Về nguyên nhân đưa đến ly hôn, theo chúng tôi, một trong hai người không có nền móng về đạo lý, không có truyền thống văn hóa của gia đình, hoặc vì hai người ở hai miền khác nhau rất xa, rất khác biệt.
Hai thế hệ cha và con
Chúng tôi bắt đầu bài viết này từ một phân tích được coi như những suy nghĩ bước đầu về hai thế hệ cha và con và xã hội của ông Nguyễn Thế Long, tác giả cuốn Gia Đình và Dân Tộc, nhà xuất bản Lao Động, in xong và nộp lưu chiểu quý I năm 1999.
Trong mục : Suy nghĩ về Cha và Con và Xã hội, tác giả viết : “Cách mạng tháng Tám đã thành công hơn nửa thế kỷ, một trang sử mới của dân tộc đã mở ra, một xã hội Việt Nam mới đã hình thành, trong đó có những thế hệ cha và con đã lớn lên cùng xã hội. Xã hội phát triển đòi hỏi cha và con phải cùng tiến theo vì cũng chính cha và con là động lực thúc đẩy xã hội đi lên.”( tr.33). Sau đó ông Nguyễn Thế Long nêu ra một câu hỏi, là có nên coi cha,con và xã hội như ba đại lượng cùa toán học, nếu có lúc nào đó, có một đại lượng biến đổi không cùng chiều thì tương quan và kết quả sẽ ra sao. Rồi ông nói tiếp : “Nhìn nhận một vấn đề xã hội học dưới góc độ toán học có thể giúp chúng ta thấy rõ hơn mối tương quan giữa ba đại lượng để từ đó có tác động tích cực đến các đại lượng làm cho biến thiên cùng chiều.”(tr.33)
Chúng tôi mượn những phân tích của ông Nguyễn Thế Long về hai thế hệ cha và con sau đây,vì thấy ông có những nhận xét khách quan nên có thể chấp nhận được.
Theo ông Nguyễn Thế Long, sau hai cuộc chiến, đất nước rơi vào thời kỳ khủng hoảng, rồi bước vào thời kỳ đổi mới, chuyển sang nền kinh tế thị trường đầy bỡ ngỡ và bước vào cuộc hội nhập với thế giới khá muộn mằn. Ông nhấn mạnh, chính các thế hệ cha và con trong 50 năm qua đã tạo dựng nên nó và cũng lại chịu ảnh hưởng tác động trở lại nó. Rồi ông phân tích về các thế hệ này như sau :
-Nếu chỉ tính từ lớp người trên dưới 20 tuổi khi cách mạng tháng tám thành công cho đến nay thì xã hội ta đã có khoảng 3 thế hệ : 2 thế hệ trong kháng chiến và 1 thế hệ trong hòa bình. Xã hội Việt Nam đến nay có một thế hệ cha trên dưới 70 tuổi với thế hệ con trên dưới 50. Thế hệ con trên dưới 50 tuổi này lại là cha của thế hệ con trên dưới 20 tuổi.(tr.34)
Thế hệ cha và con thứ nhất (*)
Về lớp cha trên dưới 70 tuổi và lớp con trên dưới 50 tuổi. Lớp cha trên dưới 70 tuổi, 50 năm trước đây là lớp thanh niên yêu nước bồng bột, say sưa với cách mạng (…).
Một số đã hy sinh anh dũng, số còn lại đều đã nghỉ hưu(…)Lớp người cha này cũng chịu những thiệt thòi là ít được tiếp xúc với những tiến bộ của khoa học tự nhiên, kỹ thuật và khoa học xã hội nhân văn ! Phương pháp tư tưởng duy ý chí, một chiều, thiếu khoa học của một thời bao cấp tập trung đã ảnh hưởng không ít đến sự hình thành cách suy nghĩ và giải quyết vấn đề đã dẫn họ đến rất xa rời thực tế đang diễn biến của xã hội. Một thiệt thòi nữa là do bị cuốn hút vào kháng chiến nên lớp người này rất ít thời giờ để quan tâm đến giáo dục con cái.Những giá trị mới trong quan hệ gia đình và xã hội chưa được khẳng định, những giá trị truyền thống lại bị vội vàng bỏ qua nên ở bản thân họ những bồng bột chưa chững lại, những ảo tưởng vẫn ngự trị. Trước thực tế xã hội đang biến đổi, họ thường không bằng lòng với con cháu, hoặc là dùng quyền uy của người cha để bắt con cái làm theo ý mình, hoặc là ngao ngán bỏ xuôi.Đại bộ phận lớp cha 70 tuổi này, do toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân, trước đây không nghĩ tới những điều kiện vật chất như nhà cửa, đất đai, tiện nghi, nên khi nghỉ hưu cũng gặp khó khăn. Nhiều năm mải đi chinh chiến, không chăm sóc được con nên học hành không thành đạt, chỉ là những công nhân bình thường, lại gặp giai đoạn kinh tế khó khăn, công ăn việc làm không mấy dễ dàng nên gia đình có nhiều mâu thuẫn, không vui vẻ.Trong lớp cha này, có một số ít nắm giữ các chức vụ chính quyền, chuyên môn hay kinh tế các cấp, đã dựa vào thế lực hoặc sơ hở của luật pháp để thu vén tài sản riêng.Lớp người cha này trong khi tại chức cũng đã tạo nhiều thuận lợi cho con cái được đi học ở nước ngoài, có các học vị và đảm nhận nhiều chức vụ trong các ngành kinh tế, đầu tư, đối ngoại. Khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới với nền kinh tế thị trường, một số ít gặp nhiều thuận lợi đã làm giầu bằng mọi cách, bất chấp lợi ích của nhân dân và nhà nước.Đại bộ phận lớp con của thế hệ cha thứ nhất là những người lao động ở nông thôn, từ sau khoán 10, đã thực sự năng nổ trong làm ăn để thoát khỏi túng đói. Nhờ chăm chỉ lao động, biết cách tính toán họ đã vượt lên, làm giàu, đã xây dựng nhà cửa, sắm sửa các tiện nghi gia đình. Ở những nơi có nghề truyền thống lớp người này khôi phục lại, số ít đã trở thành tiểu chủ, lớp người này đã làm cho bộ mặt làng quê thay đổi dần dần. Trên con đường văn minh hóa, một số ít do thiếu văn hóa nên không tránh khỏi cảnh trọc phú, kệch cỡm.
Thế hệ cha và con thứ hai (*)
Về thế hệ cha và con thứ hai, đó là lớp cha trên dưới 50 tuổi và lớp con của họ khoảng trên dưới 20 tuổi. Giữa cha và con thuôc thế hệ này hiện nay có rất nhiều vấn đề cần giải quyết, nhiều mâu thuẫn xã hội được biểu hiện trong quan hệ cha và con.
Như đã nói trên đây, lớp cha thế hệ này đang mải làm ăn xây dựng kinh tế, ít có thời gian và điều kiện chú ý tới chuyện giáo dục con cái. Nhiều người trong số này đã nghĩ rằng có tiền thì sẽ giải quyết được mọi việc, gia đình sẽ hạnh phúc. Một số khác cũng không hề nghĩ đến là bằng ngay các việc làm của họ để chiếm đoạt đồng tiền của người khác hay của nhà nước,họ đã dạy cho con cái họ những bài học thực tế sinh động. Một số khác sống xa hoa lãng phí, sa đọa “bồ bịch”, đã phải ngồi tù hay gây ra tan nát gia đình, đã ảnh hưởng không nhỏ tới con cái. Nóc nhà đã dột thì mọi chỗ đều ướt đó là sự dễ hiểu !
Còn nói về lớp người con của họ thì những ai thực sự quan tâm đến hạnh phúc của gia đình, đến tương lai dân tộc đều phải suy nghĩ. Lớp con này đều lớn lên trong thời kỳ mở cửa với nền kinh tế thị trường, họ đã tiếp thu một nền giáo dục với chất lượng giảm sút, đặc biệt là về giáo dục tư tưởng và đạo đức đã xuống cấp nghiêm trọng, những giá trị đạo đức truyền thống bị phủ nhận do thực tế phũ phàng của xã hội dội vào trong nhà trường. Ngay trong khi đang học ở phổ thông, họ đã thấy vai trò của đồng tiền làm cho bạn bè phải vì nể, có thể làm cho một số thầy cô nào đó thiếu công bằng, có thể mua được điểm, mua được bằng cấp, mua được kiến thức ! Chất lượng học vấn yếu kém, thái độ thi cử tồi tệ, trong một đợt thi vào đại học 1996, đã có tới trên 2000 người bị đình chỉ. Một số khác là con nhà lao động, do bố mẹ mải làm ăn, đời sống vất vả thiếu thốn, không người kèm cặp hướng dẫn nên việc học tập sa sút, học kém, bỏ học, chơi bời lêu lổng, đã dẫn đến phạm tội. Theo tổng kết của Bộ nội vụ thì trong 10 năm trở lại đây, 75% số tội phạm là thanh thiếu niên, trong số này thì tới 80% là bỏ học. Do đặc điểm tâm lý của lớp thanh thiếu niên này là đã bất chấp luật pháp vì vậy nên đạo đức đối với họ hoàn toàn không được đếm xỉa tới.Những dòng nhắn tin trên các phương tiện thông tin : “Con về nhà ngay…” chính là những báo hiệu ban đầu cho biết đứa con đó sắp trở thành tội phạm đối với xã hội.Quan hệ giữa cha và con thuộc thế hệ này là quan hệ không bình thường, nhiều mâu thuẫn gay gắt. Điều gì sẽ xảy ra cho xã hội khi mâu thuẫn cha và con dẫn tới mâu thuẫn giữa vợ và chồng, giữa các thành viên trong gia đình ngày càng căng thẳng ?(Sđd, tr.34-38)
Chúng tôi dừng lại ở đây việc trích dẫn ông Nguyễn Thế Long, tác giả cuốn Gia đình và Xã hội và không có nhận xét gì thêm, bởi như trên đã nói, những nhận xét của ông Nguyễn Thế Long về hai thế hệ cha và con, tính từ cuộc kháng chiến chống Pháp đến nay, có tính khách quan, nên chấp nhận được. Tuy nhiên, về nguyên nhân dẫn đến tình trạng xảy ra mâu thuẫn giữa các thành viên trong gia đình, ảnh hưởng đến xã hội, hoặc ngược lại, theo những gì chúng tôi đã trình bày trong 5 bài trước, chính xã hội lại tác động trở lại với từng cá nhân, từng gia đình, xuyên qua các “mặt trận” về tuyên truyền,về lao động, về văn hóa, về tín ngưỡng dân gain, về việc kính nhớ tổ tiên. Nhưng ai điều hành xã hội qua những chính sách về nhân sinh này? Chính những người CSVN đã chủ động trong việc làm phân hóa xã hội và hiện nay họ vẫn còn thi hành chính sách này,để dễ bề cai trị.
Để làm cho xã hội VN ngày nay như thể nồi cám heo, còn con người thì ra như què quặt,vô cảm, thụ động, ù lì, dửng dưng, ích kỷ, nóng nảy, dữ dằn và cái “ta” là tuyệt đối, lại không có được một biểu hiện ngoài đường phố hay chốn đông người một nét nào của nhân bản. Tất cả đều là việc đã bắt nguồn từ khi Việt Minh nổi lên.
Vấn đề hôn nhân
Trong suốt năm ngàn năm lịch sử, dân tộc Việt Nam quá đau thương. Chiến tranh, giặc giã, nghèo khổ nhiều hơn là ấm no, thanh bình. Một lịch sử dài như thế, lại có những thời kỳ bị ngoại bang đô hộ, cả ngàn năm, cả trăm năm, cả nội chiến giữa Trịnh – Nguyễn và giữa Bắc – Nam, còn gọi là Quốc – Cộng, thì tránh sao được việc chịu ảnh hưởng văn hóa của kẻ đi xâm lược, của một thời kỳ nội chiến hận thù, chửi rủa nhau.Giới nho sĩ thời xưa và trí thức thời nay, chịu ảnh hưởng sớm nhất, vì nó ràng buộc một cách trực tiếp đến bản thân họ, khi họ giao thiệp với kẻ đi chinh phục,và cầm quyền, mặc nhiên dù muốn hay không, họ trở nên trung gian giữa dân chúng bình dân với kẻ cai trị. Nhưng cũng có một số trong giới nho sĩ tách ra, gọi họ là những sĩ phu yêu nước, nặng lòng với quốc gia, với sự tồn vong của dân tộc. Họ lui về chốn thôn dã hay thảo lư, thu nhận học trò để truyền bá cái đạo làm người, đạo làm kẻ sĩ trong thời kỳ đất nước có giặc.Thái độ chính trị, không hợp tác, và cuộc sống của giới sĩ phu yêu nước này, ảnh hưởng rất lớn đối với người bình dân. Cho nên, họ là những người dị ứng đối với những cuộc hôn nhân dị chủng, giữa người trong nước với ngoại nhân. Người ta gọi người Tàu là “thằng Chiệc” để tỏ ý khinh thị, tuy bên cạnh đó còn gọi họ là “chú Ba” thân thiện. Người đàn bà nào lấy chồng người Pháp hay Mỹ, đều bị coi rẻ bằng tên gọi “Me Tây”, “Me Mỹ”.Tóm lại là như vậy, từ trước năm 1975, cho dẫu sống trong cảnh nghèo, nhưng hầu hết người bình dânViệt Nam nào cũng không thiện cảm lắm đối với những phụ nữ lấy chồng ngoại nhân.Theo chúng tôi, có lẽ nền văn hóa truyền thống, đạo đức, lễ giáo gia đình, vẫn còn đậm nét, cũng như môi trường sinh hoạt nơi cư trú, ở thành thị cũng như ở nông thôn v.v…chưa bị pha trộn, quấy nhiễu, phân hóa trầm trọng như bây giờ; người phụ nữ vẫn còn những yếu tố để ràng buộc với gia đình, với làng xóm, nên họ không thấy có bất cứ một lý do nào để phải lấy chồng dị chủng, cho dù họ cũng thuộc tầng lớp nghèo, nhưng cái nghèo ngày ấy không gay gắt, không khốc liệt đến nỗi họ phải gạt nước mắt mà đi lấy chồng thiên hạ, để gọi là gửi tiền về giúp cha mẹ.
Thế nhưng, từ sau năm 1975, khi người Mỹ chấp thuận cho con lai Mỹ và những người có liên quan vào Mỹ , thì nổi lên chuyện “đi theo”, bằng “hôn nhân giả”. Giá của thời kỳ cuối thập niên 80 và đầu thập niên 90 thế kỷ XX là 3 cây vàng, bằng với giá một người bỏ ra để “vượt biên” bằng thuyền. Rồi sau đó là việc “môi giới”, giữa người ở ngoài và người trong nước, có khi là chính những người thân thuộc của gia đình đã định cư ở nước ngoài, muốn cho người thân của mình là các em gái còn ở Việt Nam ra ngước ngoài sống để có chị có em.Cũng có trường hợp hai bên trai gái “gặp” nhau trên mạng, sau thời gian chuyện trò qua lại, trao đổi hình ảnh, cuối cùng đi đến hôn nhân. Người viết bài này gặp hai trường hợp nam nữ thành vợ chồng theo diện này, một người là nữ, mở tiệc cưới ở một nhà hàng sang trọng, mỗi bàn tiệc nghe nói hơn 200 USD. Sau ngày cưới cô gái cũng về Mỹ với chồng.Hiện nay, họ sống tốt, có con, và mẹ cô gái đã sang chăm sóc cháu ngoại, sau khi ông ngoại của bé đã sang chơi với cháu ít tháng, rồi về vì ông nói với người viết , “buồn lắm, như thằng tù bị giam lỏng vậy, không đi được đến đâu, con cái chúng nó phải đi làm, có giờ đâu mà đưa mình đi chơi.” Trường hợp thứ hai là một thanh niên, tuổi ngoài 30, đẹp trai, tháo vát, linh lợi, là con “đỡ đầu” của người viết bài này.Sau mấy năm chuyện trò qua mạng, người bạn gái của cậu đã về Việt Nam, ra mắt “bố mẹ chồng tương lai”. Họ quyết định thành vợ chồng, hai người đi du lịch, chụp nhiều hình ảnh cận kề nhau, một dấu chỉ thân tình, để khi gọi cậu đi phỏng vấn, cậu trình bày giữa cậu và cô gái Mỹ gốc Việt kia thực tình yêu nhau, và muốn thành vợ chồng với nhau.Cậu được chấp nhận cho nhập cảnh Hoa Kỳ. Còn việc cưới xin, cậu nói với chúng tôi là để sang “bên đó” (tức đất Mỹ) sẽ làm sau.( Phía người công giáo, chúng tôi sẽ nói ở bài viết riêng vào kỳ tới).Trường hợp thứ ba : Cho con gái ra nước ngoài du lịch để kiếm chồng, nếu ưng ý thì ở lại luôn. Có người lần thứ nhất không xong, phải về VN, vì hết hạn giấy phép. Mấy tháng sau tiếp tục đi, lần này gặp người ưng ý, chấp nhận hôn nhân, thành vợ chồng Việt kiều. Mấy năm sau trở vể thăm cha mẹ còn ở VN, nhưng không dám (hay không còn muốn tiếp xúc với người lối xóm mà trước kia cô thường lui tới chuyện trò.)
Hôn nhân giả tạo
Ở đầu tiểu mục này, chúng tôi có nói đến con lai Mỹ, được chấp nhận cho sang Mỹ, cả người có liên quan đến con lai. Do vậy đã nổi lên hiện tượng “hôn nhân giả” một dạo, vì về phía người bỏ vàng ra “mua” cô hay cậu Mỹ lai nào đó, chỉ nhằm mục đích qua cách này để thoát khỏi Việt Nam mà thôi, sang đến bên đó rồi thì đôi “vợ chồng” này sẽ rã đám, chia tay nhau, đường ai nấy đi.Không mấy nghe nói có đôi “hôn nhân” nào như thế chấp nhận sống chung luôn với nhau không, sau khi sang tới Mỹ.
Cũng nên nói thêm, trong việc hôn nhân không bình thường này, cả hai phía nhà trai và nhà gái, đều biết rõ như thế, nhưng phía bỏ vàng ra “mua” thường thường sống trong tình trạng bị “bên kia” đòi hỏi hay là “vay mượn” tiền bạc, bao lâu “bọn trẻ” ấy chưa rời khỏi Việt Nam.
Chúng tôi có biết một gia đình đưa được ba người đi Mỹ theo lối “hôn nhân giả tạo” này.Năm 1990-1991, giá mỗi người là 3 cây vàng. Theo giấy tờ ký kết giữa hai bên, sau khi có giấy hôn thú, người “mua-phương-tiện” sẽ trả một nửa số vàng cho bên phía con lai, số còn lại sẽ trả khi nào “bọn trẻ” lên máy bay. Thực tế không như vậy. Bên người có con lai đòi lấy hết số vàng (3 cây) sau khi có giấy hôn thú. Nếu bên “mua” không chịu, bên kia có thể đòi hủy giấy hôn thú, làm tờ ly dị là xong ! Mặt khác dù đã nhận hết vàng, có trường hợp bên con lai vẫn thường lui tới nhà “bên này” đòi hỏi thêm hoặc yêu cầu may sắm quần áo hay những món linh tinh khác cho con họ. Thời gian chờ đợi để lên máy bay ra đi càng kéo dài, thì bên “mua” càng hồi hộp, nóng lòng, bất an.
Ngoài diện con lai Mỹ ra, ở Sài-Gòn (mặc dù Sài-Gòn đã đổi tên sau ngày 30-4-1975, người ta vẫn quen danh xưng cũ, vì vậy trong bài này chúng tôi có sử dụng đến tên Sài-Gòn thì đó là cách chúng tôi viết theo lối tường thuật gián tiếp, chứ không có ý nói đến các sự việc xảy ra ở Sài-Gòn trước ngày 30-4-1975), người ta còn thấy có hiện tượng người Mỹ gốc Việt về Việt Nam cưới vợ, nhưng đây cũng là một cách “giả tạo”.Cái gì có liên quan tới vấn đề này, từ giấy hôn thú cho đến việc mở tiệc “thành hôn”, mời bà con thân thuộc và bạn hữu đến dự chung vui, cũng là thật, chỉ khác một việc : khi qua được bên nước ngoài thì đường ai nấy đi, chia tay nhau.
Nhưng có một trường hợp, một cô gái có dáng dấp quý phái, sau khi thất bại về hôn nhân lần đầu, cô ly dị chồng.Một thời gian sau, cô xin cha mẹ cho ra nước ngoài, qua ngõ “hôn nhân giả tạo”. Cô được người giới thiệu với một Việt kiều Mỹ. Người này ra giá 30.000 USD.Sau khi rời Việt Nam sang tới Mỹ, người đàn ông này lại muốn chung sống với cô như vợ chồng . Cô cự tuyệt.
Một vài số liệu về ly hôn và nguyên nhân
Trên đây chỉ là một phần nhỏ, một góc cạnh trên một bản đồ về vấn đề hôn nhân tại Việt Nam từ sau năm 1975. Đây là một cái mốc thời gian quan trọng để đánh giá lại tất cả những vấn đề thuộc về nhân sinh.
Sài-Gòn của ngày trước, nay là Tp.Hồ Chí Minh, đang ngập ngụa người là người, xe cộ và máy móc về công nghiệp, về phát triển đường xá, xây dựng. Thanh niên thiếu nữ khắp nơi tìm đến, có mặt ở mọi lãnh vực, từ công đến tư, từ đi học đến đi làm. Gia đình nào ở quê hay ở các thị trấn, ở xã hay quận huyện khá giả, thì mua nhà cho con cái ở, để đứa thì đi học, đứa đi làm.Vì vậy, Sài-Gòn bây giờ xô bồ nhếch nhác, làm thay đổi bộ mặt hiền hòa trước kia, làm đảo lộn trật tự từ trong nhà ra đến đường phố Nam nữ gặp nhau trong bối cảnh này. Họ yêu vội, sống vội, lấy nhau cũng vội.Cặp nào chín chắn một tí thì thỏa thuận “sống thử”.
Ở vùng quê miền Bắc, có làng chưa đầy 3000 người, nhưng hàng năm đã có từ 300 – 500 thanh niên nam nữ, học hết cấp II hoặc cấp III, có khi chưa hết cấp II đã rời xa cha mẹ để đi tới những thành phố lớn làm ăn. Lớp trẻ này sống xa nhà, không có gì ràng buộc, ngoại trừ tôn giáo và tình tự gia đình, nên khó tránh bị cuốn hút vào những thứ giải trí không lành mạnh, vốn đầy tràn ngoài xã hội, từ phim ảnh, sách báo v.v…Thành phần này, lập gia đình thì còn trẻ, chưa có ý thức về trách nhiệm làm cha làm mẹ, song do bị dụ dỗ hay ham vui, không tự chủ được bản năng, họ đi tới hành động để có thai và rồi giải quyết hậu quả bằng nạo hay phá cái thai.
Theo Cục Thống Kê Tp.HCM, Niên Giám thống kê 1992 cho biết : Năm 1992, có 75 ngàn phụ nữ sinh con, thì số người nạo thai là 139 ngàn người. Như vậy, cứ 100 phụ nữ sinh thì có 180 người nạo thai. Đấy là một chứng cứ về tội ác của con người, nó cũng nói lên về sự thiếu hiểu biết về sinh lý, sinh sản của người phụ nữ, đồng thời cũng nói lên phần nào tình trạng ăn chơi và sa đọa của người dân thành phố cũng như của giới trẻ, một thành phần mà theo thống kê của vài bệnh viện thì, trong năm 1992, có 9.500 em gái dưới 20 tuổi đã đi nạo phá thai, chỉ riêng ở Tp.HCM, thực tế chắc chắn phải nhiều hơn.(Theo Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn : “Giới trẻ và Giáo hội Việt Nam”, bài tham luận đọc tại khóa Bồi dưỡng của Liên Dòng Mến Thánh Giá toàn quốc, năm 1993, chuẩn bị cho năm Quốc Tế về Gia Đình, 1994.)
Một số khác thì đi đến hôn nhân, có cha mẹ hai bên chứng giám, có lập hôn thú. Tuy nhiên, cặp vợ chồng trẻ nào vượt qua được 5 năm đầu với một đứa con thì có hy vọng họ chung sống lâu với nhau được, bằng không thì ly dị. Tình trạng này không phải ít, ngay người công giáo cũng rã gánh giữa đường, có cặp thì qua tòa hôn phối, có cặp không. Họ biết như thế là không được, đành không dám đi nhà thờ, hoặc có đi nhưng không rước lễ.
Về nguyên nhân đưa đến ly hôn, theo chúng tôi, một trong hai người không có nền móng về đạo lý, không có truyền thống văn hóa của gia đình, hoặc vì hai người ở hai miền khác nhau rất xa, rất khác biệt. Ví dụ như, người thì ở Sài-Gòn, người kia ở ngoài Bắc, một người thích ăn ngon mặc đẹp, còn một người thì hà tiện, không cần mua sắm gì gọi là tiện nghi văn minh quá trình độ hiểu biết của mình; hoặc một người quá cộc cằn, thô lỗ, thiếu văn hóa , không có tinh thần mà chỉ thuần vật chất v.v…
Hiện nay ở Sài-Gòn còn một hiện tượng nữa là, con trai lấy vợ đều là người ở xa, Phan Thiết, Nha Trang, Ban-mê-thuột, Vĩnh Long, An Giang, Đồng Tháp v.v…Có lẽ các cô gái khôn ngoan này tính chuyện, mình lấy chồng thành phố thì sẽ được chuyển hộ khẩu theo chồng.
Trong bài tham luận của Lm Antôn Nguyễn Ngọc Sơn trên đây, ngài có một nhận xét khái quát về tình hình gia đình Việt Nam từ mấy thập niên đến nay, cả giới trẻ là đối tượng tìm hiểu, mổ xẻ của bài tham luận. Ngài nói : “Chúng ta có thể nói rằng gia đình Việt Nam hiện nay đang bị xáo trộn rất nhiều suốt từ năm 1945 đến nay. Nhiều gia đình sống không ổn định vì phải thay đổi chỗ ở nhiều nơi do tình trạng chiến tranh, thất nghiệp. Hàng triệu người lính cả hai miền Nam Bắc cứ di chuyển mãi trong suốt quãng đời chiến đấu của mình. Rồi tâm lý lo sợ chiến tranh, yêu cuồng sống vội vì chiến tranh đã làm cho những đứa trẻ được sinh ra từ năm 1970 đến nay phần nào cũng không ổn định về tâm lý. Hơn nữa, các đôi vợ chồng trẻ trong thời gian chiến tranh không được chuẩn bị kỹ lưỡng về cuộc sống lứa đôi. Do đó, hạnh phúc nhiều gia đình có thể nói là bị tan vỡ hoặc bị hủy hoại dẫn đến chuyện ly hôn, ly thân. Chúng ta có số liệu chứng minh sau đây trong cả nước tính từ tuổi 13 trở lên theo thống kê năm 1990.Trong tổng số 24.380.379 người có vợ, có chồng thì đã có 2.819.453 ở góa, 229.223 ly hôn, 270.195 ly thân. Chỉ riêng Tp.HCM ta thấy : năm 1990, có 58.874 người kết hôn, thì có 8.812 người ly hôn, tỉ lệ 15%; năm 1991, có 61.542 người kết hôn, thì có 9.456 người ly hôn, tỉ lệ 15,4%; năm 1992, có 63.340 người kết hôn, thì có 9.658 người ly hôn, tỉ lệ 15, 2%. (Thống kê 1992)
Chúng ta ghi nhận đây chỉ là căn cứ vào những vụ ly hôn được Tòa án quận, huyện công bố. Cứ 100 người kết hôn có 15 người ly hôn.
Trong thực tế, số gia đình tan vỡ còn cao hơn nhiều, bởi vì một khi không còn yêu thương nữa, thì dù Tòa án có cho phép hay không, người ta vẫn xa nhau. Hoặc dù ở chung một nhà nhưng không thèm nhìn mặt nhau. Trong một gia đình bất hạnh như thế, các đứa trẻ sẽ khổ sở cả về vật chất lẫn tinh thần biết bao ! Con số ước tính những gia đình không hạnh phúc lên tới 60%. Các em bất mãn với gia đình, không chịu nổi cảnh cha mẹ đánh nhau, chửi nhau mỗi ngày nên đã bỏ nhà ra đi, sống lang thang vất vưởng ở gầm cầu, hè phố.”
Những con số người ly hôn trên đây không giảm, mà theo thời gian những năm sau đó, con số này tăng cao, căn cứ vào số liệu từ Hội Liên Hiệp Phụ Nữ Tp. HCM đã cho thấy điều đó : 78,66% phụ nữ Việt Nam sống ở nông thôn, lao động chủ yếu bằng chân tay theo kinh nghiệm cổ truyền, mức thu nhập thấp; trong 10% người Việt Nam mù chữ trên tổng số 76 triệu dân thì đã có đến 70% là phụ nữ, trong 10 năm qua, tỉ lệ phụ nữ ly hôn vì bị chồng ngược đãi chiếm từ 30-60% tại các tỉnh thành (năm 1994 : có gần 17.900 phụ nữ bị đánh đập, ngược đãi xin ly hôn; năm 1995 : gần 25.000 người; năm 1996 :gần 20.000 người) (Dẫn theo báo Công giáo và Dân tộc số 1199 từ 12-18/3/1999).
Chúng tôi, với cái tuổi ngoài 70 mà lúc này đi viết về vấn đề hôn nhân, thì thật là một việc tự mang vào thân nỗi nhức nhối, ưu tư, phiền muộn vốn tự bản thân đã chuốc lấy trầm cảm từ lâu.Tuy nhiên, đây là một sự thật trong thời đại của mình, nên không thể tránh né. Chỉ có điều, viết về những vấn đề văn hóa, đạo đức, gia đình và hôn nhân trong thời mình đang có mặt, chúng tôi không thể tránh được chủ quan, mặc dù vẫn cần phải có chứng cứ là các tài liệu, không phải là tài liệu của người Việt ở nước ngoài, mà chính là từ sách báo được phổ biến trong nước, để một phần nào chứng thực tính xác thực của nó.
Ngày 18-9-2009
(Kỳ sau : Hôn nhân không cùng tôn giáo)
Khải Triều
Ghi chú : Dấu (*) do chúng tôi đặt tiểu mục.
Views: 0