Trần Mỹ Duyệt
“Lạy Chúa, khi Ðức Kitô chịu treo trên thập giá, Chúa đã muốn cho Thánh Mẫu của Người đứng kề bên mà thông phần đau khổ. Xin cho Hội Thánh Chúa biết noi gương Thánh mẫu mà kết hiệp với Ðức Kitô chịu khổ hình, để mai ngày được phục sinh vinh hiển cùng với Ðức Kitô là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời”. [1]
Để diễn tả sự đau đớn của Mẹ Maria khi đứng dưới chân thập giá của Chúa Giêsu, Giáo Hội đã dùng nhiều từ ngữ, mà từ nào đọc lên cũng thấy rất thấm thía, cảm động, và xót thương: Mẹ Sầu Bi, Mẹ Đau Thương, Mẹ Bẩy Niềm Đau. Vậy bẩy niềm đau ấy của Đức Mẹ là gì?
Bẩy niềm đau hay còn gọi là Bẩy Sự Thương Khó của Đức Mẹ đã được các Thánh Ký ghi lại gồm:
1.Lời tiên tri của Simeon: “Và một thanh gươm sẽ đâm thấu tâm hồn bà” (Luca 2:35). Thanh gươm thứ nhất này đã đâm thấu trái tim Mẹ, để rồi những thanh gươm kế tiếp sẽ làm cho trái tim Mẹ phải khổ sầu.
2.Chạy trốn qua Ai cập: “Thiên thần của Chúa hiện ra với Giuse trong giấc mơ và nói: ‘Hãy chỗi dậy, đem con trẻ và mẹ người trốn sang Ai Cập, và ở đó cho đến khi ta báo lại. Vì Herod đang tìm kiếm để giết hài nhi’” (Matthêu 2:13).
3.Lạc con trong Đền Thờ: “Sau ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy con trong Đền Thờ, đang ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi. Khi thấy con, hai ông bà sửng sốt, và mẹ Người nói với Người: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!” (Luca 2:46,48).
4.Gặp Con trên đường Thánh Giá: “Và Người vác thập giá…” (Gioan 19:17). “Dân chúng đi theo Người đông lắm, trong số đó có nhiều phụ nữ vừa đấm ngực vừa than khóc Người” (Luca 23:47).
5.Đứng dưới chân Thánh Giá: “Đứng gần thập giá Đức Giê-su, có mẹ Người, chị của mẹ Người, bà Maria vợ ông Clopas, cùng với bà Maria Magdala. Khi thấy mẹ Người và môn đệ Người thương, Chúa Giêsu nói với mẹ Người rằng: “Hỡi bà, đây là con bà”. Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là mẹ con” (Gioan 19:25-27).
6.Tháo xác Con: “Và sau đó, Giuse người Arimathea, một đệ Chúa Giêsu một cách kín đáo vì sợ người Do Thái, đã xin phép Philatô để tháo xác Chúa Giêsu. Và Philatô đã cho phép. Ông đã đến và hạ xác Người” (Gioan 19:38).
7.Táng xác Con: “Nơi Chúa Giêsu bị đóng đinh có một thửa vườn, và trong vườn, có một ngôi mộ còn mới, chưa chôn cất ai. Vì hôm ấy là ngày áp lễ của người Do Thái, mà ngôi mộ lại gần bên, nên các ông mai táng Chúa Giêsu ở đó” (Gioan 19:41-42).
Trong 7 niềm đau của Đức Mẹ, niềm đau thứ 5 là đứng dưới chân thập giá của con mình. Hỏi ai không cảm được trái tim của người mẹ này tan vỡ như thế nào! Mất một đứa con trước khi sinh, nhiều bà mẹ vẫn mang trong mình kỷ niệm và nỗi nhớ thương ấy suốt đời. Thế mà sau khi sinh con ra, nuôi con, và theo dõi từng bước chân con đi đến tuổi trưởng thành, giờ đây người ta đã kết án, đóng đinh người con ấy. Còn người mẹ lại tỏ ra bất lực đứng nhìn con chịu chết đau đớn, nhục nhã và tức tưởi trên thập giá!
Cả bốn Thánh Sử đều viết về việc Mẹ Maria hiện diện trong cuộc thương khó và cái chết của Chúa Giêsu. Riêng Thánh Gioan chắc có lẽ đã biết các thánh ký khác viết về cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giêsu, nên phần mình, ngài đã nhấn mạnh hơn về nỗi đau của Mẹ Maria khi chứng kiến cái chết của con mình.
Cái chết của người con chắc chắn là sự đau khổ và mất mát lớn lao cho bất cứ cha mẹ nào. Đối với Đức Maria, sự đau đớn này còn kinh hoàng và ghê gớm hơn nữa khi chính Mẹ đã theo con từng bước trên đường thập tự, và tận mắt chứng kiến giây phút con mình bị người ta xúc phạm, bị lột trần truồng và bị đóng đinh vào thập giá, một hình phạt chỉ dành cho các tội nhân phạm những tội đại hình. Những tiếng búa chát chúa, những cơn đau co giật thân con, những tiếng thở hổn hển và tiếng than xé nát trái tim của Mẹ, khi Mẹ nghe Chúa Giêsu than thở với Chúa Cha: “Eli, Eli, lama sabachthani?” – “Lạy Thiên Chúa con, Thiên Chúa của con, sao Chúa nỡ bỏ con” (Matthêu 27:56). Và cơn khát xé rách cổ họng nơi người đang hấp hối, mất nước và máu: “Ta khát” (Gioan 19:28). Với tình thương của Mẹ dành cho Chúa Giêsu trong những giây phút này còn là sự đền bù cho những bất kính, ngạo mạn, và xúc phạm của nhóm kinh sư, thượng tế, kỳ lão khi họ thấy Ngài bị họ hạ nhục và đưa vào con đường tử nạn. Phải chi Mẹ có thể chết thay Chúa Giêsu. Cảm giác này còn đỡ hơn đứng đó mà nhìn con mình bị chết!
Không thấy Thánh Ký ghi cảnh Mẹ khóc lóc, than van hay gục ngã. Mẹ đã không xuất hiện với bộ mặt thiểu não, âu sầu, hoặc thái độ buồn bực, khó chịu vì kẻ dữ đang hành hạ con mình. Nhưng dưới ngòi bút của Thánh Gioan, Mẹ được diễn tả như một người mẹ vững vàng, mạnh mẽ và can trường với tất cả những gì đang xảy ra cho mình và cho con của mình. Mẹ đã đứng “dưới chân thập giá Chúa Giêsu”. Về điều này, Mẹ đã dạy chúng ta biết giá trị của đau khổ, và biết cách chấp nhận đau khổ. Công Đồng Vatican II trong Hiến Chế Tín Lý Về Giáo Hội (Dogmatic Constitution on the Church) đã viết: “Mẹ đã đứng đó theo như ý định của Thiên Chúa, sẵn sàng cùng chịu đau khổ với người Con một và dự phần vào hy lễ của Con với cả tấm lòng hiền mẫu, dùng trọn tình yêu chấp nhận hiến tế lễ vật do chính lòng mình sinh ra” (no. 58) [2]
Đối với lời tiên tri của Simeon, thì đây là lưỡi gươm sắc bén nhất, đâm thấu trái tim của Mẹ nhất. Trước con mắt người đời, trước những gì thực tế xảy ra trên đồi Golgotha hôm đó, Mẹ xứng đáng tước hiệu “đồng công” với Chúa Cứu Thế trong sứ mạng cứu chuộc của Ngài. Vì niềm đau này đã trở thành một ân phúc của chúng ta: “Đây là mẹ con”. Chúa Giêsu đã nói với Gioan, và qua ông, Người nói với tất cả chúng ta. Vì vậy, khi tôn kính Mẹ Sầu Bi, là chúng ta tôn vinh Mẹ như một môn đệ trung tín và một mẫu gương của đức tin.
Là những Kitô hữu, chúng ta biết rằng tất cả mọi đau khổ, hy sinh và vất vả đều mang ý nghĩa cứu độ. Điều này khiến cho chúng ta nhận thức được giá trị của cuộc sống mình, giá trị của những hy sinh mình đón nhận vì lòng yêu mến Chúa Giêsu. Nó cũng cho chúng ta hiểu tại sao Thiên Chúa lại để con người phải đau khổ. Phải chăng Ngài đã không biết khổ, và phải chăng Ngài vui khi thấy chúng ta bị khổ? Hãy nhìn lên Chúa Giêsu trên thập giá, và hãy nhìn lên Mẹ Maria khi Mẹ đứng dưới chân thập giá của con mình để tìm ra ý nghĩa của mầu nhiệm đau khổ. Và hãy xin Mẹ giúp chúng ta biết đứng vững trước những thử thách, dù đó là những giây phút có thể làm cho chúng ta tuyệt vọng hay qụy ngã!
Cùng Mẹ suy ngắm về Thánh Giá. Cùng Mẹ đứng dưới chân Thánh Giá. Và cùng Mẹ vác Thánh Giá. Xin Mẹ dạy con biết yêu mến và đón nhận Thánh Giá, vì “Chúa đã dùng thánh giá mà chuộc tội cho thiên hạ. Chuộc tội con”.
Lễ Mẹ Đau Thương
15 tháng 9, 2023
___________
1.Tổng Giáo Phận Hà Nội. Archdiocese of Ha Noi. Lời nguyện nhập lễ. Ngày 15/9: Lễ Đức Mẹ Sầu Bi.
2.Công Đồng Vaticanô II. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin. Nhà xuất bản Tôn Giáo 2012.
Views: 0