Khuyết Danh
Nguồn: Internet
Một hôm tôi và A Ngạn cùng xem phim mẹ chồng nàng dâu để giết thời gian. Sau khi xem xong tôi cứ bứt rứt muốn viết gì đó, thế là tôi bật laptop lên và gõ: “Mẹ chồng không phải mẹ ruột”.
A Ngạn xem được mấy chữ này thì bắt đầu dạy bảo tôi: “Em biết tại sao quan hệ mẹ chồng nàng dâu lại khó xử vậy không? Đều bắt nguồn từ tư tưởng này của em đấy.”
Thực ra tư tưởng “Mẹ chồng không phải mẹ” có nghĩa là: “Không lấy tiêu chuẩn của mẹ ruột để áp đặt cho mẹ chồng.” Với tôi, đây là một cách suy tư thông minh, bởi nó giúp tâm lý của người ta thoải mái và nhẹ nhõm hơn. Tôi sẽ không oán thán vì mẹ chồng không tốt với mình bằng mẹ ruột, mà sẽ tự nhủ rằng: “Bà ấy không phải mẹ ruột của mình nhưng vẫn dọn dẹp nhà cửa giúp mình, vì vậy mình phải hiếu thảo vì bà đã giúp đỡ mình rất nhiều.” Như vậy lòng tôi sẽ sinh ra sự biết ơn chân thành.
Có một số trường hợp mà tôi có thể đối xử với mẹ chồng như đối xử với mẹ ruột. Ví dụ như lúc mua quần áo cho mẹ ruột, tôi cũng sẽ mua cho mẹ chồng một chiếc. Nếu mẹ ruột muốn đi du lịch, tôi sẽ vừa chi tiền vừa góp công và đối xử tương tự như vậy với mẹ chồng.
Tuy nhiên, có rất nhiều chuyện mà phụ nữ không thể đối xử với mẹ chồng như với mẹ ruột. Tôi nêu ra vài ví dụ cho A Ngạn nghe.
Khi mua một chiếc váy gợi cảm, tôi hào hứng mặc nó cho mẹ ruột xem, mẹ tôi sẽ nói: “Ôi con bé này, sao lại ăn vận hở hang thế hả!” Tôi sẽ vừa cười vừa cự lại bà: “Mẹ ơi mẹ cổ hủ quá!” Nhưng nếu mẹ chồng nói vậy với tôi, chắc chắn tôi sẽ nghĩ bà xét nét cả chuyện ăn vận của mình. Nhưng tôi nào dám nói với mẹ chồng: “Mẹ ơi mẹ cổ hủ quá!” Bà ấy không tức chết mới là lạ.
Lúc tôi bực bội khó chịu, mẹ ruột cứ càm ràm hoài làm tôi chịu không nổi nữa, tôi có thể hét lên rằng: “Mẹ có để cho con yên không?” Cùng lắm là bà mắng một câu chứ không bao giờ ghim thù tôi. Nhưng tôi có dám nói thế với mẹ chồng không? Nghe tôi nói vậy bà ấy sẽ coi như tôi chưa nói gì ư?
Nếu tôi và mẹ ruột bất đồng quan điểm trong rất nhiều vấn đề, tôi sẽ phản bác ngay nếu không đồng tình với mẹ tôi, thậm chí còn dám lớn giọng cự cãi bà ấy. Nhưng nếu quan điểm của tôi khác với mẹ chồng, tôi có dám nói thế với bà ấy không? Mẹ chồng sẽ thoải mái nói “Con bé này nóng tính thật đấy”, rồi làm như chưa có chuyện gì xảy ra sao?
Sau khi tôi kết hôn, nếu mẹ ruột suốt ngày tham gia vào chuyện của tôi thì tôi có thể nói với bà ấy: “Con lấy chồng rồi mẹ ơi, có phải trẻ con nữa đâu, mẹ cứ kệ con đi được không?” Nếu mẹ chồng muốn tham gia vào chuyện của tôi, tôi có nói vậy được không? Tôi mà nói vậy, có khi bà lại nghĩ tôi đang chống đối bà mất.
Có người hay than thở với mẹ ruột là chồng mình không giỏi giang bằng người ta, mẹ ruột sẽ nói: “Con hãy biết đủ đi!” Nhưng đâu ai dám than vãn với mẹ chồng là con trai bà ấy không giỏi bằng người khác? Lẽ nào bà ấy không nghĩ thầm: “Nếu người khác giỏi thế thì sao cô lại lấy con trai tôi?”
Nếu tôi vô tình phạm sai lầm, mẹ ruột mắng tôi vài câu, dù thái độ của mẹ có thế nào chăng nữa, cùng lắm là tôi giận dỗi bà ấy một đêm, ngủ dậy vẫn gọi mẹ là mẹ. Nhưng nếu mẹ chồng cũng mắng tôi như thế, chắc chắn là tôi sẽ không thể chịu nổi.
A Ngạn rầu rĩ nói: “Anh nói em có một câu mà em mắng anh cả một bài.”
Tôi nói còn chưa đã nên vẫn tiếp tục: “Có người nói: ‘Hãy coi mẹ chồng như mẹ ruột thì quan hệ mẹ chồng nàng dâu sẽ tốt đẹp thôi’. Tuy người này có ý tốt nhưng hẳn là chưa trải sự đời. Nếu mẹ chồng luôn soi mói bắt bẻ, thì phụ nữ có luôn coi mẹ chồng như mẹ ruột và không bao giờ oán thán được không? Rõ ràng điều này đã đi ngược lại bản tính con người! Chúng ta phải thừa nhận mẹ chồng nàng dâu là hai người phụ nữ không có quan hệ huyết thống, vốn đã không có tình thân và sự ỷ lại do máu mủ ruột rà, đương nhiên cũng thiếu đi khoan dung và yêu thương từ tận đáy lòng. Nếu mẹ chồng và mẹ ruột đã không giống nhau thì sao chúng ta lại yêu cầu cao như thế? Suy cho cùng cũng hiếm có ai thân được với mẹ chồng như với mẹ ruột.”
A Ngạn vội xin tha: “Em nói gì cũng đúng, anh không tranh luận với em nữa.”
Tôi bèn chốt lại một câu: “Ý của em là, về hành động thì em luôn coi mẹ chồng như mẹ ruột, nhưng về tâm lý thì em không yêu cầu mẹ chồng phải tốt với em như mẹ ruột, nhờ vậy em sẽ cảm kích và biết ơn bà ấy hơn, thế thì sao có mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu được nữa?”
Thái độ của A Ngạn quay ngoắt một trăm tám mươi độ, từ bực bội thành vui vẻ, anh véo tôi một cái: “Nói thế nghe lọt tai hơn nhiều, có cần sừng sộ phân tích mẹ chồng mẹ ruột thế này thế nọ không, cách diễn đạt khác nhau thì hiệu quả cũng sẽ khác nhau.”
Nghe A Ngạn nói vậy, tôi cũng rơi vào trầm tư.
—
Trích cuốn sách “Càng bình tĩnh Càng hạnh phúc” – cuốn sách giúp phụ nữ nhìn sâu vào bên trong, khám phá nội tại, phát triển bản thân, sống đời hạnh phúc.
Views: 0