Câu tục ngữ “ra ngõ gặp gái” để chỉ sự xui xẻo bất ngờ. Mai kia nếu ở Hà Nội, người ta phải đổi câu này thành “ra ngõ đụng… tiến sĩ.” Chẳng mấy chốc, tiến sĩ sẽ “bò lổm ngổm như lợn con” đầy Hà Nội.
Theo một kế hoạch được ông Tiến Sĩ Lê Anh Sắc, “chuyên viên cao cấp của Sở Nội Vụ Hà Nội”, thành phố Hà Nội đang soạn thảo kế hoạch nhân sự cán bộ công chức “khối chính quyền” thì từ nay đến năm 2020 “Hà Nội phấn đấu có 100% cán bộ diện thành ủy quản lý có trình độ tiến sĩ, 100% cán bộ diện UBND thành phố quản lý có trình độ trên đại học, trong đó một nửa cần đạt trình độ tiến sĩ, 100% cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn có trình độ đại học, trong đó 50% trên đại học.”
Nếu kế hoạch này thi hành thì chắc Việt Nam sẽ vượt xa nước Mỹ. Hiện nay người ta không có thống kê nào cho thấy có bao nhiêu viên chức chỉ huy cấp thành phố hay cấp quận ở Mỹ là các ông bà tiến sĩ. Chắc không nhiều. Họ cũng không thấy có một kế hoạch nào như vậy cho đến năm 2020.
Ông Tiến Sĩ Lê Anh Sắc là “thành viên soạn thảo chiến lược cán bộ, công chức khối chính quyền thành phố” Hà Nội.
Theo ông này, qua lời phát biểu trong cuộc phỏng vấn của ký giả Cao Nhật, báo điện tử VietnamNet ngày 16 Tháng Chín, 2009, cho rằng “Trong hệ thống đào tạo của ta hiện nay cũng như thông lệ quốc tế thì đề xuất ra cái mới, có khả năng tư duy đột phá phải là những người đã được cấp bằng tiến sĩ, được công nhận bởi một hội đồng khoa học cấp nhà nước.”
Có thật vậy không? Phải là tiến sĩ mới nghĩ được cái mới? Tư duy mới “đột phá?”
Có người hỏi rằng ông Sắc đã “đột phá” cái gì chưa mà cả làng cả nước chưa ai nghe thấy, nhìn thấy? Hay cái ý tưởng phải có 100% cán bộ quận huyện quản lý có bằng tiến sĩ là cái “đột phá” của ông Tiến Sĩ Sắc?
Người ta chỉ biết ông Phó Thủ Tướng kiêm Bộ Trưởng Giáo Dục Nguyễn Thiện Nhân (cũng là một ông tiến sĩ) đưa ra chương trình đào tạo tiến sĩ bị nhiều người chỉ trích. Ông Nhân còn nổi tiếng với câu tuyên bố, đa số các trường học lớn nhỏ ở Việt Nam không có cầu tiêu thì đừng hỏi ông ấy.
Một cách gián tiếp, ông Sắc cho thấy các quan chức của nhà nước Hà Nội dốt nát ù lỳ, chẳng biết gì “đột phá”. Nay phải rước về thật nhiều tiến sĩ cho nó “đột phá”. Ấy gọi là chương trình “tiến sĩ đột phá.”
Ký giả Cao Nhật của VietnamNet khi phỏng vấn ông Tiến Sĩ Lê Anh Sắc ngày 16 Tháng Chín, 2009 có “đột phá” cái phong bì nào không? Vì mới ngày 25 Tháng Tám, 2009, ký giả Thoại Mi, cũng của VietnamNet, cũng đã có bài viết về cùng đề tài này mà lại còn chi tiết hơn nữa.
Trong bản tin của ký giả Thoại Mi, tác giả này viết “Trước mắt, trong thời hạn ngắn hơn (đến 2012), Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu 100% cán bộ khối chính quyền diện thành ủy quản lý có trình độ trên đại học, trong đó 50% là tiến sĩ; tất cả cán bộ diện thành phố quản lý (chi cục trưởng, phó chi cục trưởng; trưởng phòng, phó trưởng phòng các sở, đơn vị trực thuộc sở và tương đương; trưởng phòng, phó trưởng phòng các phòng thuộc UBND quận, huyện, thị xã và đơn vị trực thuộc) trình độ trên đại học, trong đó 25% thạc sĩ, 25% tiến sĩ.”
Vậy thì chỉ trong vòng ba năm, Hà Nội đã có đầy trí thức làm cho nhà nước rồi, nhà cầm quyền cũng có lẽ vì thế mà không cần trí thức “phản biện” nên ông Nguyễn Tiến Dũng mới ra cái quyết định 97/QÐ/TTg buộc đám trí thức IDS từ ngày 15 Tháng Chín, 2009 muốn nói gì, chỉ được phép nộp phản biện cho quan chức (sẽ toàn là trí thức tiến sĩ), còn nghe hay không tùy họ, chứ không được hô hoán lên cho thiên hạ biết (mà dĩ nhiên là đầy phản động).
Hai năm trước, Bộ Giáo Dục Việt Nam có kế hoạch đề nghị đào tạo 20,000 tiến sĩ trong 10 năm, nhiều người chê là không thực tế. Nhưng nếu hiểu cái vận hành của hệ thống hậu đại học ở Việt Nam thì làm được chứ sao không? Bởi vì, như một ông (cũng là) tiến sĩ hiệu trưởng một trường đại học ở Việt Nam nhìn nhận qua lời kể của ông Nguyễn Thiện Nhân như thế này: “Có lần tôi gặp hiệu trưởng một trường ÐH có uy tín về đào tạo tiến sĩ. Tôi có hỏi trong luận án tiến sĩ của NCS ở trường có gì mới không. Vị hiệu trưởng này trả lời không có gì mới cả. Vì những cái mới, thế giới đã làm hết rồi”. (theo báo Tổ Quốc).
Còn tờ Thể Thao & Văn Hóa hồi Tháng Giêng, 2006 viết một bài về tình trạng đào tại tiến sĩ ở Việt Nam với rất nhiều đặc điểm không thể có trên thế giới.
Sau khi dẫn lời ông Nguyễn Thiện Nhân nhìn nhận Việt Nam có 2,500 tiến sĩ “yếu”, Thể Thao & Văn Hóa viết, “Bằng cấp với nhiều người chỉ để làm đẹp hồ sơ, tạo cơ hội cho sự thăng tiến. Có 1,001 lý do để ra đời những thế hệ ‘tiến sĩ giấy’.”
Tờ báo này kể, “Một nghiên cứu sinh cho biết: ‘Việc cơ quan nhàn rỗi, quan hệ vợ chồng trục trặc, không có gì hay ho nên đi học tiến sĩ cho vui!’ Không phải là chuyện tiếu lâm Việt Nam, mà là chuyện thật 100%.”
Chuyện nhờ người khác viết luận văn, thuê người “chép” luận văn của người khác không phải là chuyện họa hiếm.
“Học sinh phổ thông quay cóp đã đành, tiến sĩ cũng quay cóp. Ði thi đầu vào còn quay cóp, thế nên chuyện xào luận văn người khác, ăn cắp chất xám của người khác cũng không phải là chuyện hiếm. Vì không phải hiếm nên nhiều người làm mà không xấu hổ.” TT&VH viết.
Tờ TT&VH thuật cuộc họp tổng kết về đào tạo sau ÐH của Bộ GD-ÐT, Thứ trưởng Bộ GD-ÐT Bành Tiến Long đã thừa nhận, “Nhiều cơ sở đào tạo đã chạy theo số lượng, tổ chức tuyển sinh chưa nghiêm, chưa ngăn chặn được các hiện tượng tiêu cực trong thi cử, các điều kiện dự tuyển được xử lý mang tính đối phó với quy chế. Bởi vậy không ít cơ sở đã cho 100% nghiên cứu sinh dự tuyển đỗ cả, không hề có sự sàng lọc.”
Còn ông GS Lê Quang Minh, hiệu trưởng Trường ÐH Cần Thơ, cho biết, “Nếu như ở các nước, đánh giá để ‘chấm’ một tiến sĩ, người ta căn cứ vào nhiều thứ… thì theo quy định của Việt Nam, các cơ sở chỉ đánh giá thông qua đề cương nghiên cứu của nghiên cứu sinh.”
GS Minh kể cho một thí dụ, “Tôi mới trực tiếp chấm 5-6 luận án, thì có đến 2 luận án đề cập đến cùng một vấn đề. Như vậy nếu xét ở số lượng luận án lớn hơn, số trùng nhau sẽ nhiều đến thế nào?!”
Chương trình đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam là thế đó, nên nếu thành phố Hà nội có lập kế hoạch trong 3 năm nữa, nếu cái thủ đô này muốn tất cả cán bộ công chức đều có bằng tiến sĩ cả, thì cũng làm được chứ sao! Bỏ ít tiền đầu tư cho cái bằng “tiến sĩ tư duy”, rồi sau đó lấy lại vốn bằng tiền bồi dưỡng “tư duy” một vốn 100 lãi chẳng đi đâu mà thiệt. Chỉ làm vẻ vang cho cái nước dân chủ gấp triệu lần tư bản thôi.
Views: 0