Trong các toà án ngày xưa, khi chưa phát minh máy ghi âm, thì người ta dùng thư ký đặc biệt, ghi chép rất nhanh các lời khai, gọi là nhân viên tốc ký. Sau phiên toà các luật sư muốn dò lại hồ sơ, chỉ cần đọc văn bản ghi nhanh đó, khắc biết đầy đủ chi tiết. Khi tranh đua các trận cầu ở Mỹ, người ta dùng máy ghi ảnh. Nếu một ông bầu nào đó, muốn phản đối trọng tài thì chỉ cần bấm lại máy, mọi sự sẽ trở nên rõ ràng. Nếu một tiệm tạp hoá lớn bị trộm cắp, hay khách hàng cầm nhầm đồ vật thì cảnh sát chỉ cần bấm lại máy thu hình đặt sẵn trong các quầy là tìm ra thủ phạm ngay. Thời hiện đại có nhiều phương tiện tìm kiếm sự thật rất tiện lợi và nhanh chóng.
Nhưng khi Thiên Chúa dựng nên vũ trụ vạn vật và con người, ai đã ghi chép văn bản? Hẳn chẳng có ai. Khi Adam, Eva được dựng nên, ai đã chứng kiến mà mô tả lại? Cũng chẳng có ai cả! Vậy những chuyện trong sách Sáng Thế thật hay bịa? Rõ ràng trình thuật tạo dựng hai ông bà không phải là câu truyện tả chân xác thực một trăm phần trăm. Thánh Kinh không phải là lịch sử theo nghĩa đó. Nó có mục tiêu khác. Đó là giúp đỡ các tín hữu bền vững và lớn lên trong đức tin. Nó không phải là truyện “lúc ấy” mà là chuyện “bây giờ”. Nó chuyển tải một nội dung quan trọng cho các tín hữu hiện đại và đường lối văn chương của nó cụ thể, rực rỡ màu sắc, ngõ hầu người đọc dễ nắm bắt và nhớ lâu. Liệu có đúng câu truyện xảy ra như thế? Đúng thế. Nó là sự thật nằm tàng ẩn trong câu truyện, xin cảm phiền theo dõi tiếp.
Chân lý thứ nhất có thể suy đoán ra là đàn ông và đàn bà hoàn toàn bình đẳng trong việc tạo dựng, không phải như người ta lầm tưởng xưa nay: đàn bà thua kém đàn ông. Thiên Chúa là Tạo Hoá của cả hai người. Không có sự chênh lệch hay thiên vị khi Ngài dựng nên Adam và Eva. Tạo hoá của Adam cũng là tạo hoá của Eva. Chẳng có ưu tiên nào cả! Vậy tại sao người ta lại đặt ưu tiên cho Adam và coi nhẹ Eva? Adam không tham dự vào việc tạo dựng Eva. Khi Thiên Chúa làm nên Eva, Adam đang ngủ say! Công việc là công việc của Thiên Chúa. Ngài hoàn toàn tự mình khởi sự, chẳng có ai can dự vào. Adam từ bụi đất và Eva từ một chiếc xương sườn. Cả hai là công việc một mình Thiên Chúa. Vậy não trạng thiên vị là sai lầm. Sự thật là nhân phẩm Adam, Eva hoàn toàn giống nhau.
Chân lý này còn được tỏ hiện, như tác giả Dianne Bergan nhận xét, trong lời tuyên bố của Adam: “xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi.” Theo nữ tác giả, hai chữ “xương thịt” có ý nghiã vừa tâm lý vừa thể xác. Xương gợi nên sức mạnh, thịt sự yếu đuối. Như vậy toàn cảnh con người là sức mạnh và yếu đuối nơi cả hai đàn ông và đàn bà. Chứ không riêng gì một phía nào: đàn ông là sức mạnh, đàn bà là yếu đuối. Chúng ta nên hiểu phía đàn ông mạnh mẽ nhưng cũng rất yếu đuối và đàn bà là người bạn thích hợp của ông ta. Eva chia sẻ toàn bộ số phận làm người như Adam. Như vậy câu truyện tạo dựng con người là có thật. Vì nó chuyển tải sự thật căn bản về loài người mà Thiên Chúa đã tác thành nên: Cuộc đời là một ơn ban của Thượng Đế và Ngài còn ban cho một hoàn cảnh thuận lợi để sống. Adam và Eva được tạo dựng như một cộng đoàn, không riêng lẻ và được kêu gọi sống với nhau trong tương quan hợp lý. Tương quan này được đặt trong một thế giới có trật tự. Khi hành động tạo dựng Adam, Eva hoàn tất, chúng ta chẳng thể có ý kiến nào khác ngoài quan niệm là họ thuộc về Thiên Chúa và về nhau cách hoàn hảo, bởi cả hai đều “một xương một thịt”. Không thể nói nhân loại đầy đủ hơn nơi người đàn ông và kém hơn nơi người đàn bà. Hoặc một bên trổi vượt hơn bên kia và vì thế có thể lấn át nhau. Ngược lại cả hai đều phản ánh đồng đều nhân loại tính: “Con người nói: phen này, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi…bởi thế người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương thịt.”
Như vậy chúng ta dễ hiểu ra quan điểm của Chúa Giêsu khi tuyên bố: Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp loài người không được phân ly. Xin nhớ, Ngài cùng các môn đệ đang đi lên Giêrusalem, dọc đường Người dạy dỗ các ông về giáo lý chân thật của Đức Chúa Trời. Các Pharisêu đưa vấn đề ly dị ra trắc nghiệm Ngài. Nhưng cũng nhờ vậy mà Ngài có cơ hội dạy dỗ một chân lý ngàn đời về vấn đề hôn nhân. Theo sách Đệ nhị luật (24, 1-4) người đàn ông được phép đuổi vợ vì một lý do giản dị là tìm thấy nơi nàng có điều chi “chướng”. Chẳng ai hiểu chính xác thế nào là chướng, vì vậy mỗi trường phái cắt nghĩa một khác. Thời Chúa Giêsu vấn đề ly dị là một đề tài không nhỏ ( thời nay cũng vậy) trong cộng đồng tôn giáo. Vì vậy họ đặt trước Chúa Giêsu cái bẫy để thử Ngài. Nếu Ngài trả lời được thì rõ ràng Ngài đi ngược với tự nhiên. Nếu nói không thì phạm luật Môsê như chúng ta vừa trích dẫn. Nhưng thay vì bàn luận trực tiếp được hay không được phép ly dị, Ngài chưng ra sách Sáng Thế Ký và chương trình về hôn nhân của Thiên Chúa.
Ngày nay lời dạy của Ngài cũng rất khó nuốt. Bởi ly dị rất phổ biến trên toàn thế giới. Riêng nước Mỹ 50% các giao ước hôn nhân đi đến đổ vỡ. Các tín hữu khó mà tuôn giữ lời Chúa Giêsu trước thực tại của cuộc sống tân thời, xô bồ và thượng tôn vật chất. Trong bài suy niệm này chúng ta thử vật lộn với sự thật Chúa dạy và các thực tế trong gia đình, xã hội, bạn bè, người dưng nước lã và với chính bản thân. Trước hết là lý do nghiêm ngặt chống ly dị. Trong xã hội thời cổ và ngay cả bây giờ, luật hôn nhân nhằm bảo vệ phụ nữ và trẻ em. Bởi vì đàn ông có khuynh hướng bạo lực và đàn áp. Họ coi đàn bà và con nít như tài sản riêng, có toàn quyền định đoạt tương tự như nô lệ vậy. Luật lệ là để bảo vệ các thành viên yếu kém trong cộng đồng. Nhưng tai hại thay nó lại do đàn ông xây dựng nên. Vì thế còn nhiều thiếu sót và bất công. Thí dụ luật cho phép ly dị vì lý do “chướng mắt”.
Chướng mắt vì không thích nữa, vì tốn kém, vì nấu ăn tồi, vì tuổi tác… Hàng ngàn lý do gọi là “chướng”. Khi một người đàn bà bị đuổi ra khỏi nhà, bà rất dễ bị tổn thương và lệ thuộc vào gia đình bên ngoại để sống còn. Chẳng may gia đình nghèo khổ, lúc ấy bà hoàn toàn phải tự lo liệu. Cho nên cần một luật hôn nhân nghiêm ngặt hơn để giúp đỡ những trường hợp khó khăn. Ngoài lề luật của Thiên Chúa, lòng yêu thương bác ái đòi buộc Chúa Giêsu đưa ra một “lý tưởng”, chứ không phải như mấy ông Pharisêu hy vọng Ngài sẽ tháo thứ như thái độ của Ngài vốn có đối với “tập tục” của cha ông.
Có lẽ vì lý do đó mà thánh Mathêu đặt vấn đề ly dị vào mục “khuôn vàng thước ngọc” của Bài Giảng Trên Núi(5,31) song song với tám mối phúc thật, yêu kẻ thù, bất bạo động, đưa má cho người ta tát, cho mà không đòi lại… Trong ánh sáng của các lý tưởng này, Chúa cho chúng ta hay nhân loại thiếu sót biết bao khi thực hiện Thánh ý Thiên Chúa. Chúng ta quá yếu đuối trong chức vụ làm môn đệ Ngài và làm công dân nước trời. Chúng ta luôn cần đến lòng thương xót và tha thứ của Thiên Chúa. Vấn đề hôn nhân và gia đình cũng vậy. Nó là một lý tuởng người ta phải cố gắng đạt tới. Không vì lý do gì mà bưng tai bịt mắt trước “sự thật” của Sáng Thế Ký. Và Chúa Giêsu nhấn mạnh lại: Mối ràng buộc hôn nhân là vĩnh viễn không quyền lực nào bẻ gẫy được dù là quyền bính quốc gia, Giáo Hội, quốc tế. Nó đã được Thiên Chúa an bài và quyết định. Ngoài ra tính bất phân ly của hôn nhân còn là biểu tượng tình yêu Hội Thánh với Đức Kitô và sự gắn bó vững vàng giữa thụ tạo với Thiên Chúa của mình. Như vậy hôn nhân giữa người nam và người nữ mang nhiều ý nghĩa khác nhau về lòng trung thành. Không những trung thành xác thịt, nhưng tình yêu, tâm linh, tinh thần tín thác, trợ giúp và biểu tượng nữa. Nó nói lên sự gắn bó của Thiên Chúa với loài người và ngược lại loài người với Tạo Hoá của mình. chẳng biểu tượng nào có ý nghĩa hơn!
Đó là lý tưởng của hôn nhân công giáo, nó vượt xa mọi học thuyết khác. Người tín hữu tin chắc rằng bí tích hôn phối phản ánh tình yêu của Chúa Kitô, Thiên Chúa nhập thể, với Hội Thánh và ngược lại. Nhưng khi thể hiện chúng ta thường thất bại, vì yếu đuối của bản tính nhân loại. Chúng ta phải luôn đấu tranh để theo gương Chúa Giêsu. Ngài trung thành với Hội Thánh và từng linh hồn cho đến chết trên thập giá. Hôm nay chúng ta đem cuộc đấu tranh này dâng trên bàn thờ để Chúa giúp đỡ. Xin Thiên Chúa ban cho chúng ta Đức Kitô và tinh thần của Người ngõ hầu chúng ta sống am hợp với niềm tin.
Tuy nhiên Hội Thánh không cố tình ngoảnh mặt khỏi những yếu đuối của con người. Nó bắt nguồn ngay từ bản tính sa ngã. Sau thời gian dài kinh nghiệm và suy gẫm về điều chi làm cho người ta hoàn toàn đồng ý thì tâm lý học khám phá ra rằng vào giai đoạn nào đó của cuộc đời hoặc trong những hoàn cảnh nhất định nào đó việc đồng ý hoàn toàn và tự do là không thể thực hiện được. Vì thế hiện nay Giáo Hội tuyên bố nhiều giao ước hôn nhân không thành, bởi thiếu sự đồng ý chân thật. Nhưng ở những hoàn cảnh khác, phẩm chất của giao ước hôn phối là đầy đủ, không tháo gỡ được nữa.
Phúc Âm hôm nay nghiêm khắc lên án ly dị. Tuy nhiên nhiều cặp vợ chồng không đáp ứng được lý tưởng của hôn nhân. Họ thiếu sót cách này cách khác. Các chủ chăn nên bỏ công khó tìm hiểu và giúp đỡ họ thực tình chứ không “tội nghiệp” suông. Ở Việt Nam còn ít, chứ ở Âu Mỹ, ly dị và tái kết hôn ngày càng trở nên phổ biến. Họ vẫn khao khát sống đời tín hữu, nhưng hoàn cảnh không cho phép. Các mục tử nghĩ sao đây? Hãy tìm ra phương pháp để an ủi nâng đỡ những tâm hồn đó. Người ta còn đặt câu hỏi: ly dị và tái kết hôn khác nhau thế nào? Vậy cần nhiều học hỏi và suy tư, không nên bỏ phí thời giờ vui chơi bài bạc.
Nhưng tư tưởng chính thống vẫn là bước đi an toàn. Luật lệ nghiêm khắc vẫn cần thiết để bảo vệ lý tưởng hôn nhân và giúp đỡ các đôi vợ chồng đạt tới mục tiêu ấy. Tôi quen một gia đình đã kết hôn 30 năm. Họ thú nhận đã 5 lần dự tính ly dị. Nhưng nhờ ơn Chúa và bạn bè nâng đỡ họ vẫn còn yêu nhau và khám phá ra rằng những khó khăn chỉ là nhất thời, giúp họ lớn lên trong hiểu biết và hạnh phúc. Một bà mẹ trẻ khác thú nhận: “Quyết định kết hôn và sống trung thành là một điều khó khăn nhất trong cuộc đời mình”. Chúng ta cần giữ vững “lý tưởng” nhưng cũng cần tìm ra đường lối giúp các gia đình khủng hoảng. Xin đừng nhởn nhơ với bổn phận. Công việc thật nặng nề nhưng là trách nhiệm mục tử.
Căn do mọi sự dữ là tội lỗi. Người ta thường ích kỷ nghiêm khắc với tha nhân, dễ dãi với bản thân. Cho nên thiếu bác ái chân thật. Đôi vợ chồng phải nâng đỡ nhau chứ đừng chì chiết, nhường nhịn nhau chứ đừng cố chấp. Chúng ta sống trong thế giới tan nát vì tôïi lỗi cho nên ít nhiều bị ảnh hưởng. Điều này mọi người đều biết và thông cảm. Nếu như lúc nào đó “lý tưởng” bị bẻ gẫy, chúng ta không ngã lòng, xin Chúa khoan dung tha thứ. Ngài sẵn sàng đổ ơn xuống giúp đỡ ngõ hầu chúng ta làm lại cuộc đời. Ngày nay các gia đình luôn phải đối phó với khó khăn và căng thẳng. Này nhé ly dị rất phổ thông, văn hoá xã hội không giúp đỡ gì nhiều cho nếp sống gia đình. Các thành viên tản lạc xa nhau. Kinh tế chụp giật xô bồ. Cha mẹ xa con cái. Con cái chẳng có thời giờ thăm hỏi cha mẹ, ông bà. Công việc bề bộn. Tình cảm máu mủ không được vun đắp, nuôi dưỡng. Thử hỏi gia đình bền vững thế nào được? Nhưng hãy nghĩ đến những lễ hôn phối mà chúng ta đã tham dự. Nó ám chỉ sự dẫn thân trọn đời, không những ngay lúc nghi thức diễn ra, mà mãi mãi về sau. Khi đôi vợ chồng gặp khó khăn, cần được khích lệ và giúp đỡ để tiếp tục là “một xương một thịt”. Chúng ta hãy sẵn sàng hiện diện để “lý tưởng” của Chúa được củng cố và sáng tỏ. Như vậy cộng đồng mới thực sự là môn đệ Chúa. Mong lắm thay. Amen.
Lm. Jude Siciliano, op.
Views: 0