Uncategorized

Giêsu Nazareth – Giêsu Tây Nguyên

Giêsu Nazaret, Con Thiên Chúa hay Giêsu Tây Mỹ hoặc Giêsu Dân Tộc Tây Nguyên Việt Nam thì ở tuổi nầy, đều như thế cả: vô tư đến vô tâm!   

 

Giêsu Nazaret, Con Thiên Chúa hay Giêsu Tây Mỹ hoặc Giêsu Dân Tộc Tây Nguyên Việt Nam thì ở tuổi nầy, đều như thế cả: vô tư đến vô tâm!   

 

Năm nào chúng tôi cũng làm ít nhất hai chuyến đi Kontum, một thành phố nhỏ và nghèo nhất Việt Nam, để chuyển mội ít những gì quyên gom được đến cho anh em dân tộc nghèo đói người Banahr, Seđang, Jarai, và nhiều sắc dân khác sinh sống trên vùng đất nầy. Tấm hình chụp kèm theo đây là tất cả những gì đời sống người dân Tây Nguyên có được và muốn nói lên: một túp lều làm bằng tranh từ mái cho đến vách, được phủ cho ấm bằng những tấm bạt rách tìm được đâu đó. Cháu nhỏ người dân tộc Ba-na ngồi góc bên ngoài phần nhà được dùng làm bếp, – phần quan trọng nhất trong nhà, vì có bếp lửa, có thể vài cái nồi luộc ngô khoai ít oi. Đời sống chủ yếu chỉ trông vào bắp khoai, nhưng vì đói,cho nên bắp chưa cứng hạt, khoai chưa tượng rõ hình, đã buộc phải bẻ,phải đào để dằn cơn đói. Trong ít nhất hai lần đi thăm hàng năm như thế, chúng tôi đã có được những tấm hình như vậy và Noel 2008, chúng tôi dùng thay cho Thiệp Giáng Sinh.Không hề có ý bôi bác. Chỉ muốn nhắc nhau rằng ở một nơi nào đó, khi người ta sắm sửa đón mừng Noel, thì những cảnh nầy không phải hiếm. Ngược lại! Không có Thánh Giuse. Không có Mẹ Maria. Có lẽ hai ngài đã vào rừng sớm, lội suối băng ngàn, mong hái được những quả hiếm hoi sót lại mùa đông hoặc đào được ít củ rừng cho họ, nhưng hơn hết là cho Giêsu của họ,đang sức ăn sức lớn và vô tư. Giêsu Nazaret, Con Thiên Chúa hay Giêsu Tây Mỹ hoặc Giêsu Dân Tộc Tây Nguyên Việt Nam thì ở tuổi nầy,đều như thế cả : vô tư đến vô tâm! Biết cái đói, vì thường xuyên bị đói. Biết cái rét, vì thường xuyên co ro run rẫy vào mùa đông giá lạnh. Người ta nói Kontum là nơi lạnh nhất Việt Nam. Không pohải cùng Sapa những năm nau có tuyết;không phải Hànội với những cái rét có tên như rét Nàng Bân. Rét mà có tên thì ai lại chẳng thích. Rét nên thơ và người ta háo hức chờ rét, cám ơn rét nữa, vì đem đến bao ấm cúng hạnh phúc đoàn tụ gia đình. Huế cũng rất rét, nhưng dù không nên thơ như rét Hànội, thì người dân Huế vẫn thích rét: nhờ rét mà má thiếu nữ hây hây đỏ như những người con gái xứ Đàlạt Anh Đào; nhờ rét mà có dịp khoác lên người những bộ áo đủ giáng kiểu,màu sắc và quý phái,sang trọng,tôn vẻ đắm thắm và dịu hiền của những cô gái Sông Hương.

 

Kontum thì không như vậy. Kontum nằm trên dãy Trường Sơn. Kontum lọt thỏm trong lòng Trường Sơn như trong một cái chảo. Nếu nhạc sĩ Phạm Duy tả thành phố Pleiku – Gialai ‘đi dăm phút đã về lối cũ’, thì Kontum – cách Pleiku gần 50 cây số – còn nhỏ bé hơn rất nhiều, dù ngày nay có mở mang hơn. Nếu khí hậu Pleiku tương đối điều hoà, mùa đông cũng lạnh nhưng không buốt giá, thì mùa đông Kontum rét thấu tận xương. Nhiều người đã sống lâu năm ở Hoa Kỳ, Canada,Pháp, Đức, Anh, khi về Kontum vào mùa đông đều thấy khó diễn tả cái lạnh ở Kontum : như có ai cầm kim châm vào da thịt, như có ai dội nước đá vào xương. Những cơn gió dồn cái rét từ đỉnh Ngọc Linh, gom những đám sương mù phủ kín các đỉnh núi, rồi đổ ào ào từng đợt xuống lòng chảo Kontum chưa hết run rẩy vì đợt gió rét trước. Nếu có hình ảnh nào có thể so sánh, thì đó là câu người Trung Quốc thường nói : sóng Trường Giang lớp sau xô lớp trước. Gió Tây Nguyên, gió Trường Sơn, lớp sau dồn lớp trước. Gió rét, nhưng vẫn phải ăn,phải uống. Nước ngày xưa tràn trề là thế,nơi nào có hốc đá, có rừng cây,là có nước,những giòng nước ngọt và mát rượi, chỉ cần mở nút lá đậy bầm là nước đầy ắp. Nay cây cối bị chặt rụi, và những đập thủy điện mọc như nấm sau mưa, khiến nước cạn kiệt. Bao nhiêu gỗ cây rừng bị đốn hạ cho đầy ntúi tiền những người tham lam vô trách nhiệm đã khiến chỉ cần một vài cơn mưa lớn,là nước ào ào đổ về như thác lũ, cuốn trôi những nương lúa,những rẫy ngô khoai và kéo đi chút ít đất đai màu mỡ còn lại. Mưa lũ không ít lấn giết chết người và gia súc. Đất nỗi giận. Đất hết còn thân thiện. Đất không còn đổi lúa gạo ngô khoai lấy những giọt mồ hôi mặn đắng như trước đây. Đất không sản sinh đủ gạo cho bửa rau cháo. Người lớn, trẻ em,đàn bà, thiếu nữ ngày ngày phải tìm vào rừng đào các loại củ ăn được. Củ rừng trở nên hiếm hoi, vì còn đâu rừng nữa. Cái lạnh và cái đói thi nhau hành hạ người dân Tây Nguyên.

 

Chúng tôi trở lại Tây Nguyên vào cuối năm nay. Không phải là đi thăm và chia sẻ một chút những gì mang theo, do các ân nhân khắp nơi gửi tặng, mà là có mặt để chia sẽ những tang thương mà trận hồng thủy gây ra. Tấm hình có cháu bé mà chúng tôi dùng làm ‘thiệp mừng Giáng Sinh 2008” đã thay đổi: nơi đó đã bị nước lũ cuốn trôi tất cả, không còn cái lều tứ bề bằng tranh nữa; không còn một biểu hiện sự sống nào nữa, dù chỉ là một ngọn rau khoai hay một thân cây bắp. Có lẽ một cơn đại hồng thủy hay một cơn sóng thần cũng chỉ làm được đến thế trong cơn giận dữ điên cuồng của chúng. Chúng tôi bắt gặp những người vừa trải qua cơn thiên tai trăm năm có một nầy. Thật lạ : dường như chẳng có một chút thay đổi nào trên khuôn mặt của họ. Tôi lại nhớ hình ảnh thơ văn : sóng sông Trường Giang lớp sau xô lớp trước. Đau khổ lớp sau có khác về hình thức và cường độ, nhưng vẫn là đau khổ, mà đau khổ thì họ đã chịu từ lúc lọt lòng, đã quen từ khi dứt núm vú rất ít sữa của mẹ, đã chịu đựng hằng ngày cùng mẹ cha, cùng dân làng, như dân làng từ bao năm qua, từ bao đời nay. Thêm một khổ đau, mất mát, cũng chẳng khác gì thêm một vết chém trên thân cây,làm ứa ra những giọt máu, nhưng rồi vết chém sẽ khô, thân cây sẽ liền lại. Họ coi đau khổ là điều tất yếu trong cuộc đời. Không đau khổ thì mới là lạ. Ngày xưa có thấy cúng, thầy mo đâm trâu,mổ gà, múa may hò hét, nói là để giúp họ xua đuổi tà ma,ôn dịch, mất mùa đói kém. Nhưng thầy cúng thấy mo cũng đói,cũng rét, cũng phải đi đào củ trên rừng. Ngày nay họ thấy rất nhiều nhà cao cửa rộng, gạo thóc, thức ăn thức uống ê hề, xe hơi sang trọng, quần áo đắt tiền. Họ thấy mà thôi. Đều phải có tiền, dù là từ bán lúa gạo hay cà phê. Những thứ ấy họ lại không có. Ngay những thứ ít oi nhất – một vài gùi bắp,một ít gùi lúa, vài luống khoai,- không bao giờ giáp hạt, thì nay cũng đã trắng tay. Dòng nước lũ trăm năm có một đã hung hản cướp đi tất cả. Chẳng những thế lại còn gieo đau thương khi cướp đi nhiều sinh mạng người thân, bạn hữu, dân làng. Người dân tộc không khóc người chết như người Kinh, không lăn ra gào khóc thảm thiết. Họ chỉ rên rỉ nhẹ,ánh mắt thẩn thờ. Nước mắt họ ít lắm. Những đau khổ và vất vả đã làm khô nước mắt họ. Họ không chai đá. Họ rất nhạy bén và chóng trắc ẩn trước nỗi đau,trước bất hạnh của người khác, nhưng lại quên những bất hạnh, thiệt thòi, mất mát của mình. Không biết là xót thương hay là mừng thay cho người ra đi, vì ra đi là thoát được kiếp khổ triền miên dai dẳng.

 

Ở Việt-Nam năm nay người ta đi mua sắm Noel sớm lắm. Không chỉ quần là áo lượt, mà cả những cây thông, máng cỏ, những ngôi sao,những dây kim tuyến óng ánh, không thua gì bầu khí Giáng Sinh ở Âu Mỹ, thậm chí còn muốn qua mặt, nhất là khi cơn khủng hoảng tài chính kinh tế còn đè nặng và đe doạ đời sống của người dân Tây Phương. Những năm trước, chỉ chủ yếu Sàigòn và Hà Nội mới có bầu khí rộn ràng mua sắm Noel sớm. Năm nay, ngoài Ngày Lễ Tình Yêu – Valentine đã thành quen thuộc, những lễ hội Tây Phương khác như lễ hội Halloween, đều được tổ chức không thua bất cứ nơi nào. Và hầu như đa số các tỉnh thành trên mọi miền đất nước, đều mua sắm và đều trang trí Noel. Họ cũng chờ đợi niềm vui Giáng Sinh, dù với họ chỉ như một lễ hội kéo dài, với vô số quà bánh, thức ăn,y phục và nhộn nhịp người qua lại, những bàn tiệc quy tụ đông đúc bạn bè và những bản thánh ca êm đềm ấm áp đi vào lòng người,về một em bé nào đó tên là Giêsu Nazaret sinh ra giữa đêm đông. Rét,với những người no cơm ấm cật có hương vị ngọt ngào. Rét nhiều sẽ cho băng tuyết trên cây cỏ vùng Sapa và dân Hànội tấp nập rồng rắn kéo nhau đi xem cảnh đẹp. Giêsu Tây Nguyên thêm một độ ‘Xê” (Celsius) là thêm run rẫy vì lạnh. Có áo ấm đàng nào cũng chịu đói dễ hơn. Bụng no cũng giúp chịu giá rét tốt hơn. Thiếu áo, thiếu ăn, cái rét như hết đối thủ. Mới về cuối tháng 11 mà khắp nơi đã lấp lánh những máng cỏ kết đèn,sao và Chúa Hài Nhi Giêsu đủ kích cở, có cả Thánh Giuse và Mẹ Maria, có cả những con bò lừa rất đẹp, dù nhiều chủ nhân các ngôi nhà sang trọng và các máng cỏ rất ấm áp nầy chẳng biết Chúa Hài Nhi là ai và hai ông bà qùy thờ lạy bên cạnh đang làm gì.

 

Chỉ còn một tuần nữa là mừng ngày Chúa Giáng Sinh. Những con người vừa thoát chết và đang chịu đói khổ nầy cũng sẽ chung nhau làm những hang đá nhỏ truyền thống, nghĩa là vài cây tre và một ít bao xi dễ xin,chứ không còn hiếm hoi như trước đây nữa. Một chút trang hoàng: rơm cỏ không bao giờ thiếu,ngay cả sau bão lụt; không có điện và không có những ngôi sao lấp lánh, mà chỉ có những ngọn nến nhỏ,ban tối thắp lên ngắm nhìn Chúa Hài Nhi Giêsu, rồi tắt để tiết kiệm. Trong các ngày lễ, anh em dân tộc thích lễ Giáng Sinh nhất, không phải ví những món quà nhỏ,không phải vì có dịp đi chiêm ngắm hang đá và các cảnh trí rực rỡ,đồ sộ ở các giáo xứ, mà vì họ thấy Giáng Sinh là ngày ấm áp nhất trong năm, ngày họ hiểu tại sao Chúa Giêsu lấy nghèo khó làm đầu trong tám mối Phúc Thật và không ngừng dạy tinh thần khó nghèo. Họ thấy ấm lòng, khi nhìn Chúa Hài Nhi nằm trong máng cỏ : họ nghèo thật,nhưng chưa bao giờ phải sinh đứa con nào trong cảnh cô quạnh, nghèo nàn như Con Thiên Chúa. Gió lạnh vùng Bê Lem có lẽ cũng chẳng thua kém gì ở Kontum. Nhà cửa tuy thanh bần, đơn sơ,nhưng không phải là chuồng gia súc. Nghe tin thai phụ chuyển dạ, đông đúc anh em, bạn bè,dân làng đến quây quần bên bếp lửa, để chia vui với gia đình có thêm một người, dù rồi sẽ có thêm một thân phận nghèo đói. Chúa Giêsu và cha mẹ Người lủi thủi cô đơn. Nhũng người anh em dân tộc nầy mong 365 ngày là 365 lễ Giáng Sinh, để họ chia sẻ và an ủi Chúa Hài Nhi; để Chúa Hài Nhi chia sẻ và an ủi họ. Không có lời an ủi, chia sẻ nào chân thành hơn, cảm động hơn, ý nghĩa hơn.

 

Giêsu Tây Nguyên cách Giêsu Nazaret hai ngàn năm, hoá ra lại giống nhau.

 

Giữa cảnh đất trời u ám, chúng tôi muốn dâng lên Chúa lời cảm tạ tri ân, cho chúng tôi, cho những người anh em Tây Nguyên nghèo khổ của chúng tôi. Nếu Chúa sinh ra nơi sang trọng, trong cung điện, giữa những cảnh huy hoàng, thì bần dân nầy còn biết trông vào ai,nhìn vào đâu để chịu đựng cuộc đời khốn khó nầy?

 

Giêsu Tây Nguyên hay Giêsu Nazaret : chỉ khi nào không bị chi phối,trói buộc bởi vật chất,danh lợi, thì con người mới đến được với nhau. Giêsu Tây Nguyên đến với Giêsu Nazaret qua những lỗ thủng trên mảnh áo vá đùm vá đụp, qua những chiếc chén bể èo uột miếng củ rừng chấm với muối. Nụ cười của Giêsu Nazaret khiến cho nét mặt Giêsu Tây Nguyên giãn ra ,rạng rỡ hơn,ấm áp hơn. “Ai đang sống trong lạc thú;nhớ rằng Chúa đang đền bù”…

 

Giêsu Nazaret qua Vị đại diện của Ngưới ở trần gian giới thiệu Giêsu Tây Nguyên cho tôi, cho bạn,cho mọi người thiện tâm, với lời nhắn nhủ nghiêm khắc, rằng: BAO LÂU TRÊN BÀN ĂN NGƯỜI NGHÈO CHƯA CÓ BÁNH, THÌ BẤY LÂU KITÔ HỮU KHÔNG ĐƯỢC PHÉP AN TÂM.

 

Kontum, mùa bão lụt 2009

 

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.