khỏi tay kẻ cắp. Chẳng còn có thể lấy được gì của người đã sống với tinh thần “tất cả là hồng ân”. Và người này cũng không thể lấy được gì của ai, bởi chính trong sự tước bỏ mọi sự của chính họ mà đã làm nên nhân vị của họ. Đây chính là nét đặc trưng tiêu biểu của gia đình sống theo cực siêu nhiên. Gia đình sống hiệp thông như gia đình Chúa Ba Ngôi, một sự hiệp thông vĩnh hằng của Tình Yêu giữa Cha, Con và Thánh Thần. Mỗi thành viên của gia đình nghèo khó nhưng luôn hướng về Thiên Chúa này đã không còn co cụm lại trên bản thân mình nữa. Họ ở trong trạng thái hiệp thông thâm sâu với người khác; họ được trao hiến cho người khác và cho nhau trọn vẹn.

 

Tinh thần sống “Mối Phúc” của gia đình nhỏ bé Nagiarét được tỏ lộ ra qua lời tiên tri của ông già Simêon đã nói về Đức Maria: “Chính bà, thì một lưỡi gươm sẽ đâm thâu lòng bà” Lc 2, 35). Cuộc sống của ngôi nhà mở cho mọi người trên đã đánh động tâm hồn bà Anna, để rồi bà đã phải “cảm tạ Thiên Chúa, và nói về Hài Nhi cho hết những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giêrusalem” (Lc 2, 38).

 

“Sự đau thương của người mẹ dưới chân Thập Giá không thuần túy là vấn đề huyết nhục, cũng không chỉ là vấn đề tình cảm mặc dầu không thể hoài nghi là cao quí tột bậc, nhưng cũng thuần túy là con người nữa. Sự hiện diện của Đức Maria kề bên thánh giá cho thấy Người quyết tâm chia sẻ trọn vẹn hy lễ cứu độ Con của Người. Đức Maria đã muốn tham dự vào tận đáy sâu thẳm những thống khổ của Chúa Giêsu, Con Mẹ, vì Người không khước từ lưỡi gươm mà cụ già Simêon đã tiên báo. Trái lại, Người đã chấp nhận cùng với Chúa Kitô chương trình huyền nhiệm của Chúa Cha. Đức Maria là người đầu tiên tham dự hy lễ thánh giá, và Người vẫn mãi mãi là gương mẫu tòan vẹn cho tất cả những ai muốn tận hiến cộng tác vào hy lễ cứu độ.

 

Lòng trắc ẩn của hiền mẫu biểu lộ do sự hiện diện của Đức Maria đã làm cho bi kịch tử nạn trên Thập Giá tăng thêm phần mãnh liệt và sâu sắc hơn. Đức Maria hết sức gần gũi với bi kịch của quá nhiều gia đình, của quá nhiều bà mẹ và con cái, kết hợp lại bởi cái chết sau những giai đoạn dài phân ly vì công ăn việc làm, bệnh tật hoặc sự bạo hành do những cá nhân hoặc phe nhóm.

 

Còn Chúa Giêsu, khi thấy thân mẫu đứng bên Thánh Giá, Ngài có thể nhớ lại những giây phút Dưỡng Phụ Giuse từ trần, và kế đến chính Ngài rời xa thân mẫu, và cảnh cô đơn mà trong đó thân mẫu Ngài đã sống suốt những năm vừa qua, một thứ cô đơn mà lúc này làm tăng thêm. Chính vì cảm nhận được về sự cô đơn tột bậc của Mẹ, mà Chúa Giêsu đã gửi thân mẫu cho tông đồ Gioan. Đó là một cử chỉ yêu thương âu yếm và hiếu thảo. Nhưng là Chúa Cứu Thế trao phó cho Đức Maria, với tư cách một “phụ nữ, vai trò hiền mẫu mới trong tương quan với tất cả mọi người được kêu gọi trở nên thành viên Giáo Hội. Trong giây phút đó, Đức Maria được Con của Người trên thánh giá phong, có thể nói Mẹ Maria được thánh hiến, làm Mẹ Giáo Hội.” (trích Huấn từ của ĐTC Gioan Phaolô II ngày 23/11/1988)

 

Chỉ nhìn lại hình ảnh và chỉ nghe vài lời nói dưới chân Thập Giá, tôi cảm nghiệm được rằng: gia đình sống trong ánh sáng hiệp thông của Chúa Ba Ngôi sẽ đón trước được những ý muốn của nhau. Quả vậy đã có biết bao mái gia đình, biết bao cặp vợ chồng đã làm hỏng hạnh phúc của mình, không phải vì những chuyện điên rồ trầm trọng, những sự bất trung lộ liễu, nhưng chỉ đơn giản bởi họ thiếu cảm thông, bởi họ quên những chi tiết nhỏ mọn vốn là cả cái giá của hạnh phúc. Hạnh phúc làm bằng những sự việc rất nhỏ mọn, đời thường. Hạnh phúc cũng có thể là sự nhạy bén trong tất cả những gì có thể gây nên đụng chạm làm cho niềm vui của người khác bị hoen mờ. Và chính khi tránh những kiểu nói soi mói, mỉa mai, ẩn ý, ra lệnh để thay vào đó bằng những lời nói khiêm tốn, tri ân, tôn trọng, gợi ý, ngay cả với những người thân thiết nhất là vợ hoặc chồng và con cái. Tất cả những điều tưởng rằng nhỏ mọn ấy đều biểu lộ sự tế nhị, sự tiên đóan và hàm sâu ý nghĩa nhân bản yêu thương và tha thứ.

 

Chính vì thế mà thánh Phaolô khuyên dậy không chỉ riêng gia đình cá thể mà còn cho cả cộng đòan hiệp thông: “Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển chọn, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu và nhẫn nại … Trên mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái, đó là mối dây liên kết tuyệt hảo. Ước gì ơn bình an của Đức Kitô điều khiển tâm hồn anh em, vì trong một thân thể duy nhất, anh em đã được kêu gọi đến hưởng ơn bình an đó. Bởi vậy anh em hãy hết dạ tri ân.” (Cl 3, 12-15)

 

Giêsu, Maria, Giuse,

 

Xin thương xót gia đình con và còn nhiều, rất nhiều gia đình khác nữa chưa sống với mối dây liên kết tuyệt hảo là đức bác ái, vì khi có được đức ái, tức là có mọi nhân đức, và không có đức ái, tức là không có một nhân đức nào cả.

 

Lạy Ba Đấng,

 

Xin giúp Gia Đình Dầu Dừa của chúng con trở nên ngôi nhà mở cho nhiều người đang cần chúng con chăm sóc sẻ chia yêu thương. Amen.

 

Lễ Thánh Gia Thất, 27/12/2009
Phêrô Vũ văn Quí CVK64
Email: peterquivu@gmail.com
 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.