Đây là bài giảng trong Thánh lễ Dầu, sáng Thứ Năm Tuần thánh (01.4.2021) của Đức Tổng Giám mục Socrates b. Villegas, OP. tại nhà thờ Thánh Gioan Tông đồ, thành phố Dagupan, tổng Giáo phận Lingayen-Dagupan, Philippines.
* * *
Hôm nay, chúng ta lại bước vào một hành trình thiêng liêng tiến vào Phòng Tiệc Ly để nhớ lại thiên chức linh mục của mình. Một lần nữa chúng ta cảm tạ Thiên Chúa đã kêu gọi mình làm linh mục. Đức Giêsu đã làm một cuộc mạo hiểm. Người đã trao phó Giáo hội của Người cho các linh mục. Càng sống lâu trong ơn gọi này, chúng ta càng thấy rõ ràng, chúng ta cần nhiều sức mạnh hơn là ý chí để có thể sống thiên chức linh mục. Điều đó cũng có nghĩa là, chúng ta cần ân sủng của Thiên Chúa. Chúng ta cần Người. Chúng ta cần Chúa luôn dõi mắt nhìn. Chúng ta cần Chúa đồng hành. Chúng ta cần Chúa luôn bảo vệ và gìn giữ chúng ta.
Chúng ta đã từng chứng kiến cách linh mục lạm dụng, từ việc lạm dụng rượu bia, tình dục, trẻ em, cờ bạc, tiền của, lạm dụng đi du lịch và các kỳ nghỉ. Hôm nay, tôi mời mọi người cùng suy ngẫm về một sự lạm dụng rất phổ biến khác vốn đang lan tràn trong hàng ngũ linh mục, đó là lạm dụng bài giảng. Vâng, đó là lạm dụng lòng tốt của dân Chúa, buộc họ phải nghe những bài giảng dài dòng, loanh quanh, miên man, nhàm chán, không đầu không đuôi, thiếu chuẩn bị. Nghe như đùa, nhưng đó là sự thật, dân Chúa nói bài giảng của chúng ta là những đòn tra tấn mà họ cực chẳng đã phải chịu mỗi khi tham dự Thánh lễ Chúa Nhật.
Nếu quý cha lắng nghe cẩn thận hơn những điều dân chúng phàn nàn về bài giảng của mình thì sẽ thấy, họ không đòi hỏi sứ điệp của bài giảng phải thật sâu sắc hay những câu chú giải hàn lâm. Nhưng thực tế là họ đang phải chịu đựng hết Chúa nhật này đến Chúa nhật khác những bài giảng khó hiểu, vì chúng ta dẫn nhập lòng vòng nhưng sau đó chẳng thể đi thẳng vào vấn đề chính, rồi sau đó cũng lại chẳng biết phải kết thúc thế nào. Hãy chuẩn bị bài giảng, nói rõ ràng, tập trung vào sứ điệp của Tin Mừng.
Khi còn là chủng sinh, chúng ta thường phàn nàn về các bài giảng của các linh mục cao niên. Nhưng đến lượt mình, chúng ta lại làm điều tương tự.
Nếu một chủng sinh không sống khiết tịnh, chúng ta không thể giới thiệu người ấy chịu chức. Nếu một chủng sinh cứng đầu và khó sửa đổi, chúng ta không đồng ý cho người ấy thụ phong. Thì cũng vậy, nếu một chủng sinh không thể giảng giải rõ ràng và hiệu quả trước công chúng, chúng ta không nên truyền chức cho họ. Họ sẽ trở thành người lạm dụng bài giảng ghê gớm. Lạm dụng bài giảng có thể gây hại cho các linh hồn.
Những bài giảng dài dòng, loanh quanh, lặp đi lặp lại, miên man, không chuẩn bị trước là dấu hiệu cho thấy đời sống thiêng liêng èo uột của linh mục. Thánh Giuse Cupertino đã nói: “Người giảng thuyết cũng giống như chiếc kèn đồng vô tri, trừ khi được ai đó thổi vào. Vậy, trước khi giảng, hãy cầu nguyện thế này: Lạy Chúa, Chúa là thần khí, con là chiếc kèn của Chúa. Không có thần khí Chúa, con không thể phát ra âm thanh nào.”
Việc chúng ta chỉ chuẩn bị bài giảng thôi thì chưa đủ; người linh mục tốt lành phải chuẩn bị tâm hồn mình nữa. Giảng thuyết là công việc của tâm hồn và trái tim, đó không chỉ là tập hợp những lời lẽ hùng hồn và triết lý. Đời sống thiêng liêng của chúng ta là nền tảng vững chắc cho các bài giảng thuyết. Vấn đề không phải là chúng ta sẽ giảng cái gì nhưng là chúng ta sẽ giảng về ai?
Chúng ta giảng về Đức Giêsu Kitô; và chỉ mình Đức Giêsu Kitô mà thôi.
Vậy, làm sao chúng ta sẽ vượt lên khỏi tình trạng lạm dụng bài giảng đang phổ biến hiện nay? Chúng ta khắc phục bằng cách nào?
Thách đố thứ nhất trong thời đại chúng ta là linh mục phải chân thành và chính trực. Cha xứ chỉ có thể giảng cho những người đang đói nếu bụng của cha xứ cũng đang đói cồn cào như chính giáo dân của mình. Bài giảng của chúng ta sẽ trở nên tốt hơn nếu chúng ta giảm bớt thói huyên thuyên, nhưng chú tâm lắng nghe. Khi bài giảng của chúng ta chỉ như một bài nói chuyện, nghĩa là chúng ta chỉ lặp lại điều mình biết, nó sẽ rất mệt mỏi và sáo rỗng. Nếu chúng ta lắng nghe và cầu nguyện trước khi giảng, chúng ta học được nhiều điều mới mẻ và bài giảng của chúng ta sẽ trở nên khởi sắc và tươi mới hơn. Chúng ta sẽ giảng hay hơn nếu chúng ta dám “mang lấy mùi chiên.”
Thách đố thứ hai của thời đại chúng ta là sự giản dị – giản dị trong lời giảng, và hơn thế nữa, giản dị trong đời sống. Khi sống giản dị chúng ta cũng sẽ bớt nói về tiền bạc và việc quyên góp trong bài giảng; giảng về tiền bạc không bao giờ soi sáng được ai. Giản dị cũng có nghĩa là không sử dụng tòa giảng như một phương tiện để trả đũa những người đối kháng với mình. Giản dị cũng ngăn cản chúng ta đưa chuyện bầu bán chính trị ồn ào lên tòa giảng. Giản dị trong bài giảng cũng có nghĩa là đừng cố làm cho người nghe phải cười hay khóc – đó là việc của các diễn viên truyền hình giải trí. Sự giản dị trong bài giảng khiến người nghe phải cúi đầu, đấm ngực và thành tâm hoán cải, tìm đến với lòng thương xót của Thiên Chúa. Trở nên giản đơn cũng là trở nên tuyệt vời trong ánh mắt Thiên Chúa. Lối sống giản dị của các linh mục chính là bài giảng dễ hiểu nhất.
Thách đố thứ ba là không ngừng học hỏi. Đọc sách và nghiên cứu phải được tiếp tục sau khi đã chịu chức linh mục. Nếu chúng ta ngừng đọc sách và nghiên cứu, chúng ta sẽ làm tổn hại linh hồn của giáo dân. Nếu ngừng học hỏi, là chúng ta bắt đầu thúc ép người khác đọc cái gọi là cuốn sách cuộc đời chúng ta – một cuốn truyện khôi hài, không cảm hứng, hết sức lố bịch và tai tiếng khủng khiếp. Khi đó bài giảng trở thành câu chuyện đời chúng ta chứ không phải câu chuyện về Đức Giêsu. Tuy nhiên, dành quá nhiều thời gian để đọc sổ chi tiêu cũng không phải là cách để chuẩn bị bài giảng.
Hãy thận trọng trong lối sống của mình. Mọi người sẽ nhìn xem cách chúng ta sống hơn là nghe chúng ta giảng. Hãy chân thành và chính trực. Một lối sống hai mặt, mặt tối của đời sống thật chẳng ra làm sao.
Hãy thận trọng trong mọi bài giảng. Thiên Chúa sẽ phán xét mọi lời các linh mục thốt ra. Hãy tin những gì mình đọc. Hãy dạy những gì mình tin. Và thực hành những gì mình dạy.
Hãy cẩn thận với mọi bài giảng. Giáo dân muốn nghe Lời Chúa chứ không phải lời của linh mục; chỉ có Lời Chúa mà thôi, luôn luôn là như vậy.
Hãy ý tứ với bài giảng của mình. Hãy thương xót dân Chúa. Đừng lạm dụng bài giảng nữa. Hãy để bài giảng của mình truyền cảm hứng và nung nóng trái tim người tín hữu.
Nguồn: daminhvn.net
Views: 0