Uncategorized

Nội dung và các mấu chốt thần học thư gửi Galatha

CHƯƠNG II
KẾT CẤU NỘI DUNG VÀ CÁC MẤU ĐIỂM THẦM HỌC THƯ GỬI TÍN HỮU GALÁT
 

CON NGƯỜI THUỘC MỌI THỜI ĐẠI NHƯ ĐÍCH ĐIỂM
CÁC GIÁO HUẤN THẦN HỌC TRONG THƯ GỬI GIÁO ĐOÀN GALÁT

 

CHƯƠNG II
KẾT CẤU NỘI DUNG VÀ CÁC MẤU ĐIỂM THẦM HỌC THƯ GỬI TÍN HỮU GALÁT
 

CON NGƯỜI THUỘC MỌI THỜI ĐẠI NHƯ ĐÍCH ĐIỂM
CÁC GIÁO HUẤN THẦN HỌC TRONG THƯ GỬI GIÁO ĐOÀN GALÁT

 

Đọc thư thánh Phaolô gửi giáo đoàn Galát, chúng ta có thể nghĩ rằng các giáo huấn thánh nhân đưa ra chỉ liên hệ tới Luật Lệ do thái và tín hữu gốc do thái chủ trương tuân giữ Luật Lệ Môshê. Dĩ nhiên Lề Luật mà thánh nhân nói tới trong thư luôn luôn là Lề Luật Môshê bao gồm các giới răn tín hữu phải tuân giữ. Và do đó các lời thánh Phaolô chỉ trích cụ thể nhắm tới các tín hữu kitô gốc do thái trong giáo đoàn Galát. Tình trạng khủng hoảng của các giáo đoàn vùng này đã bắt buộc thánh nhân bầy tỏ lập trường và đưa ra các giáo huấn giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, những gì thánh Phaolô trình bầy cũng có gía trị đối với các luật lệ luân lý đạo đức và các anh chị em ngoại giáo, tức không phải gốc do thái cũng không phải là kitô hữu. Mặc dù không có Lề Luật Môshê, các anh chị em này cũng có các luật lệ luân lý đạo đức của họ. Nhưng cũng như trong trường hợp của tín hữu do thái, các luật lệ luân lý đạo đức này không giúp họ đạt ơn cứu độ. Chỉ có lòng tin vào Chúa Giêsu Kitô mới đem lại cho họ ơn cứu rỗi mà thôi. Đây là điều sẽ được thánh Phaolô khẳng định một cách rõ ràng trong thư gửi giáo đoàn Roma (2,14).

Thật ra cụ thể mà nói, các giáo huấn thần học của thánh Phaolô liên quan tới lề luật và việc tuân giữ lề luật, nhắm tới con người, nhắm tới mỗi một người như là chủ thể tự do, có khả năng suy tư, hiểu biết, quyết định và hành động. Và thánh Phaolô đặt để mọi người, không phân biệt ai, dưới sự phán xử của thập giá Chúa Kitô. Trong nghĩa thánh nhân buộc tất cả mọi người phải định đoạt tin vào Chúa Kitô để được ơn cứu độ hay ở trong tình trạng bị loại trừ khỏi ơn cứu rỗi vì dựa trên khả năng riêng tư của mình, lấy việc cố gắng tuân giữ Lề Luật như cớ để yêu sách Thiên Chúa phải ban ơn cứu rỗi cho mình, bởi vì Lề Luật và việc tuân giữ Lề Luật không đem lại ơn cứu độ cho con người. Ngoài Chúa Kitô, ngoài lòng tin hoạt động nhờ tình yêu thương ra, sẽ không có con đường nào khác dẫn con người tới ơn cứu rỗi.

 

Chính vì thế thánh Phaolô nhìn thấy trong ”các công việc của Lề Luật” một năng động đi ngược lại năng động của lòng tin và tập trung vào việc làm (x. 3,10.12). Các ”công việc làm của Lề Luật” ở đây có nghĩa xấu và tiêu cực. Chúng không chỉ có nghĩa là thi hành, tuân giữ Lề Luật, mà còn ám chỉ thái độ tự mãn kiêu căng của con người ỷ lại vào công việc làm của mình. Kiểu nói ”các công việc làm của Lề Luật” bao gồm cả thái độ nội tâm của con người coi ơn cứu độ như là kết qủa tất nhiên tự động của việc thi hành Lề Luật, của những gì mà nó có thể làm được. Dù muốn hay không muốn, Thiên Chúa cũng phải ban ơn cứu độ cho nó, vì nó đã tuân giữ những gì Luật dậy. Thái độ yêu sách tự mãn này trái nghịch với lòng tin, không phải trong nghĩa đối chọi không hoạt động và hoạt động, nhưng trong mghĩa nó đối kháng với thái độ nền tảng đáp trả lại sáng kiến của Thiên Chúa mời gọi con người tin vào Đức Kitô và vào năng động của tình yêu thương, mà Đức Kitô đã hiện thực tới tột đỉnh trong và qua chính cái chết Ngài (1,6; 5,8.13). Tình yêu thương đó phải là kim chỉ nam và là động lực hướng dẫn mọi hoạt động của kitô hữu, tới độ thánh Phaolô viết trong chương 6,2, tức vào cuối thư như sau: ”Anh chị em hãy mang gánh nặng cho nhau, như vậy là anh chị em chu toàn luật của Đức Kitô”. Giúp đỡ nhau, vác gánh nặng cho nhau, đó là sống lòng tin cụ thể theo gương của Chúa Giêsu Kitô. Thánh Phaolô đối chọi ”các công việc làm của Lề Luật” với ”luật của Đức Kitô”, nghĩa là tình yêu thương tận hiến phục vụ. Ngài viết trong chương 5,13b-14 ”Anh chị em hãy lấy đức mến mà phục vụ lẫn nhau. Vì tất cả Lề Luật được nên trọn trong điều răn này là: Hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi”.

Nói một cách tóm gọn và phân tích cho cùng, tình yêu thương là điều nòng cốt mà Lề Luật đòi buộc, nhưng lại bị những người thi hành Lề Luật lãng quên. Do đó khi lôi kéo sự chú ý của mọi người trên điểm nền tảng của mọi Luật Lệ, thánh Phaolô không làm gì khác hơn là nhắc lại giáo huấn của Chúa Giêsu. Khi một vị thông luật nọ hỏi Ngài điều luật nào quan trọng nhất, Chúa Giêsu trả lời: ”Ngươi phải yêu mến Giavê là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn lớn nhất và điều răn đứng đầu. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu tha nhân như chính mình. Tất cả Lề Luật Môshê và các sách ngôn sứ đều tùy thuộc vào hai điều răn ấy” (Mt 22,35-40). Nghĩa là thánh Phaolô trở về nguồn, chứ không phải ngài có tâm thức chống đối Lề Luật. Thánh nhân thay đổi từ ngữ nhưng không thay đổi chủ ý. Thánh nhân muốn loại bỏ ”các công việc làm của xác thịt”, của con người bị quyền lực của tội lỗi và chủ nghĩa ích kỷ khống chế và giam cầm. Đây là lý do giải thích tại sao thánh nhân khuyến khích tín hữu hãy sống theo Thần Khí. Ngài viết trong chương 5: ”Tôi xin nói với anh chị em là hãy sống trong Thần Khí, và như vậy, anh em sẽ không còn thỏa mãn đam mê của tính xác thịt nữa. Vì tính xác thịt thì ước muốn những điều trái ngược với Thần Khí, còn Thần Khí lại ước muốn những điều trái nghịch với tính xác thịt. Đôi bên kình địch nhau khiến cho anh chị em không làm được điều anh chị em muốn. Nếu anh chị em để cho Thần Khí hướng dẫn, thì anh chị em không còn lệ thuộc Lề Luật nữa. Những việc do tính xác thịt gây ra thì ai cũng rõ. Đó là dâm dục, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hòa, ghen tương, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè chén, và những điều khác giống như vậy. Tôi báo trước cho mà biết, như tôi đã từng bảo: những kẻ làm các điều đó sẽ không được thừa hưởng Nước Thiên Chúa đâu. Còn hoa qủa của Thần Khí là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ. Không có luật nào chống lại những điều như thế. Những ai thuộc về Đức Kitô Giêsu thì đã đóng đinh tính xác thịt vào thập giá cùng với các dục vọng và đam mê. Nếu chúng ta sống nhờ Thần Khí, thì cũng hãy nhờ Thần Khí mà tiến bước” (5,16-25).

 

Từ bỏ sống theo xác thịt, từ bỏ tâm thức vị luật lệ, để sống theo Thần Khí đó là cuộc cách mạng đổi đời, mà thánh Phaolô phát động trong các giáo đoàn kitô tiên khởi. Tóm lại, cuộc chiến của thánh Phaolô chống lại Luật Lệ tuy nằm trong một bối cảnh lịch sử chính xác, nhưng nó là cuộc chiến chống lại mọi thái độ của con người muốn tôn mình lên làm thần tượng và lấy mình làm mẫu mực để bắt Thiên Chúa phải chiều theo cách suy tư hành xử trần tục tội lỗi của mình. Mục đích cuộc chiến đó của thánh nhân là làm cho con người rộng mở tâm lòng cho tình liên đới phục vụ, mà chính Chúa Giêsu Kitô đã sống bằng cách chết trên thập giá. Đây không phải là một luật đã có từ đời đời, cũng không phải là một mẫu gương phải noi theo trên bình diện luân lý. Bởi nếu không chúng ta sẽ lại đang đứng trước một lề luật. Không, đây là một cơ may mới giúp con người sống rộng mở cho lời kêu mời của Thiên Chúa, lời kêu mời vang vọng trong Tin Mừng của Chúa Kitô, Đấng đã chết và sống lại. Thần học liên quan tới sự công chính hóa nhờ lòng tin loại trừ các ”công việc làm của Lề Luật”, và nêu bật ơn giải thoát của Chúa Kitô (1,6; 2,21; 3,18; 5,4). Thánh nhân viết trong chương 5, câu 1 và câu 13: ”Chính để chúng ta đươc tự do mà Đức Kitô đã giải thoát chúng ta… Qủa thế, thưa anh chị em, anh chị em đã được gọi để hưởng tự do. Có điều là đừng lợi dụng sự tự do để sống theo xác thịt, nhưng hãy lấy đức mến mà phục vụ lẫn nhau”. Yêu thương và phục vụ cho tới chết như Chúa Giêsu Kitô. Trong câu 4 cùng chương 5 thánh nhân nhắc lại cho tín hữu biết sự thật này: ”Anh chị em mà tìm sự công chính trong Lề Luật, là anh chị em đoạn tuyệt với Đức Kitô và mất hết ân sủng”.

Thần học của sự công chính hóa dựa trên nền tảng của lòng tin, như thế, được đồng hóa với thần học sự điên dại của thập gía Chúa Kitô, như thánh Phaolô đã trình bầy trong thư thứ I gửi tín hữu Côrintô. Cả hai loại thần học đều tố cáo thái độ kiêu căng tự mãn của con người nuôi mộng trở thành toàn năng, trở thành điểm tham chiếu mọi sự, thay thế Thiên Chúa. Chỉ khác có điều là trong thư thứ I gửi tín hữu Côrintô thánh Phaolô đề cập tới con người hiểu biết chính mình như một chủ thể suy tư, hướng tới chỗ chiếm đoạt sự khôn ngoan của loài người có thể cắt nghĩa được mọi sự và giải quyết được mọi sự. Trong khi ở đây con người là một chủ thể hoạt động, dấn thân hành động để xây dựng cái tháp Babel, biểu tượng cho thái độ sống kiêu căng ngạo mạn của loài người, muốn xây một cái tháp chọc thủng trời xanh. Nghĩa là con người hoạt động nhằm mục đích đạt tới địa vị của Thiên Chúa, trở thành Thiên Chúa và thay thế Thiên Chúa.

 

Đức Ông Linh Tiến Khải

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.