Trần Mỹ Duyệt chuyển ngữ và đề tựa
50 ngày sau khi Chúa Giêsu sống lại, và 10 ngày sau khi Ngài về trời, Chúa Thánh Thần hiện xuống trên các Tông Đồ và các môn đệ trong lúc họ cầu nguyện cùng với Mẹ Maria tại Giêrusalem. Sau đây là bài giảng của Đức Hồng Y Joseph W. Tobin, Tổng Giám Mục Newark tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Tâm, lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, ngày 31 tháng Năm, 2020.
***
Lời hứa được trọn vẹn. Thánh Thần được ban xuống trên toàn thế giới, không đơn giản chỉ cho những nhà lãnh đạo và các tiên tri của Do Thái xưa, cũng không loại trừ 120 tông đồ, môn đệ, và Mẹ của Chúa Giêsu, những người đã tụ họp tại Giêrusalem vào lúc Chúa Thánh Thần hiện xuống. Kinh nghiệm của 120 người nam nữ này cũng chính là kinh nghiệm của tất cả các môn đệ của Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã chịu đóng đinh, sống lại và giờ đây đang ngự bên hữu Chúa Cha. Chúng ta hãy dừng lại ít phút để suy nghĩ xem chúng ta cảm nhận như thế nào về Tặng Ân của Chúa Thánh Thần.
Ngay từ đầu trong Phúc Âm của Gioan, Chúa Giêsu đã bắt đầu dạy những kinh nghiệm về Chúa Thánh Thần. Ngài nói với Nicôđêmô: “Thật, tôi bảo thật ông: không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí. Cái bởi xác thịt sinh ra là xác thịt; cái bởi Thần Khí sinh ra là thần khí” (Gioan 3:5-6).
Trong bài học đầu tiên này, Chúa Giêsu không định nghĩa Chúa Thánh Thần nhưng đúng ra là diễn tả Thánh Thần, dùng hình ảnh mà nó không xa lạ với bất cứ ai trong chúng ta. Chúa Giêsu nói với Nicôđêmô: “Gió muốn thổi đâu thì thổi; ông nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu. Ai bởi Thần Khí mà sinh ra thì cũng vậy” (Gioan 3:8).
Cũng giống như gió là một bí ẩn, chúng ta chỉ có thể cảm nghiệm về nguồn gốc và định mệnh của nó. Một cách tương tự, đời sống trong Chúa Thánh Thần đến từ một mầu nhiệm vượt quá sự kiểm soát của con người.
Để tường thuật về Lễ Hiện Xuống, tác giả Kinh Thánh đã dùng hình ảnh kịch tính diễn tả mầu nhiệm sự sống trong Thánh Thần: một cơn gió mạnh rung chuyển căn nhà, những lưỡi lửa đậu trên từng người trong số 120 môn đệ. Người ngư phủ không biết chữ và người thu thuế bỗng nhiên nói một cách trôi chảy những ngôn ngữ của thế giới mà nhóm người hiếu kỳ hôm đó đã hiểu được họ. Thực tế cũng có một số: họ giải thích những gì họ thấy và nghe, và cho rằng đó chỉ là những lời lảm nhảm của những kẻ say rượu.
Cả hai bài đọc thứ nhất và thứ nhì chỉ cho thấy hình ảnh của một cộng đồng đầy tràn Chúa Thánh Thần, mà không thể cho đó là nỗ lực của con người. Trong cộng đoàn này gồm những thành phần khác biệt nhưng hiệp nhất. Tin Mừng được nghe từ mọi ngôn ngữ, nhưng kết quả thì không phải là một Tháp Babel. Nhiều ân sủng được ban tặng, và kết quả trái ngược với sự cạnh tranh ích kỷ một cách dã man cho thấy rằng, những cá nhân nào thích ứng tốt với môi trường sẽ sống sót và phát triển thành công nhất, giầu có nhất hoặc học thức nhất. Đúng ra, những tặng ân đã được ban chung để hoạt động cùng nhau cho thiện ích chung tất cả. Một hiệp nhất chân thực trong phân rẽ, vượt qua ngôn ngữ con người nếu không có cảm nghiệm từ Chúa Thánh Thần.
Rồi trong trình thuật từ Phúc Âm của Gioan, một hình ảnh khác đã được dùng để diễn tả ân huệ của Chúa Thánh Thần. Cử chỉ của Chúa Giêsu trong đêm của ngày đầu tiên trong tuần, ngày đầu tiên của một tạo dựng mới, có thể giúp chúng ta hiểu những thảm kịch đã được mở ra trong những tháng cuối. Chúa Phục Sinh chào các môn đệ của mình bằng lời chào – bình an – không chỉ là sự vắng bóng của xung đột, nhưng hơn thế, là những điều kiện làm nên sự phát triển một cách mau chóng và thành công của nhân loại và tất cả những gì đã được tạo dựng.
Ngài chào họ lần thứ hai cũng với lời chào, Bình An, và rồi… thổi hơi trên họ, nói với họ, “Hãy nhận lấy Thánh Thần…” Ân huệ của Chúa Thánh Thần là cái gì đó căn bản như hơi thở của đời sống. Đây là lần thứ hai Chúa Giêsu đã thổi Thần Khí. Lần đầu tiên từ trên ngai tòa Thánh Giá. Sau khi đã tuyên bố một cách chiến thắng, “Mọi sự đã hoàn tất”, Ngài đã “trao phó thần khí Ngài”, Thần Khí đó sẽ hợp với Mẹ Ngài, môn đệ Ngài yêu và một số bạn hữu dưới chân thập giá, vào Thân Thể Ngài, là Giáo Hội. Hôm nay Chúa Phục Sinh, một lần nữa, thổi hơi trên cộng đoàn các môn đệ của Ngài, “Hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần…”
Tặng Ân này là điều cốt yếu hôm nay, cho con người của đất nước chúng ta đang sống trong thời điểm của Sách Khải Huyền. Thánh Kinh chỉ về những biến cố khải huyền khác nhau. Những điều này không loại bỏ những diễn tả hoặc lời tiên tri liên quan đến sự hủy diệt toàn diện thế giới. Những điều xảy ra quan trọng hoặc tai ương được nói trước, không chỉ đơn giản để làm sợ hãi những người nghe hoặc những người đọc, nhưng để cảnh giác họ về tai ương khủng khiếp trên chân trời. Trong Lời của Thiên Chúa, một biến cố khải huyền thông thường cho thấy những người quyền lực, những người xác định hoàn toàn đối nghịch với một đáp ứng tin tưởng, hợp lý, yêu thương trước những sáng kiến cứu độ của Thiên Chúa, Đấng tạo dựng và cứu chuộc. Chuẩn bị cử hành lễ Hiện Xuống này, tôi xác tín rằng chúng ta phải đặc biệt chú tâm tới những lời cốt lõi và cử chỉ của Chúa Cứu Thế Phục Sinh, Đấng ban Thánh Thần. Vì chúng ta đang sống những biến cố kinh hoàng làm tê liệt và khó khăn khiếp sợ, bởi vì chúng cướp đi hơi thở của nhân loại. Hôm nay thánh vịnh đáp ca nhắc đến số mệnh của những tạo vật sống mà bị cướp đi hơi thở: chúng chết.
370.000 * người trên khắp thế giới – hơn 100.000 tại Hoa Kỳ – đã chết trong dịch bệnh. Ý nghĩ biết rõ sau cùng của nhiều người, có thể là phần lớn, chính là tôi không thể thở được. Chúng ta biết rằng, khi người đó đang chết trên một con đường ở Minneapolis dưới gối của kẻ giết mình, George Floyd đã hổn hển: tôi không thể thở được. Những cái chết và hủy diệt này tin tức chỉ loan báo tổng quát, nhưng một cách văn chương nghĩa là lấy đi hơi thở của chúng ta. Những người hoảng sợ thường nín thở. Những người gặp sợ hãi phải được nhắc một cách mạnh mẽ để thở trở lại.
Covid-19, cái chết của George Floyd, những cái chết không cần thiết của nhiều người da mầu, sự lợi dụng xấu hổ của xã hội phân rẽ nhằm thỏa mãn cá nhân hoặc quyền lợi chính trị – CHÚNG LÀ NHỮNG BIẾN CỐ TIÊN TRI VỀ SỰ HỦY DIỆT THẾ GIỚI mà nó không chỉ đơn thuần là dọa dẫm chúng ta – lấy đi hơi thở của chúng ta – nhưng để cảnh báo cho chúng ta về một tai họa kinh hoàng trên chân trời, cũng như ý nghĩa trung thực về sự hủy diệt mà nó đang cận kề ở giữa chúng ta. Chúng ta thật sự cần thở, nhờ đó chúng ta có thể nhận ra rằng những nỗ lực của con người nắm giữ quyền hành dùng để chia rẽ chúng ta, là sự đối nghịch nghiêm trọng với dự án Thiên Chúa đối với thế giới này.
Như Ngài đã làm trong buổi chiều của ngày thứ nhất trong tuần, giây phút đầu tiên của cuộc sáng tạo mới, Chúa Giêsu ở đây giữa những bạn hữu đang sợ hãi của Ngài. Ngài thở trên chúng ta quà tặng Chúa Thánh Thần, Đấng là Trạng Sư của chúng ta, là Thần Chân Lý, Đấng thế giới không thể đón nhận, bởi vì nó không thấy và cũng không nghe về Ngài (Gioan 14:17). Hôm nay lời hứa trung tín của Đấng Phục Sinh một lần nữa được thực hiện đầy đủ, khi Ngài ban cho các môn đệ của mình Chúa Thánh Thần, Đấng mà Chúa Cha sẽ ban xuống nhân danh Thầy – Ngài sẽ dạy anh em mọi điều và nhắc nhở anh em tất cả những gì mà [Thầy] đã nói với anh em (Gioan 14:26).
Chúa Thánh Thần sẽ kiến tạo sự hợp nhất đích thực trong sự chia rẽ, và ban xuống những ân huệ đem lại sự sống cho thế giới. Nguyện xin Mẹ Maria, Mẹ của Chúa Giêsu, Mẹ của Giáo Hội, đấng đã cầu nguyện cùng với 120 môn đệ trong ngày đầu Hiện Xuống, cầu bầu cho chúng ta hôm nay, để chúng ta có thể đón nhận Tặng Ân và hơi thở.
Hồng Y Joseph W. Tobin
Tổng Giáo Phận Newark
31 thánh Năm, 2020
https://www.rcan.org/cardinal-joseph-w-tobin%E2%80%99s-homily-pentecost-sunday
________
* Tính đến nay đã có khoảng 6.880.959 người chết vì Covid-19
Views: 0