Tâm lý hôn nhân

Kẻ thù của đời sống hôn nhân là tính ích kỷ

Trần Mỹ Duyệt

 

Hôn nhân là một đời sống hạnh phúc. Nó chính là nền tảng của gia đình, của xã hội, và cả tôn giáo nữa. Bởi đó hôn nhân có rất nhiều kẻ thù.

Thoạt nhìn vào những đổ vỡ của hôn nhân, người ta thường cho rằng kẻ thù của nó là những tệ nạn của xã hội: rượu chè, nghiện hút, cờ bạc, và lăng nhăng trai gái. Một số nguyên nhân khác bao gồm: vợ chồng ghen tương, lười biếng, thiếu trách nhiệm, nếp sống gia trưởng, và bạo hành trong gia đình. Thật ra, tất cả những thứ đó đều là cớ để dẫn đến đổ vỡ, chia lìa và ly tán cuộc sống hôn nhân. Nhưng cốt lõi, nguyên nhân chính là do mỗi người trong cuộc: do người vợ, do người chồng, và dĩ nhiên là do cả hai. Và nó phát xuất từ “Tính Ích Kỷ”.

Trong tương quan đời sống vợ chồng:

-Nghiện ngập rượu chè là ích kỷ.

-Nghiện ngập hút sách, xì ke, ma túy là ích kỷ.

-Đam mê cờ bạc là ích kỷ.

-Đam mê trái gái, ngoại tình là ích kỷ.

-Ghen tuông với chồng, với vợ là ích kỷ.

-Lười biếng là ích kỷ.

-Thiếu tinh thần trách nhiệm là ích kỷ.

-Sống thói gia trưởng là ích kỷ.

-Bạo hành trong gia đình là ích kỷ.

Định nghĩa tổng quát, ích kỷ là “chỉ nghĩ đến lợi riêng của mình” [1], là “chỉ lo lắng duy nhất cho chính mình mà không biết đến người khác” [2]. Theo cái nhìn tâm lý, ích kỷ là “thái độ quan tâm một cách thái quá hoặc một cách cuồng nhiệt về mình, về lợi ích, thú vui, hoặc an sinh của mình mà không quan tâm đến người khác”. Ích kỷ đi ngược lại với lòng vị tha hoặc tính rộng lượng, và nó cũng tương phản với tâm lý đặt trọng tâm vào chính mình.

Ngoài ra, ích kỷ còn có thể được định nghĩa như “một đặc tính hướng dẫn người đó luôn hành động cho lợi ích riêng của mình mà không quan tâm đến những hành động ấy có thể làm phiền người khác”. Hoặc “ích kỷ như một đặc chất hướng dẫn con người thường xuyên hành động cho những lợi ích riêng của mình mà không hề quan tâm đến những hành động ấy đụng chạm đến người khác như thế nào”. Theo tự điển của Hiệp Hội Tâm Lý Hoa Kỳ (American Psychological Association (APA) dictionary) thì “ích kỷ như một khuynh hướng hành động một cách thái quá hoặc quyết đoán trong một cách thức mà nó đem lại những lợi ích cho mình, ngay cả khi người khác vì vậy mà bị thiệt thòi”.

 

Tóm lại, người ích kỷ là người:

-Không quan tâm đến thái độ của mình ảnh hưởng đến người khác như thế nào.

-Luôn luôn hành động theo thích thú, lợi ích riêng mình thay vì hòa đồng với người khác.

-Không có lòng nhân ái trước những đau khổ của người khác.

-Không áy náy khi làm người khác mất lòng.

-Dùng nhiều thủ đoạn để đạt những gì mình muốn.

-Luôn đòi hỏi điều tốt nhưng không bao giờ giúp đỡ ai.

-Không tử tế với ai, nhưng nếu có thì mong được tử tế lại.

-Lợi dụng người khác ngay cả khi người ấy bị thiệt thòi. [3]

Một người với cá tính và cách sống như trên, không thể nào sống phù hợp được với bất cứ ai, đặc biệt trong mối tương quan của đời sống hôn nhân, vì hôn nhân luôn luôn là một cuộc sống đòi phải có hai người. Hơn nữa, sau hôn nhân là đời sống gia đình, trách nhiệm và ràng buộc còn đòi hỏi nhiều hơn nữa: con cái, anh chị em, họ hàng hai bên… Như vậy, một người mà lúc nào cũng chỉ nghĩ đến mình, nghĩ đến cái lợi cho mình, và nhất là không chấp nhận bất cứ một trái ý nào khác thì không thể thích hợp với đời sống hôn nhân.

Đối với đời sống hôn nhân cái khó nhất, nặng nề nhất, mệt mỏi nhất, và đôi lúc làm cho chúng ta bị căng thẳng nhất không phải là sức ép và những vất vả của công việc, của nghèo đói, của trách nhiệm làm chồng, làm vợ, mà là hiểu và làm hài lòng được người phối ngẫu. Một câu nói rất triết lý của triết gia Socrates về hôn nhân là: “Bạn cứ lấy vợ đi. Nếu may mắn bạn sẽ hạnh phúc. Nhưng nếu không, ít ra bạn cũng là một triết gia!” Socrates là một đại triết gia, ông cũng có vợ, nhưng đời sống hôn nhân của ông lại bất hạnh, nên đối với ông trở thành “triết gia” ở đây mang ý nghĩa của một lời nhắn nhủ và một thách thức trong đời sống hôn nhân. Vợ ông, Xanthippe luôn luôn được biết đến như một phụ nữ cau có, gắt gỏng, và la lối ông. Người đã đem lại cho ông rất nhiều chịu đựng. Đây cũng chính là lý do tại sao khi được hỏi: “Ông có biết đàn bà họ muốn gì không?” thì Sigmund Freud cha đẻ của ngành phân tâm học đã trả lời “không”. Người đàn ông làm sao biết được trong đầu người đàn bà nghĩ gì? Và tâm lý này cũng áp dụng cho cả phụ nữ nữa. Thông thường, chúng ta vẫn nghe các bà, các cô phàn nàn là “không hiểu nổi chồng mình muốn gì nữa?”

Đi sâu hơn vào để tìm hiểu những khác biệt giữa chồng và vợ, giữa người nam và người nữ, chúng ta cũng nhận ra điều này, đó là sẽ không có cách nào mà chúng ta có thể hiểu chồng hay vợ mình một cách hoàn toàn được. Trong buổi đầu sáng tạo, Thượng Đế đã dựng nên người nam và người nữ. Người nam Ngài dựng nên bằng bùn đất, nhưng người nữ, Ngài lại dựng nên bằng một cái xương sườn của đàn ông [4]. Sự khác biệt giữa đất và xương sườn đã nói lên rằng cuộc sống hôn nhân luôn đòi hỏi “hiểu” nhau, mà chỗ nào không hiểu thì phải hy sinh và chấp nhận.

Khi bước vào đời sống hôn nhân, người ta cần những thu hút, hấp dẫn, lãng mạn, và say đắm lúc ban đầu. Nhưng để nuôi dưỡng được tình yêu và thăng hoa hạnh phúc ấy, đòi hỏi phải biết hy sinh. Mà hy sinh lớn nhất, khó thực hiện nhất là hy sinh chính mình, hy sinh cái tôi của mình để một mặt minh chứng được tình yêu, một mặt nuôi dưỡng và phát triển tình yêu. Đây cũng là lý do khi một ai đó chỉ lo tìm mình, chỉ nghĩ đến mình, nghĩ đến cái tôi của mình, người này không thích hợp với đời sống hôn nhân. Nếu họ đem cái tôi ích kỷ ấy vào đời sống hôn nhân, là đem một kẻ thù nguy hiểm nhất, độc ác nhất, ghê gớm và đáng sợ nhất vào cuộc sống hạnh phúc của mình.

________

Tham khảo:

  1. Từ Điển Tiếng Việt. Nhà xuất bản Hồng Đức.
  2. Longman Dictionary of American English- New Edition.
  3. https://psychcentral.com/health/reacting-to-selfish-people#definition.
  4. Xem Sáng Thế Ký 2:7,18-22.

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.